Thời sự Văn chương
Nhớ một người để nhớ mọi người
15:00 | 09/04/2020

Trong hồi ức “Chuyện tôi” (Hồi ức của con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Nguyễn Huy Thắng) (NXB Văn học), ta càng thấy rõ cảm xúc ấy.

Nhớ một người để nhớ mọi người

“Chuyện tôi” có hai phần với 43 câu chuyện nhỏ. Phần 1: Kỷ niệm và Nhớ thương là quãng thời gian đong đầy cảm xúc của tác giả khi còn là một đứa trẻ đến hết tuổi niên thiếu. Nỗi nhớ bắt đầu bằng hình ảnh về cha, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Nhớ về cha. Nhớ về một người thân yêu, gần gũi. “Tôi lớn lên giữa những người phụ nữ trong gia đình - mẹ tôi, các chị và em gái.(...) Cha tôi luôn hiện diện trong những câu chuyện giữa mấy mẹ con. Cha tôi mất khi tôi mới năm tuổi…”.

Những hình ảnh từ trí tưởng cứ thế xô nhau trào ra trong nỗi nhớ khôn nguôi, trong cảm xúc nhớ thương da diết và “ở tôi đã hình thành một thế giới những kỷ niệm với cha mình”: “ông nhấc bổng tôi lên quá đầu, dụi dụi mái tóc vào bụng, vào chân tôi thích ơi là thích”. Không cần phải ở cạnh quá lâu nhưng tình cha con thiêng liêng đã như sợi dây nối liền cảm xúc, kỷ niệm và để nó tự hiển hiện trong tim, trong mắt, trong kỷ niệm của con và chắc chắn là trong cả trái tim người cha. Và Nguyễn Huy Thắng đã lớn lên như thế “Mình được cha thương yêu hơn cả. Mình được cha chăm chút, thậm chí, còn hơn cả cho ông”.

Phần hai của cuốn hồi ức “Trải nghiệm và đam mê” đã kể rất đắt về những người, những việc trong cuộc đời tác giả. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cha của tác giả trở thành một nhân vật của cuốn hồi ức. Nhân vật “cha” là cái cớ, là sợi dây, là cầu nối trong hồi ức cuộc đời của con. Từ cha, ta gặp những kỷ niệm với những người bạn của cha. Nhờ sự chân thành, tính cách, tài năng của cha mà con nhận được sự quan tâm, yêu thương chỉ bảo từ bạn bè của cha. Một trí nhớ khỏe, gắn với nhiều chi tiết sống đắt giá, những người muôn năm cũ dần hiện ra chân dung trong những câu chuyện chưa kể. Nhà văn Nguyên Hồng là kỷ niệm về lần tập xe, món quà 10 đồng, bát phở 5 hào. Với nhà văn Tô Hoài là bản dịch tiếng Pháp với một đính chính cho danh từ hôtel de ville. Với nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là số nhà 73 thừa ra của phố Hàng Quạt. Với nhiếp ảnh gia Võ An Ninh là thái độ của một người nghệ sĩ… Những chân dung quen thuộc cứ dần xuất hiện, ta tưởng rằng đã biết rõ lắm rồi nhưng kỳ thực, mỗi cuộc đời có bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu cuộc gặp gỡ, bao nhiêu chuyện chưa kể… Và một lần nữa trong hồi ức “Chuyện tôi”, ta gặp lại họ, những nhà văn, nhà văn hóa, nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam.

Một cuốn sách xúc động về Nguyễn Huy Tưởng. Một cuốn sách khiêm nhường về cuộc đời của Nguyễn Huy Thắng.

Theo Hoàng Du - Thời Nay/ND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng