Thời sự Văn chương
Những đoản khúc chiều
09:22 | 29/05/2020

“Đoản khúc chiều phù dung” (NXB Trẻ) là tập sách thứ năm của nhà văn Vũ Văn Song Toàn. Một chút gì đó hơi ma mị, có hơi hướng liêu trai, có sự trải đời và suy ngẫm, như một người kể chuyện nhẩn nha, từng chút từng chút một, Vũ Văn Song Toàn dẫn người đọc đi hết “Đoản khúc chiều phù dung” với một nỗi buồn man mác.

Những đoản khúc chiều

Những câu chuyện tình yêu là đề tài xuyên suốt 16 truyện ngắn, nhưng tình yêu ở mỗi câu chuyện một khác, nó khiến người đọc phải chiêm nghiệm, nhìn thấy mình ở một góc nào đó trong 16 phiên bản tình yêu này.

Nhiều truyện ngắn đem đến cho người đọc những tình yêu và hơi thở hiện đại, xoay quanh những toan tính, tiền tài núp bóng từ bi (“Viên sapphire không hoàn hảo”), những tình yêu âm thầm và lặng lẽ mang hơi thở gấp gáp của đồng tiền, của lo toan ảo não. Bằng lối kể chậm rãi, từ tốn của một buổi trà chiều, người đọc sẽ như lạc vào một buổi xem tướng số để thấy nó vận vào những con người hiện đại này thế nào. Những người tưởng như đã tinh thông mọi lẽ như ông Tri (“Ván bài”), thật ra cũng chỉ là con tốt thí dưới tay cậu chánh văn phòng của mình… Tác giả chọn cho những câu chuyện một cái kết mở, để cho người đọc sẽ tự kết lại bằng kinh nghiệm và suy ngẫm của mình. Mỗi câu chuyện có một chút gì đó lơ lửng nhưng vẫn có nhịp để nối tiếp như ngày nối tiếp ngày vận hành guồng quay luân hồi.

Với năm truyện ngắn phần sau của cuốn sách, tác giả đột nhiên “quay ngoắt” giọng kể, gột bỏ những phố thị để dẫn người đọc lên miền ngược với “Nước mắt mụ Dạ Dần”. Lối kể chuyện linh hoạt đã khiến tác giả như đưa người đọc vào những chuyện tình đằm thắm của vùng cao, cái tình yêu chưa đủ lớn, chưa đủ lòng vị tha khiến con người ta phải xa nhau, dường như mùa xuân đã bừng nở trên non cao nhờ những điệu xường, những tình yêu lạ kỳ mà chỉ cần dùng ánh mắt cũng đủ để thấu hiểu. Và nó khiến con người khi phải rời xa những phong tục, những mùa xuân ấy, đều day dứt nhớ thương không nguôi. Biết bao số phận bày ra trước mắt người đọc, là một Tình với những trốn chạy tình yêu mang tên ún Hường, người vẫn xuất hiện trong các giấc mơ dang dở, là lão Lee với con gà vía và nỗi nhớ không nguôi về người vợ, về mảnh đất quê hương của mình, là hũ rượu rễ cau của người mẹ già trong “Mùa cây trẩu trổ hoa” để cứu những đứa con khỏi day dứt, vừa sai trái nhưng tràn đầy yêu thương. Cái khắc nghiệt của thiên nhiên được bày ra trong “Hiến sinh”, khiến người đọc bức bối, nín thở, cái dồn nén đến tận cùng của mùa khô, của nợ nần, của ký ức, của con người và thú vật khiến câu chuyện bị đẩy lên đến tận cùng, rồi vỡ òa ra trong cơn mưa. Một cơn mưa gieo vào lòng người đọc những niềm tin mãnh liệt vào sự sinh sôi nảy nở.

Niềm tin về ngày mai, về tình yêu đã xâu chuỗi 16 câu chuyện lại một cách tự nhiên, liên tục, để người đọc khép lại “Đoản khúc chiều phù dung” với một nụ cười nhẹ nhõm.

Theo Lê Thị Kim Sơn - Thời Nay/ND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng