Góc Hoài niệm
Mạ, tết và con gái
09:07 | 22/01/2025

NGUYỄN KHOA DIỆU HÀ
                          Tùy bút

Mạ và tết

Tôi thường hay nghĩ về tết gắn liền với hình ảnh của mạ tôi - người thường kể cho tôi nghe câu chuyện tết bằng câu mở đầu: “Hồi nớ, tết là...”.

Mạ, tết và con gái
Tác phẩm “Sắc xuân” của NSNA Phạm Bá Thịnh

Mạ tôi về làm dâu nhà giàu, thuộc hàng danh gia vọng tộc ở Huế nhưng vào thời đoạn gia cảnh sa sút nên chỉ còn danh tiếng. Ba tôi mất năm mạ tôi ba mươi tám tuổi, một mình mạ nuôi bảy người con và chăm lo hương khói cho ngôi nhà thờ hương hỏa. Nghĩ lại không biết mạ tôi lấy đâu ra sức mà chu toàn được tất cả, nhất là việc giữ gìn lễ nghi của một gia đình truyền thống nền nếp Huế, đặc biệt là vào dịp tết. Bỏ qua một lễ cúng hay mâm cơm cúng chiều 30 tết mà thiếu một món truyền thống nào đó của gia đình là lòng mạ tôi bứt rứt không yên, thấy mình có tội với ông bà.

Cả cuộc đời của mạ tôi có lẽ chỉ có một mục đích duy nhất là lo cho đàn con no bụng và lo cúng ông bà ba ngày tết thật chu đáo. Thập niên 1975 - 1985 và cả đến 1990, những người mạ ở Huế hay ở bất cứ đâu, tôi nghĩ cũng chỉ lo hai điều đó mà thôi. Lo cho con cái là chuyện hàng ngày, còn lo tết là chuẩn bị “khuôn mặt” đẹp đẽ nhất để đón bà con, hàng xóm, bạn bè đến chơi nhà nên chuyện tết quan trọng lắm. Mạ tôi làm việc gì quanh năm cũng chỉ để hướng về tết, bà chuẩn bị tết từ… mùa thu, đó là khi nhà nông vừa xong mùa thu hoạch thì mạ tôi cũng mua xong các loại đậu dự trữ cho tết. Rồi chăm những bụi chuối mật trong vườn, áng chừng buồng nào kịp cho cúng tết. Riêng trong chuồng mạ tôi thả nuôi một con heo từ đầu năm để cuối năm “gả bán” lấy tiền chi tiêu tết và sắm áo quần mới cho anh em tôi. Nhà nông có con trâu “là đầu cơ nghiệp”, thì với mạ tôi, một người ở vùng ven thành phố, con heo là tết của cả nhà. Cho nên có năm con heo mạ tôi nuôi chỉ còn một tháng nữa là bán để lo tết thì bỗng nhiên lơ ăn, mạ vừa buồn, vừa tiếc, vừa thương… con heo. Hồi đó những người mua heo dạo thường đi quanh các xóm, họ cất tiếng rao ngắn “Ai bán heo”, nhà nào có heo bán gọi vào, trả giá đôi ba câu rồi họ lùa con heo vào cái rọ sắt và dùng cái cân tay cũ kỹ để cân. Tôi thấy cái cán cân chổng ngược lên trời nhưng mạ phẩy tay cho qua. Heo lơ ăn bán rẻ như cho, người mua ép giá, cân già nhưng không bán thì biết làm sao. Và từ đó về sau tôi không thấy mạ tôi nuôi heo nữa.

Tôi nghĩ có điều gì linh thiêng, mãnh liệt kéo mạ tôi phải lo nghĩ về tết suốt cả năm như vậy, nhất là vào hai tháng cuối năm. Những lúc thấy mạ lo lắng, anh tôi thường bảo: “Mạ ơi, nhà có gì thì cúng nấy, tụi con ăn chi cũng được, mạ đừng lo!”; mạ tôi chỉ cười nhẹ nhàng: “Ngày tết ông bà về “thăm” nhà, con cháu phải có mâm cơm mà cúng cho đàng hoàng, cả năm cực răng cũng được nhưng ba ngày tết phải no và ấm, người đã qua đời cũng như vậy”. Mãi đến bây giờ khi đã làm mẹ tôi mới hiểu điều luôn ở trong tâm một người mẹ bao giờ cũng là những đứa con và gia đình, là cảnh đoàn viên bên nhau trong ngày tết. Cho nên, mạ tôi làm mâm cơm cúng tất niên với lòng thành kính vô vàn. Tôi nhớ những năm khó khăn, mâm cơm cúng chỉ vài món đơn sơ nhưng mạ tôi chăm sóc kỹ lưỡng từ việc nhặt rau cho đến xào nấu, sắp đặt mâm bát nhẹ nhàng. Trong tà áo dài, tóc vấn cao, mạ tôi thong thả thắp nhang dâng cơm cúng ông bà, động tác vô cùng kính cẩn. Sau này khi các anh tôi lớn lên đi làm ăn xa, bao giờ mạ tôi cũng dặn nhớ sắp xếp về nhà ăn tết, về cho kịp cúng tất niên để ăn bữa cơm sum họp với gia đình. Với mạ tôi, tết là đoàn viên, là thấy anh em tôi khỏe mạnh và no ấm.

Bây giờ tết là sự lộng lẫy của sắc màu công nghệ từ ánh sáng trang trí cho đến bao bì của các loại mứt bánh, nhưng trong tôi, mạ và tết luôn gắn liền với những sắc màu dân gian của các loại giấy màu dùng gói bánh hay màu hoa giấy dùng để cúng. Tôi thấy tết hiện diện trong nhà rỡ ràng và ấm cúng từ đầu tháng Chạp khi đêm đêm bên bếp than hồng, mạ tôi làm những loại bánh khô chuẩn bị cho tết, anh em tôi ngồi cắt những giấy màu xanh, đỏ, vàng, tím để gói bánh, đó là loại bánh in làm bằng bột nếp hoặc bột đậu xanh, đậu trắng. Rồi mạ tôi rim mứt gừng, mứt dừa, mạ khéo tay dùng lá dứa, củ dền, trái gấc trong vườn để nhuộm màu mứt, trông đẹp mê luôn. Đó là những loại mứt bánh phổ biến của người Huế trong dịp tết, nhà nào cũng làm để cúng ông bà, đón khách hoặc biếu bà con. Những năm khó khăn, có bấy nhiêu loại mứt bánh đã là hạnh phúc cho đám con nít, nhất là những nhà nào đông con. Cho nên mạ tôi phải lo tính từ trước tết cả mấy tháng trời là vậy. Rồi mạ tôi mua hoa giấy Thanh Tiên về thay ở những am thờ trong vườn, ở bếp. Hoa giấy Thanh Tiên có lịch sử hàng trăm năm và là một loại hoa cúng mà gia đình nào ở Huế cũng thường mua vào dịp cuối năm thay cho hoa thờ đã cũ. Hoa có năm màu, sắc xuân rực rỡ tràn ra từ những giấy màu, thầm lặng chuyển một mạch nguồn tết xa xưa về với hiện tại. Chỉ mới thay vài cành bông hoa giấy trên các ban thờ mà ngôi nhà đã bừng lên không khí tết và ấm cúng lạ.

Căn bếp của mạ


Có năm qua rằm tháng Chạp rồi mà trời Huế vẫn mưa dầm và lạnh tê tái. Thời gian càng gần đến tết nhịp sống càng vội vã, mưa gió cứ kéo dài mãi không dứt làm người người lo lắng. Thế nhưng trong từng ngôi nhà, người Huế vẫn âm thầm chuẩn bị tết. Với tôi, nơi tết đến sớm nhất, thơm tho nhất, rộn ràng nhất đó chính là từ căn bếp của mạ.

Xứ Huế của tôi, từ ngày xa xưa, bếp nhà quan, bếp phủ đệ cho đến bếp thường dân, ở đó luôn là lớp học về nữ công gia chánh mà “cô giáo” chính là bà, là mạ hay cô, dì và việc dạy cho con gái, cháu gái biết nấu ăn đã trở thành truyền thống trong việc giáo dục con cháu của người Huế. Có lần nghệ nhân ẩm thực, cô giáo Mai Thị Trà kể cho tôi nghe bài học từ căn bếp của bà với mạ của mình: “Trong chuyện học làm bánh, làm mứt hay nấu ăn, mạ mình dạy rất khoa học. Bà chấp nhận cái hư, cái sai của con cái nên tụi mình thỏa sức vừa làm, vừa học. Cái nào hư hay xấu là mạ mình cho nếm thử nên được vào bếp với mạ trong những ngày tết thật là vui!”

Tết chính là dịp để những bà mạ ở Huế trổ tài dạy con gái. Có rất nhiều loại bánh, mứt được bày làm trong dịp này, không chỉ để dâng cúng ông bà mà còn là dịp để “khoe tài” với khách đến thăm nhà mấy ngày tết. Có hàng chục loại mứt, từ mứt khô, mứt dẻo, cho đến mứt nguyên trái (mứt cam, mứt quất) nhưng có hai loại mứt không thể thiếu trong nhà của người Huế vào dịp tết, đó là mứt gừng và mứt dừa.

Bây giờ nhiều khi ngồi ngắm mưa tháng Chạp, lòng tôi thường trở về những ngày thơ bé, nhớ niềm vui chờ đợi tết mà điều mong chờ đầu tiên là được nếm thử những món mứt, bánh mà mạ làm. Khi từ căn bếp mùi gừng tươi bay lên đưa hương thơm ngào ngạt khắp gian nhà thì như có một lực hấp dẫn mạnh mẽ, cả mấy anh em chúng tôi đều tìm đến căn bếp, quây quần vừa nhìn mạ ngào mứt, vừa hít hà cái mùi tết đặc trưng này. Trong tiết trời se lạnh hay mưa dầm của những ngày cuối năm, căn bếp của mạ quả thật là nơi ấm áp nhất trần gian. Ở đó có nhiều tiếng cười, tiếng chuyện trò, tiếng cãi nhau cái bánh này đẹp, cái bánh kia méo và cả tiếng thầm thì xin mạ cho nếm thử...

Có rất nhiều loại bánh được làm dành cho tết nhưng có một loại bánh thể hiện cái tài “tùy gia phong kiệm” của những người mạ Huế, đó là bánh bó mứt ngũ sắc. Đây là loại bánh mà các bà mạ Huế tận dụng những mứt vụn, mứt rẻo để làm, rất đặc biệt mà cũng ngon không ngờ. Bột nếp rang chín nhồi với nước đường rồi cho các vụn mứt vào thật khéo và cuốn chặt lại, cắt từng lát dày khoảng 2 - 3cm. Từ căn bếp của mạ đã hoàn thành một loại bánh vừa dẻo, vừa thơm, có đủ mùi vị của mứt gừng, mứt táo, mứt bí đao... nhìn đẹp như một bông hoa với nhiều màu, cánh uốn lượn mềm mại.

Và còn bao nhiêu là món mặn, món dầm dành để đón khách. Những món này thường được làm vào những ngày cận tết. Khi từ căn bếp bay lên mùi nước mắm thơm lừng được nấu trong ngọn lửa liu riu cho đến khi cái chất lỏng có màu vàng trong vắt ấy hơi sánh lại là biết ngay mạ đang nấu nước mắm dầm dưa món hay nước mắm dầm thịt heo. Rồi còn món bò khô có màu nâu vàng cánh dán với mùi nồng của ớt bột khô và mùi riềng thơm bay lên thì lúc ấy gió lạnh của tháng Chạp xứ Huế đã tan trong căn bếp của mạ rồi.

Từ căn bếp của mạ cũng tỏa lên rất nhiều mùi thơm của mâm cơm cúng chiều ba mươi đón ông bà về ăn tết. Những mùi thơm của ẩm thực ấy cứ quyện chặt cùng tấm lòng thơm thảo, hiếu đạo của con cháu. Trong căn bếp của mạ lúc này lại là những câu chuyện kể về người xưa, rằng “ngày trước ông, bà thích ăn món này, món kia, cách nấu ra sao...”, “món này là món truyền thống của nhà mình”... Cứ như thế mà căn bếp của mạ trở thành “lớp học sử” của gia đình. Bạn bè tôi cũng thường kể về ngày tết của gia đình mình quây quần bên căn bếp như thế, đó là đề tài cho những giờ nghỉ giữa tiết, rôm rả và say sưa cho đến lúc được nghỉ tết.

Có lẽ trong nhiều mảng màu của tuổi thơ tôi, cái màu tường ám khói trong căn bếp của mạ là màu mà tôi hay hình dung nhất vì nó luôn gắn liền với cái kiềng ba chân dùng để nấu ăn. Trên cái kiềng ấy, cùng với ngọn lửa và hình ảnh của mạ tôi với mái tóc bối sau đầu, tay vừa đun củi, vừa xào nấu. Từ đôi bàn tay hiền dịu ấy, bao nhiêu thứ mùi thơm bay lên, những mùi thơm đi vào lòng tôi cùng với bao hương vị quê nhà trở thành một phần của tuổi thơ, của ký ức không thể rời xa.

Nhiều người từng nói đến nỗi nhớ tiếng củi cháy nổ tí tách, ánh lửa hồng và làn khói trắng trong căn bếp nhà mình, đặc biệt là vào những dịp cuối năm khi đất trời cứ như mang một màu hoài niệm dễ đưa con người ta nhớ về những ngày xưa thơ bé. Căn bếp của những người mẹ Huế bây giờ rõ ràng có nhiều cái khác so với thời của những người thuộc hàng 6X - 7X - 8X trở về trước, nghĩa là cái thời của những người Huế gọi mẹ là “Mạ” ấy. Căn bếp bây giờ hiện đại hơn, tiện nghi hơn và cũng đầy đủ hơn. Xã hội đang vận hành theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn, hàng hóa sản xuất nhiều nên muốn mua món gì cũng đều có sẵn. Nhưng rõ ràng cái tâm lý muốn tự tay làm, muốn tự tay nấu những món ngon, những món ăn truyền thống gia đình để dâng cúng ông bà vào dịp lễ, tết vẫn là điều phổ biến trong những gia đình Huế bây giờ. Những mùi thơm của sự sống, của tấm lòng vẫn cứ bay lên từ căn bếp của người mẹ Huế, ấm áp và quây quần. Nếu có khác chăng là thiếu mùi khói và tiếng lửa reo trong bếp. 

Nhưng căn bếp của người mẹ Huế thời hiện đại này còn có thêm niềm vui mới. Trong không gian ấy bây giờ không chỉ có tiếng cười của con gái mà còn có cả giọng nói vừa vỡ tiếng của cậu con trai. Không chỉ con gái học nấu ăn mà các cậu con trai của gia đình cũng vào bếp, điều mới mẻ ấy như để chứng minh rằng cuộc sống luôn có nhiều thay đổi. Căn bếp của mạ cũng vậy, từ bếp củi tiến lên bếp gas, bếp điện, bếp từ nhưng điều căn bản là tiếng cười trong căn bếp nhỏ vẫn vang lên. Tiếng cười của con gái, con trai. Mùi thơm vẫn bay lên, ngoài mứt bánh truyền thống, có thể có thêm vài món của thế giới tuổi teen như là cocktail các loại; như là bánh Muffin, Pancake, Tiramisu, Brownie... với nhiều hương vị. Một mạch nguồn tươi mát vẫn tiếp nối chảy tràn từ căn bếp của mạ cùng thời gian vĩnh cửu như bốn mùa xuân hạ thu đông.

Mạ Huế và con gái


Mỗi người mẹ đều có một hương thơm riêng đối với con cái của mình. Người mạ tôi luôn tỏa hương thơm từ mái tóc dài, đó là mùi bồ kết quyện với mùi lá dứa. Đàn bà con gái Huế thường gội đầu bằng bồ kết nấu với lá dứa nên tóc đen, dài và mượt. Mạ tôi ngày tết còn có hương thơm của mùi khói, mùi của bánh mứt “nhà làm”. Cả tháng Chạp, mạ tôi, ngày thì đi làm nhưng tối về là ở bên cái bếp có khi đến khuya. Con gái là phải theo mạ xuống bếp để mạ sai làm vặt và cũng là để mạ bày cho cách làm món này, món nọ. Có lẽ vì thế mà con gái Huế nổi tiếng khéo tay, giỏi thu vén gia đình. Huế là cái nôi về nữ công gia chánh từ trong cung đình ra ngoài dân gian, rồi có thêm trường Đồng Khánh, nơi nữ công gia chánh được dạy như một môn học nên nữ sinh rất khéo tay. Mạ tôi không học trường Đồng Khánh mà học từ trường “mệ ngoại” - lúc nào mạ tôi cũng đùa như vậy. Không chỉ dạy nấu ăn mà mạ tôi còn dạy cách mua sắm. Những ngày gần tết được nghỉ học tôi thường cùng mạ đi chợ. Khỏi phải nói tôi vui mừng như thế nào. Chợ gần thì đi chợ Vỹ Dạ, chợ xa thì đi chợ Đông Ba. Hồi ấy được theo mạ đi chợ Đông Ba đối với tôi đó là một cuộc đi chơi xa, đi lên phố. Chợ tết là một không gian đông đúc, nhiều màu sắc và rộn ràng vô cùng, mạ bày cho tôi cách chọn mua rau củ thế nào cho tươi ngon vừa kể cho tôi nghe tại sao mua món này, vì ông nội thích ăn, tại sao nấu món này, vì bà nội hồi còn sống rất mê. Cứ thế, mạ và tôi trò chuyện suốt trên đường. Chợ Đông Ba những ngày tết người chen nhau đi. Tôi theo mạ đi bộ lên Đập Đá rồi từ đó đi đò qua chợ Đông Ba. Mạ tôi bắt đầu bằng việc mua những món khô trước, nào là nấm khô, măng khô, nếp, đậu các loại, miến dong, phù chúc... thứ để nấu thịt hầm, thứ để nấu thịt đông, thứ nấu chay, thứ nấu xôi, chè... Hết hàng gia vị là sang hàng chiếu và gối. Ngày tết mọi nhà đều thay chiếu mới nên hàng chất cao đụng trần, o bán chiếu lọt thỏm giữa bề bộn chiếu dày, chiếu mỏng, hoa văn rực rỡ đủ loại. Tôi nhớ chiếu Bình Định là đắt tiền nhất, chiếu Quảng Nam ở giữa có hình bốn quả đào tươi, bốn góc trang trí hoa văn, trông là thấy cả mùa xuân về.

Không phải mình tôi mà tất cả con gái Huế đều phải theo mạ đi chợ và vào bếp. Con nhà giàu có, tiểu thư cành vàng lá ngọc cũng vậy, tất cả đều phải vào bếp để học, thế cho nên Việt Nam là đất nước duy nhất có bà hoàng viết sách thơ dạy nấu ăn hơn một trăm món. “Gái Huế thì phải biết nấu ăn”, đó như là một tiêu chí mặc định cho nên bất kỳ một người mạ Huế nào cũng sẽ không yên lòng nếu con gái của mình vụng về chuyện bếp núc. Với một trái tim yêu thương, bất kỳ người phụ nữ nào cũng hiểu rằng hạnh phúc gia đình thường bắt đầu từ mâm cơm, từ những món ăn “vì thương mà nấu” cho chồng, cho con nên những bà mạ Huế rèn con gái chuyện bếp núc từ nhỏ. Chuyện làm đẹp ngày tết cũng là mối bận tâm của những cô nàng mới lớn như tôi hồi đó. Lời dạy của mạ tôi thật giản dị “Sạch sẽ, thơm tho là một vẻ đẹp rồi, học giỏi cũng là đẹp đó con”. Nói vậy nhưng rồi mạ cũng cất công làm món “thuốc” làm đẹp trong dân gian là hầm bí đao làm cao dưỡng da, làm cho làn da trắng hồng tự nhiên nhưng bài thuốc rẻ tiền, hiệu quả và dễ làm nhất là rửa mặt bằng nước vo gạo.

Thời của mạ tôi, thiếu nữ Huế thường để tóc thề xõa ngang vai hoặc tóc dài đến lưng, gội nước bồ kết và chanh nên suôn mượt mềm mại, thơm dịu vô cùng. Có lẽ vì thế mà trong nhiều vẻ đẹp của thiếu nữ Huế, mái tóc mềm đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng đi vào thơ ca, nhạc, họa. Mạ tôi thường bảo, con gái Huế nước da trắng ngần là nhờ uống nước sông Hương và rửa mặt bằng nước vo gạo, tóc đen huyền là nhờ gội đầu bồ kết. Có lần tôi cũng hỏi bà Lê Thị Dinh (1920 - 2021) - cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, người hầu hạ Đức bà Từ Cung cho đến khi Đức bà qua đời - thì được bà Lê Thị Dinh cho biết: “Các bà hoàng triều Nguyễn, mắt phượng mày ngài, da trắng, tóc dài, tất cả đều là vẻ đẹp tự nhiên. Buổi sáng các bà cũng rửa mặt bằng nước lạnh, có thêm vài cánh hoa hồng”. Mạ tôi kể, thời của bà chưa có son môi, muốn cho môi hồng thì ngậm bao hương (tức là miếng giấy màu đỏ người ta dùng bó các bó hương), rồi dặn dò đầy ngụ ý: “Vẻ đẹp tâm hồn, tính tình lễ phép, lương thiện mới là vẻ đẹp của con gái Huế”. Chính vẻ dịu dàng của thiếu nữ Huế đã làm bao người thổn thức con tim. Năm 1936, cách đây gần một trăm năm, họa sĩ Mai Trung Thứ đã vẽ bức tranh “Thiếu nữ Huế” với dáng người mảnh khảnh, đôi mắt to tròn có một chút trầm lặng và rụt rè, đôi mắt nhìn ươn ướt như sắp khóc, trong veo đến nỗi họa sĩ Trần Văn Cẩn nhận xét: “Không ai vẽ thiếu nữ có đôi mắt đẹp và trong như dòng sông Hương tài bằng Mai Trung Thứ”.

Vẻ đẹp ấy, cho đến hôm nay vẫn còn, khi cô thiếu nữ vừa từ trong bếp phụ mạ trở ra, màu hồng cũng về liền theo trên má, đó là đôi má hồng như cánh hoa đào, ửng trên làn da trắng ngần như hoa huệ. Đôi má hồng ấy cũng ửng lên một lần nữa trong làn nắng xuân, giấu kín niềm vui nhè nhẹ khi ngày mồng một tết cùng mạ đi chùa lễ Phật, phát hiện có ánh mắt ai nhìn nên luống cuống, e thẹn trong tà áo dài lụa: “Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý bóng xuân sang” (Hàn Mặc Tử). Một nụ hoa xuân vừa nở hòa trong một vườn hoa xuân của vạn vật, thiếu nữ Huế bên mạ ngày tết, mạ/mẹ và con gái, hai vẻ đẹp như ánh quang của mùa xuân nên dù tết Huế có năm mưa xuân bay bay, gió lạnh co ro cả phố phường thì vẫn có một ráng hồng nho nhỏ trên má của thiếu nữ xuân thì, có ánh vui trong mắt người mẹ, chỉ chừng ấy thôi tết muôn đời vẫn đẹp.

Thêm một mùa xuân nữa đến trong đất trời. Trong cái màu bàng bạc của sương sớm, trong ánh nắng vàng mơ của mùa xuân hoặc giả là Huế mưa những ngày tết thì dưới mỗi mái nhà, bình yên vẫn trú ngụ khi còn đó bóng dáng của bà, của mạ. Nếu chỉ là hoài niệm, là nỗi nhớ thì tôi tin vẫn là hiện hữu như là bởi những gì yêu thương và tinh túy mạ đã truyền cho con gái. Những người con gái trên thế gian này đều mang hình bóng của mạ/mẹ mình trong cuộc đời, như con gái Huế thì có hình bóng của mạ Huế, như trong lối sống người Huế có hình bóng sông Hương, núi Ngự, như Tết Huế là một sắc mai vàng. Mạ, Tết và con gái mãi như bao mùa xuân qua.

N.K.D.H
(TCSH432/02-2024)

 

Các bài đã đăng
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)