Thời sự Văn chương
Tiếng chuông cảnh báo hiểm họa môi trường
08:43 | 21/08/2017

Có cảm giác như quá bức xúc trước những mối đe dọa ô nhiễm, hủy hoại môi trường sống đang ngày càng hiện hữu mà Đãng Khấu viết tiểu thuyết này. Ở một khía cạnh nào đó, tác phẩm giống như một tiếng chuông cảnh báo vang lên đúng lúc, thức tỉnh tinh thần cảnh giác của mọi người, kể cả những kẻ đang mê muội chạy theo đồng tiền, sẵn sàng bất chấp tất cả.

Tiếng chuông cảnh báo hiểm họa môi trường

Một lần nữa, “Mối chúa” (NXB Hội Nhà văn, 2017) của Đãng Khấu khẳng định một quyết tâm, một giá trị sống của xã hội loài người văn minh ngày nay: không đánh đổi môi trường vì mục đích kinh tế, vì những lợi ích trước mắt. 

Cốt truyện khá đơn giản: nhân vật xưng “tôi” là con trai của một doanh nhân thành đạt, khi bố chết được kế vị bố - lãnh đạo một công ty lớn đang ăn nên làm ra.

Được đào tạo bài bản ở Tây về hẳn hoi, nhưng anh ta không khỏi bỡ ngỡ khi được “ném” vào thực tế cuộc cạnh tranh có phần khắc nghiệt của kinh tế thị trường.

Mâu thuẫn của chàng “thủ lĩnh” trẻ tuổi chính là ở chỗ: khát khao chứng tỏ mình là người xứng đáng kế tục sự nghiệp của bố, với những việc làm hầu như trái với lương tâm mà cái hội đồng thành viên của công ty cố tình khoác lên vai chàng.

Trong cuộc chiến để giải quyết mâu thuẫn, nhiều sự thật dần dần được hé lộ. Cùng với nó là nét chân dung tính cách của các nhân vật được tô đậm: trung thực và gian dối, cao thượng và hèn hạ, khoáng đạt và bần tiện, lạnh lùng vô cảm và chan chứa yêu thương…

Mối tình trắc trở, có phần oái oăm của chàng với cô Diệu- con gái của người chiến sĩ dũng cảm nhưng thất bại trong cuộc chiến bảo vệ môi trường- giống như cơn gió mát bất ngờ thổi vào những trang sách hầm hập những toan tính, mưu đồ, khiến người đọc lại bình tâm, tin tưởng vào sự chiến thắng cuối cùng của cái đẹp, của lẽ phải.

Đãng Khấu, qua lời nhân vật chính, gửi tới người đọc thông điệp đầu tiên về tác phẩm của mình: ông chỉ coi “Mối chúa” như một “bản tường thuật”, “nói là tường thuật, tôi chỉ muốn hàm nghĩa nó được kể lại thuần túy, một cách trực tiếp và thấy thế nào thì nói lại y như vậy. Tôi không dám coi nó là một tác phẩm văn học…”.

Cả cuốn tiểu thuyết bao gồm 20 chương “tường thuật” được đánh số thứ tự, là đường dây chính của câu chuyện, xen kẽ vài ba chương có tính chất ghi chú, tham chiếu.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà tác phẩm của ông trở nên khô khan, kém hấp dẫn. Trái lại, vẻ khiêm tốn giản dị bề ngoài ấy lại đem đến cho người đọc xúc cảm thẩm mĩ về một tác phẩm văn học hiện đại, chỉ có những tác giả giỏi nghề mới có thể thao tác.

Văn “tường thuật” của ông nhanh, chính xác, nếu mỗi câu văn ví như một hạt lúa, thì cả cánh đồng “Mối chúa” thật khó tìm thấy một hạt nào non, lép. Có khá nhiều vấn đề trong cuộc sống đương đại mà sự hiểu biết thấu đáo của tác giả dường như vượt quá vốn sống thông thường của một nhà văn, đem lại cảm giác bất ngờ và thú vị.

Ai cũng biết môi trường sinh thái ngày nay không còn là vấn đề bó hẹp trong biên giới của một quốc gia nào, mà đã trở thành mối quan ngại chung của cả nhân loại. Môi trường giờ đây là chính là lương tâm của con người.

Môi trường ô nhiễm, xuống cấp chính vì lương tâm con người bị tha hóa. Người đọc có thể giở từng trang của “Mối chúa” để cảm nhận sâu sắc hơn điều này, và chắc là không uổng công khi khép lại cuốn sách.

Theo Trần Đức Tiến - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Người xa lạ (17/07/2017)
'Ghi và Nhớ' (15/06/2017)