Góc Hoài niệm
Những bến đò ngang trên sông Hương
16:14 | 04/08/2010

PHAN THUẬN AN

Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.

Những bến đò ngang trên sông Hương
Ảnh: Internet
Huế có thật nhiều sông: cả sông thiên nhiên lẫn sông nhân tạo. Sông thiên nhiên như sông Hương, sông Bạch Yến. Sông nhân tạo như sông An Cựu, sông Đông Ba, sông Kẻ Vạn, sông Đào, thành phố còn được nối tiếp với ngoại ô bằng những lạch nguồn khe suối, như nguồn Tả, nguồn Hữu, sông Bồ; và bằng những đầm phá như đầm Sam, đầm Chuồn, đầm Cầu Hai, phá Tam Giang, v.v…

Với hệ thống thủy đạo phong phú và đa dạng này, người ta có thể dùng thuyền để đi lại khắp nơi trong thành phố và vùng ngoại ô, kể cả lên rừng và xuống biển.

Các tác giả của sách Đại Nam Nhất Thống Chí (Thừa Thiên phủ, tập thượng mục tân độ) đã ghi rõ vùng sông Hương và các tuyến đường thủy phụ cận có đến 50 bến đò khác nhau.

Thật vậy, ngày xưa, khi xe tàu chưa được sử dụng, trên sông Hương có nhiều tuyến đò ngang mà cũng không ít tuyến đò dọc còn ghi lại dấu ấn trong những câu hò lãng mạn, trữ tình:

Thuyền về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long
Đến nơi đây là ngã rẽ của lòng
Biết còn gặp gỡ trên sông bến nào
.

Đành rằng, con đò chỉ là một phương tiện giao thông vận tải thô sơ cổ truyền của địa phương, nhưng, nếu đi sâu vào sinh hoạt của những chuyến đò dọc đò ngang trên sông Hương, chúng ta cũng có thể tìm thấy ở đó một số nét tình cảm, về văn hoá của những người đi lại trên sông và cuộc sống của người dân ở hai bên bờ sông ấy.

Trong bài viết ngắn gọn này, chúng tôi chỉ nói đến những chuyến đò ngang trên một đoạn của sông Hương mà thôi.

Sau khi chảy quanh co gần 100 ki-lô-mét trong vùng đông Trường Sơn, nguồn Tả và nguồn Hữu đều mang nước và kết nghĩa xe duyên tại ngã ba sông trước mặt chợ Tuần ở làng Bằng Lăng để tạo nên một mối tình rất thơ mộng mang tên là Hương Giang. Từ đây, sông Hương bắt đầu uốn lượn mềm mại qua vùng gò đồi xanh tươi ở tây nam xứ Huế, rồi nhẹ nhàng lả lướt vòng qua trước mặt thành phố cũ để lờ lững trôi về cửa biển Thuận An.

Với chiều dài khoảng 30 km ấy, dòng sông tương đối sâu và rộng, nên nước chảy không hối hả mà chỉ trôi xuôi êm đềm. trên đoạn trung lưu dài chừng 10 km kể từ làng Long Hồ trên chùa Linh Mụ về đến cuối thôn Vĩ Dạ đối diện với Bãi Dâu, mặt sông thường phẳng lặng như một tấm gương trong suốt in bóng các công trình kiến trúc cổ ở bờ bắc và những tòa nhà cao tầng xây theo lối mới ở bờ nam.

Ở cả hai bờ, xóm làng san sát, vườn tược xanh um, dân cư đông đúc, phố phường tấp nập.

Mãi đến cuối thế kỷ 19, khi trên sông Hương chưa bắc chiếc cầu nào, đoạn sông này có đến khoảng 10 tuyến đò ngang, mỗi tuyến cách nhau trung bình 1 km, có thể kể từ trên xuống dưới như sau: bến đò Long Thọ, bến đò Kim Long, bến đò Trường Súng, bến đò Thừa Phủ, bến đò Trường Tiền, bến đò Hàng Me, bến đò Đập Đá, bến đò Cồn, bến đò Bến Cạn, bến đò Chợ Dinh.

Chúng ta thử lần lượt tìm hiểu ý nghĩa tên gọi các bến đò và đặc tính sinh hoạt của các tuyến giao lưu ấy ở trên sông.

Trước hết là bến đò Long Thọ. Đầu thế kỷ 19, vùng đồi này mang tên Thọ Xương. Đến năm 1824 mới đổi ra tên hiện tại. Năm 1895, một người Pháp là ông Bogaert (dân địa phương gọi là ông Bồ-Ghè) phát hiện ra đây là một ngọn đồi đá vôi và ông được chính quyền thực dân cho thiết lập nhà máy sản xuất vôi đá ở đó từ năm 1900. Nhân dân thợ thuyền tụ tập đến làm ăn tại đây ngày càng đông. Cho nên, cần có bến đò để đi lại, nhất là bến đò ngang nối với làng Xuân Hòa ở đối diện bên kia sông.

Tuyến đò Kim Long nối làng Kim Long với Phường Đúc. Trong suốt hơn 50 năm giữa thế kỷ 17 (1636-1687) Kim Long đã từng là nơi đóng thủ phủ của các chúa Nguyễn ở niềm Nam Hà. Kiến trúc cổ nơi đây chẳng còn gì, nhưng vẻ đẹp của thiên nhiên và con người ở đó vẫn còn tồn tại. Một ông vua sính thơ của nhà Nguyễn đã từng nói:

Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi
.

Địa danh Phường Đúc được gọi như thế gì nơi đây đã trở nên một công trường đúc đồng từ thế kỷ 17. Các văn vật bằng đồng từ thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn hiện nay còn lại ở Huế như chuông đồng, khánh đồng, súng đồng, vạc đồng… đều đã được sản xuất tại đây.

Tuyến đường sông này nối kết hai bến đò mang tên hai phường làng lịch sử ấy.

Trước cửa Nhà Đồ, có một tuyến đò ngang nối Bến Me với bến đò Trường Súng ở bên kia sông. Gọi là Bến Me vì ngày xưa ở đó trồng nhiều cây me chua. Còn về địa danh Trường Súng thì chưa có sự nhất trí giữa các nhà nghiên cứu về ý nghĩa của nó. Cụ Phan Văn Dật cho rằng ngày xưa đây là một công trường đúc súng. Nhưng linh mục L.Cadière thì lại viết rằng ngày trước, nơi đây nhà Nguyễn đã thiết lập các xạ trường để binh lính của triều đình qua tập bắn. Ông gọi đó là “Bac du Champ de tir, Đò Trường Súng”.

Con đò Thừa Phủ nối bến trước cửa Ngăn (trước đây gọi là bến vườn hoa Nguyễn Hoàng) với bến trước dinh Thừa Thiên Phủ doãn, tức là nơi quan đầu tỉnh Thừa Thiên làm việc. Thừa Thiên Phủ doãn gọi tắt là Thừa Phủ. Tuyến đò này đã được thay thế bằng cầu sông Hương vào năm 1971, nay gọi là cầu Phú Xuân.

Sở dĩ gọi là bến đò Trường Tiền vì ngày xưa ở bên trên bến đò ấy, phía Tả ngạn (khu vực Nhà Văn hoá thành phố hiện nay) đã có một công trường đúc tiền của triều đình nhà Nguyễn. Tuyến đò Trường Tiền đã được thay thế vào năm 1900 bằng một chiếc cầu sắt mang cùng tên như chúng ta đang thấy hiện nay.

Đò Hàng Me nối chợ Đông Ba với xóm Hàng Me. Gọi như thế vì ngày trước ở đây trồng toàn cây me, nhất là trên con đường Phạm Ngũ Lão ngày nay. Bến đò này có thời còn được gọi là bến đò Tòa Khâm vì nó ở gần Tòa Khâm sứ Pháp (trường Đại học Sư phạm ngày nay) và cũng gọi là bến đò sân vận động, vì ở trên đường lên sân vận động Huế.

Đò Đập Đá nối chợ Đông Ba với Đập Đá, tức là cái đập được xây bằng đá dưới thời vua Thành Thái (1889-1907). Trước đó, nơi đây gọi là bến đò Thọ Lộc, tên ngôi làng tại chỗ.

Đò Cồn nối vùng Gia Hội với Cồn Hến và thôn Vĩ Dạ (nguyên xưa tên là Vĩ Dã). Ngày trước, khi chưa bắc cầu Phú Lưu, phải đi liên tiếp hai con đò: một từ Gia Hội qua Cồn Hến và một từ Cồn Hến qua Vĩ Dạ (gần chợ Mới).

Đò Bến Cạn nối khu vực phía dưới Gia Hội (ngang với đường Cao Bá Quát hiện nay) với khu vực cuối thôn Vĩ Dạ lại với nhau. Sở dĩ gọi là Bến Cạn vì tuyến đò này đi ngang qua điểm cuối của Cồn Hến, nơi đây đất phù sa của sông Hương bồi thêm càng ngày càng cạn dần.

Và đò chợ Dinh đi từ Chợ Dinh ở gần vùng Bãi Dâu (đường Ôn Như Hầu ngày nay) qua phía chợ Mai ở làng Tây Thượng bên kia sông. Chợ Dinh nguyên có tên là Chợ Dinh Ông, tức là nơi ngày xưa có nhiều dinh thự, phủ đệ, của các ông hoàng bà chúa ở. Từ Chợ Dinh trong câu hò ru em “Chợ Dinh bán áo con trai” chính là ở chỗ này.

Như vậy, ngày xưa, ở hai bờ mạn trung lưu sông Hương có tất cả 9 tuyến đò ngang để đưa khách sang sông. Chúng ta có thể chia 9 tuyến đò ngang ấy ra làm 3 khu vực sinh hoạt tùy theo đặc điểm của từng vùng:

- Các bến đò Long Thọ, Kim Long, Trường Súng là ba tuyến đò ở gần vùng gò đồi tây nam của Huế, cho nên khách qua sông ở ba bến này phần nhiều là những người gánh gồng các thứ lâm sản và hoa quả trong vườn rẫy của họ xuống chợ bán.

- Các bến đò Thừa Phủ, Hàng Me, Đập Đá là ba tuyến đò ở trung tâm của Huế, nên phần nhiều những người sang ngang là dân thành phố: thợ thuyền, người buôn bán nhỏ, và đa số là công chức, sinh viên, học sinh.

- Các bến đò Cồn, đò Bến Cạn, đò Chợ Dinh là ba tuyến đò ở về phía hạ lưu sông, phía biển, cho nên khách qua sông phần đông là bạn hàng bán cá biển cá sông, cá đầm phá, và những gánh cơm hến bên Cồn qua bán buổi sáng, các gánh bánh canh Nam Phổ lên bán buổi chiều ở các thôn xóm, phố phường bên tả ngạn sông Hương.

Mặc dù con đò Thừa Phủ ngày nay không còn nữa, nhưng cách đây trên mười năm, trong gần một thế kỷ, nó là con đò nổi tiếng nhất vì nó đã đóng một vai trò văn hoá cao nhất. Phần lớn các trường học và công sở đều tập trung ở dọc đường Lê Lợi (tên cũ: Jules Ferry)

Biết bao nhà nhiếp ảnh nghệ thuật đã thu vào ống kính các sinh hoạt của con đò và khách qua sông ở bến nầy. Hình ảnh con đò Thừa Phủ cũng đã đi vào trong nhiều tác phẩm thơ ca và âm nhạc.

Ngày xưa ở Huế, có những văn nhân thi sĩ, tao nhân mặc khách, trong những buổi nhàn du, đôi khi không có việc gì cần phải sang sông cả, nhưng vẫn xuống đò. Họ xuống ngồi để ngắm cảnh sắc của sông Hương và thưởng thức cả thanh sắc của cô gái đang đưa đẩy mái chèo:

Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng thơ thấy đẹp phải tìm theo…
Đăm đăm mắt mỏi vì cheo,
Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng
Biết không cô hỡi biết không
Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao
”.
(Nam Trân, Huế đẹp và thơ).

Ngay từ hồi trước, có kẻ đã bảo rằng mỗi người Huế là một thi nhân. Nói như vậy có quá đáng lắm chăng? Nhưng chẳng phải là hoàn toàn không có lý. Sống trong cảnh xinh như mộng của xứ thơ, con người ai lại không thấy lòng rung cảm. Những xao xuyến của tâm hồn trước cái đẹp ấy đã thể hiện ra bằng những lời ca tiếng hát. Biết bao câu hò mái nhì của riêng Huế đã được sáng tác, phát xuất từ những cảm hứng có thực trong môi trường êm ả thanh thoát của những chuyến đò ngang, đò dọc đan nhau qua lại hàng ngày hàng đêm trên sông Hương:

- Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn
Chèo qua Ngọc Trản, đến vạn Kim Long
Sương sa gió thổi lạnh lùng,
Sóng xao trăng lặn gây lòng nhớ thương
- Kim Long dãy dọc tòa ngang
Em chèo một chiếc thuyền nan về Sình
Đôi đứa mình lỡ hẹn ba sinh
Có mần răng đi nữa cũng trọn tình với nhau
.

Hầu như vào bất cứ thời điểm nào trong 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày cũng đều có sự sinh hoạt của con đò trên sông Hương. Các chuyến đò ngang đã bắt đầu hoạt động từ khi trời chưa sáng để chuyên chở các gánh hàng hoa, rau quả và tôm sống cá tươi qua chợ. Đò đưa liên tục mãi đến tám chín giờ đêm. Từ đó về khuya là đò thơ, đò nhạc:

Bến chợ Đông Ba tiếng gà eo óc,
Bến đò Thọ Lộc tiếng trống sang canh.
Giữa sông Hương dợn sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền tình ngửa nghiêng
.

Ngày nay một số chiếc cầu đã thay thế cho một số tuyến đò ngang và những sinh hoạt đò ngang trên sông Hương không còn rộn rịp và đa dạng như trước nữa, nhưng, con đò ngang ở một số bến nơi đây vẫn còn là hình ảnh rất quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người dân xứ Huế.

Thỉnh thoảng, trong những buổi sớm mùa xuân hay những cuối chiều mùa hạ chúng ta cũng nên đi qua một chuyến đò Chợ Dinh để thưởng thức cái đẹp của bờ sông thôn Vĩ và dáng dấp thanh trang của núi Ngự Bình mờ ảo trong sương; hay bước xuống một chuyến đò Long Thọ ngồi nhìn về phía tây để ngắm bức tranh giữa cảnh trời mây sông núi. Chính những lúc như vậy, chúng ta càng thấy thành phố quê hương này vô cùng đáng mến đáng yêu.

Huế là một xứ thơ. Trong xứ thơ ấy có con đò thơ. Con đò thơ đưa đón hàng thơ và cả nhà thơ nữa.

Những chuyến đò ngang trên sông Hương đã ngày đêm âm thầm lặng lẽ nối kết cuộc sống đôi bờ, nhưng chính những con đò ấy đã đóng góp một cách tích cực và sinh động vào cuộc sống kinh tế và văn hoá của người dân cố đô và các xóm làng lân cận.

Dù là người địa phương hay du khách từ xa đến, nếu chưa đi được một chuyến đò ngang hay một lần đò dọc trên sông Hương, nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát, thì xem như chưa hưởng hết cái phong vị tuyệt vời của miền núi Ngự sông Hương.

P.T.A.

(3/10-83)




 
Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Huế (01/06/2010)
Cảm nhận Huế (02/03/2010)