“Giải thưởng sự nghiệp văn học” - một giải thưởng mới của Hội Nhà văn Việt Nam đã được trao cho nhà văn Vũ Hùng – cây viết đã bền bỉ dành cả cuộc đời mình để viết về trẻ em, muông thú, thiên nhiên.
Từng trang viết của ông là những câu chuyện kỳ thú gợi tả vẻ đẹp của thiên nhiên và thức tỉnh tâm hồn trẻ thơ trong các em nhỏ. Nhà văn Vũ Hùng đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo An ninh Thủ đô và “bật mí” về những ý tưởng của ông khi viết bộ sách văn học 18 tập dành cho thiếu nhi.
PV: Hẳn ông đang rất xúc động khi là người đầu tiên nhận được “Giải thưởng sự nghiệp văn học” của Hội Nhà văn Việt Nam?
Nhà văn Vũ Hùng: Bộ sách của tôi ra đời đã hơn 30 năm rồi, đến bây giờ nó được NXB Kim Đồng tái bản lại và giới thiệu tới độc giả, tôi thực sự rất mừng. Văn phong của tôi được các độc giả nhiều lứa tuổi có lòng yêu mến, đó là một cái duyên may.
Trước nay, tôi luôn nghĩ mình có nhu cầu viết thì cứ viết miệt mài thôi. Sách có cuộc đời của nó, sách được phổ biến hay không đối với người viết không quan trọng bằng quãng thời gian cầm bút được thỏa những suy nghĩ, cảm xúc trong lòng. Tôi không nghĩ trước mình viết ra sẽ được in hay nhận giải thưởng. Vì vậy mà việc nhận được “Giải thưởng sự nghiệp văn học” của Hội Nhà văn Việt Nam với tôi là một điều bất ngờ.
PV: Từ đâu mà ông có một tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, rồi gửi gắm tình yêu ấy vào những trang viết của mình, thưa ông?
Tôi sinh ra ở làng Láng, Hà Nội. Nhà tôi có một khu vườn đẹp. Gần nhà lại có một bãi cỏ xanh rộng thênh thang. Tôi thường nhớ về không gian ấy, nơi có cây cối um tùm, những con châu chấu voi to... mà thưở nhỏ tôi hay đem sách đến đó đọc. Nằm giữa thiên nhiên, đọc những cuốn sách viết về thiên nhiên là một niềm yêu thích của tôi. Tôi đã có một tuổi thơ vừa lòng như thế.
Vì vậy, tôi hình thành nên mong muốn được viết về thiên nhiên. Thiên nhiên bao giờ cũng thế, nó không bao giờ cũ. Ý tưởng viết sách của tôi chỉ có vậy, viết để giới thiệu về đất nước, thiên nhiên Việt Nam, về muông thú, con người...
Những cuốn sách viết về thiên nhiên, muông thú của nhà văn Vũ Hùng hấp dẫn độc giả nhiều lứa tuổi
PV: Ông có thể “bật mí” về loài vật nào được ông ưu ái nhất khi viết sách không?
Tôi viết nhiều về loài voi. Sở dĩ viết về loài voi bởi loài vật to lớn nhưng rất thông minh và tình cảm. Nó có thể hiểu được khá nhiều lời nói và cử chỉ của con người. Khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, có một thời gian tôi phụ trách Đài trưởng Đài Vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, các làng ở đây họ nuôi voi nhiều như nuôi trâu, bò ở Việt Nam nên tôi tiếp xúc nhiều với voi. Đối với tôi, con voi vì thế không hung dữ.
PV: Ông mong mỏi điều gì đọng lại trong lòng độc giả khi đọc những tác phẩm viết về thiên nhiên mà mình viết ?
Tình nhân ái ở trong thiên nhiên được thể hiện ở việc không có hiện tượng chiến tranh cùng loài: các bầy voi không đánh nhau với nhau, các con hổ chỉ đánh nhau khi tranh giành một con cái... Vậy mà bây giờ con người lại dễ xô xát, nổi cáu với nhau bởi những chuyện rất nhỏ.
Tôi hy vọng độc giả đọc những tác phẩm của tôi sẽ thêm yêu đất nước Việt Nam, yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu muông thú. Đồng thời, văn học có thể khiến con người thân thiện với nhau hơn, và con người thân thiện với giữa con người với nhau, giữa người với động vật.
PV: Điều ông tâm niệm trong suốt quá trình cầm bút của mình là gì thế, thưa ông?
Tôi tâm niệm: viết hết tấm lòng và tâm hồn của mình cho người đọc phán xét. Người viết trước hết phải có một tâm hồn trong sáng và khả năng diễn đạt. Tâm hồn của tôi trở nên rộng mở, phong phú khi tôi đặt chân đến nhiều vùng miền Việt Nam, tiếp xúc với những phong tục, tập quán, con người. Khi công tác tại Lào, tôi cũng học những người dân nơi đây sự hồn hậu, luôn giúp đỡ người khó, biết san sẻ.
Cách diễn đạt của tôi ảnh hưởng từ những nhà văn Pháp. Họ có lối viết thâm sâu, trong trẻo và ít lời. Sự giản dị ấy truyền tải nội dung được tốt. Tôi nhận thấy các cháu nhỏ bây giờ ít tiếp xúc với văn học nước ngoài. Hồi xưa khi học tới bậc tiểu học, tôi có thể đọc nguyên bản các tác phẩm của các nhà văn Pháp. Thế hệ tôi, một người chịu khó học nữa thì có thể đọc thêm được tiếng Anh. Tôi hy vọng thế hệ trẻ sẽ chăm học ngoại ngữ, đọc tác phẩm văn học nước ngoài nhiều hơn, không chỉ đọc bản dịch mà còn đọc nguyên bản để khi viết thêm phần trôi chảy.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành và thú vị của ông!
Đến nay, nhà văn Vũ Hùng đã viết hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi. Không ít tác phẩm của ông được coi là kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam như: “Mùa săn trên núi”, “Giữ lấy bầu mật”, “Con cu li của tôi”, “Sao Sao”, “Các bạn của Đam Đam”, “Sống giữa bầy voi”, “Chú ngựa đồng cỏ”, “Những kẻ lưu lạc”, “Con voi xa đàn”, “Vườn chim”, “Phượng hoàng đất”, “Biển bạc”, “Mái nhà xưa”... |
Theo Nguyễn Ngọc Trâm - ANTD