Thời gian gần đây, thị trường xuất bản trong nước cùng lúc giới thiệu đến độc giả nhiều đầu sách có chủ đề về cái chết. Tuy nhiên, những đầu sách này không mang màu sắc u ám hay bi quan, mà nó trở thành kỹ năng mềm giúp người sống, kể cả những người cận tử có được sự bình thản, an nhiên và hạnh phúc hơn.
Nhìn thẳng vào cái chết
“Nhiều người không muốn nói tới cái chết, dường như hy vọng rằng không nhắc tới nó thì nó sẽ quên ta đi”, TS Đặng Hoàng Giang đã chỉ ra một thực tế như vậy trong phần mở đầu cuốn sách thứ ba của anh - Điểm đến của cuộc đời (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn). Cuốn sách ra đời cách đây một năm và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của bạn đọc. Đây được xem là cuốn sách đầu tiên của tác giả người Việt nói trực diện về cái chết, một đề tài được xem là kiêng kỵ.
Trong cuốn sách này, TS Đặng Hoàng Giang lần lượt chia sẻ về cái chết của những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại Việt Nam mà ông đã có cơ hội chứng kiến họ trong hành trình cận tử. Đó là Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) - học sinh tiểu học, Liên - cô sinh viên năm cuối đầy hoài bão, Vân - một người vợ, người mẹ bình thường ở vùng thôn quê. Điểm đến của cuộc đời đặt ra nhiều vấn đề: Đối diện như thế nào với cái chết; làm thế nào để an nhiên, tự tại trong những ngày cuối cùng của cuộc đời? Ngoài ra, cuốn sách còn đưa đến nhiều thông tin và kinh nghiệm hữu ích cho người thân của người cận tử. Bởi vì thực tế, có một người mẹ vì không vượt qua được nỗi đau mất con, đã tự kết liễu đời mình; khi đó, nỗi đau lại chồng lên nỗi đau.
TS Đặng Hoàng Giang đúc kết: “Ý thức về cái chết trước mặt khiến tôi ý thức rõ hơn về thời gian tôi còn trong tay, về những may mắn mà tôi đang được hưởng, về vẻ đẹp của vũ trụ. Tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng đối mặt và suy ngẫm về cái chết khiến tôi trân trọng cuộc sống hơn, sống có trách nhiệm hơn, loại bỏ dễ dàng hơn những điều phù phiếm, tầm phào, và tập trung vào những điều quan trọng với tôi”.
Sau thuật ngữ “lagom”, được hiểu là phong cách sống của người Thụy Điển với các tiêu chí: không quá ít, không quá nhiều, chỉ vừa đủ; độc giả Việt Nam lại tiếp tục biết đến một thuật ngữ khác từ đất nước này, đó là “döstädning”. Tinh thần “döstädning” được gửi gắm trong cuốn sách Sống thanh thản như người Thụy Điển (First News và NXB Tổng hợp TPHCM), thông qua việc hướng dẫn bạn đọc cách tinh giản ngôi nhà và cuộc sống của mình, chỉ để lại những gì thật sự mang lại niềm vui cho bạn và những người thân yêu.
Tác giả Margareta Magnusson là người Thụy Điển, đang ở khoảng giữa 80 tuổi và 100 tuổi. Tự bản thân đã thực hành “döstädning” nhiều năm và thành công, bà mong muốn được chia sẻ tinh thần này đến với độc giả, bất kể là già hay trẻ. Margareta Magnusson tâm sự: “Quá trình già đi chắc chắn không thích hợp với người yếu đuối. Vì vậy, bạn không nên chờ quá lâu mới bắt đầu thu vén nhà cửa. Sớm hay muộn thì bệnh tật cũng sẽ tìm đến, và lúc đó bạn sẽ biết ơn vì có thể tận hưởng những thứ bạn còn có thể xử lý được mà không phải khổ sở với gánh nặng của việc có quá nhiều thứ phải trông nom và quá nhiều đống bừa bộn phải dọn dẹp”.
Trước Sống thanh thản như người Thụy Điển, First News từng giới thiệu nhiều đầu sách có cùng chủ đề như Hành trình về phương Đông, Hạnh phúc đến từ sự biến mất, Trở về từ cõi sáng, Cởi trói linh hồn, Mật mã sự sống, Trải nghiệm cận tử…
Đi qua cái chết để trân trọng sự sống
Đang có một cuộc sống mà nhiều người mơ ước: sức khỏe tốt, gia đình đầm ấm, là đạo diễn đồng thời là nhà sản xuất của các chương trình truyền hình thu hút lượng người xem lớn, vào cuối năm 2017, ở tuổi 41, trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, đạo diễn Vũ Thành Vinh bất ngờ nhập viện vì sốt và mệt mỏi. Ban đầu, anh được chẩn đoán sốt siêu vi, sau đó là sốt xuất huyết. Diễn biến bệnh tình ngày càng xấu, hơi thở cạn dần, một loại “virus lạ” đang ăn vào phổi với tốc độ chóng mặt. Cho đến ngày thứ ba thì anh có trải nghiệm cận tử. Nhưng rồi phép màu đã đến, đưa anh trở lại với cuộc sống.
Hành trình đặc biệt đó kéo dài khoảng mười ngày đã được đạo diễn Vũ Thành Vinh chia sẻ lại trong cuốn sách Sự sống giá bao nhiêu? (Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ). Không chỉ thuật lại cuộc đua khốc liệt để giành lại sự sống của bản thân, đạo diễn Vũ Thành Vinh còn cho độc giả biết được giá trị của sự sống, giá trị của yêu thương. Anh tâm sự: “Khi chạm đến cái chết, cảm nhận nó một cách sâu sắc và rồi được tái sinh, nhiều điều đã thay đổi trong tôi. Tâm hồn tôi tựa như tấm kính bám bụi lâu ngày, nay được gột rửa trong veo một cách kỳ diệu, giúp tôi cảm nhận được những năng lượng tích cực, những yêu thương lan tỏa trong mọi dấu hiệu của cuộc đời”.
Giống như đạo diễn Vũ Thành Vinh là trường hợp của bác sĩ Paul Kalanithi (1977 - 2015), tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh người Mỹ gốc Ấn Độ. Khi hơi thở hóa thinh không (Alpha Books và NXB Lao động) là cuốn tự truyện đầy xúc động, được Paul Kalanithi viết trong giai đoạn đấu tranh chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác. Trước khi phát hiện bệnh, Paul Kalanithi là một nhà giải phẫu thần kinh, đồng thời là một nhà văn. Anh có một gia đình hạnh phúc với người vợ Lucy Kalanithi yêu thương chồng hết mực và cô con gái Cady Kalanithi vừa mới chào đời.
Cuốn tự truyện được Paul Kalanithi viết trên giường bệnh, viết không ngừng nghỉ nhưng cuối cùng cuốn sách vẫn chưa hoàn thành vì sự suy giảm sức khỏe nhanh chóng của anh. Sau này, khi cuốn sách được xuất bản, thông qua câu chuyện của mình Paul Kalanithi không chỉ khiến độc giả khắp nơi xúc động mà còn hiểu rõ hơn về sự sống và cái chết, như chia sẻ của Lucy Kalanithi: “Quyết định không quay lưng với cái chết của Paul đã cô đọng lại một sự ngoan cường mà chúng ta chưa đủ tôn vinh trong nền văn hóa tránh né cái chết của chúng ta. Sức mạnh của anh được đặc trưng bởi lòng đam mê và nỗ lực nhưng cũng bởi sự yếu mềm, đối ngược lại với nỗi đắng cay. Anh dành phần lớn cuộc đời mình đánh vật với câu hỏi làm thế nào để sống một cuộc đời có ý nghĩa và cuốn sách của anh đã khám phá ra ranh giới cốt yếu đó”.
Ngoài những cuốn sách kể trên, độc giả có thể tìm đọc để trang bị cho mình cái nhìn và sự hiểu biết về cái chết cũng như giá trị của sự sống qua các đầu sách khác như: Không diệt không sinh đừng sợ hãi; Suy nghĩ vẩn vơ về cái chết; Hiểu về sự chết; Không có cái chết; Sự sống sau cái chết; Trải nghiệm cận tử; Ám ảnh từ kiếp trước; Người chết đi về đâu…
“Nhận thấy đây là một đề tài giá trị đáng để cho chúng ta chiêm nghiệm, suy ngẫm nhiều năm qua, chúng tôi đã tìm chọn những ấn phẩm chất lượng đem lại giá trị tinh thần thật sự, với những cuốn sách làm thức tỉnh nhiều bạn đọc. Mong rằng những giá trị này sẽ giúp bạn đọc hiểu rằng, từng đóng góp nhỏ của bạn trong đời sống này, dù chỉ đơn giản là việc bạn yêu thương chính mình, sống tốt hơn cho bản thân thì bạn cũng đã dự phần trong việc làm đẹp hơn cho chốn nhân gian mình đang cư ngụ”, chị Trần Khánh Hà, đại diện truyền thông của Công ty sách First News - Trí Việt, cho biết. |
Theo Hồ Sơn - SGGP