Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Nguyên Hồng (5/11/1918 - 5/11/2018), lần đầu tiên, “Nhật ký Nguyên Hồng” ra mắt bạn đọc. Hơn 600 trang nhật ký Nguyên Hồng viết từ năm 1941 đến trước khi ông mất (1982) đã được công bố. Những trang viết hiển hiện cả một thời kỳ, sống động và chân thực. Đặc biệt là đời sống văn nghệ của đất nước trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ XX. Được sự đồng ý của NXB Trẻ và đại diện gia đình nhà văn Nguyên Hồng, chúng tôi trích giới thiệu một số trang nhật ký của ông.
Ngày 7/11/1943. Cơm xong đi chơi. Ý định đi xem kịch. Xem Nguyễn Tuân và Thế Lữ và cái ánh sáng xa hoa với một lòng u ám. Không đi. Hay đi tìm một nguồn cảm khác. Đến với bọn Đại Thanh, đi hát, đi hút? Hay một mình bê tha trong đêm tối? Hay về viết! Viết! Viết! Cái truyện ngắn còn dở dang kia.
Tôi đã về. Và đã viết.
Tôi đã viết xong.
Ngày 2/3/1948. Tôi thấy tôi không còn muốn viết nữa. Một bước sa ngã mà chân tôi lấp ló đặt vào đã bắt đầu là phút này chăng? Nhưng không! Cuộc sống có những cái hàng ngày rất ma quỉ, nó lôi cuốn người ta đến lúc ngã sấp mặt xuống lúc nào mà không biết. Sống dễ quá, lười quá, hèn quá… Đâu mình có thấy mình? Ấy thế rồi chết!
Tôi rợn và nhục cho tôi. Sự ồn ào, hèn nhát của một lối sống nông nổi, ích kỷ thật đã cảm thấy hơn bao giờ hết và không thể nào còn được nữa. Cần gì phải viết vào lòng bàn tay một câu “nguyền” - Nhưng không! Cứ phải nguyền đi. Nguyền một cách rứt thịt mình ra, nếu không cắn răng lại mà nhìn sâu vào mình, vào sự thật.
Ngày 3/3/1948. Tôi đi thẳng về đến nhà. 40 cây số. Tôi ho nhiều hơn. Nhưng tôi đã thấy nhẹ cả lòng. Về đây tôi được viết. Những dòng chữ xanh ngắt chờ đời mực và giấy và sự bình tĩnh, đằm thắm.
Ngày 31/3/1948. Xuân Diệu đến chơi. Tôi lại phải bỏ dở viết. Các con bạn tôi và của tôi khóc quấy. Tôi lại phải xuống quán uống rượu.
Khổ vì viết quá! Sáng tác! Thật là rứt thịt mình ra.
Ngày 6/7/1949. Gặp Nguyễn Huy Tưởng. Tôi lại nói nhiều, để phân trần, nhưng rồi cả hai cười xòa với nhau. Ăn cơm ở Đại Từ. Tin 3 con Lưu Văn Lợi bị lao cả ba. Gặp Nguyễn Hồng Nghi và Bảy Hổ. Nguyễn Hồng Nghi cũng hả hê vì đã thu xếp ổn thỏa công việc gia đình. Tôi lại nghĩ đến sự học hành sắp tới của thằng Hà.
Ngày 26/7/1949. Viết xong đoạn thứ hai của truyện “Bố ơi là bố”. Đoạn này hóc búa nhất mà thoát là không còn lo gì nữa. Tôi ra Yên Dã cạo đầu. Vừa đi vừa nghĩ… nghĩ cả sang đoạn cuối của “Bố ơi là bố”. Cũng lại thấy vững chãi nữa! Chao ôi!
Ngày 21/1/1950. Tôi viết xong bản thảo thứ bốn “Con nuôi Bếp Ba”. Cho đánh máy rồi đưa sang cho Tố Hữu xem. Tố Hữu kêu rất ghê. Tô Hoài cũng đồng ý nhiều điểm. Tố Hữu bảo: “Những tên tuổi anh em đồng chí phải cẩn thận”, có ý ngăn tôi đăng bài đó. Tôi về sửa lại. Tôi bằng lòng sửa lại và bằng lòng không đăng nếu “đầu tiên, nó không sống”. Tôi thấy không gì khổ sở và nhục bằng đưa ra một sáng tác chết! Tôi không có cái tự ái ngu tối! Tối về tôi lại sửa “Bếp Ba”. Thấy hơi buồn. Bao nhiêu truyện chưa được viết. Những truyện rứt thịt của đời mình và đã nung nấu bao ngày rồi.
Ngày 14/3/1951. Về nhà sáng. Kim Lân náo nức khoe chuyện của Tô Hoài. Đông Bắc sống, nhân vật và cảnh phảng phất của Tầu, có lẽ ảnh hưởng Chúc phước. Tô Hoài có lẽ ăn giải V.N. Kim Lân tiếc truyện “Trung du”.
Chế Lan Viên ra. Bình Trị Thiên bị lụt 95%.
Ngày 28/5/1953. Ra đi. Chào cụ Tố (nhà văn Ngô Tất Tố- B.T). Cụ và tôi chào và xin lỗi nhau.
Ngày 5/8/1953. Hồng Chương cho tôi xem thư của Văn Cao. Văn Cao lại ho lại. Có lẽ bị khí quản. Văn Cao đi chỉnh huấn ở Trường Đảng.
Anh có nhắc anh HC đến gần tôi và khuyên tôi đừng nghĩ nhiều về gia đình quá.
Tối nay tôi lại trằn trọc trước người đồng chí của tôi đang hấp hối! Anh bị cancer amidant, đau đớn khắp người.
Ngày 1/5/1954. Về đến hàng nhà Quì, anh chỉ cho tôi nấm đất ngoài ruộng mới: mộ cụ Tố! Cụ Ngô chết rồi! Đảng bộ xã đọc điếu văn. Cả ấp đi đưa. Nhà trên làm cả cỗ.
Ngày 21/5/1954. Vào ăn cơm ở nhà cụ Thâm Tâm. Cụ càng gày yếu. Thằng Khoa ho và sốt. Cụ ao ước được gửi bản truy tặng của T.T về. Và sau này nếu thằng Khoa có đi Trung Quốc học, thì cụ nhờ người đèo xe về chơi với thằng Dũng, con Bích... Một ông cụ ngoài 70 tuổi, hom hem, bé nhỏ, gần chết, chở trên xe đi chơi với con và kiên quyết theo kháng chiến.
Ngày 30/10/1954. Tôi nhận được tạp chí Văn Nghệ. Nghĩ lại những ngày sống với cụ Tố. Cái dáng đi vất vả, vai đeo cái cặp quần áo có cả chăn màn, tay chống gậy, đi biền biệt trên đèo Khế và con đường Bắc Giang - Đại Từ, bờ sông Máng, lúc nắng hè, chẳng sợ tàu bay gì cả! Sau đây, khi trở lại những Cao Thượng, Hồng Kiều, Hoàng Hà, lại thêm bao nhiêu kỷ niệm dính tôi vào với đất Bắc Giang. Tôi sẽ viết một loạt bài về những anh em bạn viết đã khuất, giới thiệu đầy đủ hơn, để cố làm nổi lên hình ảnh những trí thức chiến đấu của cách mạng và kháng chiến.
Ngày 8/12/1954. Đi chơi với Chế Lan Viên ngoài bờ sông. Nó đọc lại mấy câu thơ của Hàn Mặc Tử - Huy Cận và nhắc lại câu nói của Vương Nghị trong một buổi gặp mặt các nhà văn Việt Nam. Nó bảo nó thích bài này của tôi hơn bài trước và nhấn tôi nên chuyển thành vần nữa để độc giả nhớ dễ.
Ngày 17/2/1955. Tôi kể cả chuyện “Con chuột” cho Chế LanViên nghe. Viên khuyên tôi nên viết “Cửa bể”. Viên bảo bao nhiêu nhà văn được người ta nhắc đến với những tên đất nước thân yêu vì đã viết về nơi chôn rau cắt rốn.
Tôi sẽ viết “Cửa bể” và cả “Con chuột” nữa.
Thư vợ tôi viết có ý buồn về sự đối xử của Hội. Không hiểu cơ quan có để ý gì đến gia đình tôi không? Hôm đọc thư Mai Khôi, người bạn trẻ của Phùng Bảo Thạch, y bảo thường gặp Nguyễn Tuân ngồi một mình ở quán Bồ Câu. Nguyễn Tuân có viết được gì không? Công tác những gì? Gia đình thế nào? Và bao anh em khác nữa.
Ngày 3/6/1959. Thu hoạch bài mục I. Duy vật lịch sử. Lên tìm Tuân và Tưởng. Bờ Hồ chật cả. Vào giải khát. Nóng ngột ngạt. Uống xong, ra về, gặp Tuân rồi K.L. Đến khuya, đưa Tuân về nhà. Tưởng buồn bực. Tiền tác giả cuốn “Kim Đồng” được có 25đ. Vợ Tưởng thấy viết nhiều quá, không có gì bồi dưỡng, khóc. Sắp sửa đi làm hết.
Tôi và Lân, Tưởng thảo luận rất gay về “có thể sống bằng ra biên chế được không”. Lân lấy cả nhà anh Duẩn ra đối chứng. Tôi đem cả lợn, bò và nhắc lại cái hội nghị với vợ con ở gác Trần Nhân Tôn ra để chứng minh “thế nhà tôi” đương lên. Tôi khỏe, thằng Hà sẽ làm giúp bố, Giang chăn bò v.v… Thảo luận xong tôi thấy buồn. Nhưng phải quyết tâm ra đi để viết. Khổ, tôi cũng phải viết cho xong bộ tiểu thuyết.
Ngày 8/8/1960. Tôi viết xong bài về Nguyễn Huy Tưởng (lúc này nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mới mất - B.T). Tôi ngồi viết trên cái vali năm ngoái Tưởng ngồi. Không cầm được nước mắt. Mấy hôm, cảnh vật xung quanh tôi, y như cảnh năm xưa Tưởng lên.
Ngày 21/2/1961. Họp nghe Nguyễn Đình Thi phổ biến về sáng tác. Trưa ăn cơm ở cơ quan. Chiều bác Ngọc, Thắng, Tiếu thết cơm. Tôi cùng vợ chồng Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Kim Lân đi xem mấy cuốn trong A Phủ. Phim chưa có tiếng nhưng rất thú. Về nhà Nguyễn Tuân uống rượu. Say quá. Nguyễn Tuân, Tô Hoài và tôi ký vào chai Condonronge Mum và Champagne để kỷ niệm. Tôi say quá. Nghe thêm những đĩa hát của Đàm Mộng Hoàn, Chu Thị Năm. Đến 2 giờ mới tan tiệc rượu bất thường này.
Ngày 25/11/1961. Một tối khuya tôi và Tuân uống rượu ở nhà Vạn Lịch. Tôi ngủ lại. Vạn Lịch lục sục cả đêm, ho. Tối 27, tôi hụt buổi xem phim Tatinia, về nhà chờ nghe phát thanh, Tuân đến, mời tôi uống cognac. Tuân nói thực với tôi, đã có một dạo anh em và cả Tuân nữa đều nghi ngờ cái sức còn viết được của tôi. Giờ, chưa biết hay thế nào, nhưng với 560 trang tiểu thuyết, tôi đã làm được một cái gì. Nhưng mà tôi phải tiếp tục khẩn trương, hoặc “Đen tối” hoặc “Hoàng Hoa Thám”. Tôi thấy sự thôi thúc của bạn mà thêm lo. Nhưng tôi càng tin mình hơn...
* Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5/11/1918 tại Nam Định. Ông là nhà văn có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm của ông mang một tình cảm nhân đạo thống thiết. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn “Linh hồn”, đến năm 1937, ông thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết “Bỉ vỏ”. Tác phẩm là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những “con người nhỏ bé dưới đáy” như Tám Bính, Năm Sài Gòn...
Nhà văn Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Tháng 9/1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở căng Bắc Mê (Hà Giang) năm 1940. Năm 1943, ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.
Năm 1947, ông đưa gia đình tản cư lên sinh sống tại xóm Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và ông coi đây là quê hương thứ hai của mình. Ngày 2/5/1982, nhà văn đột ngột ra đi ở tuổi 64. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là “Núi rừng Yên Thế”. Năm 1996, nhà văn Nguyên Hồng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.
Theo Hoàng Thu Phố - ĐĐK