Đọc sách của Bùi Nguyễn Trường Kiên, bạn đọc thấy rất nhiều bi kịch cuộc đời, các nhân vật chính hoặc là trẻ mồ côi, hoặc là những đứa bé bị bỏ rơi, thậm chí ngay cả các nhân vật phụ hoàn cảnh cũng không khá hơn.
Thế nhưng, bi kịch thì có, bi quan lại không, bằng một giọng văn dí dỏm, hài hước, anh để cho các nhân vật của mình luôn tràn trề lạc quan về cuộc sống.
Nhân dịp NXB Tổng hợp TPHCM tái bản hai truyện dài của tác giả Bùi Nguyễn Trường Kiên, tôi hẹn gặp anh vào một chiều cuối tháng 6, cũng vào lúc thành phố chìm trong một cơn mưa lớn. Ngoại trừ mái tóc giờ đã tựa tơ của thời gian thì anh vẫn vậy, vẫn khuôn mặt chất phác, vẫn nụ cười hồn hậu, vẫn cái vẻ xởi lởi như hôm rao bán thơ để góp tiền giúp đồng đội một thời thanh niên xung phong.
Chẳng ai nghĩ đó lại là một nhà báo từng đạt đến 11 giải báo chí, từng là người khui ra những vụ án kinh tế chấn động cả nước những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Anh giờ ít nhắc đến nghề báo của mình, dù rằng như anh từng hãnh diện tự hào: “Hơn 30 năm viết báo chưa một điều hối tiếc”. Anh giờ háo hức với những kế hoạch viết văn, với những cuốn sách sắp ra mắt. Anh cười bảo, viết báo là đam mê nhưng viết văn làm thơ lại là máu rồi. Là một cây bút phóng sự điều tra kỳ cựu, công việc cuốn anh đi suốt hơn 30 năm, hầu như không thể rảnh tay để sáng tác văn chương. Thậm chí với hai tác phẩm vừa tái bản vốn được xuất bản lần đầu vào năm 1991, anh tiết lộ, viết ra được là nhờ bị bệnh nặng phải nằm viện. Thời gian dưỡng bệnh không phải suy nghĩ về các bài báo, anh mới dành ra để viết văn.
Anh nói “may” là bị bệnh mới có hai đứa con tinh thần đó. Giờ anh lại “may” khi đã ở cái tuổi phải rời xa công việc, máu văn chương lại có dịp sống lại, tái bản sách, hoàn tất tập kịch bản phim truyền hình, nung nấu cho sự ra đời một cuốn tiểu thuyết mới… Với nhiều người khác, về hưu là một sự nghỉ ngơi nhưng với Bùi Nguyễn Trường Kiên, đó lại là sự mở đầu một chặng đường mới.
Bùi Nguyễn Trường Kiên khoe anh đã hoàn tất bản thảo một bộ sách dự kiến 3 cuốn gồm khoảng gần 100 bài phóng sự điều tra đã từng in báo. Thế nhưng, khi được hỏi, trong đó sẽ có những bài điều tra từng một thời gây dấu ấn mạnh trong dư luận, anh khựng lại, đăm chiêu, rồi khẽ lắc đầu. Anh bảo, những con người trong các bài viết năm đó, họ đã trả giá cho những sai lầm, giờ họ là những con người mới, bỏ lại quá khứ sai lầm lại sau lưng để làm lại từ đầu. Giờ mà lại lôi những câu chuyện ngày xưa ra thì chẳng khác nào tội ác. Bởi với anh, ai đó cho dù có lúc sai lầm, có lúc làm điều xấu nhưng rồi cũng có lúc, họ vẫn sẽ là người tốt.
Điều đó không phải hình thành mới đây, mà tận những năm 1990-1991, khi đặt bút viết hai chuyện dài Mưa ngâu tháng bảy và Cơn giông chiều mùa hạ, Trường Kiên đã để lại dấu ấn sâu đậm về quan điểm lòng người. Ở hai tác phẩm, điểm chung là không có nhân vật phản diện tuyệt đối mà chỉ có nhân vật phản diện ở một thời điểm nào đó. Đó có thể là nhà báo Trường (Mưa ngâu tháng bảy) bỏ chạy khi tông xe vào một em bé, nhận tiền doanh nghiệp… nhưng qua giọng văn của tác giả, nhân vật giống như nạn nhân của một vòng xoáy cuộc đời hơn là thủ phạm. Và ở Trường vẫn là những bản chất tốt đẹp góp phần không nhỏ mang lại điều tích cực cho cuộc đời. Còn với cậu học sinh Hậu (Cơn giông chiều mùa hạ), tác giả đã dành nhiều chi tiết để khắc họa nên những điểm không tốt của nhân vật này như: kiêu ngạo, bè phái, quậy phá… Thế nhưng, đến phút cuối, như trong một vở kịch, khi nút thắt được tháo ra, bạn đọc bất chợt cảm thấy như chính mình có lỗi vì hiểu sai về Hậu, rằng Hậu thực ra cũng chỉ là một chú bé, vẫn còn quá ngây ngô; cậu có tính xấu nhưng là hệ quả của sự nuông chiều hơn là bản chất. Thậm chí, ngay cả với một nhân vật đã gây ra sự hiểu lầm, là thủ phạm thực sự của những trò ám muội, tác giả cũng không để cho trở nên đen tối, mà ngược lại, thông qua hành vi tự thừa nhận, nhân vật này đã mang đến cho người đọc sự thông cảm, tha thứ.
Bản thảo bộ sách 3 cuốn tập hợp các bài phóng sự, nhân vật trong đó là những đứa trẻ mồ côi, là người công nhân vệ sinh, là người dọn cống ngầm, là chị bán vé số… Có thể nói, các bài viết đều về những con người, những công việc bình dị nhất tại TPHCM trong khoảng từ năm 1990 đến 1999. Đó chính là chủ ý của Bùi Nguyễn Trường Kiên. Theo anh, thập niên 1990 chính là một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong lịch sử, không chỉ thành phố mà cả nước, nó là thời kỳ bản lề cho sự thay đổi cho đến tận ngày hôm nay. Đã có quá nhiều người viết về những vấn đề vĩ mô. Với anh, thông qua các bài phóng sự năm đó, anh muốn khắc họa dưới góc nhìn bình dị nhất, dưới góc nhìn của những cá nhân nhỏ bé, làm những công việc bị coi là ở đáy xã hội, để phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ của đất nước. Và dĩ nhiên, với cái chất của Bùi Nguyễn Trường Kiên, tình người vẫn là chủ đạo, vẫn không có người xấu trong các câu chuyện của anh, hay nói đúng hơn là năm đó khi các bài phóng sự ra đời, có thể có những chuyện xấu, người xấu, nhưng giờ đây, khi xuất hiện lại, người xấu ngày đó giờ với tác giả cũng đã trở thành người tốt.
Hơn 60 năm cuộc đời, hơn 30 năm viết báo, tập thơ Cỏ ơi… (xuất bản cuối năm 2017) chứa đựng những suy nghĩ đa dạng về cuộc sống, về hạnh phúc gia đình như một tín hiệu sự trở lại văn đàn của Bùi Nguyễn Trường Kiên - sự trở lại của một cây bút luôn lạc quan về lòng người, luôn tin tưởng vào tình người, nhưng cũng không còn ngây ngô như của hơn 30 năm trước, mà đã chất chứa vốn kiến thức được tích lũy suốt 30 năm qua. Đó có lẽ sẽ là một sự phối hợp độc đáo, mang đến cho bạn đọc những tác phẩm đặc sắc, góp phần vào sự đa dạng cho văn chương của thành phố hôm nay.
Theo Tường Vy - SGGP