Thời sự Văn chương
Hà Nội hạng hai (Tạm ghi về Phố Hoài, Sách mới của Trần Thị Trường)
09:35 | 02/03/2020

Trong lịch sử Hà Nội hiện đại, có nhiều hạng người. Có công dân hạng một, hạng hai, hạng ba... cho đến lớp người bần hàn. Họ đi qua lịch sử với nhiều tư thế: "Chân ta bước, lòng ung dung tự hào", "vừa đi vừa cúi đầu ngẫm nghĩ", "sấp mặt xuống để tồn tại", cho đến cả tư thế "bò người ra để mà sống"...

Hà Nội hạng hai (Tạm ghi về Phố Hoài, Sách mới của Trần Thị Trường)

Dù là hạng người nào, tư thế tồn tại thế nào, thì mỗi con người Hà Nội đã góp vào Hà Nội, làm thành Hà Nội, từ trước đây cho đến bây giờ.

Sách, báo đã viết chán ra rồi về những con người "Hà Nội hạng một" với tư thế ung dung, tự hào...

"Phố Hoài", gần 400 trang khổ lớn, đầy chữ, tác phẩm văn xuôi mới nhất của nữ nhà văn Trần Thị Trường với những nhân vật chủ yếu là "Hà Nội hạng hai" trở xuống, là câu chuyện chính.

Một tác phẩm văn xuôi không ghi thế loại. Và thực tế, là phi thế loại, là trộn lẫn tất cả các thể loại, từ ghi chép, tản văn, bút ký báo chí, đến như truyện ngắn, và có những chương được dựng nên bằng trí tưởng tượng bởi bút pháp tiểu thuyết. Tất cả là để truyền tải một miền ký ức.

Ký ức Trần Thị Trường dựng nên trong "Phố Hoài" đã làm tôi đau nhói, nhiều trang ứa nước mắt. Ký ức ấy làm tôi thao thức!

Trần Thị Trường định nghĩa lớp nhân vật này qua suy nghĩ của nhân vật Thanh: "họ đều là những người thuộc dòng dõi trí thức gốc Hà Nội, họ rất giỏi giang, nhưng họ đều bị "cán bộ thế hệ mới" đánh trượt họ xuống thành công dân hạng hai". "Họ sống khổ sở, vẫy vùng trong cái thế giới hỗn độn không thể ngóc đầu lên được" (tr 332). Nhiều người trong số này theo Công giáo với đúng nghĩa là tiếp nhận những giá trị tiến bộ từ tôn giáo này một cách nhân bản, chân thành nhất... Nhiều người nữa trong số này là những văn nghệ sỹ vang bóng một thời...

Tôi đã sống ở Hà Nội đến nay là trên bốn mươi năm. Câu chuyện trong "Phố Hoài" của Trần Thị Trường dài hơn, chừng bảy mươi năm. Những nhân vật của Trần Thị Trường, tôi đã gặp, đã nghe kể, đã đọc, đã biết về nguyên mẫu ngoài đời. Trần Thị Trường đã tập hợp lại trong một bối cảnh mà chị dựng lên, để khắc họa sống động hơn, dễ hình dung hơn. Trần Thị Trường làm điều này tốt hơn cả mọi người viết khác, bởi chính chị là một nguyên mẫu trong số các nhân vật ấy, bởi chính chị có được năng lực cảm nhận, lưu giữ trong ký ức của mình về những năm tháng ấy. Và chị cũng là một nhà văn biết "sống và nhớ lấy".

Mọi người rồi sẽ đọc và sẽ có những nhận định rất khác nhau về "Phố Hoài" của Trần Thị Trường.

Với tôi, những câu chuyện về "Hà Nội hạng hai" này là một nhắc nhớ về những gì tạo nên sức bền bất diệt của những giá trị văn hóa và nhân cách căn cốt khi con người ta đã được bồi đắp thành giá trị sống.

Lớp công dân hạng hai này đã phải sống khốn khổ, nhọc nhằn, nhưng chính họ góp lại mà thành hào hoa văn hiến Hà Nội. Họ có vùi mình làm nghề móc cống trong những không gian đen tối và thối hoắc để kiếm sống, thì họ vẫn cứ hào hoa và tiếp tục sáng tạo nên hào hoa, như Chu Hoạch, như Nam... Họ có thể bị đày ải triền miên trong tù tội, trong đè nén, bất an, thì họ vẫn trung trinh với nghệ thuật, với con người mà họ đã lựa chọn, như Hoàng, như Toán... Họ có thể đã trao thân, hay trao tình, ngỡ như một thời khắc bồng bột của tuổi trẻ, mà rồi mãi mãi dài lâu chỉ sống duy nhất với tình đầu ấy, như Hằng, như Thanh... Có cả những người không phải gốc Hà Nội, mà nhập được những phẩm cách này thì cũng mãi bền sâu chất Hà Nội như chàng trai Hoa kiều A Hòa... Nhiều lắm những nhân vật như đã kể trên trong "Phố Hoài"...

Bảy mươi năm, qua bao biến cố động trời rung đất, cải tạo tư sản tréo ngoe, chiến tranh bom dội người chết, hậu chiến đói khát triền miên, vượt biên cướp biển tàn khốc, cho đến phát triển kinh tế, lừa giật, mưu kế mánh mung, thì chính lớp người này vẫn không, hoặc rất ít bị tha hóa, bị biến mất chất người nhất. Vì thế, những phẩm chất này rồi sẽ được truyền lại cho những đời sau, chính là một hy vọng của tương lai Hà Nội.

Trần Thị Trường đã bền bỉ và dũng cảm viết nên tác phẩm này. Nhà văn thẳng thắn đề cập đến những sai lầm, trung thực với cảm nhận của mình, nhưng không hề cay cú, phẫn uất. Tác phẩm này tràn đầy yêu đương, thương nhớ những gì đã qua và vì thế mà nồng hậu hy vọng dành cho những gì đang tới!


Theo Nguyễn Thành Phong - VHNA

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng