Thời sự Văn chương
Đốt lò hương cũ tưởng nhớ người đã khuất
09:51 | 10/09/2018

Nét chữ áo thơ hiện dáng người là tên buổi tọa đàm về cuốn sách Đốt lò hương cũ của cố thi sĩ Đinh Hùng nhân dịp cuốn sách được tái bản và ra mắt tại Hà Nội vào sáng 6/9. Buổi tọa đàm có sự tham gia của Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm, Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ.

Đốt lò hương cũ tưởng nhớ người đã khuất
Các diễn giả tại buổi tọa đàm (từ trái qua phải): Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ

Nhà thơ Đinh Hùng (1920-1967), ông là nhà thơ thời tiền chiến. Đốt lò hương cũ là cuốn bút ký, được xem là sáng tác cuối cùng của ông. Ông đã viết cuốn sách này để tưởng nhớ những nhà văn, bạn văn mà ông quen biết, quý trọng trong chặng đường hoạt động văn chương của mình.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: Đốt lò hương cũ để tưởng nhớ người đã khuất, hình không còn những bóng vẫn còn đâu đây. Đinh Hùng đã nhớ lại và ghi lại cho văn học sử nước nhà những gương mặt văn nhân một thời, đã tạc lại những chân dung văn nghệ sĩ để treo bày trong phòng tưởng niệm vĩnh hằng của văn chương Việt Nam. Họ đã nhờ ông mà còn vang bóng. Và chính ông cũng đã để lại bóng mình trên những trang viết ấy, bên cạnh thơ Đinh Hùng.

Đúng như tên của buổi tọa đàm, qua thơ ca và đặc biệt là cuốn sách Đốt lò hương cũ, bóng dáng Đinh Hùng cùng với sự nghiệp văn chương, tính cách, tâm hồn và tư tưởng của nhà thơ đã hiện lên, để bạn đọc hôm nay có thể thấy được một thi sĩ nhiều tâm tình, nhiều nhớ thương và đầy mộng ảo trong bối cảnh rối ren, buồn bã của lịch sử và thời cuộc.
 

f0e31aa0e5441be2264e6a2357ab221b
Cuốn sách Đốt lò hương cũ, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2018
 
Theo Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm thì: Đinh Hùng đã cảm nhận sâu sắc, chân thành về những người đã sống cùng, đi cùng lịch sử văn chương, những kẻ sĩ của một thời. Thế giới của Đinh Hùng là thế giới mê ảo, đời sống thực tại bị ông phủ định. Nhà thơ nhập mộng để thoát khỏi thực tại. Ông giữ cho mình cốt cách văn chương cũng như quan niệm thẩm mĩ của thời tiền chiến. Ông luôn mộng mơ về những thứ đã mất, tìm về những điều đã mất, nơi mà mọi thứ chưa bị tha hóa, chưa bị thay đổi.

Không khí văn chương, khí chất thi sĩ của một thời đã toát lên qua từng trang văn Đinh Hùng: “Chúng tôi ra đi mang theo cả linh hồn Hà Nội, từ mùa thu 1954. Và Hà Nội trong tôi, đã hơn mười năm cách biệt, vẫn còn giữ nguyên bóng dáng một tình nhân của tuổi hai mươi”... (Hà Nội văn nghệ những ngày báo hiệu loạn ly).

Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ bày tỏ: Đinh Hùng là một trong những người hiếm hoi nối tiếp được cái mạch của thơ mới lãng mạn. Nếu đọc thơ Đinh Hùng thì sẽ càng thấy được cái hay củaĐốt lò hương cũ, cuốn sách pha trộn giữa hồi ký và tùy bút. Cảm hứng từ thơ ca sang văn xuôi của ông là sự mê ảo và ma mị. Đó là những trang văn rất đẹp.

Đốt lò hương cũ là hiện diện của tác giả, là sự tái hiện của những tên tuổi cùng thời với ông như Thạch Lam, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, nhóm Tự lực văn đoàn; là sự ngưỡng vọng và tưởng nhớ về những người đi trước như Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Nguyễn Đình Chiểu. Đó đều là những tên tuổi được lưu danh suốt chiều dài của lịch sử văn học Việt Nam.

Theo Kim Nhung - VNQĐ
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng