Góc Hoài niệm
Đào Duy Anh và Quan Hải tùng thư (1928 - 1929)
15:56 | 28/10/2022


ĐỖ MINH ĐIỀN

Đào Duy Anh và Quan Hải tùng thư (1928 - 1929)
Học giả GS Đào Duy Anh và bìa 2 giới thiệu tủ sách Quan hải tùng thư - Ảnh: internet

Dẫn đề

Trước năm 1945, Huế là một trong những trung tâm xuất bản khá nhộn nhịp ở miền Trung, với sự góp mặt của những nhà in danh tiếng một thời như: Đắc Lập, Tiếng Dân, Phúc Long, Viễn Đệ, Trường An(1)… Trong gần 26 năm (1919 - 1945) hình thành và phát triển, các cơ sở ấn loát tại Kinh đô Huế đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi bầu không khí sinh hoạt học thuật, văn chương, góp một phần không nhỏ vào tiến trình hiện đại hóa văn hóa nước nhà.

Vào thời điểm đó, Huế là nơi mà chính quyền thực dân thực hiện các biện pháp kiểm duyệt xuất bản vô cùng chặt chẽ. Do đó, việc ấn hành những ấn phẩm mang khuynh hướng “thân Cộng” hay các đầu sách với mục đích truyền bá tư tưởng Karl Marx là điều không mấy dễ dàng. Trong bối cảnh đó, dạng tủ sách như Quan Hải tùng thư (từ đây xin viết tắt: QHTT) của Đào Duy Anh có lẽ là số ít hiếm hoi, khi mà hầu hết các nhà in ở Trung Kỳ đều chọn lựa cho mình một hướng đi an toàn.

Vệ Thạch Đào Duy Anh và Quan Hải tùng thư (1928 - 1929)

Đào Duy Anh sinh vào ngày 26 tháng 5 năm 1905 (tức ngày 23 tháng 4 năm Ất Tỵ)(2) tại làng Bi Kiều, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Chánh quán ở làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Lên 6 tuổi, ông được cụ thân sinh cho theo học chữ Hán với một ông đồ ở làng cạnh bên. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông lại được gửi ra Thanh Hóa học chữ Hán và Quốc ngữ. Được một thời gian, ông nghỉ học chữ Hán để vào Huế học trường Pháp - Việt, lúc đó Đào Duy Anh vừa tròn 11 tuổi (tức 10 tuổi Tây).

Năm 1919, ông đậu Sơ học và đến năm 1923, thi đỗ Cao đẳng Tiểu học hay còn gọi là bằng Thành Chung (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène). Trước khi được bổ đi làm Giáo học ở trường Tiểu học Đồng Hới (Quảng Bình), Đào Duy Anh từng xin vào làm Thư ký tại trường Uyên Bác (tiền thân là trường Hậu Bổ, Huế) - ngôi trường chuyên đào tạo các quan lại tân học, để “lợi dụng thì giờ rảnh mà đọc sách ở tủ sách dồi dào của trường ấy, nhưng xin không được phải đi làm giáo học”. Trong thời gian làm việc ở Đồng Hới, ngoài việc giảng dạy, ông bắt đầu mày mò học thêm chữ Pháp, đồng thời tiếp tục trau dồi Hán văn. Việc học chữ Hán của ông lúc này gặp khá nhiều khó khăn “thầy học không có, sách học thiếu”, ông “bèn đem những bài chữ Hán ở tạp chí Nam Phong cùng những tạp chí Tàu mượn của một người Hoa kiều, hễ gặp chỗ khó thì đã có các ông cựu học thuộc chánh phủ Nam triều làm việc ở tỉnh mà mình đã kiếm cách giao du bằng lối xướng họa văn thơ, chỉ vẽ cho”(3).

Vào năm 1925, Thái tử Thiếu bảo Hiệp tá Đại học sĩ Huỳnh/Hoàng Côn (1850 - 1925) tạ thế. Một người con của cụ Huỳnh Côn đích thân nhờ ông dịch bài Điếu văn do viên Công sứ chấp bút ra Quốc văn. Bản dịch sau đó được đăng trên báo “Trung Bắc tân văn”, được xem là bài báo đầu tiên của ông. Bén duyên với nghiệp cầm bút, từ năm 1926, Đào Duy Anh bắt đầu viết báo chữ Pháp, chủ yếu là các bài xã luận về thời sự trong nước và được ông gửi đăng trên báo “L’Echo Annamite” (Tiếng vọng An Nam) của Nguyễn Phan Long. Mùa hè năm 1926, ông đệ đơn từ chức giáo học và không chờ có giấy trả lời của sở Học chính Trung Kỳ, Đào Duy Anh khăn gói vào Đà Nẵng, “định ở đấy suốt kỳ nghỉ hè với một người bạn thân mà chuẩn bị việc vào Nam”(4). Trên đường đi, ông dừng lại Huế để yết kiến cụ Phan Bội Châu lúc này đang bị giam lỏng ở dốc Bến Ngự. Vào đến Đà Nẵng, nhờ sự thu xếp của Đặng Văn Tế, ông bắt đầu làm quen với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Sau những lần tiếp xúc đó, Đào Duy Anh quyết định “ra giúp cụ Huỳnh. Nhưng nghề làm báo tôi chưa biết gì nên phải vào Sài Gòn ở ba tháng để tập việc. Xong lại trở ra Tourane [Đà Nẵng] giúp cụ Huỳnh về việc lập Huỳnh Thúc Kháng công ty và mua nhà in để mở báo Tiếng Dân”(5).

Vào cuối năm 1927, nhà in Tiếng Dân ra đời, trở thành cơ sở ấn loát cho tờ báo cùng tên - tờ báo quốc ngữ đầu tiên được khai sinh tại miền Trung. Sau khi về Huế để làm biên tập báo Tiếng Dân, Đào Duy Anh “đề xuất yêu cầu với đảng cho phép tôi [ĐDA] được xuất bản Quan Hải tùng thư”(6). Qua đó từng bước thực hiện phương án xây dựng một tủ sách, nhằm “lợi dụng việc xuất bản hợp pháp mà gieo vào tâm trí của thanh niên ta một ít kiến thức mới về khoa học, nhất là khoa học xã hội, là những điều cần thiết để hiểu chủ nghĩa Mác [Karl Marx] dễ hơn”(7).

Phụ trương quảng cáo Quan Hải tùng thư
Mẫu giấy đặt mua sách Quan Hải tùng thư

Cái tên “Quan Hải” theo như diễn giải của Đào Duy Anh được lấy từ câu “quan hải nan vi thủy” (觀海難為水), trong sách Mạnh Tử(8), nghĩa là “xem biển thì biết rằng làm ra nước là khó”(9). QHTT được cụ Đào “phỏng chước” theo mô hình xuất bản của “Đông Phương văn khố”, với chủ trương dịch, soạn in các đầu sách có số lượng khoảng 100 trang trở lại, tập trung xuất bản “những sách về khoa học, lịch sử, chính trị, xã hội, kinh tế… hoặc sách trước thuật, hoặc sách dịch thuật đều là nghiên cứu thấu đáo, bình luận chính xác”.

QHTT kể từ khi mới khởi sự đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành của đông đảo bạn bè, đồng nghiệp. Hỗ trợ tiền in cho Đào Duy Anh thì có Hoàng Đức Thi, Đặng Văn Tế, Bùi Châu, Trọng Văn Chà, Trần Đình Nam. Trong khi đó, giúp đỡ ông trong việc biên tập có Trần Đình Nam, Trần Mạnh Nhẫn, Võ Liêm Sơn và Phan Đăng Lưu. Là một người ái quốc, học rộng, Trần Đình Nam thường xuyên lui tới, trao đổi ý kiến và giúp đỡ ông về vật chất lẫn tinh thần. Trần Đình Nam cũng chính là tác giả của tập sách “Trí khôn”. Ngạc Am Võ Liêm Sơn là thầy học cũ của Đào Duy Anh, chính ông “là người rất tán thành việc xuất bản Quan Hải tùng thư mà ông là người tham gia xây dựng chương trình. Sau khi phiên dịch hai tập Đông Tây văn hóa phê bình thì ông [Võ Liêm Sơn] giao cho tôi [Đào Duy Anh] bản thảo Hài văn(10) mà các học sinh Quốc học bấy giờ đều đã cơ hồ thuộc cả. Chính vì sách ấy mà ông bị cách chức”(11). Từ năm 1928 theo lệnh điều động Phan Đăng Lưu từ Nghệ An vào Huế để cùng với Ngô Đức Diễn tham gia Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương đảng Tân Việt. Chính thời gian này, Phan Đăng Lưu đã tích cực trong việc biên tập sách QHTT.

Sách của QHTT được bày bán chủ yếu tại hiệu “Vân Hòa” (Rue Gia Long, Huế) do bà Trần Thị Như Mân (phu nhân Vệ Thạch Đào Duy Anh) đứng tên quản lý. Hiệu buôn này không chỉ là là nơi buôn bán, mà còn là địa điểm liên lạc của nhóm phụ nữ trong [đảng] Tân Việt(12). Ngoài ra, ông còn lập thêm “Quan Hải thư điếm” có địa chỉ tại phố Gia Hội (Huế), đây là nơi phát hành các ấn bản của QHTT, sách giáo khoa và nhận đăng quảng cáo(13). Ở các tỉnh, thành trong cả nước, sách của QHTT được phân phối tại tất cả các đại lý. Hà Nội có Cát Thành (03, Rue du Chanvre), Nhật Nam thư quán (117, Rue du Chanvre). Hải Phòng: Nam Anh thư (10 Rue de Metz), Nam Tân (84 Bd Bonnal), Đoàn Văn Hiếu (11 Rue Doumer). Nam Định: Nam Hoa thư quán (Rue Bắc Ninh). Thái Bình: Văn Bình thư quán (Rue Jules Piques). Vinh: Tam Kỳ thư quán. Đà Nẵng: Trung Tân (Rue Verdun). Sài Gòn: Tín Đức thư xã (37 Rue Sabourain). Gò Công: Nữ Lưu thư quán. Mỹ Tho: Chiêu Anh thư quán. Cần Thơ: Hồng Đức thư cục (38 Bd Sainte Noy). Cà Mau: Hồng Anh thư quán.

Với tính chất của dòng sách khai mở tư tưởng, cung cấp những kiến thức bổ ích về chính trị, lịch sử, triết học, tâm lý; bộ sách của QHTT trong thời kỳ đầu khá kén độc giả so với một số dòng sách tiểu thuyết lịch sử, kiếm hiệp cùng thời; tuy nhiên “hễ ai đọc là hoan nghênh: người đọc phần nhiều là những người có chút nhiệt tâm về thời cuộc và vì sách biên dịch giới thiệu những học thuyết mà họ không thể tìm kiếm ở những sách thường thấy”(14).

Hầu hết những ấn bản của QHTT từ thời điểm 1929 trở về trước đều được in tại nhà in Tiếng Dân, số nhà 123 đường Đông Ba, nay là số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Đông Ba, thành phố Huế(15). Tập sách “Trí khôn” của Y sỹ Trần Đình Nam là ấn bản đầu tiên nằm trong bộ QHTT và cuốn “Tôn giáo” theo như Đào Duy Anh được xem là cuốn sách cuối cùng được xuất bản.
 

Ảnh bìa hai ấn bản in năm 1928 (Nguồn: Gallica)
Ảnh bìa ba ấn bản in năm 1929 (Nguồn: Gallica)


Quan Hải tùng thư ra đều đặn 12 cuốn mỗi năm, bộ thứ nhất xuất bản năm 1928, gồm có: (1) Trần Đình Nam, soạn (1928). Trí khôn (Tâm lý học nhập môn). Impr Tiếng Dân, 36 tr; (2) Nghi Đạm, dịch (1928). Đông Tây văn hóa phê bình. Quyển thượng. Impr Tiếng Dân, 40 tr; (3) Hoa Trung, biên (1928). Kinh tế học tiểu sử. Quyển thượng. Impr Tiếng Dân, 64 tr; (4) Tình Tiên, soạn (1928). Văn minh Âu Mỹ. Impr Tiếng Dân, 34 tr; (5) Trần Mạnh Nhẫn, soạn (1928). Thế giới cường quốc chánh thể lược khảo. Impr Tiếng Dân, 75 tr; (6) Xã hội luận; (7) Dã Lan nữ sĩ, biên dịch (1928). Phụ nữ vận động. Impr Tiếng Dân, 56 tr; (8) Ngộ Nhân, biên (1928). Lịch sử nhân loại. Impr Tiếng Dân; (9) Chính trị nước Nhật; (10) Nghi Đạm, dịch (1928). Đông Tây văn hóa phê bình. Quyển hạ. Impr Tiếng Dân, 48 tr; (11) Khuyết tên (1928). Chính trị nước Trung Hoa. Impr Tiếng Dân, 52 tr; (12) Vệ Thạch, soạn (1928). Thực dân lịch sử. Impr Tiếng Dân, 96 tr.

Bộ thứ hai xuất bản năm 1929: (1) Ngộ Nhân (1929). Dân tộc. Impr Tiếng Dân, 68 tr; (2) Ngộ Nhân (1929). Xã hội. Impr Tiếng Dân, 46 tr; (3) Tình Tiên, soạn (1929). Vấn đề sinh mệnh. Impr Tiếng Dân, 52 tr; (4) Vệ Thạch, biên dịch (1929). Pháp luật khái luận. Impr Tiếng Dân, 54 tr; (5) Ngộ Nhân, soạn (1929). Sinh tồn cạnh tranh, Tư tưởng tiến hóa của Đác vanh. Impr Tiếng Dân, 46 tr; (6) Vệ Thạch, soạn (1929). Tôn giáo. Impr Tiếng Dân, 54 tr. Ngoài ra theo biên mục được in trong cuốn “Tôn giáo”, chúng tôi được biết còn có thêm cuốn “Cận đại quốc tế chính trị lược sử” (2 quyển Thượng - Hạ). Về ấn bản đặc biệt, gồm có: (1). Hoa Trung, biên (1929). Kinh tế học tiểu sử. Quyển hạ. Impr Tiếng Dân, 118 tr; (2). Chánh trị nước Pháp; (3). Thế giới sử (2 quyển Thượng - Hạ).

Cũng cần nói thêm, trong phần liệt kê các ấn phẩm đã xuất bản của QHTT được in trong cuốn “Thế giới sử” (Impr Tiếng Dân, 1931), chúng ta thấy có một số cuốn như: Gia đình và xã hội, Đàn bà vì sao mà kiều nhược, Cô Tinh lệ (2 quyển). Tuy nhiên, qua đối chiếu, thì cuốn “Gia đình và xã hội” (số 1, Impr Tiếng Dân - 5/1929); “Đàn bà vì sao mà kiều nhược” (số 2, Impr Tiếng Dân - 6/1929) và “Cô Tinh lệ, Hồng nhan mệnh bạc” (số 3, Impr Tiếng Dân - 7/1929) là “bộ ba” ấn phẩm nằm trong bộ “Phụ Nữ tùng san”. Riêng cuốn “Cô Tinh lệ, Đầu xanh tội gì” [quyển 2], được in vào năm 1930, mặc dù ngay trên trang bìa được ghi là “Quan Hải tùng thư”; song trong phần “Cùng bạn độc giả”, tác giả cho biết lý do cụ thể như sau: “Bộ Cô Tinh lệ nguyên xuất bản trong tập Phụ Nữ tùng san. Nay vì Phụ Nữ tùng san không tiếp tục nữa, mà bộ Cô Tinh lệ lại chưa ra hết, nên chúng tôi phải đem xuất bản trong tập Quan Hải tùng thư cho trọn bộ”.

Như vậy, tính từ đầu năm 1928 đến khoảng cuối năm 1929, QHTT ấn hành khoảng 19 tập sách nhỏ (bản thường), trong đó có 7 quyển của các tác giả là “đồng chí” với ông và 12 cuốn do Đào Duy Anh soạn hoặc phỏng dịch. Đến tháng 7 năm 1929, Đào Duy Anh bị bắt(16), QHTT buộc phải đình bản sau gần 2 năm hoạt động. Sau khi ra tù (1930), Đào Duy Anh thôi không làm báo Tiếng Dân nữa. Tuy vậy, một số công trình nghiên cứu do ông biên soạn tiếp tục được xuất bản và được ông đưa vào bộ QHTT như: Thế giới sử (Imprimerie Tiếng Dân, 1931), Việt Nam văn hóa sử cương (Imprimerie du Mirador, 1938), Khổng giáo phê bình tiểu luận, Trung Hoa sử cương (Imprimerie Tiếng Dân, 1943)... Quan sát các đầu sách chúng ta sẽ thấy tất cả ấn bản xuất bản trước năm 1929 ở mép trên của trang bìa đều in dòng chữ: QUAN-HẢI TÙNG-THƯ, nhưng kể từ 1931 trở về sau, dòng chữ đó được đẩy xuống cuối trang bìa. Nếu như QHTT trước 1929 là tùng thư với sự góp mặt của nhiều tác giả khác nhau, do Đào Duy Anh khởi xướng và trực tiếp quản lý; thì những cuốn sách sau thời điểm 1930, ngoài việc xuất bản một số đầu sách của “Phụ Nữ tùng san” đang còn dang dở, thì hầu như chỉ in những trước tác do cụ Đào biên soạn, như chúng tôi đã đề cập ở trên.

Kết từ

Tùng thư hoặc tùng san được xây dựng bởi một cá nhân hay tập thể với chủ trương xuất bản các đầu sách theo khuynh hướng nội dung, tư tưởng riêng biệt, hướng đến một số nhóm đối tượng nhất định. Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của kỹ thuật in ấn, hoạt động truyền bá chữ Quốc ngữ và tác động bởi các phong trào canh tân văn hóa, ở Việt Nam đã có hàng trăm “tùng thư” lần lượt ra đời, chẳng hạn như: Phật học tùng thư (Đoàn Trung Còn), Văn học tùng thư, Y học tùng thư, Thực tế tùng thư (Đặng Hữu Nghĩa), Việt Nam tiểu học tùng thư, Nghệ thuật tùng thư, Xã hội tùng thư (Tiểu Minh), Doanh nghiệp tùng thư, Hồng Hải tùng thư, Nông học tùng thư, Phượng Đình tùng thư (Đỗ Văn Lâm), Khảo cứu tùng thư, Khoa học tùng thư, v.v.

Riêng tại Huế, các nhóm xuất bản vào thời gian này đều tập trung khai thác đề tài văn chương, trong đó tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn mang màu sắc trữ tình lãng mạn: “Trọng Tân thư tập” theo đuổi các chủ đề trinh thám, cốt để mua vui, tiêu khiển giải trí; “Bình Dân thư xã” xây dựng một tủ sách riêng dành cho các độc giả đam mê truyện ngắn; “Trung Kỳ thư xã” chủ trương ấn hành (biên khảo, dịch thuật) các trước tác “quốc văn”, góp phần hiện đại hóa nền văn chương. Trong lúc đó, QHTT của Đào Duy Anh là tùng thư không cùng quỹ đạo với hầu hết các nhóm ra đời ở Huế vào giai đoạn này, họ không tự gò bó bởi các thể loại văn học thuần túy, mà tự hoạch định đường hướng riêng, với mục đích truyền bá các học thuyết, tư tưởng tiến bộ.

QHTT tập hợp những trí thức yêu nước “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, mong muốn đem lòng nhiệt huyết vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với khoảng 19 tập sách khảo cứu và biên dịch, QHTT tập trung truyền tải hệ thống kiến thức về triết học, lịch sử, tôn giáo, kinh tế chính trị theo khuynh hướng Marxist, mở ra hướng nghiên cứu mới trên nền tảng phương pháp luận duy vật lịch sử. Mặc dầu QHTT ra đời với nhiệm vụ trọng yếu ban đầu như một cơ sở tuyên truyền của Tân Việt Cách mạng đảng; song chính sự xuất hiện đó để lại dấu ấn rất đặc biệt, ít nhiều tạo ra sự ảnh hưởng đối với mọi giai tầng trong xã hội. Có thể nói, QHTT là tủ sách được thành lập sớm nhất tại Kinh đô, mở đầu mô hình xuất bản hiện đại, góp phần cho sự phát triển của ngành xuất bản xứ Huế nói riêng; đồng thời làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của tất cả người dân ở Trung Kỳ.

Đ.M.Đ
(TCSH403/09-2022)

_________________________
Tài liệu tham khảo:

1. Đào Duy Anh (1989). Nhớ nghĩ chiều hôm. Nxb. Trẻ.
2. Đỗ Minh Điền (2020). “Bước đầu tìm hiểu hoạt động xuất bản sách ở Huế (1920 - 1945). Nghiên cứu trường hợp nhà in Đắc Lập và Tiếng Dân”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (161).
3. Đỗ Minh Điền (2022). “Nhận diện về tình hình in ấn ở Huế từ 1919 đến 1945”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (175).
4. Lê Thanh (1942). Cuộc phỏng vấn các nhà văn. Nxb. Đời Mới, Hà Nội.
5. Nguyễn Thành (1992). Lịch sử báo Tiếng Dân. Nxb. Đà Nẵng.
6. Trần Thị Như Mân (2007). Sống với tình thương. Nxb. Thanh Niên.
7. L’Écho Annamite, N01285; 31 août 1929.
8. Le Merle mandarin, N040, 18 octobre 1929.
9. Công luận báo, N01600, 8 octobre 1929.

--------------------------
1 Về các nhà in ở Huế trước năm 1945, xin tham khảo thêm:
- Đỗ Minh Điền (2020). “Bước đầu tìm hiểu hoạt động xuất bản sách ở Huế (1920 - 1945). Nghiên cứu trường hợp nhà in Đắc Lập và Tiếng Dân”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (161).
- Đỗ Minh Điền (2022). “Nhận diện về tình hình in ấn ở Huế từ 1919 đến 1945”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (175).
2 Một số tư liệu đều chép Đào Duy Anh sinh vào ngày 25 tháng 4 năm 1904. Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn của ông với tác giả Lê Thanh được xuất bản vào năm 1942, ông cho biết: “Tôi sinh ngày 26 Mai [tháng 5] năm 1905”. Xem thêm: Lê Thanh (1942). Cuộc phỏng vấn các nhà văn. Nxb. Đời Mới, Hà Nội, tr: 155.
Do chưa có điều kiện tiếp xúc với một số tư liệu đến từ phía gia đình, chúng tôi [ĐMĐ] xin mạn phép dẫn lại niên đại nói trên, như một sự tôn trọng của kẻ hậu bối đối với cụ Đào Duy Anh - vị học giả uyên bác, đã có những đóng góp to lớn đối với lịch sử văn hóa nước nhà.
3 Lê Thanh (1942). Cuộc phỏng vấn các nhà văn. Sđd, tr: 157, 158.
4 Đào Duy Anh (1989). Nhớ nghĩ chiều hôm. Nxb. Trẻ, tr: 12, 13.
5 Lê Thanh (1942). Cuộc phỏng vấn các nhà văn. Sđd, tr: 160.
6 Đào Duy Anh (1989). Nhớ nghĩ chiều hôm. Sđd, tr: 34.
7 Đào Duy Anh (1989). Nhớ nghĩ chiều hôm. Sđd, tr: 34.
8 Nguyên văn dẫn từ sách Mạnh Tử (孟 子), Tận tâm thượng (盡 心 上): “孔 子 登 東 山 而 小 魯,登 泰 山而 小 天 下。故 觀 于 海 者 難 為 水,游 於 聖 人 之 門 者 難 為 言”.
9 Đào Duy Anh (1989). Nhớ nghĩ chiều hôm. Sđd, tr: 34.
10 Cuốn “Hài văn” của Ngạc Am Võ Liêm Sơn bị chính quyền tịch thu và cấm phát hành theo Nghị định số 1774, do Khâm sứ Trung Kỳ chuẩn y vào ngày 6 tháng 7 năm 1928.
11 Đào Duy Anh (1989). Nhớ nghĩ chiều hôm. Sđd, tr: 38, 39.
12 Trần Thị Như Mân (2007). Sống với tình thương. Nxb. Thanh Niên, tr: 26.
13 Về giá bán, mỗi năm QHTT xuất bản 12 cuốn thường, giá 0$20 và 4 cuốn đặc biệt giá 0$40. Nếu mua trọn 12 cuốn thì giá bán niêm yết là 2$50, còn mua trọn 16 cuốn thì có giá 4$00. Tuy nhiên, đến tháng 1 năm 1929, QHTT ra thông báo về việc điều chỉnh giá bán và thể thức đặt mua. Theo đó, đặt lệ mua theo năm, mỗi năm vẫn xuất bản 12 quyển, dày từ 40 đến 60 trang, giá 0$20/1 quyển. Mua cả năm 12 quyển thì trả 2$50. Mỗi năm xuất bản thêm 4 quyển đặc biệt, dày từ 90 đến 110 trang, giá 0$40, cả 4 quyển có giá 1$50. Mua trọn 16 cuốn có giá 4$00.
14 Lê Thanh (1942). Cuộc phỏng vấn các nhà văn. Sđd, tr: 161.
15 Di tích Trụ sở Tòa soạn báo Tiếng Dân được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh theo Quyết định số 1225/QĐ-UBND, ngày 04/6/2018.
16 Sự kiện ông Đào Duy Anh bị bắt được một số tờ báo lúc đó đưa tin. Tuy nhiên, về ngày tháng ông bị bắt giam lại không thống nhất. Chẳng hạn báo “L’Écho Annamite”, cho rằng ông bị khám xét nhà và bắt giam ngày 27 tháng 8 năm 1929. Trong khi đó, tờ “Le Merle mandarin” đưa tin: Đào Duy Anh bị bắt và giam tại nhà lao Phủ Thừa vào chiều ngày 28 tháng 9 năm 1929. Tương tự, trên tờ “Công Luận”, số 1600, ra ngày thứ ba (8 octobre 1929) chạy dòng tin như sau: “Trưa ngày thứ bẩy 28 Septembre [tháng 9] 1929, ông Đào Duy Anh đã bị bắt lại giam tại lao Phủ Thừa”.

Xem: - L’Écho Annamite [N01285; 31 août 1929], p: 5.
- Le Merle mandarin [N040, 18 octobre 1929], p: 2.
- Công luận báo [N01600, 8 octobre 1929], p: 2.

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng