Góc Hoài niệm
Mắt xưa còn xanh màu biếc
15:41 | 21/10/2022

NGUYỄN  HỮU TẤN
           Bút ký dự thi

Mỗi khi nhớ tới câu hát “thường những buổi trưa buồn hỏi mình khe khẽ… con đường nào, con đường nào dẫn đến những ngày xưa” thì trong lòng lại nghe nhớ huyễn hồ tàn xanh mát rượi mấy con đường ở Huế.

Mắt xưa còn xanh màu biếc
Hàng chè tàu trong nhà vườn Huế - Ảnh: Dân trí

Một sớm trời mưa mãi mưa hoài, còn vẩn vơ trong mộng mị thì ở bên tê quê nhà, người anh thương mến bất chợt nhắc tới những dãy chè tàu thuở xưa xa, xưa xa cũng y như điều đã cũ chợt hiện về theo cái giật mình lưng chừng.

Nhiều khi đi qua những đại lộ hiện đại lấp loáng thủy tinh của bao nhiêu tòa nhà cao tầng ở đây, thấy như đang đi trong hoang - mạc - phố - thị vì bóng mát của cây xanh chỉ nhỏ giọt vào tầm mắt người từng chấm nhỏ. Không biết ở những chỗ khác ra sao, nhưng tìm ở Sendai một con đường dài mà đang giữa trưa, bóng nắng không lọt xuống đường như Huế quả là một điều kỳ diệu lạ lùng. Trong muôn vàn sách vở, báo chí, phim ảnh, người ta luôn ca ngợi Nhật Bản là một đất nước hài hòa giữa cảnh quan và con người. Có tạp chí còn khẳng định rằng, mỗi người Nhật đều dành trong phạm vi nhà ở của mình một góc xanh tươi của cây cỏ hoa lá. Điều đó không hẳn là không có, nhưng trong gần một ngàn hai năm mươi ba ngày và đêm ở đây, tôi đã đi qua gần trăm ngàn con đường, ngoại trừ công viên và chùa chiền, gặp vô vàn là các khu chung cư kín cổng cao tầng nằm sống sượng giữa trập trùng các khối bê tông cốt thép mà màu xanh cây cỏ xem ra rất xa xỉ. Cũng có một số ngôi nhà bé nhỏ mà duyên dáng còn chừa ra một mảnh vườn chút chút trồng loáng thoáng mấy bông cúc, bông hải đường hay họa hoằn lắm mới có một gốc tùng cổ thụ cao ngang đầu người đứng vặn vọ thân cành đón nắng nhận tuyết. Nhưng tuyệt nhiên không hề thấy một mảng xanh nào vây quanh lấy khu nhà rồi nối nhau xanh muốt khắp ngõ trong xóm ngoài như nhà người Huế một thuở với hàng chè tàu. Có một lần, tôi tần ngần trước một mảng tường xám phủ kín đầy những lá thường xuân cuối mùa đông - xuân của Sendai bên hông một ngôi chùa cũ trong hẻm nhỏ, tự nhiên mắt cứ nheo lại rồi nhìn mãi vào màu xanh nõn nhung như đang trò chuyện với một người bạn đặc biệt. Tựa hồ như cậu bé trong truyện đời xưa, vô tình nhờ có được một viên ngọc quý mà hiểu được giọng nói của chim muông hoa cỏ. Nhìn đám lá thường xuân này gợi lại trong lòng tôi hình ảnh của mình ngày tuổi nhỏ, một chú bé nghễnh ngãng, buổi trưa trốn ngủ, đi lang thang như con nọc đượng, với tay vuốt theo tán lá rậm dày của vuông rào hàng xóm cuối vườn nhà ngoại.

Huế, thuở vẫn còn chưa lâu lắm, nếu ai đó chịu khó tản bộ đi vào trong những ngõ nhỏ sẽ không khó khăn chi để thấy bất kỳ nhà nào cũng có một dãy hàng rào là chè tàu bao quanh khoảnh sân đã được cắt tỉa vuông vắn. Một màu xanh thẫm mát mắt khảm lên những con ngõ loang lổ màu rêu xám tím u hoài như một chút vui tươi giữa cõi thâm trầm mà người từ xa tới cứ ngờ như lạc vào nơi thời gian ngưng đọng lại.

Không biết lý do chi mà người Huế xưa lại chọn cây chè tàu trồng quanh nhà thành một dãy hàng rào thiệt dễ thương như rứa. Dễ thương là vì răng? Vì ở tuổi lên năm lên ba, không ai không chơi trò hái lá làm tiền và những đồng tiền thơ dại ấy lại là lá cây chè tàu. Nhắc mới nhớ, cũng không ai biết rõ ràng vì răng, cây chè tàu còn gọi là “cây lá bụi”. Hồi nhỏ, chơi đồ hàng, phải bứt một nắm lá cây bụi để làm tiền, thằng nhỏ cứ nhìn chằm chằm vào mấy vết đốm trên lá rồi rút ra một cái suy nghĩ lẩn thẩn: “À, mấy cái đốm ni nhìn như hột bụi bám trên lá nên cây ni họ gọi là cây lá bụi đây”. Gọi là “bụi” mà cũng làm “tiền” được, gọi là “tiền” nhưng cũng chỉ là “bụi”, có trẻ thơ nào mà không trải qua những trải - nghiệm - trò - chơi này, để rồi phải qua một khoảng đời về sau nữa, mới tự hiểu được cái lý hồn nhiên của thuở thiếu thời. Buồn thay, khi hiểu ra cái trò chơi bé dại này rồi cũng là khi đã bỏ lại sự hồn nhiên thương mến ở một cõi không tìm được nữa.

Ngày đó, ngoài xóm Mổ Heo, ngay từ mép nhà ôn Tô đến gốc cây nhãn nhà mệ Cống sát sân vườn nhà ông Tịnh là một dãy chè tàu cao ngang ngực người lớn. Những buổi trưa, mẹ sai ra quán mụ Mộc mua mắm mua muối mua đường hay mỡ, thằng nhỏ vừa đi vừa xòa tay ra khỏa vào đám lá chè tàu hoặc là tinh nghịch bứt mấy bông cẩn, mà tụi nhỏ quy ước với nhau gọi là bông lồng đèn khi nở, còn vẫn búp thì gọi là bông móng tay. Chị Thảo, con Bé, con Móm, con Thanh, con Bom thường đợi bông nở thì hái vô để chơi rước lồng đèn cho đám cưới, còn lá cây chè tàu là tiền mừng cưới mà thằng Xị là chú rể, còn con Phì em con Bom là cô dâu. Mỗi lần chơi trò đám cưới, hai đứa ni luôn được “ưu tiên” làm cô dâu chú rể và cũng chỉ đợi khi bắt đầu rước lồng đèn, thì thằng Phanh, thằng Tèo, thằng Dổm lại cong mồm lên gào cho bể xóm: “Cô dâu chú rể/ Đập bể bình bông/ Đổ hô con công/ Coi chừng bể đít” rồi cười nắc nẻ. Đó là ban ngày, còn ban đêm, ngay hàng rào chỗ hông nhà mệ Cống, có trồng mấy cây chuối, lại không có đèn điện nên cứ tối om om, nhìn mấy tàu lá chuối phất phơ trong bóng tối đâm ra đứa mô cũng tưởng tượng ra mấy con ma áo trắng chập chờn. Nhất là nhà ông Tô chuyên mổ heo nên bọn con nít tin sái cổ còn có con ma heo hay lẩn quẩn ở cái chỗ này. Thành thử, ban đêm, nếu bị sai đi mua đồ ngoài nhà mụ Mộc thì đứa mô đứa nấy cắm đầu chạy bạt mạng.

Nhưng nhớ nhiều nhất là mấy dãy hàng rào chè tàu bên xóm ngoại ngày xưa. Những ngày vui là những ngày được mẹ dắt qua nhà ngoại bên tê sông. Xóm nhà ngoại nhà nối nhà bằng một dãy hàng rào chè tàu xanh ngắt, và hai bên đều có một bụi tre che mát từ đầu ngõ chạy dài tới tận bờ sông ngoặt xuống mõm đất nhà ông Lại. Mỗi trưa hè, bóng nắng không lọt xuống con đường đất bụi trắng và hàng tre xõa tóc xuống ru gió xào xạc. Ngoại ngày đó còn khỏe, môi nhai trầu, tóc đen nhánh, bận cái áo cánh màu xanh thẫm, vừa quạt vừa dỗ cháu ngủ trên cái giường tre bên ngõ chè tàu. Hàng xóm cũng ngồi xúm chùm chuyện trò rôm rả. Màu lá xanh màu trời biếc ùa vào trong giấc ngủ thiếu thời. Nhiều khi trốn ngủ, men theo dãy chè tàu đi dọc ra bờ sông ngồi nhìn nắng lấp loáng trên mặt nước và nhìn người ta xuôi bè tre về phía Bãi Dâu, thằng nhỏ tiện tay bứt luôn năm ba chiếc lá rồi vò vò trong tay để ngửi thấy cái mùi hăng hăng ấy. Nghĩ lại nghe như có cái gì mênh mang im lìm thấm vào lòng dạ mà cho đến bây chừ, mỗi khi nhớ đến nhà ngoại bên bến sông xưa lại nhớ những cảm giác mơ hồ lồng lộng thuở đó.

Có lẽ, không, cố nhiên, trên thế giới này, không có một xứ sở nào hòa hợp giữa một phố thị dù là cổ xưa với những hàng chè tàu thôn dã như Huế của lòng tôi. Cho nên, nếu nói rằng Huế là một bài thơ đô thị tuyệt tác, thì hồn thơ đó, trước hết là từ những vuông rào chè tàu xinh tươi này. Trên nền xanh màu nhung huyền tươi mát đó, những gam màu tím trong mắt nhìn riêng của người Huế, màu xám tro của những mái tường rêu mốc, màu vàng tươi của cây hoàng mai cổ thụ trước sân nhà thờ tộc, hay những bông sứ trắng nơi vườn chùa bé nhỏ lại cho ra không khí thâm trầm mà trong sạch, tựa như tất cả là ảo ảnh giữa mặt hồ bình yên ngàn năm. Một hơi thở nhẹ cũng làm tan vỡ trời mơ.

Những người Huế gốc, tức là những người Huế yêu Huế bằng tất cả niềm thương và sự thủ cựu của mình, không có chi quý giá hơn là luôn giữ trong tâm tưởng mình ảnh hình của quê hương trang đài và thơm tho như một bài cổ thi. Huế với những người muốn níu giữ bóng dáng quê quán xưa xa, trong những ngày biệt xứ, chỉ là một mảnh vườn con con, có một ngôi nhà cũ kỹ nằm lẩn khuất sau dãy hàng rào với bức bình phong chè tàu như tuổi thơ, như tổ tiên đã từng. Một chút hơi hướm đó thôi, cũng làm cho hồn người xanh trong trở lại, như giọt mưa sau ngày giông bão đã long lanh lên dưới ánh nắng đầu ngày. Xuân hạ thu đông, bốn mùa trôi chảy vô thủy vô chung, người vô sự thì sống thanh nhàn như mây nước hương hoa. Những cảm giác này, ai không có lòng với Huế, ai chưa từng xa Huế thì sẽ không cách chi hiểu được. Huế u buồn chỉ vì Huế đủ sức làm cho người ta đối diện được với lòng mình và hiểu được những nỗi tiếc thương mà chính mình cũng không thấu được.

Như người bạn cũ của tôi, những ngày còn ở Huế, bạn ao ước được tự do tung cánh chim bằng. Bạn ao ước với những chân trời rộng mở tương lai. Huế thuở đó trong bạn chao ôi là nhỏ bé. Bỗng một ngày tưng tửng, bạn về lại Huế thăm căn nhà xưa, thăm mái trường đi học thuở nhỏ, thăm bờ sông rêu mờ… Bạn kể rằng những hình ảnh đó đối với bạn tự nhiên thấy thương hơn, rồi khi xe đưa bạn ngang qua Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ngày lại rời Huế, tự nhiên bạn chảy nước mắt vì thấy mình mất mát. Một đêm giáp Tết bên trời xa lạ, bạn gọi facetime chỉ để kể về ngày xưa và hẹn mai mốt về lại Huế sẽ trồng một dãy chè tàu quanh nhà, sẽ ươm một gộc mai, sẽ uống trà ban sớm, sẽ nghe ca Huế đêm trăng, sẽ đạp xe loanh quanh Thành Nội mỗi chiều, sẽ sẽ và sẽ… Hai đứa cùng nghe và cùng chìm trong mộng tưởng về quê nhà cũ càng với mưa nắng với thế sự. Dù tụng ca những nếp sống nớ là văn hóa, thì cũng chỉ còn là hơi hướm lạnh lẽo trong không gian và thời gian.

Tôi không có ý định sẽ xa Huế, mặc dù tôi luôn có mặc cảm/ dự cảm một ngày nào đó mình sẽ xa Huế. Và ngày đó tới thật lạ kỳ và cũng ngỡ ngàng. Hành trang mang theo chỉ là một tấm lòng thương tưởng Huế. Trước ngày đi, tôi cứ lang thang từ xóm này qua xóm nọ, từ đường này qua đường nọ, ngắm nhìn từng góc phố thân quen như chim xa rừng thương cây nhớ cội trong lời ca thảm não mẹ ru. Tôi chỉ vơi một chút, chỉ một chút thôi những cảm giác muộn phiền đó khi ghé lại ngôi nhà cổ bên Ngự Viên, nhà của hai mệ cháu mà vô tình tôi cũng trở thành người thân thuộc. Ngôi nhà vẫn giữ theo lối Huế rất xưa, có một dãy chè tàu nhỏ nhắn xanh mát ngoài cổng. Sau cổng, bên hiên nhà có một cây hoàng mai cổ thụ mà trong mù sương giêng hai, hoa vàng rực rỡ như nắng đầu xuân có bà già tóc bạc mặc áo đỏ trầu ngồi với tách trà còn bốc khói xanh muốt. Có cô bé áo trắng mỗi lần tôi ghé chơi, chỉ đứng nhìn mà không nói chi cả, âm thầm lượm từng cánh hoa mai để ủ trà. Bà già thường hỏi tôi một câu rồi tự trả lời, như nói với một hiện diện xuyên không nào đó đang lẩn quất trong ngôi nhà mờ tối ấy:

- Cậu (khi mô mệ cũng gọi tôi là cậu), có biết sống lâu làm chi không? Chỉ để toàn thấy chuyện nằm chộ chiêm bao.

Hai mệ cháu đi Paris, tôi không kịp tiễn đưa, nhớ cũng mùa giêng hai gần mười năm trước, mưa bụi lất phất bay và tôi rứt một nhúm lá chè tàu vo vo trong tay mà thấy nỗi buồn đắng ngắt.

Ngày mới về thành phố vùng ven miền Tây nước Nhật này, tự nhiên thấy có một nỗi niềm quen thuộc len lén nhói vào trong trí óc khi bắt gặp con đường nhỏ cũng có những vuông cây lấp xấp ngang hông mà lá cây li ti cứng cáp được người ta tỉa ngay ngắn thẳng thớm như vuông rào chè tàu như giữa Huế của mình thơ dại. Ngồi trên xe và dãy vuông cây xanh ngắt hai bên cứ trôi tuột đi theo tầm mắt cứ như thấy mình đang bị xoáy vào một lỗ hổng của thời gian, và cũng không hay rằng mình đang ngẩn ngơ bởi muôn vàn mảnh nhớ thương vụn vặt ngỡ đã quên mà bỗng từ mô đó ánh lên màu bạc lóng lánh như nắng giữa mặt sông. Người Nhật ở vùng này hình như thô tháp và không quá giữ kẻ giữ ý như nơi khác thì phải, nên trên hàng cây tỉa tót vuông vức đó, tôi còn thấy có một vài chỗ người ta phơi cả một vài cái áo, hay mấy chiếc khăn cũ nữa. Nhìn qua, tôi lại nhớ mấy mệ già hàng xóm xung quanh nhà ngoại thuở nao, sau khi giặt giũ xong đã trải mấy cái áo cánh lên trên vuông rào mà phơi dưới cái nắng chon chảy giữa trưa xứ Huế. Mà nhiều năm sau, cứ mỗi lần nhớ tới câu thơ của Lưu Trọng Lư khi ông nhắc lại bóng hình mẹ thời son rỗi của mình đang phơi áo ngoài bờ giậu giữa nắng trưa, tôi cứ đinh ninh đó là cái áo cánh như áo của ngoại tôi và bờ giậu là hàng chè tàu.

Mà ngày xưa, lớp người cũ của Huế hết sức kỹ tính, nội việc phơi áo quần không cũng ba bảy điều cấm kỵ, với đủ thứ chuyện để nói. Như phơi áo quần không được phơi ngang đầu, áo quần đàn ông phải phơi phía trước, còn áo quần đàn bà con gái phải ở phía sau. Phơi áo quần cũng không được phơi trước cửa chính diện mà phải tránh mé qua một bên. Đàn ông con trai, nhất là sĩ tử, không được đi lòn dưới áo quần, nhất là quần đen của đàn bà thuở trước. Lớp người đó tin rằng đàn ông con trai đi dưới quần đang phơi thì sẽ trở nên đần độn, ô uế, không ngóc đầu lên nổi với đời, còn tụi học trò mà đi dưới quần thì sẽ học ngu. Khi bọn tôi lên bảy lên tám, vẫn còn thấy cảnh chỉ áo của ông già bà cả mới được phơi trên dãy chè tàu, còn quần với áo quần con gái hay con nít thì cấm tiệt được phơi như vầy. Bởi ôn mệ tra hồi xưa sợ con cái, cháu chắt bị ma bắt vía, nhất là nhà mô có con gái với cháu gái, thì vô cùng khó, kiêng khem đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

Cái màu xanh của vuông rào lá bụi đang bị xói lở với tốc độ đô thị hóa/ bê tông hóa như nước tràn thác đổ. Con nít bây chừ cũng không như ngày bọn tôi tuổi nhỏ xưa tê nữa, nên không còn hái lá bụi làm tiền, không còn chơi trò đám cưới con nít, không sợ những câu chuyện ma nên cũng không biết được những niềm vui của một thời không điện thoại, không game, không internet. Những niềm vui trong veo đúng nghĩa của tuổi nhỏ.

Sendai, 8/2021; Nishinomiya, 8/2022
N.H.T
(TCSH403/09-2022)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Ký ức mùa thi (08/07/2022)