Góc Hoài niệm
Tuổi hai mươi mùa thu tháng Tám
08:56 | 21/12/2022

VIỆT HÙNG
             

Tuổi hai mươi tràn trề hoài bão lớn và tuổi hai mươi... Ở thời đại nào cũng được coi là lứa tuổi hồn nhiên trong sáng, ấp ủ bầu nhiệt huyết, khát khao làm được cái gì có ích cho đời.

Tuổi hai mươi mùa thu tháng Tám
Ảnh: tư liệu

Họ, ngày ấy, cũng là những chàng trai, cô gái ở độ tuổi hai mươi chan chứa tình yêu cuộc sống.

Bài hát "Xếp bút nghiên" đã trở thành một trong những bài hát lên đường của thanh niên Việt Nam. "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, xếp bút nghiên coi thường công danh, như phù vân sơn hà nguy biến, tiến ta tiến...". Ở đó, không chỉ ghi lại hào khí oai hùng của một thời kỳ lịch sử, mà còn khẳng định: chỉ có con đường duy nhất là giành độc lập tự do cho nước nhà. Phong trào xếp bút nghiên trở thành phong trào lớn của thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ mà Huế là một trung tâm chính.

Trước Cách mạng tháng 8.1945, cố đô Huế đã là đất ăn học, là trung tâm của những học đường, nơi hội tụ nhiều nhân tài của đất nước. Nhiều nhà thơ lớn đã trưởng thành từ đây rồi đi theo cách mạng như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh... Nhiều nhà trí thức mà tư tưởng yêu nước của họ đã sớm gây ảnh hưởng lớn trong tầng lớp học sinh, sinh viên Huế lúc bấy giờ như Tạ Quang Bửu, Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Hoài Thanh, Phan Anh...

Ở Huế, một yếu tố đóng vai trò quan trọng cho sự thắng lợi cách mạng là đã nắm được hai lực lượng: sinh viên, học sinh và tiểu thương chợ Đông Ba.

Tư tưởng cách mạng đến với thanh niên Huế sớm nhất là từ tầng lớp học sinh, sinh viên, sau đó lan dần đến giới viên chức, thợ thuyền, tiểu thương... Những ngày đầu của tiền khởi nghĩa họ cùng hướng tới một mục đích cao cả là độc lập dân tộc.

Phong trào hướng đạo sinh của giáo sư Tạ Quang Bửu với tiêu chí rèn luyện sức khỏe và trí tuệ để làm việc thiện cho đời, là một lực lượng rất đáng kể cho cách mạng sau này. Lực lượng thanh niên của luật sư Phan Anh, người cầm đầu tổ chức mang tư tưởng tiến bộ, và lực lượng này trở thành tiền thân cho thanh niên Việt Minh về sau ở Huế. Lực lượng thanh niên cứu quốc, tiền thân của Đội tuyên truyền xung phong. Lực lượng thanh niên Phật tử, lực lượng thanh niên tự phát của tầng lớp công - nông rất muốn sự thay đổi nhưng chưa có tổ chức. Bởi lúc này tư tưởng Việt Minh từ những người thầy đã bắt đầu được nhen nhóm trong học sinh Huế có chiều sâu nhưng chưa rộng.

Thời gian từ 1943, khi có Tỉnh hội sinh viên Hà Nội bùng lên phong trào cứu quốc thì các bài hát yêu nước đã được phổ biến rộng rãi đến Huế. Các lực lượng thanh niên Huế thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc, diễn kịch để khơi dậy lòng yêu nước cho mọi người.

Các trường học ở Huế lúc này do sự phân biệt đối xử của chính quyền thuộc địa nên đã xuất hiện sự mâu thuẫn gay gắt như giữa trường tú tài Tây với trường kỹ nghệ thực hành, giữa hướng đạo Tây với hướng đạo Việt... Huế lại là nơi chịu ảnh hương nhiều của lễ giáo phong kiến nên việc thanh niên thoát ly khỏi gia đình để đi theo cách mạng là điều không dễ dàng.

Nhiều người chủ chốt của thanh niên Huế thoát ly theo cách mạng xuất thân từ gia đình quyền quý, khá giả. Họ là những người có học thức (tú tài hoặc cử nhân học từ Hà Nội về). Đặc biệt là những tiểu thư con nhà khuê các nhưng rất năng nổ với lý tưởng độc lập dân tộc, sau này trở thành những nữ cứu thương trong phong trào Nam tiến như Võ Thị Thể, Ngô Thị Chính, Phạm Thị Cúc Hoa... Có người tuổi mới 15 đã tham gia ngoài mặt trận từ những ngày đầu như chị Tôn Nữ Ngọc Toản (sau này là giáo sư bác sỹ, đại tá quân đội nhân dân Việt Nam). Điều đó khẳng định tinh thần yêu nước của thanh niên Huế, thôi thúc mạnh mẽ lương tri thời đại. Hơn nữa là những người có tri thức nên họ hiểu rõ sự tàn bạo của chế độ thuộc địa, phong kiến nên cùng hướng tới mục tiêu cao cả là chặt tan xiềng nô lên. Đó là cái hăm hở của tuổi hai mươi. Có độc lập rồi thì hướng đất nước về đâu? Tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc bắt đầu được truyền bá, thanh niên Huế mới thực sự tìm được hướng đi cho mình.

Tháng 3.1945 Nhật hất cẳng Pháp và lập ra chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Ngay sau khi thành lập chính phủ, Trần Trọng Kim đã sớm có ý đồ nắm lực lượng thanh niên, nhất là số thanh niên có học thức. Chính vậy mà Trường quân sự thanh niên tiền tuyến ra đời, hai ông Tạ Quang Bửu, Phan Anh được cử đứng ra thành lập. Mục đích của trường là đào tạo các sĩ quan phục vụ cho chính phủ. 43 sinh viên của trường đều có trình độ từ tú tài trở lên, có người đang học dở đại học, có người là hướng đạo sinh, có người đã là giáo sư, công chức... Họ là những trí thức trẻ giàu lòng yêu nước, tuy chưa hiếểu biết gì về cách mạng, về Việt Minh nhưng họ có ý thức dân tộc, mong muốn đất nước thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang.

Tổ Việt Minh đầu tiên gồm các anh: Nguyễn Kèn, Lê Khánh Khang, Đặng Văn Việt, Võ Quang Hồ, Phan Hàm. Những buổi nói chuyện để khơi dậy ý thức dân tộc của luật sư Phan Anh; tạo điều kiện đưa tài liệu tuyên truyền về Việt Minh trong sinh viên của giáo sư Tạ Quang Bửu đã đem lại hiệu quả rất lớn. Từ tháng 7.1945 sinh viên Trường quân sự thanh niên tiền tuyến gần như đã được "Việt Minh hóa", tất cả đều háo hức chờ ngày khởi nghĩa giành độc lập.

Ngày 23.8.1945, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, lực lượng Thanh niên tiền tuyến đã đóng góp vai trò xung kích trong việc cướp chính quyền về tay nhân dân như việc hạ cờ quẻ ly để treo cờ Việt Minh, bảo vệ các mũi đi cướp chính quyền ở các công sở, giải phóng tù chính trị ở lao Thừa Phủ.

Chính quyền lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập thì lực lượng Giải phóng quân Huế (Giải phóng quân Thuận Hóa) ra đời, được chia thành 25 trung đội mà nòng cốt là các sinh viên của Trường quân sự thanh niên tiền tuyến. Rất nhiều thanh niên Huế noi gương đàn anh, tình nguyện gia nhập Giải phóng quân. Ngay những ngày đầu thành lập, Giải phóng quân Huế đã lập công xuất sắc, tiêu biểu là vụ bắt sống 6 tên biệt kích Pháp nhảy dù xuống Hiền Sỹ.

Trong những đoàn quân Nam tiến tháng 9.1945 Giải phóng quân Huế đã tham gia chiến đấu rất anh dũng trên các mặt trận Nha Trang và Sài Gòn. Đặc biệt 50 ngày chiến đấu đánh Pháp dũng cảm tại Huế, trận chiến đấu không cân sức của hai trung đội Tiếp phòng quân Việt Nam với giặc Pháp ở Sáp-phăng-jông (nay là cửa hàng số 1) ngày 25.12.1946, các chiến sĩ của ta hầu như đã chiến đấu đến người cuối cùng, 41 chiến sĩ hy sinh anh dũng, chỉ sống sót 2 người.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cùng với sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang trong cả nước, lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế mà nòng cốt là các sinh viên Trường quân sự thanh niên tiền tuyến đã phát triển không ngừng, cả số lượng lẫn chất lượng, có mặt ở rất nhiều chiến trường trong cả nước và ở nước bạn Lào. Nhiều trận đánh lịch sử khiến giặc Pháp phải kinh hoàng như ở đèo La Ngà, Ba Lòng trận đường số 9, phối hợp với bộ đội Lào tấn công Xavanakhét... Những trận đánh đó đều có phần đóng góp to lớn của những sĩ quan Trường quân sự thanh niên tiền tuyến.

Hơn 50 năm đã trôi qua, từ Huế ra đi là những chàng trai, cô gái ở tuổi hai mươi, mang sẵn trong mình bầu nhiệt huyết cao đẹp. Được lý tưởng cách mạng và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, họ đã trở thành những chiến sĩ cộng sản, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nhiều người đã ngã xuống. Nhiều người trở thành những tướng lĩnh, nhà khoa học quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam như: Cao Văn Khánh, Đoàn Huyên, Phan Hàm, Võ Quang Hồ, Nguyễn Kèn, Cao Pha, Đào Hữu Liêu, Mai Xuân Tấn. Nhiều người trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Nay những người còn sống tuổi đã ngoài 70. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ công ơn các anh chị, một thế hệ thanh niên tự nguyện đến với cách mạng, đến với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Huế, tháng 2.1996
V.H
(TCSH85/03-1996)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Ngọn nến (07/12/2022)