Vì sao ông cứ theo mãi chủ đề biển và lính biển?

- Vì 30 năm (1963-1993) tôi là lính hải quân trải qua gần như trọn vẹn cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tôi hiểu về hải quân, có vốn sống về nó. Viết như trả nợ cho hải quân…

Cụ thể hơn, mảng đề tài nào của hải quân khiến ông dồn tâm huyết nhất?

- Mảng đề tài tàu không số, với “Người của biển”, “Sóng chìm”, “Huyền thoại tàu không số”. Riêng cuốn thứ ba, tôi phải lấy tài liệu 20 năm, có nơi đi lại đến 5 lần như Cà Mau, Bến Tre, Vũng Rô. “Huyền thoại tàu không số” là dạng ký, người thật việc thật, có nhiều nhân chứng.

Và ông nhớ nhất…?

- Xúc động nhất là sự hy sinh của lính tàu không số. Nhiều người nghe kể khó tin, như 2 chiến sĩ đánh tàu hy sinh, còn lại chỉ cái cẳng chân và nằm chung 1 ngôi mộ. Hay chuyện anh hùng Nguyễn Văn Hiệu khi hô đồng đội xuống hết biển, bơi vào bờ để ông ở lại, khi ấy con tàu mất lái cứ chạy vòng tròn, ông chọn lúc con tàu chạy xa anh em nhất thì ấn nút “nổ ngay” và hy sinh cùng con tàu… Hay ông Nguyễn Văn Loan - thủy thủ trên tàu - lên bờ ở Cà Mau, bị địch mổ bụng moi gan không khai. Thời đó, người ta giành cái chết về mình, nhường cái sống cho đồng đội. Và còn rất nhiều những câu chuyện, tấm gương như thế…

Vậy sự sáng tạo, hư cấu của nhà văn nằm ở đâu?

- Như nhà văn A.Dumas đã nói “Sự kiện lịch sử là cái mắc áo, nhà văn mượn cái mắc để mắc áo mình”. Tôi bộc lộ quan điểm chiến tranh của mình qua “Người của biển”, “Sóng chìm” và tôi cũng chuyển thể 2 cuốn tiểu thuyết trên thành kịch bản 40 tập “Đường trên biển” cho Đài Truyền hình TPHCM và Hãng phim Giải phóng kết hợp.

Vậy quan điểm chiến tranh của ông là gì?

- Trước đây, trong những năm chiến tranh, do hoàn cảnh lịch sử, mục đich tuyên truyền vì thắng lợi nên nhiều cái không viết được. Nay, chiến tranh lùi xa, tôi viết về những mất mát, thân phận, éo le, khúc mắc của người lính…

Ông còn những gì chưa thể viết ra?

- Chiến tranh khốc liệt hơn ta tưởng. Trong một căn cứ ở Cà Mau, người ta dựng ra bến đón vũ khí từ miền Bắc đưa vào, vì thế phải tuyệt đối bí mật. Có anh lính trẻ ở bến vừa cưới vợ đòi về, nếu cho về dễ lộ bến và lộ cả con đường vận chuyển vũ khí trên biển. Người chỉ huy khuyên giải anh lính đừng về, đang đêm anh lính trốn, vị chính ủy sai lính đuổi theo và dặn nếu thuyết phục không được, phải xử lý. Và cuối cùng anh lính bị bắn chết bởi chính đồng đội của mình. Sau đêm đó, vị chỉ huy bạc tóc và cả một cuộc chiến tranh, người chỉ huy cứ ân hận và băn khoăn rằng hành động của mình đúng hay sai. Nỗi ám ảnh còn dai dẳng, theo suốt những năm hòa bình.

 

Vậy bao giờ ông trả hết nợ?

- Các nhà văn lính không bao giờ trả hết nợ cho dân tộc. Ngay trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ cũng chưa có một nhà văn quân đội nào viết được một tác phẩm tầm cỡ.

 Vì sao?

- Có 3 lý do. Văn học VN chưa có những tài năng kiểu L.Tolstoy (Nga). Nhà văn bị ngợp trước những chiến thắng quá vĩ đại của dân tộc. Và cuối cùng, nhà văn áo lính ở vị thế những người trong cuộc ở góc độ này hay góc độ khác chính là con dao hai lưỡi. Nhiều vốn sống quá làm nhiều nhà văn tham sự kiện, viết văn thành ra một bài báo kéo dài. Phải có độ lùi nữa dù chiến tranh đã xa rồi. Để thế hệ sau nhìn chiến tranh với con mắt khác. Như nhà văn Sơn Táp (Trung Quốc), 27 tuổi cuộc chiến tranh Mãn Châu xảy ra, cô ta chưa đẻ, nhưng cô ấy viết “Người đàn bà đánh cờ vây” (giải Concours, Pháp). Trong sách, không có tiếng súng, chỉ là mối quan hệ con người với con người. Rồi năm 2003, 100 nhà văn nổi tiếng thế giới chọn ra một cuốn sách để đời cho nhân loại và họ đã chọn cuốn “Don Ki-ho-te” (tiếng Tây Ban Nha: Don Quixote de la Mancha) của Miguel de Cervantes Saavedra, thay vì cuốn “Chiến tranh và hòa bình” vì Don Kihote là nhân vật hư cấu hoàn toàn, mang tính nhân loại, còn “Chiến tranh và hòa bình” vẫn phải dựa vào sự kiện.

 Ở đây còn có vấn đề phát hiện và nuôi dưỡng nhân tài ở ta chưa tốt?

- Đã có mấy hội thảo bàn về văn học VN chưa có tác phẩm đỉnh cao. Ở đây, quan niệm văn chương của một số nhà quản lý chưa chuẩn. Vẫn có vùng kiêng kỵ, lối mòn, vì thế “Chủ tịch tỉnh” phần 2 tôi viết nhiều người khen mà vẫn không được làm. Các ngành, các cấp tổ chức các cuộc thi văn chương chuyên ngành, nhưng cứ đi thực tế theo kiểu bầy đàn, cơm bưng nước rót, cưỡi ngựa xem hoa thì nhà văn không thể có tác phẩm lớn. Đừng “báo chí hóa” các nhà văn, “sự kiện hóa” các nhà văn…

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo Việt Văn - LĐ