CHÂU PHÙ
Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968) sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Huế, tinh thông Nho học và chữ Pháp. Cụ cùng Ưng Bình Thúc Giạ Thị thành lập Hương Bình thi xã và giữ vai trò phó soái của thi xã này.
Những năm 1940, cụ ra một vế đối đầy thách đố trong một dịp tết Nguyên Đán rằng:
“Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế”
Ai đối đặng thì thưởng một con gà trống. Vế đối thật hóc hiểm, khó để tìm ra câu đối chỉnh. Bạn bè trong Hương Bình thi xã chưa có câu nào ưng ý. Câu đối hấp dẫn và thú vị được mở rộng ra khắp cả nước. Nhiều người trong Nam, ngoài Bắc hưởng ứng để đối lại. Từ chuyện này, nhiều câu đối xuất hiện trên báo chí văn chương như Ngày nay, Phong Hóa nhưng đa phần đều là chưa ổn, gượng ép và chưa ai nhận được giải thưởng đầy mời gọi của Thảo Am Nguyễn Khoa Vy cả. Chơi chữ trong câu đối là cả một nghệ thuật, đòi hỏi tác giả ra đối phải có kiến văn sâu rộng và tài năng ngôn ngữ bậc thầy. Ngược lại, người đối lại phải có tài ứng đối mẫn tiệp, thông minh, tinh ý nắm bắt ý đồ của người ra vế. Chỉ một vế đối có 12 chữ, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy đã thách thức dư luận gần nửa thế kỷ.
Non nửa thế kỷ sau, Tạp chí Sông Hương có tổ chức cuộc thi đối câu đối của cụ Nguyễn Khoa Vy bắt đầu từ số 25 (năm 1987) và giải thưởng vẫn là một con gà trống. Quả nhiên, đề cũ vẫn rất thu hút bạn đọc, cả những cây bút chuyên và không chuyên trong ngoài nước tham gia đông đảo. Tòa soạn đã nhận được tất cả 352 câu được gửi từ khắp các địa phương trong cả nước, từ Thủ đô Hà Nội đến miền sông nước Cửu Long xa xôi và cả tận bên Paris hoa lệ. Ban Biên tập phải thốt lên: “Thực tình đã có lúc Người Sông Hương tính đến nước liều, đề nghị tòa soạn thôi thì... lờ đi cho đỡ nặng gánh, có nghe phê bình thì đành chấp nhận thương đau vậy. Tất nhiên là không ai dám công khai cái chước mười mươi gian lận này, thế nhưng xét chọn câu hay xứng đáng nổi bật trong số câu hay thì người nào cũng... líu lưỡi”. Đáp án thì nhiều nhưng không có câu đối nào thỏa mãn được vế đối cao tay của cụ Nguyễn Khoa Vy. Và có lẽ “số phận” con gà trống chắc vẫn phải quẩn quanh trong vườn nhà cô Bội Lan, con gái của nhà thơ.
Bỗng nhiên, gần 1 năm sau, câu chuyện này đã hấp dẫn giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn khi ông cho biết:
- Tôi thấy hứng thú, cũng muốn bắt đầu “nhảy vào cuộc”, thử gợi lên một hướng đi, gọi là để góp vui.
Dưới góc nhìn và tư duy của nhà ngôn ngữ học, ông đã phân tích các yêu cầu ở vế ra, rồi sau đó là để làm việc với các bộ từ điển tra theo từng phụ âm: lập danh sách danh từ, động từ, tính từ: từ đơn tiết từ đa tiết; cố gắng xếp theo khả năng này, ghép theo khả năng nọ… và dĩ nhiên cũng đi vào “ma trận” ngôn ngữ. Nhưng cuối cùng, với tư duy khoa học, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã cho ra đời gần 30 câu đối “chuẩn không cần chỉnh” với vế thách đối của cụ Thảo Am. Dưới đây là một số câu tiêu biểu:
- Đám đưa, đông đoàn điếu, đảm đương đừng để đứa đuềnh đoàng - Tiệc tan, tàn tối tiễn, tỉ tê tìm tỏ tí tâm tư
- Lụt lên, lo lúa lút, lăm le liễu lội lối làm lầy
- Xuân xong, xoay xắc xách, xáo xông xin xuống xứ xa xôi - Kỵ qua, còn cỗ cúng, quây quần quấy cợt cánh cầm ca
- Quyền cao, có của cất, quanh co còn quịt kẻ cùng cơ
Vậy là vế đối “Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế” đã tìm được những người bạn song hành trên vế đối lại.
Tòa soạn Tạp chí Sông Hương thở phào nhẹ nhõm và ngay lập tức viết lời đề từ đầy hoan hỉ trên số 29, tháng 2 năm 1988: “Thế là tai qua nạn khỏi! Và dù giáo sư Nguyễn Tài Cẩn không muốn, Người Sông Hương cũng xin được thông báo với toàn thể bạn đọc tin vui: Con gà trống của nhà thơ Nguyễn Khoa Vy đã lên tàu Thống Nhất ra Thủ đô Hà Nội ăn tết…”.
Cái chất thơ văn của ông rất khẩu khí, tinh nghịch và rất sâu cay, nhiều lúc bình dị, dân dã nhưng gửi gắm những lẽ đời phải - trái, thịnh - suy. Người ta ngạc nhiên bởi sức sống lâu bền những tác phẩm của ông trong đời sống. Cái tài ấy trong việc ra vế đối mà không ai đối đặng dù vắt óc vò đầu, dù nhạy bén, mẫn tiệp. Phải đến khi nhà ngôn ngữ học như giáo sư Nguyễn Tài Cẩn ngỏ ý bước vào trả lời, mọi chuyện mới được giãi bày. Đây là một câu chuyện rất đáng để nhớ trong văn học sử, trong văn học xứ Huế. Tiếc là, chuyện vui mừng như thế, cụ Nguyễn Khoa Vy không được chứng kiến vì là cụ mất từ 20 năm trước khi tìm ra “quán quân” giành giải thưởng con gà trống của mình. Nhưng cụ vẫn còn đó trong khẩu khí qua hai câu đối trên ngôi mộ của cụ ở núi Ngự Bình khiến người ta phải suy ngẫm:
“Chẳng có danh thơm mà để lại Làm chi xác thối phải chôn đi”.
C.P
(TCSH408/02-2023)
>> Con gà trống đã ra thủ đô ăn Tết