ZÁNG MY
Phố huyện nghèo và ga xép là một không gian khá điển hình trong việc biểu tả ngoại vi của văn chương tiền chiến.
Phố huyện nghèo trong thời khắc của ngày tàn, của đêm khuya là bối cảnh cho những động thái giao thoa, xung đột các hệ giá trị. Ở đó diễn ra quá trình thực dân hóa - kháng cự thực dân hóa, sự xung đột của truyền thống và hiện đại, của làng xã và thành thị, của ra đi và trở về, của khởi sự và kết thúc, của tụ cư và phiêu tán… Truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam, trong ý nghĩa đó, là một điển hình cho dòng văn chương viết về ga xép, phố huyện nghèo và cuộc sống bên đường xe lửa Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX.
Hai đứa trẻ lâu nay vẫn trôi đi trong những thỏa thuận diễn giải về một thế giới tù đọng, tăm tối, những cuộc đời mòn mỏi, khó nghèo nơi phố huyện. Chị em Liên, chị Tí hàng nước, bác phở Siêu, gia đình bác xẩm… là những kiếp người nghèo khó đang mong đợi điều gì tươi sáng hơn cho cuộc sống của họ. Chuyến tàu đêm chạy về từ Hà Nội, một Hà Nội xa xôi, sáng rực, đem đến nhịp sống náo nhiệt cho phố huyện nghèo, cho những cuộc đời tối tăm, tù đọng… Hẳn, các thế hệ học sinh Việt Nam đều được học rằng, cảnh đợi tàu của không chỉ hai đứa trẻ trong phố huyện nghèo, nơi ga xép buồn tẻ, tăm tối gợi lên những khát vọng về một cuộc sống tươi sáng. Tuy nhiên, đặt vào bối cảnh thực dân hóa sâu sắc đầu thế kỉ XX, sự đọc ấy khiến cho tinh thần con người và xã hội Việt Nam quả thực đã không được nhìn nhận một cách thấu đáo. Từ đó, phong cách nghệ thuật của Thạch Lam, đặc biệt là vấn đề tư tưởng nghệ thuật có phần đã bị thiếu khuyết, phiến diện.
Liên, An, chị Tí, bác phở Siêu, gia đình bác xẩm… là những người khốn khổ. Sự khốn khổ không chỉ đến từ cái nghèo khó, bế tắc, quẩn quanh trong phố huyện nghèo, mà sâu hơn, đến từ chỗ họ đã bị thực dân hóa, bị mua chuộc. Tự giao nộp mình cho kẻ bá quyền ở trung tâm, chấp nhận địa vị phụ thuộc khiến họ thật đáng thương. Liên mơ về một Hà Nội nhiều đèn, “một vùng sáng rực và lấp lánh”, những buổi đi chơi bờ hồ được uống những thức uống mát lạnh xanh đỏ… Liên cũng nhận ra mối liên hệ nhân quả của việc thầy Liên mất việc với thời khắc hiện tại nơi phố huyện nghèo xác, nhưng Liên không nhận ra nỗi khắc nghiệt của Hà Nội đã đẩy bật gia đình Liên ra khỏi vùng sáng của nó. Đọc lại nhiều lần hơn những tác phẩm của Thạch Lam, ta có thể nhận thấy rất rõ cảm thức này. Hà Nội đã làm tha hóa Tâm, khiến cho hắn quên cả quê nhà, cả người mẹ đang mòn mỏi ngóng con (Trở về); dung dưỡng cho Quang, một kẻ đối xử tệ bạc với người thầy đã từng cưu mang, dạy bảo mình; khiến cho Trường hắt hủi vợ con (Ngày mới); khiến cho Bào bị quăng quật nhừ tử để rồi phải dạt về quê chết trong đói nghèo, uất ức (Người bạn trẻ); trong nỗi bẽ bàng của Liên và Huệ (Tối ba mươi); trong miếng ăn nhục nhằn của Sinh (Đói)… Thứ ánh sáng rực rỡ và huyên náo ấy là một sự cám dỗ để con người tự nạp mình không hề kháng cự. Mơ về một Hà Nội xa xôi, Hà Nội rực sáng là giấc mơ đáng thương hại của những thân phận nhược tiểu, không hề có ý thức về giá trị. Giữa những diễn biến của quá trình thực dân hóa (về bản chất là quá trình xâm lấn và đồng hóa của các thế lực trung tâm - khi đó, đương nhiên là Âu châu), của những xung đột Đông - Tây, của những quy thuộc hay kháng cự từ thân phận thuộc địa - thiểu số, đó là câu chuyện của quốc gia, dân tộc trong việc lựa chọn con đường, cách thức ứng xử trước sức ép từ phương Tây - trung tâm. Bởi thế, cái phố huyện nghèo kia, có thể nào khác được, chính là một Việt Nam trong bối cảnh thực dân hóa đầu thế kỉ XX. Cũng bởi thế, Hai đứa trẻ là một câu chuyện được kể không có hồi kết cho những xung đột trung tâm - ngoại vi, đa số - thiểu số, quy thuộc và kháng cự…
Liên không phản kháng. Liên tự giao nộp mình. Những giấc mơ Hà Nội cứ giam cầm Liên trong những kí ức đã đánh mất (đúng hơn là bị tước đoạt), trong thực tại tăm tối và một tương lai vô định. Ở Liên không hề có sự cật vấn nào về việc tại sao thầy Liên mất việc, gia đình Liên phải dạt về phố huyện nghèo này để mưu sinh. Liên càng không thể biết rằng chính vùng sáng mà Liên mơ ước ấy đã từ chối chị em Liên, đã không dành cho hai đứa trẻ những gì tốt đẹp nhất. Tất cả những gì mà chị em Liên phải trải qua hôm nay ở cái phố huyện nghèo mạt, ở cái ga xép tồi tàn, tăm tối này chính là hệ quả của một sự khước từ tàn nhẫn từ Hà Nội. Đoàn tàu rầm rập lao tới, mang theo ánh sáng lấp loáng của một cuộc sống khác. Dù đoàn tàu đã kém sáng và thưa người hơn, nhưng Liên vẫn tự huyễn hoặc, tự thỏa hiệp với mình: “Nhưng họ ở Hà Nội về”. Liên vẫn chỉ là một cô bé trong sự ngây thơ đến đáng thương này. Đoàn tàu kia, biết đâu chẳng đang thực hiện cái nhiệm vụ giao trả lại cho thôn quê những kẻ đã thất bại, những cuộc đời đã tàn tạ, dập vùi vì “ánh sáng kinh thành”.
Phố huyện trong mắt chị em Liên và những người khốn khổ kia có lẽ là một không gian đáng ruồng bỏ. Khi mơ về một không gian khác, họ thấy không gian của hiện tại là một sự trầm luân. Đó là một thực thể ngoại vi khốn khổ. Nhìn từ phía ấy về Hà Nội, đúng như bell hooks chỉ ra: “Nếu ta chỉ nhìn “lề” như một kí hiệu, đánh dấu hoàn cảnh khổ đau và bị tước đoạt của chúng ta, thì một nỗi vô vọng, tuyệt vọng, một thứ hư vô chủ nghĩa sâu sắc sẽ xuyên thấm vào chính nền tảng của sự tồn tại của chúng ta theo một cách thức hủy hoại. Chính ở đó, trong không gian của sự tuyệt vọng tập thể, sự sáng tạo, sức tưởng tượng của con người bị lâm nguy, nhận thức của con người sẽ bị thực dân hóa trọn vẹn, thứ tự do mà con người mong mỏi sẽ bị đánh mất”(1). Những cư dân khốn khổ trong không gian tăm tối của phố huyện ấy đã hoàn toàn mất đi ý thức về mình. Cá nhân bị hủy hoại trong khát vọng được đồng nhất với thứ ánh sáng đến từ phố thị. Đó là sự ngụy trang của một quá trình thực dân hóa. Dường như, không ai trong số họ biết suy nghĩ để tự vấn rằng: Ngày mai, ngày kia ta vẫn sống thế này ư? Thứ ánh sáng cuốn hút kia không dung nạp, không dành chỗ cho họ. Rồi họ sẽ mỏi mòn và chết đi mà không kịp nhận ra rằng cái có thể cứu vớt họ, đem lại đời sống cho họ lại là một không gian khác, không phải Hà Nội - một Hà Nội của Chủ nghĩa Thực dân.
Có một không gian khác không phải Hà Nội, cũng không phải phố huyện. Đó là làng. Làng là phía mà cụ Thi “điên” đi về trong tiếng cười lạ lùng và bước chân lảo đảo. Đó là sự kháng cự duy nhất trong thế giới bị thực dân hóa của Hai đứa trẻ.
Trong cách lập luận của M. Foucault, chứng điên, kẻ điên là một diễn ngôn được quy ước bởi những kẻ được cho là bình thường, những kẻ có lí trí. Thật khôi hài, trong Hai đứa trẻ chúng ta không có bằng chứng để kết luận cụ Thi điên. Thế nào là điên? Tiếng cười khanh khách, giòn giã, bước chân lảo đảo hay những câu nói “đầy lí trí”: “A, cô bé làm gì thế?”; “A, em Liên thảo nhỉ, hôm nay lại rót đầy cho chị đây” là điên, hay hành vi lần ruột tượng lấy ba đồng xu đặt vào tay Liên, xoa đầu Liên là biểu hiện của chứng điên? Không có căn cứ nào chứng tỏ cụ Thi đối lập với những kẻ được gọi là “có lí trí”. Thậm chí, trong toàn bộ sự hiện diện của hình tượng này, người ta thấy một sự tỉnh táo và hiền hậu đến không ngờ! Uống một hơi hết cút rượu đầy, cười khanh khách và đi lần vào bóng tối về phía làng là một tư thế của sự phản kháng, một sự cự tuyệt tuyệt đối với ánh sáng của đoàn tàu (biểu tượng của thực dân hóa). Cụ Thi là “kẻ khác” duy nhất trong thế giới người khốn khổ của phố huyện. Phải chăng vì thế mà cụ bị gọi là “điên”. Kẻ khác ấy đã cười giòn giã và tách ra khỏi đám người lệ thuộc. Ở đây, có sự giao cắt và đồng hiện của những không gian khác nhau: không gian trung tâm đã bị thực dân hóa toàn thể, không gian phố huyện đang từng ngày bị mòn mỏi vì sự cộng sinh bất bình đẳng, một không gian làng khuất sau bóng tối. Ở đây, có địa vị của những kẻ đã bị đồng hóa (giả thuyết là trên tàu - một ngoại vi bị đồng hóa của thực dân), có kẻ đang mơ mộng theo thứ ánh sáng phồn hoa (một ngoại vi đang khao khát được đồng hóa) và cụ Thi (một ngoại vi kháng cự thực dân hóa).
Liên không hề kháng cự, bởi thế tâm hồn Liên (và những kiếp người mòn mỏi trên phố huyện) không được giải phóng. Chỉ có cụ Thi mới là người không hề bị gông xiềng. Trên bề mặt văn bản không có một chứng luận nào mách bảo cho ta rằng làng là một không gian đã hoàn toàn mất những khả năng cứu vớt và di dưỡng tinh thần con người. Trái lại, trong nhiều tác phẩm của Thạch Lam, từ phong vị của những thức quà truyền thống Hà Nội chưa hề bị thực dân hóa đến căn nhà dịu mát, bao dung của bà Dưới bóng hoàng lan, từ bàn tay son trẻ của Nga vin hoàng lan cài lên tóc đợi Thanh về đến Ngày mới nơi Trinh hái hoa mộc ướp trà mỗi sáng… chính là những kháng cự bền bỉ trước làn sóng thực dân hóa. Đi trong thế giới của Thạch Lam, người ta sẽ bắt gặp những niềm hạnh phúc chân thực luôn ở phía những nghèo khó, lam lũ, đơn sơ, nơi những làng quê cũ kĩ, bao dung, ít hào nhoáng mà đầy ánh sáng của tình người. Từ mối quan hệ của trung tâm và ngoại vi, có thể nhận ra sự song trùng của hai quá trình: thực dân hóa và kháng cự thực dân hóa trong sáng tác của Thạch Lam. Cái tưởng như là vẻ đẹp lãng mạn lại che giấu những tổn thương, đau đớn vì thân phận nhược tiểu, lệ thuộc. Cái tưởng như bi đát, thảm kịch nhất, ở bên rìa hoặc khuất lấp lại chính là nơi ý thức kháng cự trỗi lên mãnh liệt nhất.
Sự mơ mộng của Liên là một quá trình tự đồng hóa, tự đánh mất bản ngã. Sự quay lưng của cụ Thi là chứng điên trong mắt chị em Liên và những con người nơi phố huyện. Trong mắt “người điên” ấy, biết đâu tất cả những “kẻ khác” lại cũng là những người điên, chạy theo những phù phiếm vật chất, hào nhoáng và đầy cạm bẫy. Liên rồi sẽ như chị Tí. Đó là một “hành trình của thân phận” mà với cách đọc truyền thống người ta đã nhận ra hết mọi sự bi đát. Nhưng, nhìn từ ngoại vi, sự trở về làng của cụ Thi lại hàm chứa thông điệp của một sự kháng cự, một khước từ sau những trải nghiệm đủ đầy về tính tráo trở của thị thành. Nhận thức được đặc tính này, bell hooks đã cho rằng: “...những không gian ngoại vi này một mặt, vừa có tính chất của một không gian trấn áp, mặt khác, vừa có tính chất của một không gian phản kháng”(2). Và, lời chào đón nồng nhiệt nhất, bell hooks đã gửi đến những “kẻ điên” chính là: “Hãy bước vào không gian ấy. Gặp chúng tôi ở đó. Hãy bước vào không gian ấy. Xin chào đón bạn như những người giải phóng”(3).
Hai đứa trẻ đã được diễn giải, hay đúng hơn, được nhào nặn theo một cách thức mà sự tiếp nhận bền bỉ của độc giả - nhất là giới trường học, dường như không phải lưỡng lự gì trước khi “nuốt chửng”. Lịch sử diễn giải này có thể đã bắt đầu phản tác dụng khi nó ngăn trở những khả năng diễn giải khác. Trước một tác phẩm như Hai đứa trẻ - một danh tác, và một tác gia như Thạch Lam - có thể được xem là danh gia, vấn đề mở rộng các khả năng đọc là cơ hội để chúng ta thấu hiểu hơn văn chương, con người, tiến tới rộng hơn là hiểu về lịch sử, văn hóa cùng những hình thái tồn tại có thể có của nó trong một ngữ cảnh toàn vẹn hơn.
Theo VNQĐ
---------------
1, 2, 3. bell hooks, Ngoại vi như là nơi kháng cự, Hải Ngọc dịch, Báo Văn nghệ Trẻ số 4 - 2013 (bell hooks là bút danh của Gloria Jean Watkins, học giả Mĩ, tác giả không viết hoa).