Thời sự Văn chương
Theo từng bước đi Thơ mới
14:27 | 01/11/2019

Nhìn lại gần 100 năm qua, kể từ khi Thơ mới có những manh nha trên báo chí đến thời điểm hiện tại, có thể liệt hàng nghìn bài viết, công trình tập trung vào mọi khía cạnh của Thơ mới.

Theo từng bước đi Thơ mới

Tuy nhiên, một sự hình dung có tính hệ thống nhất từ khía cạnh biên niên lại dường như chưa có. Chính vì thế, sự ra đời của công trình “Biên niên sử Thơ mới Hà Nội 1932 - 1945” do PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn và các cộng sự biên soạn, là một cuộc kiểm kê cần thiết, hữu ích đối với những ai quan tâm đến thời đại thơ ca vàng son này. Bộ sách gồm hai tập, dày 1.600 trang, do nhà xuất bản Hà Nội ấn hành (2019), nằm trong Tủ sách Thăng Long 1.000 năm.

Tuân thủ thể thức biên niên, bộ sách tập hợp một cách đầy đủ nhất (có thể) mọi diễn biến, sinh hoạt thơ ca ở đô thành Hà Nội thời kỳ 1932 - 1945. Theo đó, sự ra đời của phong trào Thơ mới được chính thức xác lập với bài thơ “Tình già” của Phan Khôi đăng trên “Tập văn Mùa xuân” của báo Đông Tây ở Hà Nội tháng 2-1932. Phan Khôi gọi đó là “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”. Cũng từ thời điểm đó, cuộc biến thiên trọng đại của thơ ca Việt Nam, trên tinh thần tích hợp, tiếp biến với văn hóa phương Tây đã diễn ra. Những tên tuổi như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Nhược Pháp, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Quách Tấn,… lần lượt xuất hiện. Những tờ báo văn chương như Phụ nữ tân văn, Phong hóa, Ngày nay, Đông Tây, Bắc Hà, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm, Tri tân, Thanh Nghị… lần lượt đăng tải các tác phẩm, tác giả, các bài bình luận, điểm sách, giới thiệu, phê bình Thơ mới. Không khí thơ ca sôi nổi, trở thành một tiêu điểm trên mọi mặt báo, đến mức người ta cho rằng, nếu không đăng Thơ mới thì chả ai đọc báo nữa.

Lần lại dấu xưa, “Biên niên sử Thơ mới Hà Nội 1932 - 1945” tập hợp theo tiến trình lịch sử sự xuất hiện của tác giả, tác phẩm, trào lưu, trường phái, các bài điểm sách, phê bình, khảo cứu, tranh luận, xuất bản, quảng cáo liên quan đến Thơ mới. Mọi tư liệu trong bộ sách được chú thích rõ ràng, kỹ lưỡng về thông tin tra cứu, cho thấy công phu và sự nghiêm cẩn của nhóm biên soạn.

Diễn tiến của lịch sử Thơ mới Hà Nội dừng lại ở thời điểm tháng 6-1945 với tập “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu. Trải qua 14 năm, Thơ mới Hà Nội nói riêng và Thơ mới Việt Nam nói chung, đã từng bước từ phôi thai, khai sinh đến trưởng thành và định hình một cách sáng chói. “Biên niên sử Thơ mới Hà Nội 1932 - 1945” đã lần theo từng bước đi ấy để đánh dấu những chặng đường, những vết son, những sự kiện, nhằm đem đến hình dung trọn vẹn nhất (có thể) về một tượng đài của thơ trữ tình Việt Nam. Sẽ còn nhiều việc phải làm về bộ sách này khi các nguồn tư liệu mới tiếp tục được bổ khuyết. Và, cũng sẽ có nhiều việc cần phải làm từ bộ sách hữu ích này, như một công cụ, cho những người yêu thích Thơ mới.

Theo Lê Phong - Thi Nay/ND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng