Tiểu thuyết “Những ngày cách ly”, tác giả Bùi Quang Thắng, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh dài 160 trang được viết trong 12 ngày, đề tài liên quan đến dịch Covid-19. Đọc xong, điều đầu tiên, cũng đáng nể người viết, người biên tập, đây hẳn là cuộc chạy đua để cuốn sách đến được với bạn đọc trong thời gian nhanh nhất có thể.
“Vội” không “sống”, nhanh không ẩu, mà khẳng định rằng, nó chuyên nghiệp, dụng công đọc nó, cảm nhận như trải nghiệm người viết đã từng. Câu chuyện được kể theo chiều dọc của thời gian. Mở đầu, một bữa tiệc của một gia đình giàu có, cũng ngày chào đón cô con gái có tên Hoàng Cúc. Cô du học ở Anh trở về. Nó khá êm đềm, vô can nhưng điều không lường trước được trong những mối quan hệ có thêm nhiều quan hệ, có một vị khách không mời mà tới, đó là Covid-19.
Và biến cố liên tục xảy đến, gia đình Hoàng Cúc phải vào khu cách ly tập trung trong 14 ngày. Ở đây, cô Hoàng Cúc đã có những mất mát lớn. Ở đây, trong những ngày không tiệc tùng, sống trong khu biệt lập, khép kín nhưng lại hoàn toàn mở. Mở với thiên nhiên, mở với cánh rừng phía xa mờ, mở với những bình minh hiện rõ dần như một bức tranh đang vẽ mỗi ngày. Chính trong những ngày này, Hoàng Cúc cũng đã “cài đặt” lại chính mình trong nhãn quan trưởng thành hơn. Hoàng Cúc cảm nhận được cái tôi của mình hơn. Một cái tôi tội nghiệp, một cái tôi biết lắng nghe, một cái tôi biết chia sẻ, một cái tôi yêu thương không hờn trách.
“Những ngày cách ly”, gọi nó là câu chuyện tình cũng được, câu chuyện đời cũng đúng. Tình cũng mở ra, tình cũng đóng lại. Đời cũng đóng lại, đời cũng mở ra, đó, những rung cảm không nói với nhau mà đã trao cho nhau.
Hẳn, khi nhìn thấy cuốn tiểu thuyết “Những ngày cách ly” này, độc giả sẽ đặt câu hỏi Bùi Quang Thắng là ai? Trả lời rằng, anh là nhà nghiên cứu, đã từng xuất bản “Đào kép một thời” với những nghiên cứu về chèo. Cuốn sách “Nét cũ duyên xưa” khảo tả chi tiết về y phục của người Việt và tập truyện ngắn “K”! Nghề chính của anh, hướng dẫn viên du lịch cho khách du lịch nước ngoài. Sau tiểu thuyết “Những ngày cách ly”, khách du lịch chưa có, anh lại chuyển sang vẽ tranh. Chúc anh, từ một nhà nghiên cứu, đến nhà văn và sẽ có những bức tranh mới... Với anh, luôn nhận mình: ngoại đạo.
Theo Duyên Duyền - Thời Nay/ND