Thời sự Văn chương
Độc thoại cuối cùng của một nhà văn
09:31 | 29/04/2020

Nhà văn người Áo Thomas Bernhard (1931 - 1989) lâu nay vẫn được xem là “người khổng lồ hùng mạnh nhất” của văn chương Đức ngữ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự tấn phong ấy khiến cho, dù muốn hay không, Thomas Bernhard sẽ phải trở nên một tác giả đáng chú ý với không ít người đọc Việt Nam, nhất là khi vài tiểu thuyết quan trọng của ông được dịch ra tiếng Việt: “Kẻ thất bại”, “Đốn hạ”, và tác phẩm cuối cùng: “Diệt vong”.

Độc thoại cuối cùng của một nhà văn

Đọc “Diệt vong” (Hoàng Đăng Lãnh dịch, Công ty Tao Đàn & Nxb Hội Nhà văn), ta sẽ biết thế nào là choáng váng và ngộp thở khi bị ném vào một độc thoại dài đến gần 500 trang sách khổ 15 x 24 cm, co chữ nhỏ, không một lần xuống dòng và tuyệt đối không chừa ra bất cứ khoảng trống nào cho con mắt người đọc được phép ngơi nghỉ. Thomas Bernhard đã biến tất cả các sự kiện xã hội và sự kiện cảm xúc của nhân vật, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, thành độc thoại, chính xác là thành một “dòng tự kể” ào ạt xối xả như thác lũ, nhưng lại cực kỳ lộn xộn và dày đặc chồng chéo các lớp thời gian.

Nhân vật người kể chuyện ở đây là ông Franz Josef Murau, sinh ra trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Áo, nhưng đã sớm thoát ly để sống cuộc sống của mình, độc lập và tự do theo đuổi những niềm đam mê tinh thần mà ông tự nhận là khai phóng, cao cấp. Từ cái vị thế của kẻ bên lề ấy, ông luôn nhìn về và nhớ lại gia đình mình, quê hương Wolfsegg của mình, đời sống sinh hoạt và bầu khí quyển văn hóa của nước Áo, của thế giới Đức ngữ nói chung, bằng một sự phủ định quyết liệt, một “cái nhìn dao mổ” vừa chính xác vừa đầy giễu cợt và luôn luôn cay độc.

“Diệt vong”, tên tiểu thuyết của Thomas Bernhard, cũng chính là tên của cuốn sách mà ông Franz Josef Murau dự tính sẽ viết. Ông nói với anh học trò người Ý của mình: “Bản tường thuật tôi viết ra sẽ chỉ để xóa sổ tất cả những gì được tường thuật trong đó mà thôi, tẩy diệt sạch sành sanh những gì tôi biết về Wolfsegg, tất tật những gì thuộc về Wolfsegg, tất tật, anh hiểu không, Gambetti, sạch nhẵn, không để sót bất kỳ cái gì”. Cái dự tính viết ấy không hình thành chỉ từ ác cảm hay hằn thù cá nhân, mà đúng hơn, nó bắt rễ từ một nỗi hổ thẹn, một mặc cảm tội lỗi vô cùng nặng nề cần phải được tẩy rửa. Theo “dòng tự kể” của ông Murau, những lớp bề mặt của sự vật dần bị gạt phăng đi, lớp lõi trơ ra: Đó là quá khứ thân phát-xít của bố mẹ ông, là sự gắn liền với cái cuống rốn Quốc xã của nước Áo, sự dung dưỡng và im lặng trước những tội ác kinh hoàng, sự hủy diệt tất cả những gì tốt đẹp còn sót trong ký ức tuổi thơ và trong xúc cảm nhân tính.

Thác lũ độc thoại của nhân vật Franz Josef Murau khởi đi chỉ từ một bức điện báo tin bố mẹ và anh trai ông chết vì tai nạn giao thông, cùng mấy tấm ảnh chụp những người thân trong gia đình. Từ đó, “Diệt vong” cho thấy sức tưởng tượng phi thường, nghệ thuật khuấy một ly nước và biến nó thành cơn bão của Thomas Bern hard.

Theo Hoài Nam - Thời Nay/ND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng