Thời sự Văn chương
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Bính - nhà thơ của làng quê Việt Nam
21:26 | 24/04/2018

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918-2018). 

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Bính - nhà thơ của làng quê Việt Nam

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính là dịp chúng ta nhớ về một người không được số phận cưng chiều từ nhỏ nhưng lại được thiên bẩm phát lộ rất sớm. 

Người ấy, ngay từ khi mới 13 tuổi đã làm cho người ta kinh ngạc về những vần thơ đối đáp thông minh, mang đậm trí tuệ dân gian và tâm hồn của vùng quê Bắc Bộ. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá, thơ của Nguyễn Bính đã được chào đón ở mọi nơi, mọi tầng lớp, mọi thời đại và hoàn cảnh của lịch sử vì Nguyễn Bính là nhà thơ có thực tài. 

Ông là người hát rong đầy ma lực, một người giàu có trong số những người giàu có. Một nhà thơ được hàng triệu con người đón nhận làm bạn tri kỷ, tâm giao. 

Nguyễn Bính là người rất hăng hái tham gia phong trào Thơ Mới, nhưng lại là người đi tiên phong trở về với cội nguồn dân tộc. 

Trong xu hướng trở về dân tộc, Nguyễn Bính là nhà thơ đến gần nhất với phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. 

Nguyễn Bính là nhà thơ bậc thầy về vận dụng sáng tạo và nâng cao ngôn ngữ dân tộc lên một tầm cao mới. 

Nếu nói yêu tiếng Việt là yêu nước thì Nguyễn Bính là nhà thơ yêu nước thủy chung khiến ông trở thành một trong những nhà thơ độc đáo nhất và có công chúng lớn nhất trong phong trào Thơ Mới. 

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định với những công hiến cho thơ ca dân tộc, cho cách mạng và kháng chiến, Nguyễn Bính là một tên tuổi sáng giá của văn học Việt Nam hiện đại, xứng đáng với giải thưởng cao quý mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân và Tổ quốc đã trao tặng. 

Tại lễ kỷ niệm, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ Nguyễn Bính đã chia sẻ về sự nghiệp của cha mình trước năm 1936, Nguyễn Bính đã có thơ đăng rải rác trên các báo nhưng độc giả vẫn chưa biết đến ông. Mãi cho đến khi bài thơ “Lỡ bước sang ngang” được đăng tải trên báo, tên tuổi ông mới thật sự nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. 

Năm 1937, ông được giải thưởng thơ của “Tự lực văn đoàn.” Từ năm 1938 đến 1941, ông liên tiếp trình làng bảy tập thơ "Lỡ bước sang ngang," "Tâm hồn tôi," "Hương cố nhân," "Người con gái ở lầu hoa," "Mười hai bến nước," "Một nghìn cửa sổ," "Mây Tần."

Con gái nhà thơ Nguyễn Bính bày tỏ: "Cha tôi đã sống trọn vẹn một đời người, với thi ca, với quê hương đất nước. Ông để lại cho đời cả thảy 14 tập thơ và hàng trăm bài thơ lẻ in ngoài tập, 10 vở kịch thơ, 4 truyện thơ, 4 tiểu thuyết, 1 tập bút ký và nhiều truyện ngắn. Sự nghiệp thi ca ông để lại đã được thử thách với thời gian, qua bao thăng trầm của đời sống."

Nhận xét về thơ Nguyễn Bính, nhà phê bình Lý Hoài Thu cho rằng: "Trong đội ngũ tài danh của phong trào Thơ Mới, Nguyễn Bính là một trường hợp, một chân dung khác lạ, 'đứng riêng một cõi'.”

Thơ ông là sự giao hòa giữa tâm thức lãng mạn hiện đại nửa đầu thế kỷ XX với điệu hồn dân tộc xưa cũ. 

Đọc thơ ấy, dường như người ta quên đi sự “bùng nổ” của công cuộc giao lưu và tiếp biến, sự “va chạm” Đông-Tây để được đắm mình vào những câu thơ thấm đượm phong vị ca dao, trong sáng, yên bình, gần gũi và dễ đi vào lòng người.

Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng