Thời sự Văn chương
Nguyễn Huy Thiệp ra mắt sách lấy cảm hứng từ con trai
15:11 | 11/10/2018

Tiểu thuyết về một chàng trai nổi loạn, dính vào ma túy được viết bằng tình cảm của nhà văn với con trai thứ hai. 

Nguyễn Huy Thiệp ra mắt sách lấy cảm hứng từ con trai
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại sự kiện.

Sách Tuổi 20 yêu dấu được ra mắt trong buổi tọa đàm: "Chúng ta nói gì khi nói về tuổi 20 yêu dấu", tổ chức tối 4/10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Sách vốn hoàn thành vào tháng 1/2003, đã được dịch ra tiếng Pháp và xuất bản từ năm 2005, cũng như được phát hành ở nhiều nước như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada. Vì ngôn ngữ nhạy cảm, cuốn tiểu thuyết phải chờ đợi 15 năm trước khi phát hành trong nước. 

Buổi ra mắt sách là dịp hiếm hoi để Nguyễn Huy Thiệp "xuống núi". Tuy đã lâu không có hoạt động văn chương mới, sự xuất hiện của ông vẫn mang sức hút lớn. Trước khi buổi tọa đàm bắt đầu, hội trường gần chật ních. Ngoài độc giả và người hâm mộ còn có những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng là bạn bè tác giả tới dự.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trong bộ quần áo nâu sồng của nhà Phật. Với giọng điệu vui vẻ, ông chia sẻ nhiều về chuyện nghề, chuyện đời và chuyện tu thân. Ông cũng nói về những câu chuyện "hậu trường" của Tuổi 20 yêu dấu. Câu chuyện viết về con trai ông và những bạn bè của anh. Khi con trai ông biết mình là nguyên mẫu của chàng trai nổi loạn tên Khuê, anh đùa rằng bố phải trả tiền bản quyền nhân vật cho mình.

Bìa sách tuổi

Bìa sách "Tuổi 20 yêu dấu" của Nguyễn Huy Thiệp.

Tuổi 20 yêu dấu được viết chỉ trong vòng một tháng, trong một căn phòng nhỏ trên đảo Cát Bà (Hải Phòng). Nhân vật Khuê là một thanh niên thành phố có bố là nhà văn nổi tiếng, nhưng cậu ta lại thấy chán ghét mọi thứ quanh mình. Biến cố xảy ra khi hai bố con hiểu lầm nhau và Khuê bị bố đuổi khỏi nhà. Tai vạ này dẫn đến tai vạ khác, đẩy cậu "công tử bột" dần lún sâu vào giới giang hồ. Từ "nhẹ nhàng" như cầm đồ, cậu "liều mạng" hơn với những hành động đua xe, gặp gái điếm, tham gia buôn lậu, hít heroin... Rồi cậu bị đánh cho thừa sống thiếu chết và bị ném ra đảo hoang. Ở đây, cậu bắt đầu học cách sống tự lập.

Tuổi 20 yêu dấu tiếp tục xoay quanh một nam thanh niên mới lớn - mô típ trong những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn lý giải việc thường xuyên lựa chọn nhân vật chính ở độ tuổi 17 đến 20 vì đó là tuổi đẹp nhất, cũng là tuổi mà con người phải bước qua cửa tình: "Nó là cửa đầu tiên trong quá trình tu luyện thành người của con người". Ông coi sống là một quá trình tu luyện, đi tìm "bản lai diện mục" (bộ mặt vốn có của mỗi người), đi tìm đạo.

Hai diễn giả Mai Anh Tuấn và Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - những người nghiên cứu lâu năm về văn chương Nguyễn Huy Thiệp - đưa ra nhiều phân tích. Mai Anh Tuấn giải thích những gửi gắm của nhà văn về cái nhìn bao dung đối với tuổi trẻ, tình yêu và sự cúi đầu trước thiên nhiên, tinh thần Phật giáo và con đường tìm về "bản lai diện mục"... Diệu Thủy nói về phong cách và chủ đề của nhà văn từ những tác phẩm trước, đồng thời nhận định Khuê trong Tuổi 20 yêu dấu đã làm dày dặn thêm hệ thống nhân vật thanh niên mới lớn trong các cuốn sách trước của tác giả. Theo chị, việc bố đuổi Khuê ra khỏi nhà chỉ là cái cớ cho một khát vọng mà cậu đã có từ lâu, vì Khuê cũng giống cũng như Nhâm, Ngọc, Chương, Hiếu - những chàng trai trong các truyện ngắn trước đây của Nguyễn Huy Thiệp, đều là những kẻ "khước từ trật tự nên rất cô đơn, và sự lựa chọn bao giờ cũng là ra đi".

Cuộc trò chuyện giữa nhà văn, diễn giả và khán giả diễn ra sôi nổi trong hai tiếng đồng hồ và khép lại đầy nuối tiếc. Nhiều câu hỏi từ người hâm mộ vẫn chưa được giải đáp vì sự hạn chế về thời gian.

Theo Hà Đỗ - Vnexpress

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng