Nhà văn Trung Trung Đỉnh thuộc thế hệ các nhà văn trưởng thành sau năm 1975 với những tiểu thuyết viết về đề tài Tây Nguyên và cuộc sống, xã hội thời hậu chiến được giới chuyên môn và bạn đọc yêu thích. Sáng 21/8 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu và ra mắt bộ 7 cuốn sách của nhà văn Trung Trung Đỉnh cùng buổi trò chuyện mang tên: Những khoảnh khắc đời người.
Bộ sách được in lần này của nhà văn Trung Trung Đỉnh gồm bốn cuốn tiểu thuyết: Lạc rừng, Lính trận, Tiễn biệt những ngày buồn, Ngược chiều cái chết; tập truyện ngắn Lời chào quá khứ, đây là những cuốn sách đã được in và tái bản. Hai cuốn sách mới gồm tản văn - bút ký Những khoảnh khắc đời người và tản văn - chân dung văn học Nhà văn thì phải biết đùa.
Điều ý nghĩa là bộ sách được giới thiệu ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh nhật của nhà văn. Nhà văn Trung Trung Đỉnh xúc động chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tổ chức sinh nhật và được tổ chức to như thế này, với việc những cuốn sách trong đời văn của tôi được giới thiệu cùng sự hiện diện của những người thân và bạn bè. Đó là điều quý giá nhất. Với tư cách là một nhà văn thì tôi nghĩ công việc quan trọng nhất là phải viết”.
Là một nhà văn thầm lặng, ít phát ngôn, nhưng trên những những trang viết của mình nhà văn Trung Trung Đỉnh luôn hết mình. Tên tuổi của ông đi liền với mảnh đất Tây Nguyên anh hùng, nơi ông từng tham gia chiến đấu trong những trận đánh, chiến dịch ác liệt nhất. Nhà văn lão thành Nguyên Ngọc nói về nhà văn Trung Trung Đỉnh: “Toàn bộ cái ấy - Tây Nguyên và chiến tranh, chiến tranh và Tây Nguyên đã làm ra anh, con người anh, cuộc đời anh, số phận anh, kiếp người của anh... Trung Trung Đỉnh là một nhà văn độc đáo, một nhà văn của quê hương và đất nước”.
Nhà phê bình Ngô Thảo khẳng định: “Chúng ta vừa đi qua một thời rất đặc biệt, đó là chiến tranh. Chiến tranh là mất mát nhưng chiến tranh cũng làm nên những tài năng như nhà văn Trung Trung Đỉnh. Anh đã hoàn thành sứ mệnh của một người lính và đã mang một sứ mệnh của nhà văn”.
Với mảng văn học về cuộc sống xã hội hậu chiến nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng đã làm nên dấu ấn với những cách nhìn, những hướng khai thác đời thường nhưng gai góc và sâu sắc, làm hiện lên một xã hội đầy ám ảnh và giằng xé giữa cái cũ và cái mới, cái tốt và cái xấu. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng phải là một người tốt, một nhân cách, một cốt cách đáng nể trước đã, sau đó là tài năng mới viết nên những trang văn như vậy.
Bên cạnh những cuốn sách về chiến tranh người lính, về những giá trị xã hội trong guồng quay âm thầm mà khốc liệt thì nhà văn cũng có những cuốn sách giàu tự sự với chia sẻ về những thăng trầm cuộc đời, về những khoảnh khắc đời thường với những người bạn mà ông mến trọng.
Ở tuổi 70 nhà văn Trung Trung Đỉnh chia sẻ ông sẽ tiếp tục viết văn khi còn có thể. Trong sự nghiệp văn chương của mình nhà văn đã đạt được nhiều giải thưởng, tiêu biểu là: Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).
Theo Tuấn Lam - VNQĐ