Chưa bao giờ sách văn học nước ngoài lại xuất hiện trên các kệ sách nhiều như bây giờ. Hầu hết các tác phẩm văn học đình đám, best seller, đoạt giải trong các cuộc thi lớn... đều nhanh chóng được dịch ra tiếng Việt và xuất bản ở trong nước.
Một số nhà sách, nhà xuất bản cũng thống kê rằng: Họ “sống” chủ yếu bằng văn học dịch, chứ không phải văn học Việt Nam. Hiện tượng này là chuyện bình thường, cũng không có gì đáng lo ngại. Và việc sách dịch bán chạy vô hình trung sẽ tạo áp lực “cạnh tranh” cho các nhà văn trong nước. Chẳng có cách nào khác là phải nỗ lực, nỗ lực hơn nữa để có thể “sánh vai” với bạn bè đồng nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, hiện tượng văn học thế giới chiếm lĩnh kệ sách tiếp tục khơi ra một vấn đề mà chúng ta đều quan tâm bấy lâu: Quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Chúng ta biết đến văn học thế giới phong phú như vậy, còn thế giới đã biết gì về chúng ta?
Đây cũng là chủ đề chính mà VNQĐ trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Giám đốc trung tâm dịch thuật, Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn.
PV: Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, được biết ông vừa có một chuyến đi Mĩ khá dài ngày. Chuyến đi này, so với những chuyến đi khác trong khuôn khổ giao lưu với các nhà văn và bạn đọc Mĩ, thì có gì mới?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi đi trong vòng 3 tuần. Đây là hoạt động mang tính thường niên. Ba mươi năm trước, năm 1987, nhà thơ Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner (WJC) đã chủ trương mời nhà văn Việt Nam sang để giới thiệu và giao lưu với Trung tâm. Và nhà văn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Mĩ là Lê Lựu và Ngụy Ngữ. Đó là một sự kiện đáng nhớ vì khi đó quan hệ giữa hai nước còn đang trong thời kì băng giá. Thậm chí, do những trục trặc trong việc cấp visa hạng công dân đầu tiên đã khiến cho nhà văn Lê Lựu phải chờ ở Bangkok 3 tuần. Suốt từ đó cho đến nay, năm nào WJC cũng mời các nhà văn cựu binh Việt Nam sang Mĩ để dự hội thảo văn học mùa hè do họ tổ chức. Tại đây, các nhà văn Việt Nam sẽ tự trình bày tác phẩm của mình, sẽ nói về những vấn đề chiến tranh, hậu chiến, văn hoá Việt Nam, đặc biệt tập trung vào văn học. Hoạt động đáng kể nhất là đọc tác phẩm, đối thoại với bạn đọc Mĩ - mà là những bạn đọc cao cấp nhất: các nhà văn, các giáo sư, sinh viên các trường đại học, những nhà nghiên cứu, quan tâm đến văn học Việt Nam.
Chuyến đi năm nay có tôi và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha. Một trong những điểm mấu chốt, quan trọng nhất của chuyến đi này là gần như sơ kết hoạt động phối hợp giữa hai bên: WJC và Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời bàn đến phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Điều đáng nói là sắp tới, hàng loạt những nhà văn yêu Việt Nam, hiểu Việt Nam, gắn bó với Việt Nam của WJC sẽ nghỉ hưu: Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung... Những người thay thế là những người ít hiểu về Việt Nam, ít gắn bó, thậm chí không phải nhà văn.
PV: Ồ, thế thì quả có đáng băn khoăn...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Băn khoăn chứ. Chúng ta sẽ phải bắt đầu lại từ đầu một số việc, và sẽ phải xây dựng những đề án mới sao cho phù hợp với tình hình thực tế cả ở phía ta và phía bạn. Tôi đã thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam làm việc với ông giám đốc mới. Ông này không phải là một nhà văn, không nghiên cứu văn học. Tuy nhiên ông có ít nhiều hiểu biết về Việt Nam, có nghiên cứu về Việt Nam nói chung và từng làm việc ở Việt Nam một số năm.
PV: Nếu để điểm lại những việc đã làm được trong 30 năm qua, thì ông sẽ nhắc đến những điều gì, thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trong chuyến đi vừa rồi chúng tôi có mang theo 200 cuốn sách. Là 200 tập thơ in song ngữ Anh – Việt, có tên Những người đi qua biển. Đây là cuốn sách tập hợp những bài viết về những kỉ niệm, những công việc mà các nhà văn hai bên đã tham gia trong suốt 30 năm qua, nhằm quảng bá văn học Việt Nam đến với bạn đọc Mĩ. Chúng tôi mang sách và cả bức tranh sơn dầu do hoạ sĩ Lê Thiết Cương vẽ để làm bìa, tặng cho WJC. Đây là cuốn sách trong đó đầy ắp kỉ niệm. 30 năm qua, đáng kể nhất là Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với WJC dịch, in, phát hành tại Mĩ 15 cuốn sách của các nhà văn Việt Nam, gồm cả thơ và văn xuôi. Ngoài ra, hàng trăm tác phẩm khác của các nhà văn Việt Nam đã được dịch, đọc ở các nơi trên đất Mĩ, được hơn 40 tạp chí văn chương của Mĩ chọn in, giới thiệu.
Có thể nói, sự phối hợp giữa Hội Nhà văn Việt Nam với WJC là sự phối hợp hiệu quả nhất, làm được nhiều việc nhất trong nỗ lực quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Và điều đó, không phải chỉ chúng ta ghi nhận, mà phía bạn cũng rất trân trọng. Vào ngày 27/6 vừa qua, thị trưởng thành phố Boston đã quyết định chọn ngày 27/8 hàng năm là ngày Kevin Bowen. Chúng ta đều biết, Kevin Bowen là người từng bị kiện nhiều lần vì đã “tiếp tay cho cộng sản”, là “bàn tay nối dài của cộng sản tại Mĩ”. Ông đã nhiều lần phải điều trần trước Quốc hội Mĩ vì những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Sau 30 năm nỗ lực kết nối hai nền văn học, ông được thị trưởng thành phố công bố: “Chúng ta tôn vinh Kevin bởi vì ông đã làm cho người Mĩ hiểu một cách sâu sắc hơn nền văn hóa Việt Nam, một kẻ thù cũ của chúng ta”.
PV: Quả thực, cá nhân Kevin Bowen và WJC đã làm được rất nhiều việc trong việc giới thiệu văn học Việt Nam đến với người Mĩ trong suốt 30 năm qua trong một nỗ lực bền bỉ không mệt mỏi. Họ được tôn vinh như vậy ở trên quốc gia của họ, về phía chúng ta thì sao?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tháng 10 tới đây, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà văn Việt Nam và các nhà văn của WJC. Về phía bạn sẽ là những người đầu tiên từng tham gia phản chiến, cả trong chiến tranh và sau khi giải ngũ. Những người bao năm viết về Việt Nam, dịch văn học Việt Nam, truyền bá văn hoá, văn học Việt Nam tại Mĩ.
Trong khuôn khổ chương trình sẽ có một buổi hội thảo để các nhà văn cựu binh Mĩ và cựu binh Việt Nam cùng trao đổi, thảo luận, xem cần làm gì để tiếp tục thúc đẩy mối bang giao hai nước, sự hiểu biết của bạn đọc về hai dân tộc. Đồng thời, sẽ có một đêm thơ. Đêm thơ đó dự định mang tên “Chơi bóng rổ với Việt Cộng”. Đây là tên một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Kevin Bowen, ông viết tặng nhà văn Nguyễn Quang Sáng, khi ông nhìn thấy Nguyễn Quang Sáng chơi bóng rổ trong sân nhà ông. Một bài thơ ngập tràn tính nhân văn, văn hoá, tình yêu hoà bình...
PV: Trở lại con số 15 cuốn sách đã được giới thiệu ở Mĩ, so với chiều dài 30 năm, tôi có cảm giác con số đó vẫn còn khá khiêm tốn.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: 15 cuốn sách là một nỗ lực rất lớn vì WJC không phải là một đơn vị xuất bản. Họ chỉ là nơi trung gian, giới thiệu các tác phẩm của chúng ta tới các nhà xuất bản ở Mĩ. Ngoài con số 15 cuốn sách đó ra, WJC còn giúp chúng ta giới thiệu đơn lẻ rất nhiều tác phẩm trên các tạp chí, tại các trường đại học. Ngày 27/6 vừa qua, ông thị trưởng Boston cũng nhấn mạnh: WJC là tổ chức duy nhất dịch, in, phát hành được chừng đó sách văn học Việt Nam. Và chúng ta phải hiểu rằng WJC có rất nhiều mối quan tâm khác, tới các quốc gia có liên quan tới chiến tranh, hậu chiến: Iraq, Afghanistan... nhưng chủ yếu là Việt Nam. Có lẽ vì cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh đặc biệt nhất, đặc biệt về nhiều mặt, với người Mĩ.
Trong cuộc gặp vừa qua, hai bên đã đi đến thống nhất với các nội dung chính: Mĩ vẫn tiếp tục mời các nhà văn Việt Nam hằng năm sang dự hội thảo văn học mùa hè tại Mĩ; Phía Mĩ giúp phía Việt Nam tìm các học bổng để đào tạo các dịch giả văn học vì chúng ta đang vơi rất nhiều. Chúng ta hiện có rất nhiều người giỏi tiếng Anh, nhưng để có thể dịch văn học thì rất ít; Bắt đầu có một chiến lược cụ thể hơn về việc dịch sách của cả hai phía. Việt Nam cũng sẽ dịch các tác phẩm của các nhà văn tên tuổi thuộc WJC ra tiếng Việt. Các nhà văn ở WJC cũng tiếp tục giúp chúng ta phần dịch các tác phẩm tiêu biểu ra tiếng Anh. Đặc biệt là chúng ta sẽ chọn giới thiệu không chỉ các tác phẩm về chiến tranh, hậu chiến mà sẽ mở rộng ra các giai đoạn, chủ đề đề tài khác nữa, nhất là các tác phẩm đương đại. Và vì việc in ấn ở Mĩ không đơn giản nên họ sẽ giúp chúng ta có được những bản dịch tốt nhất, còn việc in thì sẽ do phía Việt Nam chịu trách nhiệm. Sẽ in song ngữ và phát hành ở cả hai nước; Một nội dung nữa là, phía Việt Nam sẽ tìm các nguồn học bổng cho những nhà văn Mĩ vào Việt Nam học tiếng Việt, nghiên cứu văn hóa, văn học Việt Nam. Bạn cũng đề nghị ta bắt đầu không chỉ đưa các nhà văn cựu binh sang Mĩ dự hội thảo hàng năm vào mùa hè mà chọn cả các nhà văn trẻ, những tiếng nói mới của đời sống văn học Việt Nam. Ngoài ra hai bên sẽ cùng kiếm tìm một người thay nhà thơ Nguyễn Bá Chung làm việc tại WJC. Một người Mĩ gốc Việt, một nhà văn giỏi tiếng Việt, am hiểu văn hoá, văn học Việt Nam.
PV: Tính cho đến thời điểm hiện tại, ngoài WJC, chúng ta còn phối hợp hoạt động giao lưu với những tổ chức nào khác nữa không, thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Còn một số tổ chức nhỏ, rải rác nữa ở Columbia, Nhật Bản, có Hội nhà văn Á – Phi và Mĩ Latinh nữa (nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hiện là Phó tổng thư kí Thứ nhất Hội nhà văn Á – Phi và Mĩ Latinh – PV). Riêng đối với Hội nhà văn Á – Phi và Mĩ Latinh thì bắt đầu đang tái xuất bản tạp chí Hoa Sen. Trên hai số thứ nhất và thứ hai đều có sự góp mặt của các nhà thơ Việt Nam. Tạp chí Hoa Sen in bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Ả rập. Đấy là 3 ngôn ngữ dùng chung cho các nhà văn Á – Phi – Mỹ Latinh. Tới đây, có thể trong những lần họp với tư cách đại diện cho các nhà văn Việt Nam và là phó tổng thư kí thứ nhất thì tôi muốn giành lấy vị trí đăng cai giải thưởng Hoa Sen ba năm một lần tại Việt Nam. Đây sẽ là giải thưởng trao cho những tác phẩm xuất sắc nhất của ba châu lục, những tác phẩm đương đại, đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp. Theo đó, sẽ cứ 3 năm một lần, các nhà văn xuất sắc nhất của Hội sẽ tụ họp tại Việt Nam để nhận giải thưởng và chúng ta sẽ có một ngày rất ý nghĩa. Điều này khi được Ủy ban thường trực Hội Nhà văn Á – Phi và Mĩ Latinh đại hội thông qua nó sẽ thành một văn bản chính thức. Lộ trình sẽ là các nước thành viên sẽ đề cử các tác phẩm xuất sắc đã được dịch ra một trong hai thứ tiếng của nước mình. Còn ban giám khảo sẽ là các nhà văn, các nhà phê bình lớn trên thế giới chứ sẽ không có một người nào nằm trong ban thường trực của Hội để tránh tính khu vực.
Nếu thực hiện được, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể kì vọng vào một giải thưởng lớn mang tính khu vực. Sau thuyết trình của tôi tại đại hội thì toàn thể đại hội đã nhất trí sẽ giao cho Việt Nam sẽ là nơi đăng cai, tổ chức toàn bộ in ấn, dịch, vinh danh những nhà văn tại Việt Nam.
PV: Vẫn nói tới việc quảng bá văn học Việt Nam ra với bạn đọc thế giới, tôi muốn hỏi về Trung tâm dịch thuật của Hội nhà văn mà ông đang giữ vị trí giám đốc...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thời gian qua, trung tâm cũng làm được một số đầu sách. Ví dụ hợp tác với Thái Lan, Nhật, Columbia, Trung Quốc... để truyền bá một phần nào đó, nhưng kinh phí không có. Trong quyết định thành lập trung tâm này có một điều mấu chốt: Tự thu chi. Đây là một thách đố cực lớn. Tôi cho rằng để trung tâm này hoạt động hiệu quả thì cần phải có một chiến lược mang tầm quốc gia. Ở các nước bên cạnh chúng ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… họ có hẳn những chiến lược truyền bá văn hóa, văn học ra với thế giới một cách vô cùng lớn, kĩ lưỡng, chi tiết. Hàn Quốc có rất nhiều quỹ lớn, không chỉ dành riêng cho văn chương mà rất nhiều lĩnh vực, và họ luôn sẵn sàng “chộp” lấy những người có ý định dịch văn học của họ. Chúng tôi vừa làm việc với đại diện một nhà xuất bản của Nhật, đại diện một quỹ của Hàn Quốc, họ đều rất muốn truyền bá những cuốn sách hay của họ, và họ bỏ tiền ra cho chúng ta dịch, bỏ tiền ra cho chúng ta in ấn, bỏ tiền ra cho chúng ta phát hành. Nhưng Việt Nam chúng ta không làm được điều đó. Chúng ta phải làm được điều đó. Và phải là chiến lược của nhà nước. Tôi vẫn băn khoăn, tại sao chúng ta bỏ tiền ra quảng bá hình ảnh, hay việc này việc khác với những khoản tiền khổng lồ nhưng lại không dành một phần rất nhỏ cho văn học, trong đó có việc dịch thuật. Văn học là thứ thuyết phục nhất, là tiếng nói dễ dàng mở ra những cánh cửa rộng nhất cho con người trên thế giới có thể hiểu chúng ta, nhưng chúng ta không làm. Lâu nay, có thể nói Hội Nhà văn Việt Nam đã nỗ lực trong khả năng rất hạn chế của mình với một số tiền quá ít ỏi, ngoài ra còn là nỗ lực của các cá nhân. Ví dụ tập thơ Sông núi là một tập đầu tiên của Việt Nam tuyển những bài thơ viết về con người Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ, dựa trên bản tuyển chọn của nhà thơ Anh Ngọc và tôi là người dịch không công cho trung tâm William Joiner. Chúng tôi cùng làm việc không công suốt bao nhiêu năm để ra mắt được tập thơ đó. Kevin viết lời tựa tập thơ, có đoạn: Sông núi bắt nguồn từ một bài thơ nổi tiếng của Việt Nam nói về chủ quyền của họ.
Chúng tôi làm với nỗ lực cá nhân chứ chưa bao giờ có một chiến lược. Chúng ta cần một chiến lược, chiến lược từ 10 năm trở lên, số tiền phải tương đối. Và trong lúc chưa có chiến lược, chúng ta đành phải kết hợp nhỏ, khéo, lợi dụng sự quan tâm của các tổ chức, các nhà xuất bản ở nước ngoài, chính vì thế mà sự giới thiệu rất khập khiễng.
PV: Tôi cũng nghĩ rằng, không phải ngẫu nhiên mà bạn đọc Việt Nam lại đọc văn học Nhật Bản hay Hàn Quốc nhiều đến như vậy những năm gần đây, đặc biệt là văn học Hàn Quốc. Tôi được biết rằng, Hàn Quốc có hẳn một chiến lược về quảng bá văn hóa, và họ làm rất bài bản, và là một quá trình. Ví dụ họ sẵn sàng gửi hàng ngàn đạo diễn, diễn viên, quay phim… sang Hollywood để học làm phim chẳng hạn. Không phải tự dưng mà phim truyền hình, phim điện ảnh Hàn Quốc ngày càng chiếm lĩnh những thị phần lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta. Nhưng về lĩnh vực văn học thì tôi chưa hình dung ra họ đã làm những gì, trong khi đó chúng ta đều thấy văn học Hàn Quốc không phải là một nền văn học lớn của thế giới.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Họ có chiến lược rất ghê gớm. Họ có chiến lược từ thế kỉ trước trong việc nỗ lực truyền bá hình ảnh, văn hóa của Hàn Quốc, trong đó văn học, nghệ thuật ẩm thực, thời trang, điện ảnh, âm nhạc… và cho đến giờ họ rất thành công, mà thành công ở nhiều quốc gia. Và tên tuổi họ vang lên không phải như một con rồng trẻ châu Á, một nền kinh tế phát triển rất mạnh mà là văn hóa, lịch sử, văn chương... Hàn Quốc. Và rõ ràng là cho đến hôm nay người ta lựa chọn mĩ phẩm, xe hơi, thời trang Hàn Quốc, đồ dùng gia đình Hàn Quốc, xem phim Hàn Quốc và... đọc văn học Hàn Quốc.
Nếu không có chiến lược của nhà nước thì không một tổ chức nào làm được hết. Ở Hàn Quốc, đứng sau lưng các nhà văn là những quỹ lớn, họ gánh sứ mệnh của đất nước họ, có những quỹ của chính phủ hoặc của tư nhân, cùng làm việc đó. Tôi nhớ cách đây mười mấy năm trước, khi tôi gặp đại diện một quỹ của Hàn Quốc đi cùng một nhóm các nhà văn Hàn Quốc sang thăm hội Nhà văn Việt Nam. Họ hỏi tôi có quan tâm gì đến văn học Hàn Quốc không? Tôi trả lời là tôi không biết gì về văn học Hàn Quốc. Họ hỏi, thế ông có muốn biết không? Ông hãy dịch văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt đi. Tôi nói, nhưng chúng tôi không có kinh phí. Họ trả lời tôi bằng một câu hỏi: Ông cần bao nhiêu? Và họ lập tức cấp kinh phí để tôi dịch. Tuyển thơ Hàn Quốc đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là do tôi dịch, đó là tác phẩm của 5 nhà thơ hiện đại Hàn Quốc. Từ đấy đến giờ văn học Hàn Quốc tràn vào Việt Nam rất nhiều. Họ cũng sẵn sàng mời các nhà văn nhà thơ quốc tế đến giao lưu, tổ chức nhiều giải thưởng văn học quốc tế.
PV: Nói về việc quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới, tôi có cảm giác chúng ta vẫn chưa chủ động được việc chọn những tên tuổi nào, tác phẩm nào mang tính đại diện mà đi tới đâu, nếu họ có biết đến văn học Việt Nam thì cũng chỉ biết đến Bảo Ninh. Chúng ta đang lúng túng ở đâu đó phải không ạ?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta chưa có một chiến lược, chưa có ngân sách nên chỉ làm manh mún. Khi có chiến lược, có kinh phí thì cần đến một đội ngũ chuyên gia để xây dựng lộ trình. Chính vì thế mà hiện nay bạn bè thế giới chỉ biết đến văn học Việt Nam qua một vài cuốn sách, được những người quan tâm chọn dịch. Họ lựa chọn dịch, giới thiệu theo cách của họ, đáp ứng một phần nào nhu cầu tìm hiểu của họ. Chỉ khi nào chúng ta có thể chủ động thì mới có thể dẫn dắt họ đến với văn học Việt Nam một cách toàn diện, đa dạng, sâu sắc kĩ lưỡng hơn.
Trở lại việc phối hợp với WJC, họ không phải là nơi xuất bản, chỉ là trung tâm nghiên cứu. Vì vậy họ sẽ giúp ta để có những bản dịch chất lượng nhất, sau đó chúng ta sẽ tìm kinh phí để in trong nước. Những ấn phẩm in ở Việt Nam hiện nay rất đẹp, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó ta vận chuyển sang phát hành tại Mĩ. Trung tâm họ sẽ phát hành cho chúng ta. Khi chúng ta có bản tiếng Anh tốt rồi chúng ta có thể giới thiệu qua các quốc gia khác, ví dụ như Nhật, Pháp, Ai Cập, Hàn Quốc… các nước đó có thể dịch văn học Việt Nam thông qua các bản tiếng Anh. Khi nó được phát hành ở Mĩ thì cũng coi như đã được đóng dấu chất lượng. Chỉ có điều chiến lược này phải năm mười năm, chứ một vài năm thì không ăn thua gì.
PV: Ông là một trong số ít các nhà văn đã đi đến rất nhiều quốc gia. Theo ông, với bạn đọc thế giới, họ có hình dung gì văn học Việt Nam?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Việt Nam chúng ta có quan hệ ngoại giao với rất nhiều nước, nhưng chỉ một vài nước biết đến văn học Việt Nam mà chỉ qua một số rất ít tác phẩm, tác giả. Người Mĩ quan tâm đến văn học Việt Nam vì họ muốn hiểu hiểu dân tộc Việt Nam, muốn họ muốn lí giải thất bại của họ ở Việt Nam và từ đó họ dịch văn học. Người Pháp cũng vậy. Người Nhật cũng ít nhiều có liên quan. Ngoài ra có Thuỵ Điển, quê hương của giải Nobel, việc quan tâm tới mọi nền văn học trên thế giới là việc phải làm của họ. Còn lại hầu hết các nước đều không biết văn học Việt Nam có diện mạo thế nào. Toàn bộ các nước châu Phi, Mỹ Latinh, các nước nói tiếng Hoa... hầu như không biết. Trung Quốc gần chúng ta như vậy nhưng mới chỉ in một cuốn sách duy nhất – tuyển 30 truyện ngắn của các tác giả Việt Nam. Nhiều nước đều biết về Việt Nam qua các cuộc chiến tranh, nhưng không biết về văn học Việt Nam. Nếu có biết thì cũng chỉ biết có Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh. Các nhà văn cựu binh Mĩ mà tôi gặp đều biết đến Bảo Ninh. Trung Quốc vừa rồi cũng dịch Bảo Ninh. Tác phẩm Bảo Ninh là xứng đáng nhưng bên cạnh đó ta còn có những tác giả, tác phẩm khác xứng đáng nhưng ta không có chiến lược truyền bá, ngoài một số người quan tâm, gặp mỗi người lại được giới thiệu một kiểu nên nó hạn hẹp, không đa dạng, đa chiều, không đầy đủ, họ cũng không có nguồn tài trợ của Việt Nam để làm điều đó. Ta phải tự giới thiệu, còn nếu để họ chủ động thì họ sẽ chỉ chọn một phía nào đó, một cục diện nào đó, không phản ánh nền tảng chung nhất của văn học Việt Nam. Chính vì thế, tôi muốn nhắc lại: Chúng ta cần có một chiến lược. Một chiến lược quảng bá văn học mang tầm cỡ quốc gia. Chỉ có vậy mới hi vọng văn học Việt Nam được bạn bè biết đến một cách toàn diện, đầy đủ, sâu sắc.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Là một nhà văn, tôi cũng hi vọng rằng thời gian tới văn học Việt Nam sẽ được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn!
Theo VNQĐ