Các tập truyện vừa "tái ngộ" bạn đọc gợi nhớ phong vị văn chương đặc sắc của làng viết hơn 20 năm trước.
Tuyển tập truyện ngắn Phan Triều Hải gồm năm tên sách: Vào đời (1994), Những linh hồn lạc (1995), Quán bò rừng (1995), Có một người nằm trên mái nhà (1997) và Những con đường không đến Seattle (2005).
Phan Triều Hải là cây bút truyện ngắn quen thuộc trong làng văn thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000. Anh có lối kể chuyện giàu cảm xúc, lãng mạn và buồn nhưng không kém phần lý tính. Nhiều sáng tác của anh tập trung khắc họa chân dung, cuộc sống và tâm tư thế hệ 6x, 7x ở thành thị. Truyện Phan Triều Hải mở ra những thế giới nội tâm đầy chiêm nghiệm. Anh không chỉ lấy trải nghiệm bản thân để lên tiếng về những va đập của thế giới bên ngoài, mà còn quan sát nhiều biến chuyển từ cuộc sống để thấy tác động của chúng lên mỗi con người.
Đọc tuyển tập của Phan Triều Hải là một cách thú vị để quay ngược thời gian về giai đoạn mạng xã hội, điện thoại thông minh chưa chi phối đời sống và tinh thần một lớp người trẻ ở Việt Nam. Những mộng mơ, lý tưởng đan cài vào mất mát, đổ vỡ ở mỗi nhân vật của Phan Triều Hải. Từ đó, bạn đọc nghiệm ra được những bài học thấm thía về cuộc sống thông qua các mối quan hệ. Sinh thời, khi đọc truyện Phan Triều Hải, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nhận xét: "Hải đang sống với thời hiện tại và hình như trong vô thức đã mang chịu một trách nhiệm nói hộ những câu chuyện riêng tư của thế hệ mình".
Đầu tháng 4 vừa qua, Phan Triều Hải tái ngộ bạn đọc với tập truyện ngắn Mỗi người một chỗ ngồi. Tác giả cho thấy đã làm chủ cảm xúc hơn trong cách kể những chi tiết ở đường dây câu chuyện, khắc họa nhân vật. Cố gắng lược đi cảm xúc, kể một câu chuyện mà người đọc tự cảm thấy hoặc ám ảnh, không có tác động thêm của người viết rõ ràng là điều anh hướng đến. Mỗi sáng tác của Phan Triều Hải, theo mốc tuần tự thời gian, đều phản ánh sự trưởng thành, thay đổi từng bước trong nhận thức, thái độ và quan niệm sống. Dẫu vậy, có một điều gần như không thay đổi là mạch cảm xúc, chất suy tư. nhu cầu tôn vinh vẻ đẹp của thế giới nội tâm và một bản thể không chấp nhận sự đồng hóa, trộn lẫn vào đám đông.
Từ năm 2014, Phan Triều Hải sang Mỹ định cư. 13 năm qua, anh vẫn miệt mài lao động với nghề viết. Năm 2008, anh dịch Hội hè miên man (tiểu thuyết, hồi ký của Hemingway), tham gia viết một vở nhạc kịch với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện Malmo (Thuỵ Điển) vào 2008. Sắp tới, anh sắp ra mắt cuốn sách dịch Nghề viết qua các kiệt tác phỏng vấn (NXB Hội Nhà văn)... "Tôi viết vì cần phải viết. Ngay cả không in sách, tôi cũng viết. Tuy vậy, nhiều lúc, việc viết lách không phải cứ muốn là làm. Hôm nay có thể viết được, ngày mai lại không. Vậy nên, một khi viết được thì cứ tận hưởng thôi, không nghĩ gì xa xôi. Đó như là một cái thú rất riêng", nhà văn tâm sự.
Phan Triều Hải sinh năm 1969 tại Quy Nhơn, từng đoạt giải cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20. Ngoài các tập truyện ngắn, anh còn có tập truyện dài Đi học(1999) - góp nhặt trải nghiệm khi nhận học bổng khóa viết văn ở thành phố Iowa, Mỹ.
Theo Thoại Hà - vnexpress