Thời sự Văn chương
“Những khoảnh khắc” của Trung Trung Đỉnh
15:07 | 27/08/2018

Cầm bút từ khi còn mặc áo lính nhưng Trung Trung Đỉnh tự nhận thuộc lớp nhà văn trưởng thành sau 1975. Bên cạnh mảng đề tài lớn về cuộc sống và chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên (Lạc rừng, Lính trận, Ngược chiều cái chết...) là những tác phẩm viết về đề tài hậu chiến, với Ngõ lỗ thủng, Tiễn biệt những ngày buồn... đi sâu vào guồng quay âm thầm mà khốc liệt của hiện thực đời sống mới với “trăm chiều dở dang”.

“Những khoảnh khắc” của Trung Trung Đỉnh
Nhà văn Trung Trung Đỉnh và bộ 7 cuốn sách mới phát hành

Các tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh đã đạt được nhiều giải thưởng, như: Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007). Xin giới thiệu bộ 7 cuốn sách của ông vừa được Nhà xuất bản Trẻ ra mắt.

Lạc rừng (tiểu thuyết)

Bình, anh bộ đội mới mười tám tuổi, từ Bắc vào chiến đấu ở Tây Nguyên. Chưa kịp tham gia trận đánh nào xứng đáng gọi là trận đánh, Bình bị lạc đơn vị, lạc trong rừng và lạc vào một cộng đồng những người kỳ lạ. Khi nhìn những người đó xúm quanh đống lửa nướng những con chuột, những con nhái đá, uống rượu cần, ăn thứ thịt nướng khét mù ấy, thì thầm to nhỏ, anh đã rợn người nghĩ đến việc sẽ bị họ trừ khử, nhưng rồi cũng êm. Và bắt đầu những tháng ngày khắc phục sự lạc lõng để hòa nhập vào một cộng đồng xa lạ với anh về mọi thứ, trừ một chí hướng chung: đánh Mỹ.

Câu chuyện độc đáo, kỳ lạ, ám ảnh. Ra đời năm 1999, một năm sau, cuốn sách đoạt giải cao nhất cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, được trao giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Lính trận (tiểu thuyết)

Pleime - Ia Đ’răng 1965. Bầu trời chợt căng phồng lên rồi lại xẹp xuống giữa sự xáo trộn đến khủng khiếp của các loại tiếng nổ. Bom bi rải thảm. Bom phản lực. Bom B52, B57. Tất cả, hầu như mọi phương tiện chiến tranh của quân đội viễn chinh Mỹ đều được tập trung về đây quyết chiến.

Lính trận lấy bối cảnh Tây Nguyên, đặc biệt là chiến trường trọng điểm Pleime - Ia Đ’răng ác liệt. Tại đó, người kể chuyện xưng tôi - một anh lính hậu cần rất trẻ, đã ghi lại những gì mình và tiểu đội hơn chục người của mình trải qua, từ lúc đăng lính, huấn luyện ở hậu phương rồi hành quân hàng tháng trời để vào đến Tây Nguyên, cho đến khi đối diện với không khí tức thở của chiến trường, khi những đồng đội lần lượt ngã xuống.

Chọn kể những câu chuyện nhỏ của những người lính bình thường nhất trong chiến tranh, lại có độ lùi sau gần 40 năm, Trung Trung Đỉnh không tô hồng, không lãng mạn hóa, cũng không cường điệu, đã tái hiện chân thực những ký ức đẹp đẽ và bi tráng về một thời tuổi trẻ nơi chiến trường.

Tiễn biệt những ngày buồn (tiểu thuyết)

Tiểu thuyết được viết vào những năm 1980, lúc đời sống đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với ngổn ngang đổi thay.

Câu chuyện xoay quanh những phận đời ở nơi xưa kia từng là “trạm đón tiếp” của một đơn vị quân đội, giờ đây lao đao vì “cơ chế” mới. Ở đó có Xoay, một nhà văn độc thân chỉ biết mê mải làm nghề và luôn chân thành, thành thực trong tình yêu với Sương mà không hề biết đến những toan tính vô cùng thực dụng của cô. Một bà Mão, quanh năm hương khói thờ thần thờ Phật nhưng cả đời vẫn phải sống dựa người khác, bị đuổi ra khỏi chính ngôi nhà của mình. Một Ron, luôn cúc cung tận tụy cho sự nghiệp, cứ nghĩ ai đó đã nói là phải đúng, đã đúng là phải làm, đã làm quyết không sai, rốt cuộc ra về tay trắng, hóa thành một anh ngơ ngẩn, nhìn con gái chết vì bệnh mà bất lực.

Các nhân vật loay hoay tìm cho mình một cách ứng xử tự cho là phù hợp trong guồng quay âm thầm mà khốc liệt của hiện thực đời sống. Nhưng dù họ có bao biện thế nào cho những tín điều của riêng mình thì cũng không khỏa lấp nổi những chua chát, đắng đót của kiếp người nông nổi giữa trăm chiều dở dang. Và ngày buồn vẫn nối những ngày buồn…

Tiểu thuyết Tiễn biệt những ngày buồn và Ngõ lỗ thủng được dựng thành bộ phim truyền hình Ngõ lỗ thủng (năm 2009).

Ngược chiều cái chết (tiểu thuyết)

Câu chuyện lấy bối cảnh buôn làng Tây Nguyên trong thời đoạn đổi mới - làng Kơ So Kơ Mík - tên của vị già làng đáng kính, sau này trở thành bí thư huyện ủy. Truyện được kể từ điểm nhìn của Thương - nhà báo từ Hà Nội vào công tác lâu năm từ thời kháng chiến chống Mỹ và đã gắn bó máu thịt với buôn làng. Quá trình xây dựng đời sống mới không tránh khỏi thói quan liêu, cứng nhắc và vụ lợi của một số đối tượng xấu. Hay chính lối sống ngay thẳng, bộc trực đậm chất Tây Nguyên đôi khi lại gây không ít trắc trở, sóng gió cho cuộc sống của họ. Đỉnh điểm là cái chết của Rơ Lan Thương - một nhà nghiên cứu tâm huyết với ý tưởng “phủ xanh đồi trọc”, người anh trai thân thiết của nhân vật “tôi”. Ngược chiều cái chết ấy, rất nhiều mâu thuẫn cũng bắt đầu từ đây hay đã tích tụ từ lâu giờ mới có cơ hội bộc phát. Nhưng sau cùng, tình anh em, nghĩa vợ chồng, tình - nghĩa thủy chung của con người Tây Nguyên đã vượt lên trên những tính toán ti tiện, nhỏ nhen của những kẻ vụ lợi. Và đó mới chính là ngọn lửa sáng, soi đường dẫn lối cho những người con của núi rừng.

Những câu chuyện từ quá vãng tới hiện tại tái hiện một mạch sống Tây Nguyên bền bỉ, mang đậm tinh thần sử thi trong tiếng đàn t’rưng, tiếng sáo đinh-yơng, tiếng núi rừng - như ngàn đời nay vẫn vậy. Nói như nhà văn Nguyên Ngọc: Trung Trung Đỉnh không viết về Tây Nguyên mà viết về cuộc làm ra nó. 

Lời chào quá khứ (tập truyện ngắn)

Tuyển tập những truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Trung Trung Đỉnh, phác họa ngắn gọn và cô đọng hành trình sáng tác của ông. Khẳng định tên tuổi với hàng loạt tác phẩm xuất sắc về Tây Nguyên: Lạc rừng, Lính trận (tiểu thuyết), Đêm nguyệt thực, Lời chào quá khứ(truyện ngắn)… đối với Trung Trung Đỉnh, Tây Nguyên là nỗi ám ảnh thường trực, là sự mê hoặc, nhấn chìm, bao trùm lên toàn bộ lên cuộc đời và từng trang viết. Đi qua cuộc chiến, trở về với với chủ đề “đồng bằng”, những sự kiện của cuộc sống đời thường đi vào văn Trung Trung Đỉnh bằng một giọng hóm hỉnh, đôi lúc như đùa cợt nhưng cũng không thiếu những sự đời sâu sắc, những “nỗi buồn níu giữ tình yêu”. Chân tình và ngậm ngùi.

Trung Trung Đỉnh là một trường hợp hòa hợp tuyệt vời giữa hai nền văn hóa Việt và Tây Nguyên, tạo nên một bản sắc thâm trầm mà độc đáo, mà tập truyện ngắn này là một minh chứng rõ rệt.

Những khoảnh khắc đời người (tản văn - bút ký)

Cậu bé Đỉnh lớn lên bằng những chiều đông mưa phùn gió bấc, bọn trẻ trâu rủ nhau nhặt củi ven sông rồi đốt lửa vừa để cho ấm, vừa để nướng khoai, nướng chuối, nướng cá, nướng cua - những thứ tình cờ bắt được nơi ruộng đồng. Thế rồi chiến tranh, thế hệ đó rời những ngọn lửa chân đê vào lính. Bao lần vượt mặt tử thần trong chiến tranh, anh lính Trung Đỉnh trở về Thủ đô, làm công việc viết lách.

Đến tuổi gần thất thập, nhà văn Trung Trung Đỉnh đầu hai thứ tóc lại đối diện tử thần thêm lần nữa, và rồi lại vượt qua. Trung Trung Đỉnh ghi lại chân thực và cảm động những dấu mốc cuộc đời, những nơi ông đã đi, những người đã gặp, những biến cố ông đã trải qua, những khoảnh khắc đời người trong tập bút ký - tản văn giàu tính tự sự này.

Nhà văn thì phải biết đùa (tản văn - chân dung văn học)

Một cuốn chân dung “bạn văn, bạn đời, bạn giang hồ” kể về cái sự các nhà văn đã làm việc, đã sống với nhau thế nào, đặc biệt là trong thời đoạn hậu chiến, đất nước chuyển mình Đổi mới với vô vàn khó khăn, trắc trở cả về vật chất lẫn tinh thần. Các nhà văn, hay nói rộng ra là những người làm nghệ thuật bỗng lúng túng giữa trăm mối, trăm bề… Trong tập này, Trung Trung Đỉnh thẳng thắn thừa nhận: Có một thời người ta đã “đổ” cho nhà văn là “thư ký của thời đại” với những chức năng thực không liên quan trực tiếp tới văn học nghệ thuật. Nhưng ngay ở hoàn cảnh này, các nhà văn ta đã rất “dễ thương”, đã một lòng theo cái chức năng phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích cộng đồng ấy.

Trung Trung Đỉnh nhấn mạnh: “Nhà văn là gì thì cũng trước hết phải là một con người”. Nhưng không chỉ dừng lại ở mức hồi tưởng, ghi chép về một con người cụ thể, những chân dung của Trung Trung Đỉnh luôn được đính kèm một xác tín về nhân cách. Trong các bài viết, tác giả dẫn không ít các tác phẩm của những đối tượng mà mình quan sát: nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả, nhạc sĩ… chứng tỏ một sự đọc sâu sát, luôn trân trọng dõi theo thành quả lao động của những người bạn (đồng niên hoặc vong niên). Chưa hết, bức chân dung ấy còn là kết quả của việc “đọc” trực tiếp vào đời sống - những giao thiệp thường ngày hay cả những thói quen sinh hoạt, nhiều khi lại dự phần không nhỏ vào viêc hình thành cá tính của một con người.

Nhưng, điều quan hệ, có tính “thời sự”, theo Trung Trung Đỉnh lại là ở chỗ: “Nhà văn thì phải biết đùa”. Đó là cái đùa ở những nhân cách ý thức sâu sắc được sự nghiêm túc trong lao động chữ nghĩa, trong hành xử nhân sinh - một nhị nguyên xem ra lại rất nhất quán được Trung Trung Đỉnh phát hiện và thể hiện trong tập sách này. Anh dẫn ra những bậc tiền bối: Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… với lối viết (và cả lối sống) cực kỳ nghiêm chỉnh nhưng vẫn vẫn ẩn chưa đầy tính hài hước, trào lộng, được thể hiện trong cái dân dã của những nhân vật văn chương kinh điển: Xuân tóc đỏ, Bà Phó Đoan, Chí Phèo, Thị Nở... Rồi đến một loạt những gương mặt văn chương đương thời với những góc nhìn cũng rất “biết đùa”: Ù ờ như gã Bảo Ninh, Thầy thợ thợ thầy Phạm Ngọc Tiến, Phức tạp như Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên - chém gió mà chém ngược chiều, Bùi Ngọc Tấn U (pper 80)…

 “Nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của nhà văn Trung Trung Đỉnh, một trong những nhà văn uy tín trên văn đàn Việt Nam đương đại, chúng tôi in tái bản 5 tựa và in mới 2 tập truyện của anh. Nhà xuất bản làm bộ sách như sự trân trọng ghi nhận những khoảnh khắc đời người, những giai đoạn đời văn của Trung Trung Đỉnh, thay một lời chúc tốt đẹp nhất. Đây cũng là một trong những bộ sách chủ lực của NXB Trẻ tham dự Hội sách mùa Thu của Hà Nội lần này”.

Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt

Theo Hà Hương - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng