Góc Hoài niệm
Đoàn kết các tầng lớp Nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế
10:10 | 19/08/2022


DƯƠNG HOÀNG

Đoàn kết các tầng lớp Nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế
Báo chí cách mạng được xuất bản ở Huế giai đoạn 1930 -1947 như: Cứu quốc, Người lao khổ, Quyết chiến...- Ảnh: internet

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VIII họp tại khu rừng Khuổi Nậm, tỉnh Cao Bằng, từ ngày 10 đến 19/5/1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; Hội nghị đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đánh Pháp đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Mặt trận Việt Minh ra đời thay cho Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương. Từ lúc này, Mặt trận Việt Minh phải đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu, với “Chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”(*).

Huế là cuộc địa mà những ai sinh trưởng sẽ tiếp nhận một đời sống tinh thần giàu sắc thái tín ngưỡng về thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ các anh hùng dân tộc, các vị thần khai canh khai khẩn mở đất lập làng; và cũng là nơi đa phần người dân theo tôn giáo này hay tôn giáo khác. Mặc dù xứ Huế có nhiều tôn giáo, nhưng phần đông nhân dân lại theo đạo Phật hoặc Thiên Chúa giáo, là hai tôn giáo lớn có nhiều ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Nhưng, dù theo tôn giáo nào thì người dân Huế cũng là những đạo hữu thuần thành sâu nặng với đức tin giáo lý mà mình đã chọn. Họ thờ Phật, kính Chúa và yêu nước.

Nhìn về bản chất sâu xa từ thuở khởi nguồn đến nay thì tất cả các tôn giáo đều muốn hướng con người đến sự Công bằng, Bác ái, lấy Chân, Thiện, Mỹ làm mục tiêu xử thế; cầu mong cho trời đất yên ổn, giang sơn thái bình, người dân yên ổn làm ăn và có một cuộc sống hạnh phúc. Thờ Phật, cầu Chúa và các vị Thánh mong mọi điều may mắn cho cuộc sống thường ngày. Chính vì thế mà không ai muốn khổ cực, không ai muốn chiến tranh xảy ra bất cứ ở đâu dù dưới hình thức gì.

Dẫu rằng muốn yên ổn, cặm cụi làm ăn, nhưng hễ mỗi khi quốc gia bị xâm lăng, dân tộc bị áp bức thì mọi người dân Việt, bất kể là theo tôn giáo nào họ cũng không thể ngồi yên và phó mặc cho số phận. Họ phải đoàn kết lại và cùng đứng lên đánh đuổi ngoại xâm, giành lấy độc lập, tự do cho xứ sở.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là nhờ sức mạnh đoàn kết cứu nước của cả dân tộc chung quanh Mặt trận Việt Minh, trong đó có vai trò to lớn của đồng bào tôn giáo.

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu đánh giá và khẳng định: Cách mạng Tháng Tám thành công ở Huế có sự đóng góp của đồng bào Thừa Thiên Huế, sự góp phần to lớn của các tín đồ Phật giáo và Thiên Chúa giáo.

Để có cơ sở hiểu thêm về những đóng góp tích cực của đồng bào các tôn giáo vào những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám vừa giành được chính quyền và giữ chính quyền ở Thừa Thiên Huế, chúng tôi xin cung cấp một số tư liệu mới sưu tầm được từ những tờ báo cách mạng xuất bản ở Huế. Đó là tờ nhật báo Quyết Chiến của Thành bộ Việt Minh Thuận Hóa, số 01 ra ngày 27/8/1945; tuần báo Quyết Thắng của Việt Minh Nguyễn Tri Phương (tên bí danh của tỉnh Thừa Thiên) số 01 ra ngày 01/10/1945 và tờ tuần báo Chiến Sĩ, cơ quan của Ủy ban Quốc phòng Thừa Thiên, số 01 ra ngày 16/11/1945.

Dưới đây là những trang tư liệu về một số hoạt động ủng hộ chính quyền nhân dân của hai tôn giáo được báo chí cách mạng công bố rộng rãi từ ngày đầu mới thành lập Nhà nước mới.

Báo Quyết Chiến số 7 ra ngày 1/9/1945 đã đăng bức điện văn của Liên đoàn Công giáo Hà Nội gửi vào cho giáo phận Huế thông báo: “Chính phủ Dân chủ cộng hòa Việt Nam ưng thuận và công nhận lễ các Thánh Tử đạo ngày mồng 2 tháng 9 là quốc lễ: Công giáo tổ chức khắp các nhà thờ Việt Nam để cầu cho nền độc lập được bền vững. Xin đức cha loan báo cho địa phận xin mời đại biểu Chính phủ tới dự lễ. Đức cha Hà Nội đã báo cáo Xứ và đánh điện báo tin cho Khâm sứ Tòa thánh”.

Bức điện văn này như một thông điệp của Liên đoàn Công giáo Hà Nội được truyền đi làm cho mọi giáo dân ở Thừa Thiên vui mừng, phấn khởi trước sự tôn trọng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính vì thế mà sáng Chủ nhật mồng 2 tháng 9 tại “Giáo đường Phủ Cam đã cử hành một cách long trọng lễ cầu Thánh Tử đạo Việt Nam. Lễ này cốt ý xin Thiên Chúa che chở cho nền độc lập nước nhà được vững chắc. Ngày lễ này đã được Chính phủ Dân chủ Cộng hòa công nhận là quốc lễ và đã cử hành cùng một ngày trong các giáo đường toàn quốc”.

Báo Quyết Chiến tường thuật buổi lễ ấy như sau: “Đúng 7 giờ, đại biểu của Ủy ban Nhân dân cách mệnh tỉnh Thừa Thiên là Chủ tịch Tôn Quang Phiệt đến, có cha Hiền, Thần học Luật khoa Tiến sĩ, chực đón tiếp bên dưới nhà thờ. Các đại biểu Chính phủ đi ngang qua một khải hoàn môn bằng lá trên có tấm biển đề: “Hoan hô Chính phủ Lâm thời Việt Nam” rồi vào giữa các đoàn Thanh niên công giáo sắp hàng từ hai bên bồn hoa trước nhà thờ. Trên sân thứ nhất, ban âm nhạc của Đội Dân vệ cử hành bài “Thanh niên cứu quốc ca”. Trước tiền đường nhà thờ trang hoàng rực rỡ dưới hai ngọn cờ của Tòa thánh và Nước nhà. Cha Hân, Bề trên Hội giáo Phủ Cam, đón rước đại biểu Chính phủ theo lễ nghi giáo hội” (1).

Cuộc lễ bái long trọng, do cha Bề trên Hân (Linh mục Nguyễn Hân) chủ trì, cử hành trước một cử tọa đông đảo. Đến dự lễ, còn có đoàn đại biểu Trung Hoa ở Thuận Hóa.

“Giữa buổi lễ, cha Hân có đọc một bài diễn văn nói đến cái ý nghĩa cuộc lễ hôm ấy. Sau khi tỏ lời ủng hộ Chính phủ Lâm thời và phác qua cái tinh thần oanh liệt của các Thánh Tử đạo đã hy sinh vì tín ngưỡng và trung thành hoàn toàn với Tổ quốc, ngài nói: “Lãnh thổ của nước nhà là di sản của ông cha chúng ta để lại. Chúng ta có bổn phận phải bảo tồn, phải tô điểm cho di sản ấy càng ngày càng thêm vẻ vang, phong phú”.

“Sau cha Bề trên Hân tóm lại năm điều tâm niệm của một công dân Thiên Chúa giáo:

1. Người Công giáo tôn trọng lòng ái quốc chân chánh.

2. Người Công giáo phải yêu nước gấp đôi để phá tan những sự ngờ vực của một số đồng bào.

3. Độc lập là ước vọng của mọi dân tộc.

4. Phụng sự Thiên Chúa càng thành thật thì càng trung thành với Tổ quốc.

5. Tôn giáo và Quốc gia phải đi đôi như hai bánh xe đồng xoay vần mới chở đặng quốc dân tới hạnh phúc đời này và đời sau”.

“Sau cuộc lễ, tại tiền đường nhà thờ, trước các đoàn thể thanh niên Công giáo và công chúng, ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban Thừa Thiên, nói rằng ông rất lấy làm cảm động được thấy người Công giáo chặt chẽ đoàn kết lại và đi sát cánh với đồng bào. Có những kẻ manh tâm tuyên truyền rằng Chính phủ này sẽ bài trừ đạo Công giáo. Những bọn ái quốc giả hiệu ấy sẽ bị Chính phủ thẳng tay trừng trị. Chính phủ trọng các tôn giáo. Chúng ta khác tôn giáo nhưng vẫn là con cháu một nòi giống. Bổn phận chúng ta ngày nay là phải đoàn kết lại cho thật chặt chẽ để chống với những nguy hiểm ở ngoài đến”.

Ông Chủ tịch vừa dứt lời thì tiếng vỗ tay hoan hô nổi lên vang động, tiếp đến tiếng nhạc hòa lẫn tiếng hát của các đoàn thanh niên Công giáo cử bài “Thanh niên cứu quốc ca”.

“Các đại biểu của Chính phủ rời khỏi giáo đường giữa hai hàng thanh niên đứng hai bên sân nhà thờ cho xuống đến khải hoàn môn dựng ở sân dưới bồn hoa trước ngọn cột cờ trên phất phới lá cờ đỏ sao vàng tươi thắm”(2).

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng mọi tự do tín ngưỡng của đồng bào. Nhưng Chính phủ kiên quyết loại bỏ những kẻ giả mạo, đội lốt tôn giáo chống phá Nhà nước mới, làm chia rẽ khối đại đoàn kết. Để khẳng định điều này, Ủy ban Nhân dân Lâm thời Thừa Thiên đã tỏ rõ thái độ dứt khoát của chính quyền đối với những người Pháp Công giáo:

“Một số linh mục Pháp đã lợi dụng đến tôn giáo thiêng liêng của Đức Chúa Trời để làm tay sai cho bọn quân phiệt Nhật.

Đối với những kẻ ấy, ngay bây giờ chúng cũng vẫn còn lẩn lút làm việc cho bọn phát xít ẩn núp sau hình ảnh đau thương của Đấng Cứu Thế, chúng ta cần phải có một thái độ cương quyết để diệt trừ.

Nhưng còn đối với những người Pháp Công giáo, linh mục hay tín đồ, phụng sự Thiên Chúa thành thật, chúng ta phải nên kính trọng lòng tín ngưỡng của họ. Tôn giáo không riêng gì của một xứ sở nào? Và lòng tin là khắp của cả nhân loại. Chúng ta phải xem những người Pháp Công giáo cũng như đồng bào Công giáo của ta nếu họ không mượn danh nghĩa Đức Chúa Trời để làm tổn hại đến quyền lợi của đất nước chúng ta - Tự do tín ngưỡng cũng như các quyền tự do khác của cá nhân trong xã hội cộng hòa dân chủ, mà nước Việt Nam ngày nay đã là một phần tử, chúng ta không nên vì sự phản kháng một bọn người Pháp có dã tâm xâm lược Đông Dương mà thù ghét lây đến những người Pháp Công giáo - cũng như đối với những người Pháp không phải tay sai của De Gaulle.

Chúng ta cần có một thái độ quân tử khiến người Pháp phải trọng mình về mặt tinh thần - Phương chi về việc ngoại giao quốc tế, mà hoàn cảnh hiện thời bắt buộc chúng ta phải có một thái độ hết sức khôn khéo, chúng ta không bao giờ xâm phạm đến lòng tín ngưỡng của người khác, dù là Pháp hay Việt Nam.

Riêng phần người Việt Nam, ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên đã có tuyên bố: “Chính phủ sẽ nghiêm trị bọn ái quốc giả hiệu tuyên truyền sự chia rẽ giữa người Công giáo và quốc dân - Chính phủ trọng các tôn giáo.

Còn đối với người Pháp Công giáo không có dã tâm mong chiếm lại Đông Dương như đã nói trên, chúng ta cần thận trọng, tử tế cùng họ - vì họ không phải là những kẻ thù của chúng ta”(3).

Trước những khó khăn của đất nước vừa giành được độc lập, còn rất nhiều bề bộn lo toan, lòng người phân tán, “Các vị tăng ni thuộc bộ phận Việt Minh đã tổ chức một đoàn “Phật giáo hộ quốc” và lập một ủy ban trông nom giúp đỡ các tăng ni xin sung vào đoàn quân ấy”. Và Công giáo cứu quốc đoàn kêu gọi “Các anh em chị em Công giáo Việt Nam ở Bắc Bộ đã chiến đấu trong Mặt trận Việt Minh vừa lập “Thanh niên Công giáo cứu quốc đoàn” để ủng hộ Chính phủ Nhân dân tham dự vào công cuộc bảo vệ đất nước”(4).

Cùng thời điểm ấy tại tỉnh Ninh Bình “Đức cha Nguyễn Bá Tòng mới chủ tọa tại nhà thờ lớn Ninh Bình một cuộc lễ rất long trọng để cầu nguyện cho nền độc lập Việt Nam được thịnh vượng. Bổn đạo và các đoàn thanh niên chừng lối hai vạn người tới chầu lễ và biểu tình hoan hô Chính phủ Nhân dân Việt Nam”(5).

Trước đó một ngày, với sự hưởng ứng tích cực “Tại Hà Nội, ba vạn dân Công giáo có họp thành một cuộc mít tinh để tỏ quyết tâm của dân Công giáo ủng hộ triệt để nền độc lập Việt Nam”...

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Ủy trưởng Kinh tế có hô hào anh em Công giáo nên đem hết tâm lực, tài năng ra giúp nước đã cải chính một ý tưởng sai lạc của nhiều người cho rằng dân Công giáo hờ hững với nền độc lập nước nhà.

Một đại biểu của phụ nữ cũng đứng lên hiệu triệu chị em Công giáo.

“Trước lúc giải tán toàn thể đều biểu quyết một lời hô hào đại ý nói ba vạn dân Công giáo ở Bắc Bộ đại diện cho 2 triệu dân Công giáo trong toàn cõi Việt Nam, thiết tha yêu cầu 400 triệu dân Công giáo khắp hoàn cầu ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(6).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, các tín đồ Phật giáo ở Thừa Thiên Huế đã tích cực hưởng ứng Tuần lễ vàng do Ban Trị sự Sơn môn Thuận Hóa tổ chức, đã có lời kêu gọi các tín đồ Phật giáo như sau:

“Tuần lễ vàng đã mở vào hôm 17/9/1945 để giúp Giải Phóng quân củng cố nền độc lập trong phút tồn vong rất khẩn thiết.

Toàn thể tín đồ Phật giáo ta hằng ngày đã được huân đúc từ bi hỉ xả của Phật. Vậy không lúc nào bằng lúc này, chính là cơ hội để cho ta tỏ cho quốc dân biết lòng bố thí hy sinh của Phật giáo.

Hỡi tín đồ Phật giáo! Nước còn là gia đình hạnh phúc còn, là tôn giáo tín ngưỡng còn. Vậy Ban Trị sự Sơn môn Tăng già chúng tôi rất thiết tha yêu cầu các ngài hãy mở rộng lòng ra mau mau đem vàng đến cúng Quỹ Giải phóng được dồi dào thì nền độc lập nước nhà được bền vững”.

Phật dạy: “Cúng dường chúng sanh tức cúng dường chư Phật vậy”.

Và để có một tổ chức thống nhất hành động, ngày 19/9/1945, Ban Trị sự Sơn môn Tăng già cùng Ban Trị sự Hội Việt Nam Phật học ở Thuận Hóa đã nhóm họp để thành lập Đoàn Việt Nam Phật giáo cứu quốc. Mục đích đoàn kết toàn thể Phật giáo, để theo tinh thần dụ thừa của Phật giáo, chống ngoại xâm và giữ vững nền độc lập của nước nhà.

Sau khi bàn việc, toàn thể đã quyết nghị chương trình hành động và cử một Ban Chấp hành tạm thời để tiến hành công việc.

Ủy ban Chấp hành lâm thời, sau khi nhận việc đã tổ chức một cuộc tổng biểu tình vào ngày 30/9/1945, lúc 9 giờ 30 sáng tại chùa Từ Đàm, để cầu nguyện cho nước nhà được độc lập vĩnh viễn; ủng hộ Chính phủ Nhân dân, tỏ lòng cương quyết chống ngoại xâm. Hôm ấy có đọc tờ tuyên ngôn của Đoàn Việt Nam Trung Bộ Phật giáo cứu quốc và đọc bài diễn văn “Phật giáo và Quốc gia”.

Ủy ban Chấp hành lâm thời Đoàn Việt Nam Trung Bộ Phật giáo cứu quốc ngoài việc khuếch trương công việc cứu quốc, còn có nhiệm vụ hô hào cổ động thành lập các đoàn cứu quốc ở các tỉnh thuộc về Trung Bộ để đi đến sự thành lập Phật giáo cứu quốc toàn quốc”(7).

Cùng với các hoạt động của Phật giáo, vào chủ nhật ngày 23/9/1945, lúc 8 giờ sáng, “anh chị em Công giáo Thừa Thiên tổ chức một cuộc biểu tình tại sân vận động hội thể dục Thuận Hóa để cầu nguyện cho nền độc lập Việt Nam và hưởng ứng với cuộc biểu tình Công giáo trung ương ngày 16/9 tại Hà Nội. Mọi người bày tỏ tinh thần ái quốc của người Công giáo và ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”(8). Sau lễ cầu nguyện đoàn biểu tình diễu hành qua các phố.

Trong thời kỳ nguy biến này các Phật tử, các hội Phật giáo phải nên thế nào? Đấy là lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Mật Thể với toàn thể đạo hữu: “Đạo Phật là một đạo lấy chủ nghĩa Từ bi cứu thế làm tôn chỉ; hễ chúng sinh khổ là mình khổ, chúng sinh vui là mình vui; nên những đệ tử nào biết thể theo lòng từ bi của Phật mà tích cực hoạt động, làm việc lợi ích cứu khổ cho chúng sinh, thì có thể gọi người ấy là Bồ Tát hay Chơn Phật tử.

Ở vào thời thái bình thì đạo đức, tôn giáo có đặc biệt được nhàn nhã tu luyện, không bận bịu đến việc đời, không ai nói đến.

Nhưng nếu ở vào thời kỳ nguy biến thì sao?

Trong lúc này, quốc gia đương ở vào một tình thế rất nghiêm trọng, sự hưng vong của Tổ quốc sẽ định đoạt trong những ngày sắp đến đây!

Đứng trước tình thế ấy, ai là người có lòng từ bi cứu thế đâu lại làm lơ, mà chỉ biết ích kỷ, tìm sự yên vui riêng một mình, một chùa mình, một gia đình mình mà cho đó là hạnh phúc?

Các Phật tử, các hội Phật giáo chấn hưng, đều thể theo lòng từ bi cứu thế của Phật mà làm việc hoằng pháp lợi sinh, cứu nhân độ thế làm mục đích, vậy ở trong thời kỳ nguy biến nghiêm trọng này, ta cần phải huy động tất cả để ra gánh vác với Quốc dân bảo vệ nước nhà trong phút tồn vong, cứu giúp mọi người trong cơn nguy biến. Như thế mới hiệp với nghĩa từ bi, cứu thế, tự lợi, lợi tha của Phật tử.

Hỡi các Phật tử! Hỡi các hội Phật giáo chấn hưng! Không lúc nào bằng lúc này, ta phải đoàn kết chặt chẽ, cùng nhau quây quần bên chiến tuyến nhân dân, ủng hộ Chính phủ Nhân dân để giành lại tự do độc lập cho nước nhà.

Hỡi các người! Nước còn, là Dân còn, đạo đức tôn giáo còn. Vậy chúng ta hãy mau mau đứng dậy, cương quyết mạnh dạn nhúng tay vào công việc. Tuy hiện giờ Sơn môn Tăng già Thuận Hóa đã có một nhóm người đi học cứu thương, nhưng thiết tưởng đó chỉ là mới một việc, hãy còn bao nhiêu công việc đáng làm nữa. Và đó chỉ là một việc làm còn ở trong phạm vi khu vực, chứ chưa phổ biến toàn quốc. Ta cần phải làm sao huy động tất cả, cho toàn thể các phần tử Phật giáo trong nước đoàn kết và ra gánh vác các công việc; hoặc tham gia vào việc tuyên truyền, để truyền bá tư tưởng cộng hòa, ủng hộ Chính quyền Nhân dân, hoặc lập nên Ban cứu tế, hợp tác với các Hội từ thiện, lạc quyên các nhà tài hào tư bản, lấy tiền, gạo trữ lại để giúp Quỹ Độc lập v.v...

Kinh Phật dạy: “Hết thảy công ăn việc làm ở thế gian đều là Phật pháp”.

Vậy những việc làm ấy tôi tưởng không bao giờ trái với Phật pháp, mà chính công việc là một Phật pháp.

Các Phật tử, các nhân viên các hội Phật giáo là những người đã huấn luyện lòng từ bi cứu thế, tinh thần vô úy của Phật, chắc các ngài sẽ mạnh mẽ, ra làm các công việc mà không chút rụt rè, e sợ.

Tôi rất thành tâm mong cầu các Phật tử, các hội Phật giáo trong nước lưu ý đến.

Mật Thể”(9).

Cuộc biểu tình vĩ đại của anh em Công giáo: “Hưởng ứng với anh em Công giáo ngoài Bắc, các anh em Công giáo ở Thuận Hóa và các miền lân cận hôm qua đã tổ chức một cuộc biểu tình vĩ đại tại sân thể dục gần chợ Đông Ba để cầu nguyện cho nền độc lập nước nhà.

Trên bãi cỏ, từ hôm trước anh em Công giáo đã dựng lên một giáo đường toàn bằng tre và vải, tuy đơn giản nhưng không kém vẻ hùng tráng tôn nghiêm. Ngoài số giáo hữu trên một vạn người - trong số ấy có bà Vĩnh Thụy là cựu Hoàng hậu; có Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Trung Bộ và ông Chủ tịch Ủy ban Thừa Thiên, các nhân viên khác trong hai ủy ban và một đoàn đạo hữu Hoa kiều.

Đúng 8 giờ, sau lễ chào cờ có đội nhạc Dân vệ cử bài Thanh niên cứu quốc ca và bài Lễ thiều của Giáo hội, cha Hân đứng ra hành lễ trước tượng Đức Chúa Trời, cầu nguyện cho nền độc lập Việt Nam được vững bền và dân tộc Việt Nam đời đời hưởng hạnh phúc. Cha Thích đứng trước máy truyền thanh, nói về lẽ nhiệm mầu của Chúa Trời đã ban ơn lành cho chúng ta được độc lập mà không đổ máu.

Đại biểu Chính phủ cũng ngỏ mấy lời kêu gọi đồng bào Công giáo hãy hợp tác với toàn thể quốc dân để phá tan các mưu mô xâm lược”(10).

Báo Chiến Sĩ, cơ quan của Ủy ban Quốc phòng Thừa Thiên, số 2 ra ngày 23/11/1945, ở mục “Trên Đài Danh Dự - Tổ quốc ghi tên các anh”, những chiến sĩ Vệ Quốc đoàn hy sinh vì đất nước trong khi đang chiến đấu ở các mặt trận Xuân Lộc, Nha Trang, mặt trận Lào... đã vinh danh tưởng niệm anh “Đinh Doãn Thọ, sinh ngày 9/12/1924, quê làng Truyền Nam, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Chiến Sĩ xin nghiêng mình trước vong linh các anh. Chiến Sĩ lại yêu cầu các Ủy ban Nhân dân địa phương cùng đồng bào săn sóc đến các tang gia, để tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với những người chết vì Tổ quốc”.

Cũng vào ngày 23/11, tại Nhà thờ Phủ Cam đã diễn ra buổi lễ cầu hồn cho chiến sĩ Đinh Doãn Thọ. Báo Quyết Chiến ra ngày 24/11 viết: “Sáng hôm qua tại nhà thờ Phủ Cam đã cử hành lễ cầu hồn cho anh Đinh Doãn Thọ, một chiến sĩ thanh niên Công giáo đã bỏ mình tại mặt trận Lào.

Dự lễ có Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Trung Bộ, đại biểu Việt Minh, đại biểu các trường quân chính và đại biểu các đồn cùng một số đông chiến sĩ Quốc Vệ đoàn.

Anh Thọ là một chiến sĩ đầy lòng hy sinh dũng cảm. Ở mặt trận Lào, mặc dầu được phép ở hậu phương anh nhất quyết xin ra tiền tuyến giết giặc. Anh bị tử trận sau khi đã hạ được một tên thiếu úy Pháp”(11).

Cũng trong ngày 23/11, tại Huế, một cuộc biểu tình rầm rộ của hàng vạn người do Đoàn Công giáo Cứu quốc tổ chức để ủng hộ Chính phủ. Tại cuộc biểu tình này Ban Tổ chức đã có bài hiệu triệu chị em Công giáo:

“Cùng chị em,

Thiên Chúa đã dựng lên phái nữ, thì ngài đã giao cho bao nhiêu sứ mệnh. Sứ mệnh ấy, bao giờ ta chết, mới gọi là xong. Không nói, ai cũng biết! Hết ngày phụng dưỡng song thân, thì lại đến việc chồng và con.

Chồng con, đó cũng đã được gọi là một quốc gia nho nhỏ mà ta có phận sự phải lo lắng cho mọi người được chu toàn. Sinh con, nuôi con, xây dựng cho con, cái đó, nó đã choán cả chương trình đời sống của gia đình.

Chị em chúng ta trong phạm vi ấy cũng đã chiếm một địa vị rất quan trọng với nước nhà, với xã hội.

Ngày nay, chị em có thấy ta càng nhiều nhiệm vụ hơn không? Chị em có thấy gánh nặng bổn phận ta càng nặng nề hơn không? Quốc gia gặp lúc hữu sự, anh em, chồng con tiến ra mặt trận, chúng ta phái yếu, dù ở nhà cũng rất có thể liên lạc giúp một tay đắc lực cho nước non, lúc anh em, chồng con đang vất vả trong đồn trong lũy, hay nếm mật nằm gai nơi chiến địa; chúng ta cũng có thể sung vào các đội quân riêng dành cho phụ nữ: tiếp tế, cứu thương, khâu vá v.v.

Không lúc nào bằng lúc này, ta phải tham gia vào công việc xã hội.

Mà muốn được đắc lực, ta phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, không còn phân biệt giàu có sang hèn; bây giờ không luận là giai tầng cao thấp. Một lòng một ý, tay bắt tay vào công việc theo sự chỉ đạo của Chính phủ.

Đoàn kết mới nên sức mạnh mà diệt kẻ thù chung.

Hỡi chị em đồng bào Công giáo yêu nước yêu nòi, chết vì Tổ quốc, hy sinh vì bảo vệ lãnh thổ, ta phải có phần trong ấy, ta phải chiếm một địa vị trong ấy.

Hãy trỗi dậy, hãy cam đảm, hãy tiến lên.

Nước nhà mong mỏi ta.

Quốc gia đang chờ đợi ta.

Đồng bào tin ở ta, hy vọng nhiều ở ta.

Chị em còn lưỡng lự gì? Chị em còn do dự gì mà không tham gia vào việc kiến thiết quốc gia và việc củng cố nền độc lập.

Ngoài công việc nuôi và dạy con nên người công dân yêu giống nòi giang sơn, chị em ta đừng hững hờ nữa.

Song, đối với riêng Công giáo chúng ta, ta phải xây đắp cao công việc ấy vào nền tảng tôn giáo ta. Việc gì mà có Chúa để làm gốc, là ta sẽ làm được ngay; phải, ta sẽ thành công; ta sẽ vui vẻ; ta sẽ sung sướng; ta sẽ tự an ủi dù ta phải hy sinh đến cả tính mệnh ta; nếu các việc ấy ta làm, ta chịu, vì Chúa - cho sáng danh Chúa, đẹp lòng Chúa, theo khẩu hiệu: Vì Chúa - vì Tổ quốc.

Bây giờ chị em hãy cùng tôi hô to: Việt Nam hoàn toàn độc lập, muôn năm”(12).

Bên cạnh các hoạt động hô hào ủng hộ Chính phủ Nhân dân, trong tình hình nạn đói đang hoành hành, các tôn giáo còn tổ chức “Nhịn ăn cứu người”. Một việc làm hết sức có ý nghĩa do Đoàn Phật giáo cứu quốc Trung Bộ tổ chức.

“Theo đúng mục đích của đoàn và hưởng ứng lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch, Đoàn Việt Nam Trung Bộ Phật giáo cứu quốc tổ chức, một tháng hai ngày nhịn ăn (mồng một và rằm) để giúp nước.

Đồng bào dự vào sẽ nguyện bớt ăn hai ngày ấy để lấy tiền chợ và gạo giúp Quỹ Độc lập.

Các thầy Tăng già và các Ni cô sẽ nhịn ăn 4 bữa (mồng 1, mồng 8, rằm và 23) chỉ ăn một bữa với muối trắng. Các đồng bào tham dự, trong ngày rằm, ngày mồng một, buổi trưa ăn cơm với muối, buổi chiều ăn cháo. Nếu nhịn hẳn càng tốt.

Trong những ngày nhịn ăn, đồng bào sẽ tâm niệm 5 điều:

1. Nhịn ăn để xác nhận sự đau khổ của đói, đau khổ ấy sẽ vất vả và giết chết hai triệu đồng bào miền Bắc do sự tích trữ lúa gạo của bọn thực dân và có lẽ sự đau khổ ấy đang dày vò các chiến sĩ mặt trận.

2. Nhịn ăn để giúp sự giải phóng ách “nô lệ” và để đồng bào về sau khỏi những sự thống khổ như vậy nữa.

3. Nhịn ăn để xác nhận rằng: Một ý chí cương quyết, một lòng quyết định rèn luyện sẽ đem đến một tinh thần, ắt hẳn được sự khổ của xác thân.

4. Nhịn ăn như vậy là một cách tập luyện rất hay để chịu đựng được những nỗi thống khổ, để un đúc nghị lực. Ấy là một phương pháp giáo dục rất tốt cho mọi người, cho gia đình và cho quốc dân.

5. Nhịn ăn như vậy trong lúc này là làm đúng bổn phận của một người dân Việt vì biết góp sức chống ngoại xâm, một người tin Phật chơn chánh vì đã theo gương xả thân cứu khổ của Phật.

Đồng bào nào ở tại Thuận Hóa, muốn tham dự vào việc này, xin hỏi cách thức tại trụ sở của Đoàn chúng tôi ở chùa Từ Đàm, đường Nam Giao”(13).

Trước ngày Tổng tuyển cử ít hôm và cũng nhân ngày Khánh đản đức Phật A Di Đà, sau khi đã làm lễ cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong, Hội Phật giáo cứu quốc Hà Thành họp hội nghị bàn về thái độ của tín đồ Phật giáo ở Hà Nội đối với cuộc Tổng tuyển cử.

Tinh thần cuộc họp này đã tác động rất nhiều đến đồng bào theo đạo Phật ở Thừa Thiên Huế trước ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Nhận thấy rằng Hồ Chủ tịch một đấng vĩ nhân tài đức không ai có thể sánh bì được, toàn thể hội nghị quyết định:

1. Hết thảy tín đồ Phật giáo đồng tình bỏ phiếu bầu Hồ Chủ tịch vào Quốc hội.

2. Tha thiết kêu gọi toàn thể đồng bào Công giáo bỏ phiếu cho Cụ.

3. Yêu cầu Quốc hội sắp bầu ra suy tôn Hồ Chủ tịch làm Chủ tịch vĩnh viễn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(14).

Ngoài những hoạt động trên, báo chí còn đưa tin đồng bào các tôn giáo ở Thừa Thiên Huế còn tham gia tích cực vào việc ủng hộ, động viên các chiến sĩ đang chiến đấu trên các mặt trận ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ, mặt trận Lào; đồng thời quyên góp, tổ chức các đoàn đi thăm những chiến sĩ bị nạn đang điều trị trong các nhà thương, bệnh viện.

Họ là những tín đồ đạo hữu thành tâm giàu đức tin xin Chúa, cầu Phật hãy che chở bảo vệ những chiến sĩ vệ quốc, đánh tan quân xâm lược, giữ vững nền độc lập nước nhà.

H.D
(TCSH402/08-2022)

---------------------------------
(*) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, tập 7, tr 149.
1 Thời ấy hai từ “Chính phủ” được dùng cho cả ba cấp tỉnh, cấp kỳ và trung ương.
2 Quyết Chiến số 13 ra ngày 8/9/1945.
3 Quyết Chiến số 13 ra ngày 8/9/1945.
4 Quyết Chiến số 15 ra ngày 10/9/1945
5 Quyết Chiến số 16 ra ngày 12/9/1945.
6 Quyết Chiến số 21 ra ngày 18/9/1945.
7 Quyết Chiến số 22 ra ngày 19/9/1945.
8 Quyết Chiến số ra ngày 8/10/1945.
9 Quyết Thắng số ra ngày 8/10/1945.
10 Quyết Chiến số 26 ra ngày 24/9/1945.
11 Quyết Chiến số 26 ra ngày 24/9/1945.
12 Quyết Chiến số 79 ra ngày 24/11/1945.
13 Quyết Thắng số 01 ra ngày 01/10/1945.
14 Quyết Thắng số 03 ra ngày 15/10/1945.

 

 

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Ký ức mùa thi (08/07/2022)
Tiếng chim tu hú (27/05/2022)