Thời sự Văn chương
Ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Loạn 12 sứ quân” của nhà nghiên cứu 99 tuổi
10:25 | 21/09/2020

Ở vào tuổi 99, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn tỏ ra minh mẫn và tinh anh khi giao lưu cùng bạn đọc nhân dịp tái bản bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức vào sáng ngày 20-9, tại Đường sách TPHCM.

Ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Loạn 12 sứ quân” của nhà nghiên cứu 99 tuổi
Bộ tiểu thuyết "Loạn 12 sứ quân" vừa được tái ngộ bạn đọc sau 30 năm.

Loạn 12 sứ quân là bộ tiểu thuyết dã sử dựa trên một số sự kiện lịch sử đầu thế kỷ X, khi Ngô Quyền xưng vương, lập nền tự chủ đầu tiên cho nước nhà. Loạn 12 sứ quân bắt đầu xảy ra khi Ngô Quyền băng hà (năm 944), Dương Tam Kha cướp ngôi vua của cháu gọi bằng cậu ruột là Ngô Xương Ngập, triều đình nổi loạn, các thế lực khắp nơi nổi dậy cát cứ. Trong triều xảy ra nhiều biến loạn, xung đột, tranh chấp làm cho chính quyền Trung ương suy yếu.

Sau Ngô Xương Văn con thứ Ngô Quyền lật đổ Dương Tam Kha, đón anh ruột về cùng trị quốc, anh mất, ông ở ngôi đến năm 965 thì mất, triều đình đại loạn, nhà Ngô suy yếu, con là Xương Xí tự thấy không thể đứng đầu một nước, nên lui về Bình Kiều tự lập làm một sứ quân. Sứ quân Trần Lãm nhận động trưởng Đinh Bộ Lĩnh làm con nuôi. Đinh Bộ Lĩnh nối nghiệp nghĩa phụ, hợp lực cả hai nơi trở thành một sứ quân hùng mạnh nhất.

Trần Lãm chết, ông trở thành người cầm đầu một lực lượng vũ trang hùng mạnh, lần lượt đánh bại các sứ quân khác. Khi nhà Ngô suy yếu, ông bắt đầu đánh dẹp các sứ quân còn lại thống nhất nước nhà, lập nên nhà Đinh. Loạn 12 sứ quân được dập tắt, đất nước được thống nhất. Đây là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, thắng lợi của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân.
 
Ra mắt tiểu thuyết lịch sử 'Loạn 12 sứ quân' của nhà nghiên cứu 99 tuổi  ảnh 2
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trò chuyện cùng độc giả tại chương trình giao lưu.

Loạn 12 sứ quân được xuất bản lần đầu vào năm 1990 do NXB Đồng Nai thực hiện với 6 tập riêng lẻ. Sau 30 năm, NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM tái bản lại bộ sách này sau nhiều năm và tổ chức biện soạn, hiệu đính chỉnh sửa hoàn thiện lại với định dạng 6 tập gom lại trong 3 quyển gồm Tập 1-2: Mộng bá tranh hùng - Vọng nguyệt đài; Tập 3-4: Hoa Lư anh hùng tụ nghĩa - Khói lửa kinh kỳ; Tập 5-6: Mưu chước thiền sư - Vạn Thắng Vương.
 
Ra mắt tiểu thuyết lịch sử 'Loạn 12 sứ quân' của nhà nghiên cứu 99 tuổi  ảnh 3

Ở vào tuổi 99, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn tỏ ra minh mẫn và tinh anh khi giao lưu cùng độc giả.

Chia sẻ trong chương trình giao lưu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, khoảng giữa năm 1978, do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, ông ra ngoài sửa xe đạp mưu sinh ở tuổi 60. Trước năm 1975, ông đã viết nhiều cuốn sách thuộc thể loại địa chí; ông đã viết bộ sách địa phương chí dưới nhan đề Giang sơn Việt Nam và đã xuất bản được 3 tập: Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận. Tuy nhiên, công việc biên khảo ấy đang tiến hành dở dang thì thời cuộc thay đổi, ông không còn đủ điều kiện tiếp tục được nữa.
 
Ra mắt tiểu thuyết lịch sử 'Loạn 12 sứ quân' của nhà nghiên cứu 99 tuổi  ảnh 4

Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Nhã chia sẻ tại chương trình, ông đánh giá cao sức làm việc và độ tin cậy của bộ tiểu thuyết "Loạn 12 sứ quân" của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Với nghề “mới” này, ông tranh thủ những lúc không có khách đến sửa xe, đem cái dự định trước kia ra thực hiện. Ông lại lặn ngụp trong những tài liệu chính sử và lần theo dấu khuyết sử trong những sách sử ông từng đọc còn ghi chép rất đơn sơ, khiếm khuyết, ít tài liệu. Giữa lúc thời buổi khó khăn mưu sinh, không còn thời gian đi trung tâm lưu trữ hay thư viện nữa. Hầu hết sách cũ tư liệu cũng đã bán đi lấy tiền mua gạo sống qua ngày.
Trong hoàn cảnh đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bèn nhớ và hệ thống lại những tư liệu mà mình đã từng được đọc trước đó trong các cuốn sách như Đại Việt sử ký toàn thư; Việt sử tân biên hay những bài báo, sách vở và ghi chép lại được. “Tôi bèn moi lại trong trí nhớ những gì đọc được, đã xem được, đã nghe được để dùng làm sườn mà dựng nên bộ truyện này”, tác giả kể lại.

Theo Quỳnh Yên - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng