Sáng 5/11 tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp hợp với gia đình nhà văn Nguyên Hồng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (5/11/1918 - 5/11/2018). Ông được đánh giá là một trong những nhà văn ưu tú nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại với các tác phẩm như: Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Cửa biển...
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng LLPB văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Nam Định, Bắc Giang, thành phố Hải Phòng, cùng với gia đình nhà văn Nguyên Hồng và các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động nói: Nhà văn Nguyên Hồng trong sự nghiệp cầm bút của mình đã cất lên tiếng nói của lương tâm nhà văn. Ông bênh vực, đề cao những người yếu thế, bần cùng trong xã hội. Với trái tim của một nhà văn lớn ông đã làm phát lộ ánh sáng từ những nơi tối tăm nhất, tình thương từ những nơi oan khuất nhất, lẽ phải từ những nơi dã man nhất, lương thiện từ những nơi độc ác nhất. Ông cũng là người yêu nước nồng nhiệt và dũng cảm, cả trong văn, trong thơ, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, và trong đời sống.
Nhà văn Nguyên Hồng, ngay từ thời trai trẻ đã tham gia nhiều phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc. Gian khổ và tù đày không làm nhà văn nhụt chí. Cùng với đó ông cũng được biết đến là một cây bút sôi nổi đương thời. Tiểu thuyết Bỉ vỏ được ông viết khi mới 19 tuổi là một minh chứng cho sự tài năng của nhà văn. Nhà văn Nguyên Hồng còn được biết đến là ủy viên Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II; người sáng lập Hội Nhà văn Hải Phòng và Hội VHNT Hải Phòng; tham gia đào tạo các thế hệ nhà văn trẻ tài năng...
Giáo sư Phong Lê bày tỏ: So với những tên tuổi cùng thời như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân... thì nhà văn Nguyên Hồng có nhiều khó khăn, vất vả hơn trong đời sống nhưng tác phẩm của ông thì xứng đáng song hành cùng với họ. Nguyên Hồng cũng ám ảnh về việc viết lách da diết hơn họ. Viết đối với ông không chỉ là sự ham mê, mà còn là nỗi đam mê. Ông dốc cạn cuộc đời ra mà viết, vắt kiệt mình ra mà viết.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhớ về nhà văn Nguyên Hồng với những điều rất giản dị, gần gũi: Mùa hè ông thường vận bộ quần áo nâu, đi dép lốp, mùa đông trên người luôn khoác chiếc áo bông màu tím than. Một bên vai đeo trễ túi tài liệu gồm bản thảo và các thứ đang đọc. Bên kia vai là chiếc bi đông màu cỏ úa đựng rượu. Ngồi nói chuyện lâu lâu lại nhấp một ngụm... Tính ông vốn giản dị, chỉ cần chén rượu quê, đĩa lạc rang và bát canh rau tập tàng là ông thích. Ông là một trong số ít người tránh xa được cái danh lợi để thực hiện cho được mục tiêu cao thượng của đời văn. Ông tự trọng, trượng nghĩa, tiêu biểu cho cốt cách của bậc sĩ phu thời hiện đại.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng, NXB Trẻ cũng giới thiệu đến độc giả cuốn sách Nhật ký Nguyên Hồng, đây là phần di cảo quý giá mà gia đình ông còn giữ được. Bản thảo được con gái của ông là dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư và Nguyễn Thị Nhã Nam chọn lọc và và hoàn thiện để ra mắt bạn đọc nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Những trang nhật ký của ông, từ 1941- 1982, hiển hiện cả một thời đại, sống động và chân thực. Đặc biệt là đời sống văn nghệ của đất nước trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ XX. Chúng ta có thể phần nào biết được các nhà văn thế hệ ấy, họ đã sống và viết như thế nào.
Những tác phẩm nhà văn Nguyên Hồng để lại sau một cuộc đời nhiều thăng trầm, giông bão đã khẳng định những giá trị của cuộc đời ông và những lao động nghệ thuật đầy cống hiến. Như nhà văn Ngô Thảo khẳng định: “Nguyên Hồng là một nhà văn khổ hạnh và cao cả”. Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Theo VNQĐ