Thời sự Văn chương
Cuộc đời và tâm hồn của chợ
14:58 | 26/09/2017

Sống đời của chợ (Công ty CP sách Tao Đàn, NXB Hội Nhà văn) mà tác giả Nguyễn Mạnh Tiến vừa cho ra mắt có thể xem là tập khảo cứu công phu nhất từ trước đến nay về bản chất văn hóa và chức năng của chợ trong cấu trúc làng của người Việt ở Bắc bộ và mở rộng ra vùng Thanh - Nghệ.

Cuộc đời và tâm hồn của chợ
Một ngôi chợ ở làng miền Bắc xưa - Ảnh: Tư liệu
Tác giả đã mở đầu phần khảo cứu của mình bằng nỗ lực trả lời câu hỏi: Chợ có từ bao giờ? Lần theo bia ký, tác giả cho biết chợ “có từ thời thượng cổ”. Còn xét về thư tịch, thì chợ Việt cấp làng được ghi nhận sớm nhất vào đời Trần: “Cứ hai ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt. Hễ cách năm dặm thì dựng một ngôi nhà ba gian, bốn phía đặt chõng để làm nơi họp chợ”. Đến đời hậu Lê, chợ được ghi chép trong chính sử đã hoạt động một cách quy củ; và đã có những quy định về việc mở chợ hẳn hoi.
 
Cuộc đời và tâm hồn của chợ - ảnh 1
Sống đời của chợ (Công ty CP sách Tao Đàn, NXB Hội Nhà văn)

Nội dung thú vị nhất trong cuốn sách là những dẫn chứng của tác giả để từ cái nhìn về chợ điều chỉnh những nhận thức khô cứng về làng và người nông dân VN truyền thống. Nhiều học giả nghiên cứu về VN, chẳng hạn như Trần Đình Hượu, coi làng là một “hòn đảo tách biệt có lũy tre, có hồ bao bọc”. Nhưng thực tế, làng không đơn giản chỉ có tính chất “khép kín” như thế, mà với hoạt động của chợ, làng có tính chất “mở”; và sự đóng - mở này rất uyển chuyển tùy tình huống mà làng phải đối mặt: có thể mở trong lúc bình yên để lưu thông hàng hóa, hoạt động nghi lễ - hội làng, và đóng lại trong vỏ “công sự” khi có chiến tranh, cướp bóc đe dọa. Chợ của làng không tồn tại đơn độc, mà luôn có sự liên kết với các chợ làng xã lân cận và chợ lớn hơn, lôi kéo người từ xa đến. Nhờ có chợ, đời sống người dân quê trở nên rộng rãi, khoáng đạt hơn, như câu tục ngữ “đi một buổi chợ học một mớ khôn”.
 
Chợ - nền thương mại đàn bà cũng là phần khảo cứu khá công phu. Trước đây cả thế kỷ, nhà nghiên cứu người Pháp Dumoutier đưa ra nhận định cứ 100 người đi chợ thì đếm được 84 người là đàn bà, con gái. Bản thân Nguyễn Mạnh Tiến cũng đã tự mình ra phiên xép của chợ Phủ Quốc Oai (Hà Nội) đếm người vào cuối năm 2013 và ghi nhận trong buổi sáng 96,29% người bán hàng là nữ. Những người phụ nữ nông thôn tảo tần “lành nghề đi buôn” ấy, qua các số liệu, nghiên cứu của tác giả, đã hiện lên với vai trò quan trọng: gánh vác gia đình, gánh cả mưu đồ giang sơn của người chồng anh hùng, và nắm giữ mạng lưới giao thương của xã hội. Tác giả cho biết xem việc viết cuốn sách này là cơ hội “trả nợ” cho chợ - nơi đã nuôi sống anh và gia đình sau những biến động thời cuộc, và đề tặng cuốn sách cho “tất cả những người đàn bà đi chợ”.
 
Cuốn sách còn có những trang viết sinh động, gần gũi và đôi khi cả trìu mến về chợ như: Chợ - môi trường điển chế luật pháp, thị phạm quyền lực quốc gia với người dân quê; Chợ - mạng lưới thông tin, làn sóng dư luận và tiến trình hình thành tâm lý đám đông làng xã; Chợ - không gian văn hóa - hội hè làng mạc và bảo tồn nghệ thuật dân gian; Chợ - ma thuật thương mại của người dân quê… Đọc tập sách mới thấy những hiểu biết, trải nghiệm, quan sát trước đây của mình về nơi tưởng chừng rất quen thuộc là chợ thực ra quá đỗi ít ỏi.

Theo Xuyên Vân - TN

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng