Người thầy và anh thợ
Nhớ đến nhà thơ Thanh Tùng là nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhớ đến người thầy và anh thợ trong thi nhân Thanh Tùng. Người thầy Thanh Tùng đối với Nguyễn Thụy Kha trước tiên là thầy dạy marathon vì theo Thụy Kha, Thanh Tùng vốn là một giáo viên thể dục của trường Thái Phiên.
Chỉ có điều, “học trò” Thụy Kha học mãi cũng chỉ chạy qua được Trường Sơn còn Thanh Tùng có một cuộc chạy vô địch marathon có một không hai - cuộc chạy tìm đến tình yêu. “Anh ấy yêu chị Nhàn đến mức khi nghe tin vợ công tác ở Tiên Lãng anh liền chạy bộ từ TP Hải Phòng sang Tiên Lãng.
Nhắc chuyện, Thanh Tùng còn là một anh thợ đóng tàu của xưởng đóng tàu Bạch Đằng ở TP Hải Phòng, theo nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Thanh Tùng chính là người đã đóng góp đóng những cái đinh đóng vào thân tàu không số để chở vũ khí vào miền Nam đánh Mỹ.
Thế nên, anh thợ Thanh Tùng đã có niềm tự hào của riêng mình vì tuy ông không trực tiếp đi vào miền Nam nhưng ông đã tham gia đóng phương tiện để bộ đội đi vào Sài Gòn. Với vai trò người thợ này, ông đã dạy nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đóng từng cái đinh vào thân tàu khi anh đi thực tập ở nơi Thanh Tùng làm việc.
Bình luận về điều này, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, việc Thanh Tùng tham gia đóng những con tàu không số cũng giống như anh đóng những tàu thơ của mình để không số mãi mãi – Thanh Tùng làm thơ rất hay nhưng không cần tên.
Vậy “học trò” Thụy Kha đã trả “học phí” cho “ông thầy” Thanh Tùng những gì? Nhà thơ này kể, học phí đắt nhất của ông là phải trở thành “cái thùng rác” để Thanh Tùng ném nỗi buồn vào, ném đến tận cùng vì Thanh Tùng thường không biết chia sẻ cùng ai.
Đã nhận “học phí” như thế song Thanh Tùng vẫn “nhắc nhở” Thụy Kha bổ sung “học phí” bằng việc phổ thơ. Dù kêu với bạn rằng, thơ ông khó phổ nhạc lắm, thế mà cuối cùng Thụy Kha vẫn tìm kiếm được bài thơ phù hợp để phổ nhạc thành công bài thơ “Về Quảng Yên” của Thanh Tùng.
Nhạc sĩ Phú Quang người đã phổ nhạc thành công những bài như “Hà Nội ngày trở về”, “Mùa thu giấu em”, “Người về”... của thi sĩ Hải Phòng thì bảo rằng, thơ Thanh Tùng ý tứ luôn đầy ắp nên không khó để phổ nhạc.
Ông cũng phục lắm tài thơ Thanh Tùng – một tài thơ đầy nhạc cảm. Chẳng hạn, đọc những câu thơ: “Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế/ Để cuối con đường anh kịp nhận ra em...” (Mùa thu giấu em), người nhạc sĩ tài hoa này phải thốt lên, sao mà Thanh Tùng lại phát hiện ra điều đó?
Khi vào Sài Gòn, Thanh Tùng hay qua nhà Phú Quang để trà dư tửu hậu. “Anh ấy là người rất hiền, rất hồn hậu, rất thật và cũng rất lành. Lúc anh ốm, tôi có đưa anh mấy chục triệu tiền bản quyền anh ấy không muốn nhận vì thấy... nhiều quá. Khi hay tin anh ấy qua đời, tôi đang ở nước ngoài nên đã rất buồn thương...”, nhạc sĩ Phú Quang xúc động nói.
Nhà thơ Thanh Tùng và nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
“Nàng thơ” của thi nhân
Nhà thơ Trần Đăng Khoa bảo mình có được may may mắn vì 5 năm là lính hải quân đóng ở Hải Phòng nên có dịp tiếp xúc với nhà thơ Thanh Tùng. Gần như tuần nào ông cũng ra quán bán hàng của vợ chồng Thanh Tùng vừa để chuyện trò, vừa nhờ vả chuyện tiền bạc (những lúc viêm màng túi).
Theo ông, vợ chồng Thanh Tùng rất nghèo và không có nhà thơ nào khổ như Thanh Tùng. Bởi vì nếu như phần lớn thi sĩ đều bám vào báo, lấy báo để nuôi văn, nuôi thơ, riêng Thanh Tùng thì không.
Ông làm thơ cả đời nhưng lại sống bằng cái nghề không liên quan đến thơ, đó là nghề bốc vác – cửu vạn. Có nhà thơ đã dựng chân dung của ông là “Bác làm nghề cửu vạn, thường áp tải đường bộ đường sông...” để rồi xót xa cảm thán: “Ai ngờ một nhà thơ – phải sống bằng nắm đấm”.
Cuối đời, Thanh Tùng xin nghỉ một cục rồi không lương hưu, nguồn tài chính gần như không biết trông vào đâu. “Bù lại, anh lại có tài thơ rất đặc biệt. Thơ Thanh Tùng không vần trúc trắc trục trặc, rất dài nhưng có điều rất lạ là chị Nhàn (người vợ đầu của thi nhân) gần như bài nào cũng thuộc.
Mỗi lần đến quán của chị là tôi được nghe chị đọc thơ của anh. Theo tôi, chị Nhàn cũng là một nhân vật rất đặc biệt tạo cho Thanh Tùng có cái hào hứng để mà làm thơ”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về “nàng thơ” của Thanh Tùng.
Nhắc nhớ như thế để rồi ông xót xa: Với thơ tài như thế, hay như thế, sâu sắc như thế, hiện đại như thế nhưng Thanh Tùng vẫn nằm ngoài giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng VHNT của Nhà nước. Vì vậy nhà thơ Trần Đăng Khoa đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam làm thế nào để có giải thưởng trao sớm cho hai thi nhân: Thanh Tùng và Thạch Quỳ.
Trong khi đó, một mặt xác nhận rằng chính vợ cũ Thanh Nhàn là “nàng thơ” của Thanh Tùng thì nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có phần trách cứ người bạn của mình rằng sao lại có thể đi ghen với quá khứ của “nàng thơ” để rồi phải mãi mãi chia xa...
Giữa câu chuyện lặng buồn này, nhà thơ Hữu Thỉnh lại chia sẻ những cảm phục của ông về nhân cách Thanh Tùng: “Ở bất cứ đâu, tôi chưa từng thấy Thanh Tùng nói xấu ai, kể cả người gây cho anh cay đắng đau khổ vô cùng. Điều đó đẹp đẽ lắm mà đáng để chúng ta học tập từ anh”.
“Anh Thanh Tùng đã được hai giải thưởng văn học: Giải thưởng Văn học Công nhân và Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm của TP Hải Phòng. Anh thừa tiêu chuẩn để được xét Giải thưởng VHNT Nhà nước. Thế nhưng, nhiều lần tôi gọi điện nhắc anh việc làm hồ sơ mà lần nào anh cũng khiêm tốn bảo chờ mình hoàn thành nốt tập thơ...
Tiếc thay, thời gian đã không chờ anh. Anh đã tạm biệt cõi trần từ ngày 12/9/2017, hưởng thọ 83 tuổi! Chỉ sang năm sau Tết, nhất định Thanh Tùng sẽ được nhận Giải thưởng Nhà nước. Tôi tin là như vậy. Và tôi cũng rất mong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng có đề xuất với TP Hải Phòng sớm đặt tên anh cho một đường phố của Hải Phòng. Anh hoàn toàn xứng đáng về nhân cách văn hóa, về bản lĩnh để được nhận những sự tôn vinh đó”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh
|