Thời sự Văn chương
Hư và thực một cuộc đời trên trang tiểu thuyết
15:42 | 22/05/2017

Giọt sầu đa mang là cuốn tiểu thuyết thứ 9 của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Điểm đặc biệt ở nhà văn này khiến cho anh bật lên so với các nhà văn cùng thế hệ là sức viết khỏe, viết đa dạng nhiều chủ đề...

Hư và thực một cuộc đời trên trang tiểu thuyết
Giọt sầu đa mang là cuốn tiểu thuyết mới nhất của tác giả Nguyễn Đình Tú: Anh viết về một nhân vật có thật, thậm chí cũng không hề thay đổi nhiều về tên tuổi, đó là ông Phạm Phúc Toại, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Long, là nguyên mẫu của nhân vật chính Mười Phúc.
 
Viết về một nhân vật trong thương trường, lại là một nhân vật vẫn đang sống, đang kinh doanh và thành đạt là một việc rất khó. Nếu không khéo nhà văn sẽ rơi vào kiểu viết thể ký người thật việc thật với cảm hứng ngợi ca. Nhưng với Giọt sầu đa mang, tôi đã thực sự bị thu hút từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng, với những chi tiết đậm đặc tính tiểu thuyết, với cảm hứng sáng tạo nhân bản cùng với một giọng văn như thường lệ, giàu tình cảm và ngồn ngộn vốn sống.

Giọt sầu đa mang là cuốn tiểu thuyết thứ 9 của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Điểm đặc biệt ở nhà văn này khiến cho anh bật lên so với các nhà văn cùng thế hệ là sức viết khỏe, viết đa dạng nhiều chủ đề, mà hầu hết đều là những chủ đề nóng của xã hội đương đại. Giọt sầu đa mang đã khắc họa được một mảng xã hội khá lạ với bạn đọc, đó là thế giới của những đại gia với những con người nắm tiền tỷ trong tay, nhưng chính họ cũng nhận ra sự phù du, mong manh của đồng tiền.
 
Từng chi tiết cụ thể, rõ ràng về những thăng trầm, thất bại, cũng như thành công của một cuộc đời hiện rõ trên từng trang tiểu thuyết. Bao cay đắng, bao muộn phiền cũng như bao băn khoăn trăn trở về tình người, lòng người đã khiến ông Mười Phúc hiện lên như một nhà kinh doanh có tài và có tâm. Tập trung khai thác những mảng miếng kinh doanh, nhưng độc giả hồi hộp dõi theo không chỉ là cuộc đời trên thương trường, mà còn dõi theo những góc khuất riêng tư của một con người đa tình, đa cảm, thường gửi gắm nỗi lòng mình vào những vần thơ, những câu ca cổ.
 
Cấu tứ của tác phẩm là một vòng tròn khép kín với nhân vật cô gái Hồng Ngự, cháu gái người yêu đầu của ông Mười Phúc. Cô xuất hiện ngay đầu tác phẩm, thổi một làn gió tươi mát vào những khô cằn, cạn kiệt của trái tim ông Mười Phúc. Sự xuất hiện của cô là đường dây phát triển của cốt truyện và chính cô khép lại cuốn tiểu thuyết với lời gửi gắm của ông Mười Phúc: “Giá trị của tình yêu không phải là duy trì được sự rung động tình cảm trong bao lâu, mà ở chỗ, ngọn lửa hai người trao nhau thuở ấy còn cháy lên trong họ tình yêu con người và tình yêu cuộc sống hay không? Đó mới là ý nghĩa đích thực của tình yêu”. 

Và đây cũng là thông điệp mà nhà văn Nguyễn Đình Tú, thông qua một nhân vật có thật, một hổ tướng của thương trường, gửi đến độc giả.

Nguồn: TS Hà Thanh Vân - SGGP

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng