Thời sự Văn chương
Phan Vũ - đã làm lành cánh chim trời xa xứ
15:29 | 06/07/2018

Năm nay, thi sĩ Phan Vũ đã bước qua tuổi 92, và là nhân vật cao niên nhất trong làng thơ còn tại thế. Thi sĩ Phan Vũ tài hoa và đào hoa, nên sự thăng trầm của cuộc đời ông gần như không tránh khỏi.

Phan Vũ - đã làm lành cánh chim trời xa xứ
Thi sĩ Phan Vũ

Ông từng viết kịch và đạo diễn, hoạt động ở cả sân khấu lẫn điện ảnh, nhưng cuối cùng công chúng chỉ nhớ ông với tư cách một thi sĩ phiêu lãng: “Gã - xòe tay che một đời mưa/ Một đời nắng chân trần rát bỏng/ Sợi thòng lọng trên đầu phận số/ Chênh vênh bờ vực lối đi về”.

1.

Rời nơi chôn nhau cắt rốn Hải Phòng, chàng trai 20 tuổi Trần Hồng Hải vào bộ đội và lấy bút danh Phan Vũ để làm công tác văn nghệ ở miền Nam. Năm 1954, Phan Vũ quay lại miền Bắc để bắt đầu dan díu với thi ca. Bài thơ khởi nghiệp “Bình vỡ” viết năm 1956 thảng thốt: “Chỉ còn màu xanh trong từng mảnh nhỏ/ Sao đâu đây phảng phất mùi hương thơ ngây”.

Giai đoạn trai trẻ nhiệt huyết “Ta lại xếp mớ hành trang đã bao lần xếp lại, cho chuyến đi chưa có buổi lên đường”, giấc mộng thơ phú của Phan Vũ chủ yếu xoay quanh nỗi hoang mang “Đã làm lành cánh chim trời xa xứ/ Đành theo vòng lượn mịt mù khơi/ Đêm quá dài giấc mơ chẳng đến/ Một trống không ôm mãi vòng tay…/ Đi dưới mưa tưởng là nắng đổ/ Ngồi trong phòng như đợi sân ga/ Chưa ra đi sao đã nhớ nhà/ Ngoảnh mặt lại thấy đời đã lỡ!”.

Chân dung thi sĩ Phan Vũ bất ngờ hiện rõ khi bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” được viết trên căn gác nhỏ phố Hàng Bún vào cái ngày bàng hoàng Thủ đô chìm trong mưa bom. Bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” tuy không phải trường ca nhưng có dung lượng khá dài. Được đề từ “Gửi những người Hà Nội đi xa”, bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” như những thước phim quay chậm về một nỗi ám ảnh “Khuôn mặt ai dừng trong khung cửa”.

Thi sĩ Phan Vũ bộc bạch về hoàn cảnh ra đời bài thơ trở thành thương hiệu cá nhân: “Tháng Chạp năm 1972, khi B52 của Mỹ bắn phá Thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi! Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em, mùi hoa sữa... Điệp từ “ta còn em...” được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. “Ta còn em...” là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.”

Bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” gồm 23 đoạn thơ. Mỗi đoạn thơ đều được trợ hứng bằng câu chủ chốt “Em ơi, Hà Nội phố”, trừ đoạn thơ thứ 13 và đoạn thơ thứ 20. Đoạn thơ thứ 13 được đặt tên “Riêng về một chuyến đi” phản ánh một không khí cách mạng: “Con tàu chở những người lính. Về phía Nam vào trận đánh. Chở theo những căn phố, những con đường/ Chở nguyên Hà Nội nhớ? Với những vết môi hôn”. Đoạn thơ thứ 20 được đặt tên “Riêng về một tháng Chạp” trình bày nỗi tang thương chiến tranh hủy diệt: “Tháng Chạp/ Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa/ Đã có tên/ Trong vòng hoa tưởng niệm/ Một tháng Chạp/ Trắng khăn sô/ Khói hương dài theo phố…”.

Nếu bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” chỉ do chính Phan Vũ đi đọc trọn vẹn 443 câu cho bạn bè thưởng thức giữa những cuộc tụ bạ nghiêng ngả thì có lẽ tính phổ biến của “Em ơi, Hà Nội phố” không được như hôm nay. Năm 1986, nhạc sĩ Phú Quang đã lẩy ra vài câu trong các đoạn thơ thứ 1, 2, 3, 7, 10, 20, 21 và 23 để phổ thành ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố”. Phải thừa nhận, nhạc sĩ Phú Quang đã tinh tường chọn được những câu tiêu biểu nhất và có sự trau chuốt thêm để ca từ mềm mại theo giai điệu.

Ngoài những câu được đưa vào ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố”, phần còn lại của 15 đoạn thơ kia như thế nào? Đoạn thơ thứ 8 cũng có giá trị như một bài thơ hoàn chỉnh: “Em ơi Hà Nội phố! Ta còn em khuya phố mênh mông/ Vùng sáng nhỏ/ Bà quán ê a chuyện nàng Kiều/ Rượu làng Vân lung linh men ngọt/ Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa/ Ngơ ngẩn bao chàng trai Kẻ Chợ/ Cơn say quá dài thành một cơn mê”. Có không ít đoạn thơ trong “Em ơi, Hà Nội phố” la đà kể lể, nhưng thỉnh thoảnh bật lên những câu ấn tượng.

Đoạn thơ thứ 10 giàu chất điện ảnh: “Ta còn em một tên thật cũ Cổ Ngư/ Chiều phai nắng/ Cành phượng vĩ la đà/ Bông hoa muộn in hình ngọn lửa”. Đoạn thơ thứ 15 phác họa một bức tranh phong cảnh trầm mặc và run rẩy: “Ta còn em đường lượn mái cong/ Ngôi chùa cổ/ Năm tháng buồn/ Xô lệch ngói âm dương”.

Đoạn thơ thứ 18 nhận diện sự thay đổi trên mảnh đất ngàn năm văn hiến: “Ta còn em một Hàng Đào không bán đào/ Một Hàng Bạc không còn thợ bạc/ Đường Trường Thi không chõng không lều, không ông nghè bái tổ vinh qui”. Đặc biệt, đoạn thơ thứ 21 có hai câu thể hiện đầy đủ sự ngổn ngang và sự mất mát của Hà Nội cuối năm 1972: “Một mình giữa bóng chiều sa/ Tha hương ngay trước cửa nhà mẹ cha”.

Cũng với mạch nguồn cảm xúc “Em ơi, Hà Nội phố”, thi sĩ Phan Vũ có bài thơ “Ngày trở về” viết năm 1975: “Ngày trở về mưa hoài trên đại lộ/ Những bộ hành không nón không dù/ Một con đường chia thành trăm ngả/ Về ngả nào cũng lạc, cũng bơ vơ”. Năm 1990, thi sĩ Phan Vũ vào định cư tại Sài Gòn và không ngần ngại bày tỏ mơ ước viết cho đô thị sầm uất nhất phương Nam một bài thơ dài có sức lan tỏa tương đương “Em ơi, Hà Nội phố”.

Đáng tiếc, thi ca lắm lúc giống như món quà của định mệnh, không thể cưỡng cầu bằng kinh nghiệm và nỗ lực. Mất 10 năm cặm cụi, từ 1998 đến 2008, thi sĩ Phan Vũ viết “Bài thơ về một câu hỏi” với ngôn từ mạnh mẽ không thua kém một bài xã luận nồng nàn: “Những người ngã xuống hôm qua/ Với câu hỏi hôm nay cho thành phố: Bao giờ Sài Gòn trở thành một trung tâm đô thị văn minh? Bao giờ Sài Gòn không còn cảnh lầm than đói khổ? Câu hỏi quay trong vòng lửa/ Như ngày nào/ Yêu thương cháy dở/ Tôi viết bài thơ về một giấc mơ/ Như một kinh cầu siêu độ”.

2.

Sau thời thăng hoa “Em ơi, Hà Nội phố”, thi sĩ Phan Vũ có hai cơn cớ để làm thơ là hai người phụ nữ ơn nghĩa phu thê với ông: Phi Nga và Diễm Chi. Từ năm 22 tuổi đã nổi tiếng với vai Hoài trong bộ phim “Chung một dòng sông”, diễn viên Phi Nga tiếp tục tỏa sáng qua các bộ phim “Vật kỷ niệm”, “Trên vĩ tuyến 17”, “Rừng O Thắm”, “Vợ chồng anh Lực”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”… Sau khi làm đám cưới với thi sĩ Phan Vũ được 2 năm và sinh cho ông 2 người con, diễn viên Phi Nga phải rời khỏi màn ảnh vì căn bệnh tim bẩm sinh.

Rồi một lần tai biến đã khiến diễn viên Phi Nga phải nằm một chỗ. Thi sĩ Phan Vũ đã chu đáo và ân cần chăm sóc người vợ đau ốm suốt 20 năm, cho đến khi bà qua đời ở tuổi 49. Ngày vợ mất, thi sĩ Phan Vũ viết bài thơ “Đã có lần anh nói thương em” với đề từ “Gửi theo hương hồn Phi Nga” nhiều day dứt: “Câu nói buồn hơn tiếng khóc/ Nước mắt vẫn là chút trống không/ Hòn đá nhỏ lăn vào vô định/ Lời chì chiết tội tình/ Giữ lại mãi trong anh”.

Một thập niên sau, thi sĩ Phan Vũ viết bài “Tháng vỡ” vào năm 1995 với đề từ “Lại gửi theo Phi Nga” vẫn đầy bịn rịn hình bóng cũ: “Tờ lịch chia thành từng tháng vỡ/ Vô nghĩa ngày xuân hay tháng hạ”. Đến năm 2000, thi sĩ Phan Vũ có thêm bài “Tưởng như” với đề từ “Gửi theo Phi Nga” chất chứa hoài niệm: “Tưởng như em vẫn nằm trên đệm cỏ/ Căn phòng ghi dấu giấc mơ xưa/ Những mùa thu cây bàng đổ lá/ Vàng khung cửa sổ/ Anh sống hôm nay nửa ảo nửa đời/ Chiêm bao ban ngày đôi mắt mở…”.

Còn người vợ thứ hai Diễm Chi, lại mang đến cho thi sĩ Phan Vũ một thiên tình sử đáng trầm trồ. Từ vai trò một đồng nghiệp với cô con gái Việt Nga của thi sĩ Phan Vũ, nhà báo Diễm Chi đã gặp gỡ và phỏng vấn tác giả “Em ơi, Hà Nội phố”, để rồi nảy nở duyên nợ ba sinh. Năm 1998, thi sĩ Phan Vũ viết ba bài thơ có chung một cách đề từ “Của Diễm Chi”.

Đó là bài thơ “Sự chồi sinh của nỗi nhớ” ngỡ ngàng hạnh phúc: “Em ra đi không khép cửa/ Cơn gió lạc vào căn phòng trống/ Mây mù báo hiệu mưa khuya/ Anh nhặt cánh hoa khô trên nền ẩm/ Sự khao khát cồn cào nổi lên trong nín lặng/ Từ lâu cái hũ nút chặt/ Cho những mầm xanh khờ khạo lên men/ Như một kho tàng chôn dưới đáy sâu ngôi cổ mộ”. Đó là bài thơ “Đợi một mùa sau” náo nức điềm lành: “Thời tiết yêu chợt mưa chợt nắng/ Phần riêng em một trận gió cuồng/ Lặng lẽ em vào khu rừng cấm/ Khai quật nỗi niềm/ Bới tìm lõi đá/ Nào ngờ tình yêu chỉ là mảnh vá/ Ngày ngày đắp đổi cơn đau”. Và đó là “Chân dung em” nâng niu đồng hành: “Ta vẽ em/ Ngơ ngơ đôi mắt dại/ Mê man đón đợi cuộc tình đầy”. Năm 1999, thi sĩ Phan Vũ và nhà báo Diễm Chi tổ chức đám cưới, khi chàng 73 tuổi và nàng 37 tuổi.

3.

Thi sĩ Phan Vũ từng hăm hở theo đuổi loại hình nghệ thuật khác, nhưng ông bất ngờ rẽ vào thơ và ở lại với thơ. Dù thi sĩ Phan Vũ hơi hứng thú với kiểu dàn dựng chi tiết và câu cú, nhưng thơ cũng cho ông những khoảnh khắc để khám phá bản thân. Qua thơ, công chúng mới hiểu trọn vẹn vui buồn của ông.

Bài thơ “Tôi vẽ” viết năm 1996, thi sĩ Phan Vũ thổ lộ: “Tôi vẽ mặt hề/ Trong những cuộc tình vô vọng/ Một tôi đích thực”. Bài thơ “Độc hành” viết năm 1997, thi sĩ Phan Vũ khắc khoải: “Người ấy đi một mình/ Khuôn mặt chia hai nửa/ Một nửa đầy mặt trời/ Một nửa ngả hoàng hôn/ Ngày qua không khác hơn/ Tháng năm dài lặp lại”. Bài thơ “Tự họa” viết năm 2001, thi sĩ Phan Vũ thở dài buông bỏ: “Gã - con ngựa quên hiệu còi khởi chạy/ Phi thật nhanh nhưng chệch đường đua/ Ngày ra đi một kẻ dại khờ/ Ngày trở về da mồi tóc bạc/ Nguyên xi thằng khờ dại/ Gã - đứng giữa ngày tàn chiều tận/ Trên thân đau nếm đủ lằn roi/ Đòn hội chợ của đám đông không thù oán/ Khi cô đơn chính là hình án/ Giữa chợ trời còn rao bán tài hoa”.

Theo Lê Thiếu Nhơn - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng