Góc Hoài niệm
Đường hành hương Huế
10:42 | 06/05/2010

HOÀNG HUẾ

…Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…

Đường hành hương Huế
Ảnh: Internet
Rứa là, sau vài ngày chuẩn bị cấp tập, người mang xe hơi đi khám đổi giấy lưu hành cũ gần hết hạn, người lo khoản tiền nong và thu xếp mang theo nhiều thứ cuốn "Thơ tình Việt Nam và thế giới" dày cộp của nhà Khai Trí, để bán dần dọc đường làm lương khô chuyến đi, và mặc dầu sắp đi thì tôi bị té cầu thang trẹo chân, một sáng đẹp trời, chúng tôi vẫn rời Sài Gòn lên đường. Chúng tôi ra đi trên một chiếc xe La Đà Lạt cũ kỹ, với 10 cuốn thơ, 3 bức họa, 1 ví da khá lép, riêng tôi thì với cái chân cà nhắc và chiếc gậy Trường Sơn.

Nhưng mặc kệ tất cả! Mặc chiếc xe hơi già nua đáng lẽ được an nghỉ từ lâu trong viện bảo tàng, mặc cái ví lép, mặc bàn chân sưng vù mà thời gian sẽ làm công việc của nó là hàn gắn dần vết thương (của trái tim cũng như của da thịt), chúng tôi vẫn quyết tâm hướng về phương Bắc, tiến thẳng ra thành phố thân thương.


ĐẤT THÀNH CỦA LÒNG TÔI

Tôi ra đời trong một nếp nhà nhỏ gần cửa thành Đông Ba, chung quanh là hàng rào râm bụt xanh rờn, mái ngói rêu phong phủ bóng cây thị già đầy trái tròn vàng thắm và tiếng chim kêu.

Cụ can của tôi từ Hà Tĩnh vào làm quan triều ở thành Thuận Hoá, lấy một người vợ Huế dòng Tuý Lý Vương. Cụ cố của tôi dạy chữ nho ở Quốc Tử Giám, kết hôn với một cô gái thôn Vỹ Dạ,. Đến lượt ba tôi, du học về, cưới một nữ sinh Đồng Khánh xinh đẹp ở làng Nguyệt Biều đầy trái thanh du thanh trà, là má tôi.

Vì vậy, có thể nói, tôi là một người "Huế cột cờ". Không những là nơi chôn rau cắt rốn, Huế đối với tôi còn là tuổi ấu thơ, những ngôi trường tiểu học, trung học, và mối tình đầu thời chớm thanh xuân.

Nhưng ngưỡng cửa vào đời của thế hệ chúng tôi không kết bằng hoa hồng, mà bằng khói súng.

Năm mươi tư năm trước,, vành xích xe tăng của đoàn quân viễn chinh nghiến xuống các mặt đường êm đềm của thành phố thơ mộng. Những giấc mơ đẹp bị tiếng súng chiến tranh xua đuổi khỏi lòng người Huế, trường học đóng cửa, rạp chiếu bóng ngừng bán vé. Người ta đào chiến hào trên các vườn hoa, chỗ hẹn hò của những cặp tình nhân. Thành phố nóng rực như một lò than hồng.

Chúng tôi chiến đấu gần suốt mùa đông bên dòng Hương Giang. Trong trận đầu cầu An Cựu, nhiều bạn tôi không còn trở về. Họ đều là những thanh niên Huế trẻ măng, phần lớn chưa biết đến nụ hôn đầu của tình yêu.

Rồi chúng tôi vượt sông Hương ra đi, vào cái buổi sớm mà trời thành phố cháy đỏ rực như mặt người mẹ chảy máu. Chúng tôi để lại sau lưng những con đường quen thuộc thân thương, những người mẹ và những người yêu, để lại nơi đây tuổi thơ ấu và trái tim mình.

Như nhiều người Huế khác ra đi vì lòng yêu nước, yêu tự do, vết chân những người trai xứ Huế, trong hai cuộc chiến tranh dài, in dấu trên khắp các nẻo đường của đất nước rộng lớn, khắp các rừng xanh, khắp các mặt trận.

Riêng tôi, Huế vẫn khắc khoải theo tôi vào những giấc mơ, hoặc giấc mơ nơi chiến hào, hoặc giấc mơ trong giấc mơ.

Trong một truyện ngắn không thể không viết vào năm 1957, lúc xa Huế đã mười năm, tôi kể:

"Mấy đêm rồi, tôi không ngủ được, chính cái tổ chim trên nóc nhà làm tôi khó ngủ. Vào khoảng nửa đêm, tiếng chim lảnh lót cất lên, đánh thức nỗi nhớ bão tố và kỷ niệm da diết. Tôi thức dậy, ghi vào nhật ký: "Ôi, thành phố thân yêu của tôi! Thành phố của những bài thơ và điệu hò êm đềm, ở đấy mỗi trái tim đều chứa đầy tình yêu như lá phổi chứa đầy không khí, ở đấy, tâm hồn các cô gái kín đáo và đằm thắm. Ôi, cái thành phố có dòng sông dịu dàng, có những lăng tẩm im lặng, những món ăn ngon lành và những buổi chiều ngọt ngào như những lát mứt bí...".

Ngoài nguyên nhân chiến tranh, nguyên nhân chính trị, còn có biết bao trai, gái của Huế rời thành phố vì nguyên nhân kinh tế. Mảnh đất Huế, dầu theo quan điểm các thầy địa lý "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" vẫn luôn luôn là một vùng đất nghèo, hẹp, núi và biển chỉ cách nhau gang tấc. Từ núm ruột con con nằm chính giữa chiếc đòn gánh Việt Nam, bao nhiêu thế hệ người Huế đã phải tha phương cầu thực khắp bốn phương trời.

Trên đường đời, tôi từng gặp hằng hà sa số người đồng hương ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, ở Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn, ở tận Vĩnh Long, Rạch Giá cho tới tận cùng đất mũi Cà Mau. Dường như khắp đất nước, từ miền biển mặn đến miền cao nguyên, thậm chí cả nơi rừng rú, đâu đâu cũng có mặt những gia đình gốc Huế. Rồi khắp trái đất này nữa chứ! Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Ba Lan, Nga, Thuỵ Điển, Đan Mạch v. v... có nơi nào thiếu mặt người gốc Huế.

Và tất cả đều nặng lòng với quê hương nguồn cội. Ở Pháp có " Hội những người yêu Huế", ở Hoa Kỳ có nhóm "Thơ áo tím", ở Đức có câu lạc bộ văn thơ "Huế chay", ở Đan Mạch có "Hội người Huế xa quê"..

Nói một cách hình tượng hơn, thì theo tôi, trên quê hương Việt Nam, người Huế "Do Thái" nhất nước, còn trên thế giới, thì người Huế " Do Thái" nhất hành tinh.

Ngày hội tưng bừng của quê hương cội nguồn, Festival Huế 2000, sắp đến gần. Nhiều người Huế "Do Thái" ấy từ khắp các miền đất nước, cả một số người Huế "Do Thái" trên khắp trái đất, đều dồn về thành phố thân thương, nơi họ cất lên tiếng oa oa đầu tiên trong đời.

Trong dòng người gốc Huế đó, có vô số văn nghệ sĩ gốc Huế. Và trong dòng văn nghệ sĩ gốc Huế đó, có chiếc xe La Đà Lạt " cổ lai hy" của hai chúng tôi, một thi sĩ gốc Huế và một họa sĩ gốc Huế. Hai người bạn đồng hành lớn tuổi trên chiếc xe già rong chơi này, tuy nghề nghiệp và tính nết, nhân cách khác nhau, song lại giống nhau ở tính liều lĩnh bất cần đời của nghệ sĩ, ở thú vui lãng tử, ở một số quan điểm và ở lòng đam mê cái đẹp gặp trên đường đời.

Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi.

Trong trí tưởng tượng, tôi hình dung chuyến đi này của chúng tôi là một chuyến hành hương, giống những người Ả Rập, Hồi giáo trên thế giới hành hương về đất thánh Jérusalem, nơi có đền thơ La Mecque và phiến đá thiêng liêng vĩnh hằng của đấng tiên tri Mahomed.

Rứa đó! Huế chính là đất thánh của lòng chúng tôi. Trái tim tôi đập về phía Huế. Một góc trái tim tôi, góc sâu kín nhất và đằm thắm nhất, thuộc về Huế.

Huống chi, trên giấy khai sinh, tôi lại mang tên của cả thành phố, ở đó, mỗi bước chân sẽ đánh thức giữa lòng tôi biết bao kỷ niệm bồi hồi.

Bởi vậy, với cái chân cà nhắc, với chiếc xe cũng cà nhắc nốt, tôi vẫn một lòng sắt đá lên đường.

CON ĐƯỜNG HÀNH HƯƠNG.

Mới ra khỏi Sài gòn một quãng, chiếc ống pô trên xe đã tự động rời ra, phải dừng ở Thủ Đức hàn lại. Đi quá Tháp Chàm, thì ống dầu thắng chảy, cũng phải ngừng sửa chữa ở một ga-ra nhỏ, mãi xế trưa chúng tôi mới dừng lại nơi một thị tứ nhỏ của tỉnh Bình Thuận, cái thị tứ có một cây me tây rất lớn tán lá xum xuê mà người địa phương gọi là " cây ngủ chiều".

Họa sĩ lái xe, mệt mỏi vì con ngựa chiến bất kham của mình nằm nhờ võng một quán trọ, tranh thủ chợp mắt chừng nửa giờ. Còn tôi ngồi uống cà phê lai rai ở quán cà phê bên cạnh.

Trên con đường xuyên Việt, thỉnh thoảng chúng tôi lại phải dừng nghỉ như vậy cho máy xe nguội bớt, nên mãi tới khuya, xe mới tới Nha Trang. Đó là một thành phố biển yên tĩnh, sạch sẽ và rất an ninh. Trên các góc đường không hề gặp một bóng sắc phục cảnh sát.

Đêm Nha Trang không trăng sao, nhưng không gian đầy ắp tiếng sóng và tiếng gió. Xe và người được nghỉ ngơi thoải mái một đêm dài.

Mờ sáng hôm sau, chúng tôi lại ra đi, với lòng quyết tâm phớt lờ mọi khó khăn, tiến thẳng về Huế. Nhưng chiếc ô tô của chúng tôi hình như không nghĩ vậy. Nó thường cao hứng ngừng lại đột ngột dọc đường. Vẫn cái cố tật hoặc thắng không ăn, hoặc mất điện chết máy.

Hỡi ôi! Đó là chiếc xe già mà suốt con đường thiên lý từ Nam ra Bắc, nó chưa hề có vinh hạnh gặp một chiếc xe khác đồng loại, để chúng có dịp "giao lưu" đôi phút về thời vàng son xưa kia của chúng!

May sao dọc quốc lộ 1, không thiếu gì các ga-ra rất dễ nhận ra bởi từng dãy vỏ lốp ô tô chất đầy nơi mặt sân tiền.

Tối ngày thứ hai của chuyến đi, chúng tôi bắt buộc phải dừng nghỉ đêm ở một trong những ga-ra như vậy, vì xe thình lình chết máy giữa đồng không mông quạnh, không một bóng người, không một ánh đèn. Hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi lúc đó là ánh điện xa mờ của một thị tứ nhỏ rất gần, thị tứ thật nhỏ này mà có tới hai ga-ra, thuộc huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định.

Trong khi những bóng thợ cởi trần loay hoay trong đêm để sửa xe dưới ánh sáng lu mờ của ống đèn nê ông duy nhất, họa sĩ chủ xe quay lại bảo tôi.

- Hay sáng mai anh vẫy xe đò ra Huế trước đi?

Tôi đáp:

- Răng được! Xin cậu nhớ rằng tinh thần đồng đội của mình khá cao, nghĩa là đồng cam cộng khổ, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chịu.

- Tôi "thử nghiệm" anh thôi mà. Nhưng nói thật đi, anh ngán cái xe của tôi lắm phải không?

Tôi lắc đầu:

- Không! Xe này vốn mắc bệnh tuổi già, khi trái gió khi trở trời, tính nết thất thường. Dù sao, mình vẫn thấy thoải mái hơn đi trên một chiếc xe hơi đời mới có gắn máy lạnh.

- Răng rứa anh?

- Dễ hiểu thôi. Thích hút thuốc lá trên xe thì tha hồ hút. Nơi nào kỳ thú thì cứ việc ngẫu hứng dừng lại, uống cà phê, uống bia, ngắm cảnh, chụp hình. Tất nhiên có trục trặc nhiều. Nhưng mình tin rằng rồi cuối cùng, cũng sẽ "đi đến nơi, về đến chốn" thôi.

Để an ủi người chủ xe đau khổ, tôi nói dỡn bằng mấy câu mở đầu của bài "Chăn trâu" trong sách "Quốc văn giáo khoa thư" mà tôi thuộc nằm lòng từ hồi tấm bé (Ai bảo chăn trâu là khổ? Không! Chăn trâu sướng lắm chứ!)

Tôi mỉm cười và đọc nhại:

- Ai bảo đi La Đà Lạt là khổ. Không! Đi La Đà Lạt sướng lắm chứ!

Tuy đùa vậy, lòng tôi vẫn thấp thỏm. Tôi tin tài lái xe của bạn, nhưng không còn tin ở xe của bạn.

Đêm Phù Mỹ ấy khá gian khổ. Chúng tôi phải ngủ đêm trên tấm chiếu trải bên đường, trong khách sạn "ngàn sao". Ở khách sạn cấp siêu này, đâu cần máy lạnh, tivi, mà tha hồ hưởng gió trời thứ thiệt! Tuy nhiên, đó cũng là một đêm khá thú vị, để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên.

Người chủ ga-ra, một chàng trung niên có năm con nhỏ và một bà vợ gày gò, mặc áo thun trắng, để râu quai nón, mời chúng tôi vào " bàn tiệc" dọn trên tấm phản gỗ. Trên mâm, bày đĩa thịt gà luộc, mấy tô cháo gà và chục chai bia "Qui Nhơn". Anh ta chìa tay, trịnh trọng nói:

- Trong đời, ai chẳng có lúc lỡ độ đường. Đất này là đất võ Tây Sơn, hiếu khách, có cách chơi rất thoáng trên chốn giang hồ. Xin mời các anh cạn ly trên tình anh em.

Tôi gật gù:

- Trong cái xui cũng có cái hên. Xe hỏng, nhưng lại tạo cho chúng tôi cái duyên tao ngộ. Tôi cũng luôn luôn sống theo phương châm " bốn biển là anh em". Tôi thích chan hòa với mọi người, thích được kết giao với những người bạn mới tình cờ gặp trên đường đời. Vì tất cả đều là con của đấng Tạo hóa. Các nhà luật pháp nói rằng: " Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật" nhưng theo tôi, thì phải nói" Mọi người đều bình đẳng trước thượng đế, trước cuộc đời và trước ly bia". Khi đã nâng ly chúc mọi điều tốt đẹp cho nhau, thì chúng ta có thể cùng hát bài "Huynh đệ chi tình" rồi.

Bỗng người chủ ga-ra vỗ phản một cái, rồi khoát tay ra hiệu. Cô con gái nhỏ trèo lên nóc nhà, lấy xuống một cây ghi ta cũ phủ đầy bụi gác trên xà gỗ. Vừa lấy giẻ lau lớp bụi thời gian trên mặt đàn, người đàn ông râu quai nón vừa nói:

- Các anh đi dự Festival Huế. Tôi mơ ước trong đời được ra Huế một lần, vì nghe thiên hạ nói Huế rất đẹp, mà chưa có dịp. Nhưng tôi thuộc nhiều bài hát về Huế. Vậy xin hát tặng các anh, hai người Huế một đêm tình cờ ngồi nhậu bia "Qui Nhơn" với tôi trên đất Bình Định.

Thật không ngờ! Anh ta có giọng hát khá tốt và phong cách hát rất say mê. Trong bóng đêm hiu hắt ánh đèn huỳnh quang của cái ga-ra nhỏ, người thợ sửa xe hơi, tay gảy đàn, mắt lim dim, hát luôn một mạch gần chục bài ca về xứ Huế, từ tiền chiến như "Đêm tàn Bến Ngự", rồi " Huế xưa", "Huế đã xa rồi", "Mưa trên phố Huế", cho đến hiện đại như " Huế, tình yêu của tôi", "Gửi người thôn Vỹ".

Chúng tôi chờ trời sáng hẳn mới giã biệt cái thị tứ nhỏ bé và anh chủ rậm râu. Xe rồ máy ngon lành, tựa hồ chưa hề có sự cố xảy ra. Nó trèo đèo Hải Vân cũng khá ngon, giống một chàng trai khỏe mạnh. Song xuống hết đèo, nó lại giở chứng, ngay giữa phố Lăng Cô. Trong khi chờ máy nguội, chúng tôi ghé một nhà bên đường, ăn tô mì "không người lái" cho đỡ đói lòng.

Tình cờ chủ nhà đó lại là học trò cũ của họa sĩ. Anh ta bảo:

- Các thầy không kịp tới Huế dự khai mạc Festival được mô! Em mở tivi các thầy coi hí!

Ôi, tiếng "hí" nghe sao mà Huế! Nghĩ cũng lạ! chỉ cách nhau một cái đèo, mà giọng nói chợt khác hẳn nhau. Giọng "Quảng Nôm" găn gắt bên tê đèo, và giọng Huế ngọt ngào bên ni đèo.

Lúc ấy, đúng 7 giờ rưỡi tối ngày mồng 8 tháng tư. Chúng tôi nhìn thấy Huế khai mạc hội lớn trên màn ảnh nhỏ, với giọng giới thiệu rất ngọt, rất Huế của cô xướng ngôn viên, với những điệu múa cung đình và những tà áo dài rực rỡ màu sắc, với lầu Ngọ Môn sáng rực ánh đèn, với Cột Cờ thành phố Huế uy nghi in bóng sừng sững trên nền trời đêm.

Rồi chúng tôi đi tiếp, vượt qua cổng chào đầu địa giới Huế, lấp lánh dòng chữ "Welcome to Festival 2000"...

Huế, Huế đây rồi. Rứa là sau 3 ngày đêm vất vả, chúng tôi tiến vào lòng xứ Huế thân thương.


24. 1. 2000
H.H
(137-07-00)


 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Cảm nhận Huế (02/03/2010)