Chưa bao giờ văn học trẻ lại vươn mình mạnh mẽ, trong đó phần nhiều là những cây bút trẻ với những cuốn sách tản mạn, tùy bút, tản văn, truyện ngắn. Nhiều tác giả trẻ rất có ý thức xây dựng hình ảnh cá nhân, duy trì sức nóng tên tuổi của mình và những cuốn sách.
Những nỗ lực của họ, không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của số đông, nhưng đáng được ghi nhận, vì đã góp sức vào quá trình đổi mới văn học tại Việt Nam.
Văn học trẻ phát triển mạnh
Nhắc đến văn học trẻ Việt Nam hiện nay, không thể bỏ sót những cái tên như: Gào, Minh Nhật, Hamlet Trương, Phan Ý Yên, Jun Phạm… Đó là những tác giả trẻ đã và đang được công chúng đón nhận, yêu thích. Cùng với đó, những cuốn sách của họ bán cũng rất chạy với doanh thu “khủng” từ các nhà xuất bản.
Điều làm nên thành công của những cây viết trẻ, đầu tiên, phải kể đến là Việt Nam hiện nay có một thế hệ trẻ đọc sách đủ đầy. Đối tượng của văn học trẻ là thế hệ trẻ, thế hệ tiếp xúc nhiều nhất với công nghệ, gắn liền với smartphone. Những đầu sách mới ra sẽ được quảng cáo và bán trực tuyến trên các web nổi tiếng hiện nay như Tiki, Vinabook... Ở đó, người đọc có thể xem những bình luận, những review sách của nhà xuất bản, của những người đọc khác. Sự lựa chọn, niềm tin của họ vì thế cũng nhiều hơn.
Hơn nữa, người đọc trẻ ngày nay nắm trong tay khả năng về tài chính, kinh tế, nên họ có đầy đủ cơ hội và điều kiện để tiếp cận với sách. Chưa kể giá thành của một cuốn sách phổ biến cũng khá “mềm”, phù hợp với túi tiền của người đọc trẻ. Trung bình mỗi cuốn tản văn, tự truyện có giá dao động từ 60.000 - 100.000 đồng, chỉ ngang với những cốc trà sữa hoặc một lần xem phim.
Thời đại smartphone lên ngôi, những dòng tâm tình, kể chuyện mình mà như nói chuyện người của các tác giả trẻ đã dễ dàng giành được một lượng lớn người đọc trẻ. Nói đúng những gì thế hệ trẻ nghĩ và muốn, những cây bút trẻ có thể “xuôi theo chiều gió” của những cảm xúc đong đưa, lơ lửng ấy, cùng với khả năng “nhào nặn” ngôn từ của họ mà cho ra đời những cuốn sách bán cháy hàng.
Cần một giọng điệu, phong cách riêng
Chia sẻ về sự phát triển của dòng văn học trẻ, nhà văn trẻ Lê Xuân Khoa, tác giả của hai cuốn sách “Lá rơi trong thành phố” và “Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du” cho rằng, những tác giả sinh ra trong bối cảnh đất nuớc đã hòa bình, lớn lên khi nền kinh tế đã mở cửa, trưởng thành giữa thời đại bùng nổ công nghệ, họ có một tư duy cởi mở hơn so với thế hệ đi trước, lại dễ dàng tiếp xúc với tinh hoa nhân loại, những xu hướng văn hóa nghệ thuật toàn cầu, đó là lợi thế của họ.
Nhiều tác giả trẻ hiện nay thường viết về cuộc sống, tình yêu tuổi mới lớn. Chủ đề như vậy rất hợp thị hiếu của bạn đọc trẻ. Đồng thời, mạng xã hội giúp họ có thể tương tác trực tiếp với độc giả, nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi.
Tác giả trẻ dễ dàng tiếp cận công chúng hơn, lượng sách bán ra ổn định, nhưng nguy cơ là có thể bị lôi kéo theo hướng của công chúng. Họ có thể ngày càng đáp ứng đúng thị hiếu nhưng sẽ giảm mất cái tôi của người nghệ sĩ.
“Văn học cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, tác giả phải có con đường riêng, lâu dài cần tạo ra xu thế mới, khai phá những con đường mới mẻ. Vào thời đại 4.0 hiện nay, mọi thứ bị đẩy nhanh lên, nhưng nghệ thuật mà bị đẩy nhanh quá thì không tốt. Cũng như trong các loại thực phẩm, mì ăn liền bán rất chạy nhưng không ai cho đó là đặc sản. Sự thúc ép của thị trường làm sao để bán chạy và làm sao nổi tiếng thật nhanh có thể làm hại tác giả”, nhà văn Lê Xuân Khoa chia sẻ.
Theo nhà văn Lê Xuân Khoa, để có những tác phẩm có chỗ đứng trong lòng công chúng thì người viết cần không ngừng trau dồi, học hỏi thêm kiến thức và kỹ năng, không ngừng trải nghiệm thực tế để có nhiều vốn sống. Nhà văn phải có một tư duy độc lập, một giọng điệu, một phong cách riêng. Tất cả khi hội đủ cơ duyên mới có thể tạo ra tác phẩm tầm cỡ và để lại dấu ấn.
Theo Lê Đăng - GD&TĐ