Thời sự Văn chương
Ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản” của nhà văn Lưu Sơn Minh
15:13 | 15/06/2017

Sau 12 năm từ lần xuất bản đầu tiên, tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản” của nhà văn Lưu Sơn Minh “tái xuất” với diện mạo mới cả về nội dung lẫn hình thức. Ngày 15/6/2017, nhân dịp “Trần Quốc Toản” phiên bản mới (họa sĩ Thành Phong minh họa, Công ti Cổ phần Văn hóa Đông A và Nxb Văn học liên kết ấn hành) ra mắt bạn đọc, buổi giao lưu với nhà văn Lưu Sơn Minh đã diễn ra tại Nhà sách Cá Chép - 115 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản” của nhà văn Lưu Sơn Minh

Tiểu thuyết “Trần Quốc Toản” được Nxb Kim Đồng in vào năm 2005 và Nxb Văn học in lại vào năm 2009, hướng đến đối tượng bạn đọc chính là thiếu nhi. Với nỗ lực mở rộng phạm vi đối tượng bạn đọc, nỗ lực “kể nốt những điều đáng ra đã/phải kể”, nhà văn Lưu Sơn Minh đã viết lại, làm mới tác phẩm của mình, bổ sung vào đó những trăn trở về phận người, phận đời, phận nước. Phiên bản “Trần Quốc Toản” 2017 được cấu trúc thành 17 chương, tương ứng với tuổi đời của người anh hùng.

Nhà văn Lưu Sơn Minh chia sẻ: Đây là cuốn sách được bắt đầu từ cảm hứng sau một truyện ngắn tên là “Nước mắt trúc” của tôi in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1998. Sau truyện ngắn này, tôi quyết định đào sâu sử liệu để viết một truyện ngắn về Trần Quốc Toản, rồi nhận ra để viết về người anh hùng trẻ tuổi ấycần cả một cuốn sách dài. Từ trước đến giờ, mọi người vẫn quen "đóng khung" Trần Quốc Toản trong khuôn mẫu "thiếu niên chí lớn hăm hở dựng cờ". Nếu chỉ có vậy thì quá đơn giản, thậm chí là không công bằng với một dũng tướng như Trần Quốc Toản. Trần Quốc Toản khác cơ, đội quân dưới lá cờ sáu chữ khác cơ. Họ trẻ trung, nghịch ngợm, anh dũng và hào hoa. Mỗi một người trong đội quân ấy, cũng như người chủ tướng trẻ tuổi, đều là một niềm tự hào của nước Việt... Tôi muốn kể về những niềm tự hào ấy, thay vì những anh chàng non nớt ngờ nghệch chỉ biết "cắm cúi tỏ ra anh hùng" như trong hình dung trước đây​.

 

lsminh1
Từ trái qua: Họa sĩ Thành Phong, nhà văn Lưu Sơn Minh, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng tại buổi giới thiệu sách (Ảnh: Đông A)
 
Và quả thật, trong tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản”, hình tượng nhân vật chính được xây dựng từ nhiều góc nhìn khác nhau. Có khi Hoài Văn hầu là người con hiếu thuận, yêu thương và mong muốn bảo vệ mẫu thân trước sự xa lánh, thờ ơ của gia tộc. Quốc Toản cũng mang nặng mặc cảm tự ti khi sinh ra đã mang trên mình số phận bị lãng quên trong dòng họ. Nhưng bên cạnh đó, chàng trai trẻ Quốc Toản cũng đầy nhiệt huyết, muốn cống hiến cho giang sơn đất nước. Và đúng với lứa tuổi 16, 17 của mình, Trần Quốc Toản cũng trẻ trung, nghịch ngợm nhưng không thiếu nét hào hoa phong nhã. Tình cảm buổi ban đầu mơ hồ như xa như gần với thôn nữ tên Thoan cũng khiến nhân vật trở nên gần gũi, gây thiện cảm cho người đọc. Nhưng hơn tất cả, chân dung Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản được tác giả Lưu Sơn Minh dụng tâm xây dựng là một vị tướng trẻ, tuy chưa có kinh nghiệm trận mạc, chưa có kinh nghiệm điều binh khiển tướng, nhưng vẫn là một vị chủ tướng mưu lược, biết dò sức địch, hiểu rõ quân mình. Trải qua các trận đánh lớn Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Trần Quốc Toản đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành chủ tướng được tin yêu của toàn đội quân dưới lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân”. Trong trận đánh cuối cùng ở vị trí tiên phong, Trần Quốc Toản đã hi sinh anh dũng, hòa vào lòng đất mẹ bên bờ sông Như Nguyệt.
 
lsminh
Nhà văn Lưu Sơn Minh kí tặng sách độc giả (Ảnh: Đông A)
 

Xoay quanh nhân vật chính Trần Quốc Toản, nhà văn Lưu Sơn Minh cũng xây dựng nhiều nhân vật gây ấn tượng. Đó là các nhân vật có thật trong lịch sử thuộc hoàng tộc nhà Trần, hay nhóm các nhân vật được tác giả xây dựng mới hoặc “nối dài” từ các tác phẩm của nhà văn Hà Ân: cô Thoan, Hoàng Chí Hiển, cụ Uẩn, Hoàng Đỗ, Hoàng Mãnh…
“Trần Quốc Toản” được xem là phần trước của tiểu thuyết lịch sử “Trần Khánh Dư” - một tác phẩm khác cùng tác giả. Nhà văn Lưu Sơn Minh cho biết, trong tương lai, anh sẽ còn viết tiếp về thời Trần - giai đoạn quy tụ nhiều anh hùng, hào kiệt vào bậc nhất, nhì trong suốt chiều dài lịch sử nước nhà. Sau cuốn “Trần Khánh Dư”, họa sĩ Thành Phong tiếp tục là người minh họa, vẽ bìa cho cuốn “Trần Quốc Toản”. Sự kết hợp này mang đến một sắc diện mới mẻ cho cuốn tiểu thuyết. 

“Hư cấu lịch sử phải có giới hạn. Xây dựng nhân vật tiểu thuyết không có nghĩa là phá vỡ hình ảnh của nhân vật trong chính sử. Tôi muốn biết, đằng sau những con chữ trong chính sử là gì. Bởi, nhà viết sử rất cân nhắc, cẩn trọng với từng con chữ của họ” - tác giả “Trần Quốc Toản” chia sẻ. Họa sĩ Thành Phong thì gặp một Trần Quốc Toản trong tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Lưu Sơn Minh “người” hơn rất nhiều so với chính sử, so với những truyện kể quen thuộc trước đây về nhân vật anh hùng trẻ tuổi này.

Theo Hoàng Phước Lộc - VNQĐ

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
'Ghi và Nhớ' (15/06/2017)