Thời sự Văn chương
Chân dung người Hà Nội
14:38 | 15/10/2020

Đã có nhiều nhà văn viết về Hà Nội - Thủ đô yêu dấu - như Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyễn Khải… Nhưng tập truyện ký “Hà Nội và tôi” (NXB Hội Nhà văn) gần 300 trang với hơn 20 tác phẩm của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, một người Hà Nội gốc, đã cho ta biết thêm một phần chân dung về những con người của đất Tràng An thanh lịch.

Chân dung người Hà Nội

Những câu chuyện - ký ức của ông khái quát một thời gian khá dài khoảng từ năm 1945 đến nay. Kháng chiến chống thực dân Pháp, thời hòa bình, rồi đánh Mỹ, bao cấp, đổi mới…  tới hôm nay: năm 2019, 2020. Nhân vật chính thường là người Hà Nội gốc: một phụ nữ tần tảo nuôi chồng, nuôi con, đảm đang, giàu nghị lực, dù thời đoạn nào cũng giữ được ngọn lửa ấm cho gia đình, một ông thủ trưởng khôn ngoan, nhanh nhạy, tinh ranh nhưng có văn hóa, đạo đức, chuyện về một bà phe phẩy của những năm bao cấp, những chàng trai giang hồ lớn lên trên vỉa hè, chuyện làm giàu của các đại gia khi Hà Nội mở cửa… Có thể nói đây là bức tranh một thế giới đa dạng, phong phú, nhiều tầng lớp ở Hà Nội: Thượng lưu, kinh doanh, buôn bán, cán bộ, kể cả lưu manh… Cảm giác như xem một bộ phim truyền hình nhiều tập vậy. Lần lượt các hoàn cảnh, từng con người hiện lên, tên phố, sự kiện… Thú vị và bất ngờ. Những ai đã từng sống tại Hà Nội sẽ thấy mình ở trong đó.  

Tập truyện ký chia làm ba giai đoạn. Phần của ký ức năm xưa. Phần về thời bao cấp với cuộc sống chật vật và phần có nhiều biến động của hôm nay. Với lối viết trực diện, thẳng thắn, đầm ấm, người đọc được hiểu hơn về những con người Hà Nội trong những biến thiên của thế kỷ vừa qua. Những anh kỹ sư phải nuôi gà để tăng thu nhập, chị phe vé, những chuyện tình phố cổ mà có lẽ chưa ai biết, chuyện những thanh niên không may vào tù nhưng vẫn khát khao làm lại cuộc đời… Sau mỗi truyện ngắn, là số phận một con người. Những vui buồn, những thành công hay thất bại cay đắng… Cuộc sống của con người Hà Nội song hành cùng những năm tháng hòa bình hay chiến tranh. Những câu chuyện cho chúng ta thấy một bức tranh phản ánh thời đại ta đã và đang sống.

Qua cuốn sách, tác giả khái quát được nhiều đức tính của người Hà Nội: sống có văn hóa, thanh lịch, tự trọng, không quỵ lụy, ghét lối sống trọc phú, phụ nữ thì đảm đang tháo vát, làm kinh tế giỏi, có khả năng thích ứng nhanh với mọi môi trường, trong cuộc sống luôn lấy đức làm gốc dù sang hay nghèo. Và đặc biệt là sự hướng thiện.

Bên cạnh những vẻ đẹp đó, nhà văn trăn trở về tình trạng đang mất dần lối sống tao nhã, thanh lịch và những hiện tượng ô trọc, vô văn hóa đang tràn lan. Lối sống tốt đẹp của người Hà Nội có dấu hiệu đang mai một dần. Tác phẩm khi đó, còn là một hồi chuông cảnh báo.

Theo Thiên Việt - Thời Nay/ND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng