Thời sự Văn chương
Tiếp sức để văn học Việt ra thế giới
09:34 | 29/11/2018

Liên tục những tin vui đến với văn chương Việt Nam: nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận Giải thưởng LiBeraturpreis 2018 do Hiệp hội Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) trao tặng cho tác phẩm Cánh đồng bất tận.

Tiếp sức để văn học Việt ra thế giới
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tại lễ trao giải LiBeraturpreis 2018. Ảnh: CA DAO

Sau đó không lâu, nhà văn Bảo Ninh cũng vừa được vinh danh với Giải thưởng Văn học châu Á cho tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Phải chăng, con đường ra thế giới của văn học Việt đang dần rộng mở? 
 

Trước hết phải có hoài bão 

Trước giải thưởng LiBeraturpreis 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng từng nhận Giải thưởng Văn học các nước Đông Nam Á. Còn Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch và xuất bản tại khoảng 20 quốc gia trên thế giới, trở thành niềm tự hào của văn học Việt Nam. Năm 2016, tiểu thuyết này cũng được vinh danh tại Giải thưởng Simhun của Hàn Quốc. Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ… đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. 

Được biết, mới đây tiểu thuyết Mình và họ của nhà văn Nguyễn Bình Phương vừa được chọn dịch sang tiếng Hàn. Thêm một tác phẩm của tác giả này cũng đang được tiến hành dịch sang tiếng Anh là Những đứa trẻ chết già. Trước Cánh đồng bất tận, các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh cũng đã được dịch sang tiếng Đức. Năm ngoái, tiểu thuyết Đất trời vần vũ của nhà văn Nguyễn Một được dịch sang tiếng Anh. Tiểu thuyết Ngược mặt trời của nhà văn này được NXB Song Pubishing xuất bản với tên gọi Journey Against The Sun. 

Những tín hiệu trên cho thấy, văn học Việt Nam hoàn toàn có thể đi xa. Chính tại Hội chợ Sách quốc tế Việt Nam diễn ra vào tháng 8-2017 tại Hà Nội, bà Pimolporn Yutisri - Giám đốc Tuttle-Mori Agency Bangkok, một công ty bản quyền đại diện cho nhiều NXB thế giới tại khu vực Đông Nam Á, đã phát biểu: “Đã đến lúc Việt Nam bán bản quyền sách ra thế giới”.

Một thực tế cho thấy, việc văn học Việt Nam được ghi danh trên thị trường quốc tế, dù rất khiêm tốn nhưng hầu hết đều đến từ nỗ lực của chính tác giả và những dịch giả giàu tâm huyết; có thể kể đến những cái tên như: Nguyễn Lệ Chi, Nguyễn Phan Quế Mai, Di Li, Đoàn Cầm Thi… Còn Trung tâm dịch thuật văn học của Hội Nhà văn Việt Nam hoạt động như thế nào, chẳng mấy ai hay! 

Trong một chương trình giao lưu gần đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết, từ trước đến nay, các tác phẩm của ông được dịch ra tiếng nước ngoài đều do NXB hoặc các dịch giả ở nước ngoài trực tiếp liên hệ với ông, rồi dịch. Chỉ đến tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên có xanh là được dịch theo một cách thức hoàn toàn khác, đó là theo sự chủ động của NXB Trẻ. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói thêm: “Trước nay, trong một số lần trả lời phỏng vấn, tôi vẫn thường nói rằng, để văn học Việt Nam được xuất bản ra nước ngoài thì các NXB trong nước phải có hoài bão, tất nhiên là phải có tiềm lực”. 

Hiện nay, các hội sách quốc tế diễn ra luân phiên trong 12 tháng của năm như: Frank Furt, London, New York, Bangkok, Seoul, Tokyo… Mỗi kỳ diễn ra hội sách này, năm nào cũng có một số đơn vị của Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các đơn vị này đến hội sách “săn lùng” những tác phẩm có tiềm năng rồi mang về nước tiến hành dịch và xuất bản, còn việc quảng bá sách Việt hầu như chưa được chú trọng.

Tác giả của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh bày tỏ: “Tôi cũng từng chia sẻ với một số NXB thân thiết, các anh chị đi dự hội chợ sách quốc tế hàng năm trên thế giới, chẳng lẽ chỉ để chăm chăm xem hiện nay best seller trên thế giới là cuốn nào, thương thảo về in ra bán lấy lời? Tôi nghĩ văn học Việt Nam, mà thông qua các NXB Việt Nam nó phải ở một mức khác, phải được nâng lên trên thị trường thế giới. Tức là các hội sách trên thế giới không chỉ là nơi các NXB Việt Nam đến mua bản quyền những cuốn sách hay mà còn là nơi thích hợp nhất để các NXB Việt Nam giới thiệu văn học Việt Nam ra bạn bè thế giới. Nó phải có đi có lại”. 

Việt Nam chỉ có Nỗi buồn chiến tranh

Ở chiều ngược lại, có thể thấy một thực trạng, sách dịch xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường xuất bản trong nước. Để phục vụ cho công tác truyền thông, rất nhiều đơn vị sẵn sàng chi tiền mời các tác giả nước ngoài sang Việt Nam giao lưu, gặp gỡ độc giả. Tại những chương trình giao lưu này, nếu hỏi anh/chị đã đọc những tác phẩm văn học nào của Việt Nam, câu trả lời thường là những cái lắc đầu. Mới đây, nhà văn Hàn Quốc Eun Hee-kyung cũng khiến độc giả có chút vui mừng khi bày tỏ sự hiểu biết của mình đối với văn học Việt Nam. Tuy nhiên, tầm hiểu biết của bà cũng chỉ dừng lại ở những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, Bảo Ninh. 

Theo nhà văn Đỗ Tiến Thụy, sự lan tỏa của mỗi nền văn học phụ thuộc rất nhiều vào dịch thuật. Ở các nền văn học lớn mà lâu nay chúng ta được tiếp cận như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, châu Á có Nhật Bản và Trung Quốc, họ đã làm tốt vấn đề này. Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai đồng tình: “Hạn chế lớn nhất, theo tôi, là công tác dịch thuật văn học. Trước tiên, chúng ta chưa có được một đội ngũ các dịch giả được đào tạo bài bản và nhiều kinh nghiệm trong việc dịch ngược văn học từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài.

Theo tôi biết, hiện Việt Nam chưa có khóa đào tạo bậc đại học hoặc trên đại học về kỹ năng dịch văn học; trong khi đó, ở nhiều quốc gia đã đầu tư cho đội ngũ dịch giả bằng việc xây dựng các khóa đào tạo bài bản. Công việc đầu tư cho đội ngũ dịch giả, theo tôi rất cần thiết và chúng ta cũng nên kết nối, tạo cơ hội hợp tác với những dịch giả trẻ gốc Việt đang định cư ở nước ngoài”.

Điều đó cho thấy, chúng ta đã làm không tốt, thậm chí là không chịu làm công tác quảng bá sách Việt ra thế giới. Để hậu quả là văn học Việt Nam vẫn chịu cảnh lép vế trên bản đồ văn học thế giới. Nếu may mắn được biết, thì cũng chỉ quanh quẩn một số tác phẩm của các tác giả như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư. Trong một cuộc giao lưu được tổ chức gần đây tại Đường sách TPHCM, nhà văn Đỗ Tiến Thụy kể rằng, anh có dịp tiếp xúc với một số nhà văn Mỹ, khi được hỏi về văn học Việt Nam, họ cũng chỉ biết đến Bảo Ninh, về truyện ngắn thì họ biết tác giả Nguyễn Huy Thiệp. 

“Rất nhiều độc giả ở Mỹ hay một số nước chỉ biết đến văn học Việt Nam là Nỗi buồn chiến tranh, hay nói đến Việt Nam chỉ có chiến tranh mà thôi. Trong khi tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh là một trong những cuốn sách hay của Việt Nam chứ đó không phải là duy nhất. Họ đâu biết rằng, trong bạt ngàn sách như thế này có rất nhiều đề tài, rất nhiều tác phẩm có giá trị tuy nhiên lại không được dịch”, nhà văn Đỗ Tiến Thụy đặt vấn đề.

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng