Góc Hoài niệm
Ngọn nến
10:01 | 07/12/2022

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
                   Ghi chép

Trời bỗng nhiên mưa, những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa rét đậm. Với tôi, hình như mưa bao giờ cũng là cánh cửa mở cho những vũ khúc hoài niệm ùa về.

Ngọn nến
"Hạnh phúc" - Bột màu: Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải

Một ngày cách đây sáu năm, một nhóm người trong Hội Liên hiệp thanh niên Huế quây quần trên sân thượng của ngôi nhà 7 Lý Thường Kiệt (lúc ấy là Nhà văn hóa Thanh niên Huế, sau này dời về 33 Huỳnh Thúc Kháng). Họ cùng nhau mở một cánh cửa để bắt đầu một hành trình bước tiếp truyền thống nhân ái của Huế, bước tiếp sau lời ru quả bí, quả bầu cùng một giàn... của mẹ. Đội Công tác xã hội Thanh niên Huế ra đời vào ngày 9.01.1990 với mục tiêu ban đầu là tạo mọi điều kiện để giúp đỡ, chăm sóc cho đối tượng trẻ em thiệt thòi. Ban đầu, họ gây quỹ nhân đạo bằng cách tổ chức những đêm văn nghệ, bán vé lạc quyên, được bao nhiêu tiền là làm công tác xã hội bấy nhiêu. Ngày ra mắt của Đội cũng là ngày họ tổ chức đêm văn nghệ "Vì trẻ em nghèo ở giảng đường Đại học Sư phạm Huế - nơi ngày xưa sinh viên Huế đã tổ chức "Hát cho đồng bào tôi nghe" trong những ngày chống Mỹ. Tiếng hát nghĩa tình cái đêm 9.01 ngày ấy được tiếp nối xa hơn, dài hơn qua các mùa mưa ắp đầy kỷ niệm nồng ấm tình người. Một ngày sau bão số 6.1990 ở Phú Tân giúp dân dựng lại nhà; một ngày đến với đồng bào ở khu định cư Trường An bấy giờ chưa hình thành lối xóm; một ngày đầu năm tặng quà, khám bệnh, phát thuốc ở vùng kinh tế mới Bình Điền, Bình Thành, xã người Vân Kiều ở Hồng Tiến; một ngày cấp phát hàng tấn gạo cho 149 hộ gia đình vạn chài sống kiếp sông nước lênh đênh; một ngày lên cứu trợ nơi bản làng xa hút kinh tế mới Aso lầy lội; một ngày về với người dân ở đảo Ma Nê cơ hồ bị lãng quên giữa những ngày hòa bình; một ngày...

Mưa Huế như là một cách cửa mở... làm sao tôi có thể nhớ hết rất nhiều một ngày và những ngày những tấm lòng trẻ trung nhân hậu rủ nhau đi sau mỗi lần quyên góp. Chiến khu Dương Hòa - nơi đầu nguồn sông Hương cũng đã để lại trong từng đội viên của Đội những kỷ niệm khó phai mờ sau một lần "về nguồn". Tôi bất giác mở cửa đón những cơn mưa chiều quá vãng hiền hòa: trại "Nhân ái” mùa hè, những đêm vui rước đèn Trung thu, những buổi liên hoan cuối năm... dành cho các em sớm khó nhọc trong những gia đình nghèo, các em sớm phải chịu tật nguyền... mà vẫn chịu khó đi học, đặc biệt là các em lang thang mà vẫn đến lớp xóa mù. Tấm lòng sớm biết thương người của các thành viên trong Đội từng ngày, từng giờ vẫn đến với các hoàn cảnh không may. Những nạn nhân của các vụ nổ bom mìn sót lại sau chiến tranh, những ca mổ bệnh nhân nghèo không đủ tiền chuyền máu, những bi kịch gia đình do thiên tai gây nên... ít nhiều đã được các đội viên trực tiếp đến ngay phòng cấp cứu, bên giường bệnh hay tận gia đình để thăm hỏi, vấn an, chia sẻ niềm đau bằng một tấm lòng thành và một số tiền khả dĩ...

Ngoài trời đang mưa. Mưa như gõ vào cõi nồng ấm tình người. Mưa dội vào đất vọng về câu ca của mẹ. Mưa thấm vào lá vọng về tiếng hát của em. Mưa giọt giọt rơi của ngày bé thơ khóc rồi mưa vui trên mái lá của ngày bé thơ cười. Đem lại cho các em mà những đôi vai gầy guộc hồ như không chịu đựng nổi những bất hạnh cuộc đời ập lên người quá sớm... một niềm vui nho nhỏ, là mục đích của Đội. Mục đích ấy là nhân tố tích cực cho hoạt động nhân đạo của Đội phát triển. Từ những học bổng lẻ tẻ ban đầu cho một số em mồ côi đi học, từ những ánh đèn dầu trong đêm mà Đội giúp cho các lớp tình thương ở phường Phú Cát năm xưa... đến bây giờ, Đội đã xây dựng được 7 chương trình, trong đó có 4 chương trình trọng điểm cho trẻ em và 3 chương trình hỗ trợ. Đó là cả một quá trình phấn đấu, không thỏa mãn với những gì đã làm được, tự vượt lên chính mình trong trách nhiệm trước cộng đồng mà họ đã tâm niệm. Từ vỏn vẹn 15 thành viên ban đầu, đến nay Đội đã có 170 đội viên đang hoạt động, họ là viên chức nhà nước, là lao động tự do, là nghệ sĩ, bác sĩ, giáo viên, nhà báo và nhiều nhất là sinh viên và học sinh. Những vòng tay của họ mỗi ngày mỗi dang rộng, trẻ trung, mời gọi, đón chờ...

* * *

Lê Phùng phác một cử chỉ thân mật, với dáng dấp thấp đậm, hoạt bát, cử chỉ ấy cho biết anh đang rất vui. Chén rượu trên bàn đá sóng sánh, chúng tôi nâng ly. Lâu đã thành lệ, hễ sau một lần làm được việc gì đó, chúng tôi lại tìm đến nhau, móc tiền túi ra "góp gió" để mừng thắng lợi.

Tôi nhớ đó là một chiều nắng đẹp cách đây 3 năm. Quán rượu nằm yên tĩnh trong khu vườn và qua kẽ lá, có thể nhìn thấy vầng kim ô chầm chậm xuống, đỏ quạch một góc trời. Thông thường những cuộc rượu như thế này có thêm Trần Văn Tiến - một đồng đội thanh niên xung phong xưa của Phùng, giờ, cùng Phùng điều hành Đội ngoài công việc Chủ nhiệm Nhà văn hóa Thanh niên Huế kiêm Phó chủ tịch Hội LHTN VN TP. Huế. Kế tiếp trên bàn rượu đơn sơ này là anh Trần Bá Đại Đương - phóng viên Đài truyền thanh Huế, là bác sĩ Trần Văn Hòa - giảng viên khoa dược lý Trường Đại học Y khoa Huế - cả hai anh đều là phó Ban điều hành Đội. Đó là bốn gương mặt chủ chốt trong Ban điều hành do Lê Phùng làm đội trưởng. Thỉnh thoảng trên bàn rượu này còn có Nguyễn Hữu Lạc - Quyền bí thư Thành đoàn và họa sĩ truyền thần Hồ Công Thanh - một nhóm phó trong Đội... Mỗi người trong Ban điều hành đều có công việc, họ tụ tập về văn phòng Đội ở 33 Huỳnh Thúc Kháng, rồi kéo nhau đi đâu đó, vừa bàn công chuyện của Đội, vừa giải trí buổi chiều. Bàn công chuyện xong cũng là lúc rượu vừa hâm nóng máu nghệ sĩ trong người. Thỉnh thoảng nhạc sĩ Lê Phùng xin trình bày một ca khúc mới sáng tác (anh từng có những ca khúc được giải trong các kỳ giải quốc gia). Trần Văn Hòa thì thích hát "Để gió cuốn đi" của Trịnh Công Sơn mặc dầu anh cũng là tay viết nhạc nghiệp dư. Đại Dương thì hào sảng ngâm bài thơ "Hồ trường" nổi tiếng của Dương Bá Trạc, còn Trần Văn Tiến bao giờ cũng để lại trong người nghe dòng nhạc lạ lùng: "Tôi đi qua nhà em bằng đôi chân cà-kheo, trẻ thơ hàng xóm vỗ tay cười...". Tôi kể vài dòng như thế để đoan chắc một điều rằng, khó có thể gặp một Ban điều hành của một tổ chức nhân đạo mà ngoài việc hoạt động tốt, lại "chịu chơi" như Ban điều hành Đội CTXH TN Huế. Sau này, do công việc của Đội ngày càng nhiều, quán rượu vườn xưa đã trở thành quán bia, anh em bận việc nhà cũng dữ, nên việc chúng tôi ngồi lại với nhau làm dăm ba chén đã thưa dần.

Nhưng buổi chiều ấy, anh em đi vắng hết, chỉ còn tôi và Lê Phùng. Hôm đó Phùng vui vì đã đưa được thêm các em lang thang về cơ sở mới ở 37 Nguyễn Trãi, trong lúc vẫn duy trì 37 em ở Nhà trẻ em đường phố 108 Chi Lăng. Sau khi kêu thêm một con cá trê nướng tự thưởng cho hai anh em, Phùng bảo tôi:

- Ngọc thấy không, Đội mình từ hai bàn tay trắng bây giờ đã quản lý một tài sản hàng trăm triệu đồng. Từ nền tảng ban đầu là tấm lòng nhân ái của các chị, các mệ cho 200đ, 300đ góp vào quỹ, bây giờ UBND Tp. Huế cho nguyên hai khu đất ở 108 Chi Lăng và 37 Nguyễn Trãi, các tổ chức nhân đạo và các nhà hảo tâm đã góp sức xây dựng nên hai ngôi nhà Trẻ em đường phố. Chỉ tính riêng khu nhà lầu 2 tầng ở 108 Chi Lăng với đầy đủ điện nước, phòng tắm có vòi gương sen, nhà vệ sinh hiện đại... đã vài trăm triệu. Điều đó có nghĩa là hoạt động xã hội của chúng ta đã đi đúng hướng, được Đảng, chính quyền nhà nước quan tâm, được các nhà hảo tâm và bà con chấp nhận, chúng ta ngày càng giúp đỡ được nhiều em có số phận không may hơn. Thấy không?

Nếu có một hệ thống các hoạt động của Đội trong 6 năm qua, thì tôi cũng xin trình bày như thế này: Tháng 1.1990, Đội CTXH TN Huế ra đời và thực hiện chương trình y tế cộng đồng - cứu tế xã hội. Mục tiêu của chương trình là nhằm theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho trẻ mồ côi trong cộng đồng, cho trẻ em các vùng dân cư nghèo xa xôi, cứu trợ kịp thời các trường hợp tai nạn, thiên tai cho các gia đình nghèo khó. Dấu chân của đội đã có mặt ở khắp các vùng xa, ngay cả ở Nam Đông, A Lưới, Ma Nê, Hòa Mỹ... Sự lớn mạnh của chương trình này là từ 4 - 94. Đội đã tổ chức được phòng khám bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo. Đến nay đã cấp thuốc miễn phí cho trên 25.000 bệnh nhi, cấp gần 400 phiếu bảo trợ sức khỏe miễn phí cho trẻ em khuyết tật của 18 phường trong thành phố và 20 phiếu cho trẻ em mù. Từ tháng 2.1992, Chương trình bảo trợ cho trẻ em mồ côi hiếu học được thực hiện. Từ con số 20 em ban đầu, đến nay, 164 em đã được Đội bảo trợ học bổng với mức 50.000đ - 150.000đ/em/tháng. Nhiều em trong số này đã học rất giỏi, như em Nguyễn Ngọc Khánh Sơn, bố mất, liệt hai chân nhưng 5 năm liền đạt học sinh giỏi, thi vào cấp II đạt thủ khoa. Năm 1993 có 2 chương trình nối nhau ra đời. Từ tháng 1.1993, Chương trình chăm sóc tr em đường phố được thực hiện, từ 21 em ban đầu, nay đã có 95 trẻ từ 3 - 16 tuổi được nuôi dạy. Các em được chăm lo theo một chu trình kín từ ăn, ở, sức khỏe, giáo dục, giải trí và hướng nghiệp, có 49 em đang theo học ở các trường phổ thông, còn lại các em học nghề và xóa mù. Đến nay đã có 8 em quay về gia đình, tự lập, 12 em lập được sổ tiết kiệm từ các sản phẩm mà các em làm ra và có em đã tiết kiệm được gần 1.500.000đ. Tháng 6.93, Chương trình ánh sáng văn hóa ra đời. Đến nay có 24 lớp tại các khu vực Đông Ba, vạn đò Kim Long, Vỹ Dạ... với 371 em theo học thường xuyên. Nhóm học sinh của Đội cũng tổ chức được một lớp cho trẻ lang thang, các em đến lớp sau khi đã giao trả tấm vé số trong ngày, đã cân xong tại các đại lý số lượng bao nilon, sắt vụn mà các em nhặt được. Từ 17 em ban đầu, giờ lớp đã đông đến trên 50 em... Ba chương trình hỗ trợ là Truyền thông văn hóa xã hội - thực hiện từ tháng 3.93 đã có nhiều đêm văn nghệ gây quỹ nhân đạo, lưu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào ở các vùng xa. Chương trình trợ vốn cho người nghèo được thực hiện từ tháng 8.94 đã trợ vốn cho 61 gia đình ở gầm cầu chữ T, gầm cầu Gia Hội, khu định cư Trường An với mức 100.000đ - 500.000đ/hộ để làm vốn mua bán, sản xuất nhỏ. Cái mới của năm 1995 là sự xuất hiện chương trình môi sinh và phát triển cộng đồng, thí điểm từ tháng 4 tại các vạn đò phường Vĩ Dạ với một loạt các mảng liên kết nhau như: tín dụng - tiết kiệm, hội nhập nghề nghiệp, giáo dục cộng đồng, vệ sinh và y tế cộng đồng... Bảy chương trình này, dù ra đời sớm muộn, cũng đều nằm trong khối thống nhất với mục tiêu ban đầu của Đội CTXH TN Huế.

* * *

Ánh điện trong phòng chợt bừng sáng, ánh nến chợt nhún nhẩy một giai điệu mới của nó. Ngoài trời vẫn tí tách mưa và bắt đầu có những làn gió nhẹ thổi vào bóng tối. Tôi khép cửa lại và tự hỏi ánh nến có thừa không. Tôi tự lắc đầu trả lời và tắt điện, găm điện vào máy cassette lớn, thay băng nhạc và một bài hát cộng đồng vang lên: "Anh em ơi, mau cố chất cây khô vào đây đốt này. Trong đêm khuya...". Ngọn nến sáng một vùng trí nhớ...

Đó là một buổi sáng của mùa hè năm 1995. Một nhóm anh em trong Đội đang hướng dẫn các bạn sinh viên Pháp du khảo Bạch Mã sau khi họ đã góp công, góp của suốt hai tuần liền để làm sân chơi cho các em mồ côi ở Huế. Đây là lần thứ hai, một nhóm bạn sinh viên Pháp sang Huế, cùng với các bạn trẻ của Đội làm một cái gì đó cho các em. Lần trước, các bạn Pháp đã giúp sửa chữa hội trường ở 33 Huỳnh Thúc Kháng nơi các em mồ côi do Đội bảo trợ thường sinh hoạt và giúp làm một nhà vệ sinh cho gia đinh trẻ em đường phố đang ở nhờ phía sau Nhà văn hóa Thanh niên... Còn buổi sáng đó, tôi theo họ vượt rừng ở km 17 để xuống Ngũ Hồ. Đúng là thiên nhiên đã không tiếc công sức tô điểm những gì mà Bạch Mã - nàng công chúa ngủ trong rừng - đã có. Bỏ qua hồ thứ nhất các bạn trẻ nhảy ào xuống hồ thứ hai sâu hút và té nước vào nhau tạo nên những cầu vồng mơ hồ trong nắng sớm. Tôi nằm dài trên một tảng đá, nhìn những vũng nước xanh như ngọc và thấy mình đang nhớ về một ngày xưa cũ. Từ dưới sâu đáy vực, bên chân thác nước nhỏ, Sophie đang cười và đưa tay vẫy vẫy một ai đó. Cô gái tóc vàng 17 tuổi này đã có một đêm không ngủ với chúng tôi sau cơn mưa đêm qua. Và cũng sau một đêm như thế. Sophie đã hát được và hiểu được lời bài hát mà chúng tôi tập cho: "Bầu ơi thương lấy bí cùng...". Đêm qua, chúng tôi đã xóa ranh giới của bất đồng ngôn ngữ, và bên lửa, chúng tôi đã truyền cho nhau hơi ấm lòng hướng thiện của con người.

Sau này, cùng với Đội CTXH TN Huế, tôi đã một lần suýt chết ngay trên đỉnh đèo La Hy - Nam Đông. Đó là một trưa tháng tư năm 1993, sau hai ngày cứu trợ gạo, khám bệnh, phát thuốc, diễn văn nghệ phục vụ cho bà con Cà Tu ở hai bản làng Tà Rần, Chà Vo thuộc xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, bốn mươi mốt người trong Đội lên chiếc xe rơ-nôn hai cầu vượt rừng về lại Huế. Hôm đó là một ngày chủ nhật, vậy mà các đồng chí lãnh đạo huyện vẫn đón chúng tôi ở thị trấn Khe Tre để chia tay. Rất cảm động trước thịnh tình ưu ái này, chúng tôi hát vang bài hát chia tay và chuẩn bị vượt đèo La Hy. Đang hò hát rất vui vẻ bỗng nhiên vừa lên đến đỉnh đèo, chiếc xe chợt nghiêng xuống vực - "Xe lật rồi!" - ai đó la lên trong một thoáng im lặng chết chóc. Tôi ngồi sát cửa sổ nhìn xuống vực và thấy một triền cỏ non xanh đang dâng lên rất gần. Nhiều năm tháng lang bạt đã dạy cho tôi ít nhiều về lẽ vô thường - "Thế là hết!" - Tôi nói thầm và nhìn cỏ, bên tai bắt đầu có tiếng ong ong mơ hồ. Chợt một tiếng ra lệnh - "Không được nhốn nháo, phía sau xe ngồi im không được nhảy! Anh em ở cửa trước nhảy xuống níu cửa xe lại!" Tôi choàng tỉnh, vẫn có thể xe sẽ không lật nếu mệnh lệnh trên được thực hiện. Tôi nhìn những anh em xung quanh mình ở phía sau xe. Họ vẫn ngồi yên căng thẳng, xe vẫn nghiêng rất chậm. Năm bảy anh em ở cửa trước đã nhảy xuống níu cửa xe lại vào lòng đường. Bỗng nhiên chiếc xe khựng lại, không nghiêng nữa. Lần lượt thoát ra khỏi xe một cách có trật tự. Khi chân tôi chạm đất, tôi đã thấy cả hai bánh xe bên phải đã rời khỏi mặt đường. Người tài xế vẫn gan lì ngồi đạp phanh, ôm chặt tay lái, chờ số phận. Chúng tôi vẫn tiếp tục cùng nhau níu xe, may thay, lúc đó có một chiếc xe ben xuất hiện và kéo giúp, chiếc rơ-nôn từ từ rời khỏi vực sâu.

* * *

Một ngày của mùa hè năm 1993, em viết thư cho tôi sau rất nhiều năm xa cách. Em kể rằng trên bước đường đi tìm một bí mật của đời mình, em đã dừng chân ở làng quê nghèo nơi sơn cùng thủy tận - đó là vùng Hói Mít thuộc xã Lộc Hải, Phú Lộc. Làng quê ấy rất nghèo, trẻ em phải dùng tạm một cái nhà kho của hợp tác xã để làm trường học, tiếng thầy giảng ở lớp này rất rõ sang lớp khác - "Em thấy tội cho những đứa trẻ ở đây quá! Làm sao để chúng sớm có một lớp học cho đàng hoàng hở anh!" - em viết cho tôi như vậy. Một tuần sau, tôi khoác ba lô về Hói Mít. Trong những ngày tháng đuổi theo ảo ảnh tình yêu của tuổi hai mươi, tôi đã cuồng nhiệt với vô hình để rồi mắc nợ em cơ hồ như suốt cả tuổi đời. Tôi đặt chân lên Hói Mít lần đầu sau một hành trình cuốc bộ 7 km từ ga Lăng Cô dọc theo đường ray xe lửa hừng hực như lửa đốt dưới trời mùa hạ. Hồi đó, tôi đã lặng người đi khi nhìn qua khe cửa vào lớp vì phòng không được ngăn ra, nghĩa là lớp bên này, học thì nhìn thấy lớp bên kia, tiếng thầy giảng ở lớp bên này chi phối sự tiếp thu của học trò lớp khác. Trường đã thế, giáo viên lại thiếu, học trò rơi rụng dần. Hồi đó trẻ em trong độ tuổi cấp I của Hói Mít trên 120 em, vậy mà lớp 5 chưa có tới 10 em... Bài báo "Những ánh mắt nhỏ dại mong chờ" tôi viết về tình hình giáo dục ở đây xôn xao một hồi rồi cũng không giải quyết được gì. Vòng quay ồ ạt của cuộc sống thị trường cũng từ đó cuốn tôi và em vào những cơn xoáy khác nhau của dòng chảy cuộc đời. Mãi đến tháng 4 năm nay, tôi có dịp về Hói Mít lần thư hai. Hói Mít vẫn ngủ yên trong tình cảnh xa xôi, cách trở. Dân cư vẫn như không mấy hòa nhập vào sự chuyển biến kinh tế mạnh mẽ ở bên ngoài. Họ vẫn là những nông ngư dân xóm nghèo chài lưới, trưa chiều ruộng nương, có cả nghề rừng như lấy củi, đốt than... Y tế của làng cũng chỉ một y tá. Trường học Hói Mít vẫn là một gian phòng cho hai lớp với nguy cơ sập lúc nào không biết. Chúng tôi không biết làm cách nào hơn là thêm một lần kêu cứu cho ngôi trường này của các em... May mắn thay, hưởng ứng lời kêu gọi của báo chí, vào tháng 7.1995, Đội CTXH TN Huế đã thực hiện một chuyến công tác về Hói Mít. Theo chân Đội về Hói Mít lần này, tôi thật sự bất ngờ về tinh thần hoạt động đầy trách nhiệm của các đội viên. Vào đến Hói Mít lúc 11 giờ, không cần ăn trưa, nhóm bác sĩ, y tá và các sinh viên y khoa đã ngay lập tức tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người già và trẻ em. Quá 12 giờ, trời bỗng nhiên mưa, các đội viên chịu ướt, căng lều bạt để việc khám bệnh tiếp tục, thỏa mãn nhu cầu của dân. Kết quả, Đội đã khám cho 21 người già, 427 trẻ em, cấp 455 đơn thuốc trị giá 2.500.000đ. Buổi chiều, các đội viên nam cùng thanh niên làng tổ chức làm sân bóng chuyền và Đội đã tặng cho thanh niên ở đây lưới và bóng cùng cây đàn guitar. Các nữ đội viên đã tranh thủ cắt tóc, bấm móng tay cho các em nhỏ. Vào khoảng 5 giờ chiều, với sự chứng kiến của đông đảo bà con Hói Mít, anh Lê Phùng đã trao 5.500.000 - số tiền Đội quyên góp được - để góp phần mình cùng bà con xây trường học cho các em. Với sự đóng góp của Đội, Phòng giáo dục huyện Phú Lộc hứa sẽ chi cho Hói Mít 7 triệu để xây trường, người dân Hói Mít sẽ đóng góp thêm 3 triệu. Con số 15.500.000đ sẽ xây được một phòng học cho các em. Trước một viễn cảnh rất gần, một cụ già thay mặt bà con Hói Mít phát biểu rằng, người dân Hói Mít mong chờ cái ngày này lâu lắm rồi. Thế là trong tương lai gần, ít ra, trẻ em Hói Mít cũng có được một phòng học được xây dựng đàng hoàng. Tôi lặng lẽ nhìn những em nhỏ vây quanh. Đã bao lần về Hói Mít, bao lần nặng lòng với những ánh mắt nhỏ dại mong chờ một ngôi trường ấy, giờ đây tôi mới nhẹ người.

Tối đó, các đồng chí Phan Công Tuyên - Bí thư Tỉnh Đoàn - cùng Ban thường vụ Tỉnh Đoàn; Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cùng các đồng chí lãnh đạo huyện đã về thăm động viên anh em trong Đội và tặng quà cho học sinh Hói Mít. Cử chỉ này đã làm nhiều người cảm động. Đêm đó, Đội CTXH TN Huế đã tổ chức một đêm văn nghệ cây nhà lá vườn phục vụ bà con trước ngày từ giã. Đêm văn nghệ kéo dài cho đến quá nửa khuya bà con mới chịu ra về. Sau này chúng tôi mới được biết rằng, đây là lần thứ hai trong tám năm qua, bà con mới được xem văn nghệ...

Còn gì vui hơn, đầy tự tin hơn khi được đứng chung trong cùng một đội ngũ, được thấy mình còn có ích cho cuộc đời này, cho quê hương này, cho đất nước này. Hòa đang hát điệp khúc của bài ca: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? - Để gió cuốn đi...". Gió vẫn thổi ngoài kia, xa vắng...

Đêm đó, tôi uống say vùi bên anh em, bên biển. Tôi cũng có một lần vui như thế này cùng nhóm anh em sau này. Đó là một ngày mà nhóm 5 người trong Đội đã vượt rừng sâu từ Trường Sơn trở về, thoát chết khỏi cơn bão số bảy, đem được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Cỏn quê ở Hà Tây về bên đồng đội ở Huế. Chúng tôi đã đón hài cốt của anh và nhóm ở đàn Nam Giao, rồi đưa anh về cải táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố. Tối đó, ngồi bên nhau trên gác ngôi nhà trẻ lang thang 108 Chi Lăng, nhóm công tác đã kể cho chúng tôi nghe nhiều cảnh thoát chết kinh hoàng trong khu rừng có bão đi qua. Thế rồi tất cả lại cười xòa. Trách nhiệm trước cộng đồng đã làm cho chúng tôi vượt qua nhiều nỗi khó khăn.

Thỉnh thoảng, trong những giờ phút cần có nhau, chúng tôi vẫn ngồi bên nhau ở ngôi nhà này, trên gác thượng, với bao nhiêu câu chuyện ngổn ngang.

* * *

Quầy sách của Dương Thành Vũ bỗng một ngày nọ trở thành một "mái hiên đời" của một gia đình một người mẹ, bốn đứa con nhỏ đã mồ côi bố. Không phải chỉ riêng quầy sách của Vũ, mà các quầy lân cận, các mái hiên trước cổng Bệnh viện Huế cũng vậy, kể từ trước năm 1994. Một tối mùa đông buồn buồn tôi ghé anh Vũ chơi. Vũ bảo: "Tối ông có rảnh thì đi với mình thực tế mấy hộ gia đình rồi ông coi Đội có giúp được gì cho họ không?", tôi đồng ý. Tối đó Dương Thành Vũ đóng cửa sớm. Trời lạnh, gió từ ngoài sông thổi vào buộc người tôi run lên từng đợt. Ấy vậy mà trong bóng đêm phố lạnh, rất nhiều em bé vẫn co ro ôm nhau ngủ trên hè phố. Loanh quanh một hồi, tôi và anh Vũ bàn nhau là nên mua sắm cho những người ở đây một số áo ấm và tìm cách đưa một số em về Nhà trẻ đường phố 108 Chi Lăng. Buổi sáng, tôi vận động loanh quanh được một số tiền, ghé Lại quầy sách Dương Thành Vũ chơi thì gặp hai ông Phùng Quán và Hoàng Phủ Ngọc Tường đi ngang qua ở bên kia đường. Không chút chậm trễ, Dương Thành Vũ băng ngay sang đường và quyên từ hai ông một số tiền. Buổi chiều, tôi cùng chị Huế - vợ anh Vũ - đi lục lọi hàng đồ bành mua một đống áo quần mùa lạnh, còn dư một ít tiền, chúng tôi bỏ phong bì kèm vào các phần quà cho các gia đình và đưa đến ngay trong đêm. Sáng hôm sau, có hai em xin tôi được theo về 108 Chi Lăng để ở, tôi đưa hai em về. Em gái lớn cùng đi học thêu với các bạn. Em trai nhỏ được làm giấy khai sinh đưa vào học ở trường Phú Cát, và học rất giỏi. Mùa hè vừa rồi, Nguyễn Văn Tý học lớp một đạt điểm trung bình là 9,5. Trong buổi lễ tổng kết năm học của Đội, đích thân đồng chí Nguyễn Văn Mễ - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đã đến trao phần thưởng cho em... Mới đó mà ông Phùng Quán đã đi xa. Một con người ngày nào đã móc hầu bao quyên một ít tiền chia sẻ khó khăn cùng các em giờ không còn nữa...

* * *

Ngọn nến đang sắp cháy hết. Băng nhạc cộng đồng đang chuyển sang bài "Nối vòng tay lớn" của Trịnh Công Sơn. "Mặt đt bao la, anh em ta về, gặp nhau mừng như bão cát, quay cuồng..." Buổi sáng kỷ niệm sinh nhật lần thứ sáu của Đội, anh em thanh niên khắp nơi trong nước về dự. Trung tâm CTXH TN Thành đoàn Tp. Hồ Chí Minh trong chuyến cứu trợ lụt bão miền Trung đã bầu đoàn mang hoa đến chúc. Đội CTXH Nhân Ái Đà Nẵng cũng vượt đèo Hải Vân ra mừng sinh nhật đội bạn. Tiếng hát buổi sáng đó vang lên đầm ấm. Những thanh niên tự nguyện đã đến với nhau, làm được nhiều việc và sở dĩ như vậy là bởi họ không đơn độc. Bên cạnh Đội bao giờ cũng có những tấm lòng vàng của các tổ chức, của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, và không thể không kể đến sự quan tâm của các cấp lãnh đạo chính quyền ở vùng đất vốn giàu truyền thống nhân ái như Thừa Thiên Huế.

Nói đến sự nối tiếp truyền thống nhân ái, tôi chợt nhớ những năm gần đây, nhiều Đội CTXH trên địa bàn tỉnh đã ra đời dưới sự chỉ đạo của Tỉnh Đoàn. Hai năm trở lại đây, Tỉnh Đoàn đã tổ chức một số chuyến công tác xã hội có ấn tượng sâu đậm. Đặc biệt là chuyến đi thăm cù lao Ma Nê - một hậu phương của một tiến tuyến năm xưa - cơ hồ bị lãng quên mười mấy năm trời. Một ngày nọ, một người thương binh từ phía bắc tìm vào Tỉnh Đoàn và hỏi rằng, Ma Nê bây giờ ra sao? Người thương binh kể rằng ngày xưa ông được một người mẹ ở Ma Nê cứu chữa cánh tay bị mảnh pháo địch cắt cụt suốt hai tháng trời chỉ bằng nước muối, hai dải băng và tình thương bộ đội của mẹ. Ma Nê ngày xưa như là một bệnh viện lớn của tiền tuyến Phong Điền. Thế là anh em tổ chức về Ma Nê, mang theo 9 triệu đồng tiền quà, thuốc chữa bệnh. Do ở đây suốt bao năm tháng không có trường, Tỉnh đoàn đã vận động xây một ngôi trường cho trẻ em ở đây với số tiền 12 triệu đồng. Ngày 26.3.1995, Tỉnh Đoàn cũng tổ chức đi công tác xã hội ở Dương Hòa, nơi ngày xưa có trụ sở Đoàn Thanh niên cứu quốc. Tại đài kỷ niệm chiến khu Dương Hòa, hai thế hệ đoàn đã ôn lại truyền thống. Chuyến này, Tỉnh Đoàn khám bệnh, và phát thuốc - 6 triệu đồng. Tháng 4 năm 1995, Đoàn CTXH Dân chính đảng ra đời và ngay lập tức cùng đoàn Bệnh viện T.W Huế đi làm công tác xã hội ở Hương Nguyên - nơi sau 20 năm hòa bình mới có cán bộ Tỉnh đặt chân đến. Tôi đã theo họ vượt rừng già và chứng kiến họ đi thăm từng nhà, khám bệnh, phát thuốc cho bà con và tặng một số quà trị giá 12 triệu đồng. Lũ lụt vừa rồi, với sự trợ giúp của công ty Bảo Minh, Tỉnh Đoàn đã đi thăm và tặng quà cho nhân dân ở hai xã Thủy Bằng và Dương Hòa, trị giá số quà lên đến 10 triệu đồng. Tỉnh Đoàn cũng đi cứu trợ lụt bão hai xã Nhâm và Hồng Thái với tổng số tiền 3 triệu đồng...

* * *

Buổi chiều của ngày sinh nhật Đội CTXH TN Huế, tôi lên cơn sốt. Trong cơn mê sảng, tôi mơ thấy chú bé Nguyễn Ngọc Khánh Sơn ở hàng xóm chống nạng đến chơi và khoe những trang vở rất đẹp. Tôi mơ thấy em Cẩm Vân ngày nào bán nước chè ở chợ An Hòa để giúp mẹ nuôi con ăn học, giờ đang sinh hoạt cùng các anh chị trong Đội, sau 6 năm được Đội bảo trợ. Tôi mơ thấy những chiếc áo và phù hiệu Đội nơi tay áo có in hình những con người nắm tay nhau thành hình tổ ong, nâng niu một em nhỏ. Tôi nhận ra những gương mặt đã từng sốt như tôi sau những chiều dầm mưa bán vé cho đêm văn nghệ cứu trợ bão lụt năm 1990. Tôi mơ nghe tiếng chuông điện thoại reo từ những vùng đất xa xôi, nơi những đội viên cũ đang sống, gọi về trong nỗi nhớ nhung ngày sinh nhật Đội. Và từ đâu đó trong các tầng vọng của tâm khảm, tôi nghe tiếng gọi thân quen "Ê Ô! Ê Ô!", khẩu lệnh thường ngày của Đội, vọng về quanh đây... Hôm đó, tôi tỉnh dậy trong chập choạng tối và thắp trong văn phòng ngọn nến. Ai đó nói, nhiều khi những giấc mơ thấy kia không là giấc mơ mà là kỷ niệm. Và tôi biết, chúng cũng sẽ giúp tôi đi đến hết cuộc đời mình...

Ngọn nến trong phòng đang cháy đến tận cùng. Tôi nhìn nó và nhủ thầm: "Nến ơi! Chào mi!". Tôi bật điện và mở toang các cửa sổ. Gió vẫn thổi ngoài kia, xa vắng...

Huế, tháng 1.1996
H.Đ.T.N
(TCSH85/03-1996)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng