Thời sự Văn chương
'Sài Gòn những biểu tượng' qua trang viết của 19 cây bút
15:11 | 24/07/2018

Ở sách mới, Phan Triều Hải nhớ về thành phố gắn chặt với ký ức tuổi thơ, còn Du Tử Lê hoài niệm những thanh âm của phòng trà xưa. 

'Sài Gòn những biểu tượng' qua trang viết của 19 cây bút

Sài Gòn những biểu tượng tập hợp 19 câu chuyện qua trang viết của các cây bút  như: Tiến sĩ Huỳnh Như Phương, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, nhà báo Phạm Công Luận, nhà văn Khải Đơn, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, nhà thơ Trần Lê Sơn Ý... Mỗi tác giả mang đến một góc nhìn khác nhau về Sài Gòn với những nét cũ và mới đan xen hài hòa. Sách không chỉ nêu nhiều hình ảnh đặc trưng của Sài Gòn qua năm tháng mà gợi mở những cuộc khám phá và ghi nhận về hệ giá trị Sài Gòn hôm nay và mai sau.

Sách còn đưa độc giả trở về thanh xuân của họ ở ngóc ngách nào đó của Sài Gòn, đó có thể là phòng trà quen tên - nơi vấn vít tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly một thời, con hẻm cà phê cóc mỗi ngày, hay đơn giản là những hàng cây góc phố đã đi qua bao lần. Mỗi bài viết mang một cái tên gợi lên miền ký ức thấm đẫm thân thương: Hẻm Sài Gòn: Ai nhớ, ai quên; Sài Gòn ơi, có mệt lắm không; Sài Gòn của tui đâu rồi; Dưới bóng những biểu tượng đổi dời… Đằng sau mỗi câu chuyện của tác giả, người đọc có những chiêm nghiệm riêng. Và ẩn sau câu chữ là trăn trở, là ngậm ngùi về bản chất quy luật phát triển: cuộc sống vội vã đã khiến có lúc người ta đánh mất một phần vẻ đẹp từng là niềm tự hào của thành phố.

"Chợ Bến Thành, nhà hát Thành phố, nhà thờ Đức Bà, tòa nhà Bưu điện... hệ thống biểu tượng quen thuộc để nhận diện thành phố trong quá khứ sẽ trở thành những mẩu nhỏ công trình cô lập, đơn lẻ, hoang vu sau những mất mát trên phương diện quần thể, những tổn thương trong hệ sinh thái kiến trúc", sách viết.

Một người được gọi là "Người Sài Gòn" không phải chỉ là người gốc Sài Gòn, mà bởi danh từ này trở thành thước đo độ am hiểu và tình yêu của một người dành cho thành phố này. "Ai cũng có một chỗ của mình ở Sài Gòn. Thành phố này là một con tàu, mỗi nơi chốn vô danh trong thành phố là một chiếc phao trên mạn tàu để những người đang chấp chới trên biển có thể bám vào. Mỗi người ghi nhớ chiếc phao đã giữ mình lại, khắc ghi vào tâm trí bước chân đầu tiên trên miền đất mới, nơi mà ngay từ phút giây lựa chọn ở lại, không còn phân biệt người cũ mới mà chỉ còn là một" (trích bài "Ai cũng có chỗ cho mình ở Sài Gòn", tác giả Phan Triều Hải).

19 tác giả, có người sống ở Sài Gòn, người ở thành phố khác, người định cư nước ngoài, nhưng quy cho cùng, tình yêu dành cho thành phố vẫn vẹn nguyên, tròn đầy. Sách có phần biên khảo cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về kiến trúc, thương mại hay những nhân vật kiệt xuất của TP HCM ngày ấy. Hiểu và yêu thành phố, trong chiều kích đó, là sự gửi gắm giấc mơ chung về một đô thị phát triển bền vững, sung túc kinh tế và nhân văn.

Theo Thanh Phương - vnexpress

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng