Thời sự Văn chương
Tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà nghiên cứu văn học Vũ Đức Phúc
15:34 | 06/11/2020

Sáng 5-11, Viện Văn học Việt Nam đã tổ chức toạ đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh PGS – nhà nghiên cứu văn học Vũ Đức Phúc. Đây là một dịp để các thế hệ Viện Văn học ngồi lại cùng ôn cố và “soi chiếu cho tương lai” – như lời PGS,TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học nhận định.

Tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà nghiên cứu văn học Vũ Đức Phúc
Toạ đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh PGS Vũ Đức Phúc.

PGS, nhà văn, nhà cách mạng lão thành Vũ Đức Phúc (1920-2015, còn có các bút danh Hồng Kỳ, Lãng Bạc, Lê Hậu, Tấn Trung), sinh ngày 12-11-1920 ở làng Ái Mộ, thị trấn Gia Lâm (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội). Ông thuộc thế hệ đặt những viên gạch nền móng cho sự hình thành và phát triển của Viện Văn học Việt Nam. GS Phong Lê – nguyên Viện trưởng Viện Văn học - cho biết: “GS Vũ Đức Phúc có thể xem là thế hệ thứ hai của Viện Văn học. Thế hệ đầu tiên là thế hệ rạng danh trước năm 1945 như GS Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nam Trân, Trần Thanh Mại, Phạm Thiều, Cao Xuân Huy – đó là những cái tên lừng lẫy trước đó. Thế hệ thứ hai là thế hệ trung kiên, như Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Nam Mộng, Cao Huy Đỉnh, cũng toàn những người lừng lẫy cả”.

Ông Phúc thuộc thế hệ cán bộ tiền khởi nghĩa. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, ông từng trải qua các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Ngọc Thụy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến thị xã Đáp Cầu và huyện Võ Giàng (Bắc Ninh), Trưởng Ty Tuyên truyền văn nghệ tỉnh Bắc Ninh. Từ 1955-1957, ông làm Trưởng phòng Văn nghệ - Sở Văn hóa Hà Nội. Đến năm 1958, ông chuyển sang làm cán bộ Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Văn giáo Trung ương Đảng; từ 1959, ông công tác tại Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), được phong học hàm Phó Giáo sư (1980), trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Lý luận văn học, Văn học Việt Nam hiện đại, Văn học nước ngoài rồi Phó Viện trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học (1970-1984). Tính từ ngày về Viện Văn học (1959) đến khi nghỉ hưu (1990), nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc đã có ba mươi năm gắn bó và phấn đấu, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển của Viện Văn học.

Trưởng thành từ Hội văn hoá cứu quốc cùng các tên tuổi như Như Phong, Nguyên Hồng. Nam Cao, sau này, khi làm việc tại Viện Văn học, ông được xem như có đóng góp lớn vào việc tuyên truyền, phát huy giá trị Đề cương Văn hoá Việt Nam 1943. Ông cũng đã xuất bản nhiều công trình lý luận, nghiên cứu, phê bình, tranh luận, dịch thuật, viết truyện thơ, truyện danh nhân: Thua bạc gán vợ (1958), dịch Quan thanh tra và Voltaire – Tuyển tập truyện (1963), soạn Sơ thảo lịch sử Văn học Việt Nam 1930-1945 (1964); viết Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, 1930-1954 (1971); Trên mặt trận văn học (1972); Bàn về phương pháp nghiên cứu văn học (1973); Đi-đơ-rô (1986), Bàn về văn học (2001); cùng nhiều công trình nghiên cứu viết chung và gần 90 tiểu luận in trên Tạp chí Văn học… Năm 2017, PGS Vũ Đức Phúc được truy tặng Giải thưởng Cống hiến của Hội Nhà văn trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học.

Tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà nghiên cứu văn học Vũ Đức Phúc -0

GS Phong Lê trong buổi toạ đàm. 

Trong sự nghiệp của mình, không phải không có những tranh cãi quanh thái độ quyết liệt không khoan nhượng và thẳng thắn nhưng ông Phúc được các đồng nghiệp đương thời đánh giá là một người có sức làm việc say mê và có kiến văn rất rộng. PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp bày tỏ: “Nền tảng của PGS Vũ Đức Phúc rất chắc chắn. Trong khi bây giờ, tính trình diễn đang lấn át cái kiến thức gốc rễ thì những người như thế hệ PGS Phúc là tấm gương lớn”. Trong toạ đàm, ông Mạnh có kể lại một câu chuyện có một GS khác thường ngày vẫn vênh với PGS Vũ Đức Phúc về quan điểm học thuật nhưng cũng chính vị GS đó đã nói với ông Mạnh rằng trong cái nhìn của ông ấy, mặc dù quan điểm khác nhau nhưng PGS Vũ Đức Phúc là một người đọc tử tế, kiến thức chắc chắn và đặc biệt viết có sở cứ. “Những nhà khoa học dù có cái nhìn khác nhau nhưng vẫn có cách nhìn khách quan về nhau theo tôi là rất đáng trân trọng”, Viện trưởng Viện Văn học nói.

Những gì lịch sử để lại, cả mặt tích cực lẫn mặt giới hạn của nó đều là kinh nghiệm cho đời sau. Bởi thế, nói về những đóng góp về thế hệ PGS Vũ Đức Phúc, GS Phong Lê có nói: “Thời đại đó đòi hỏi như thế. Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc là thế, Nam Mộng, Nam Trân là thế. Thời đại đòi hỏi đến đâu họ cống hiến đến đấy, tận cùng sức lực của mình”.

 
Theo Mai Nguyên - NDĐT
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng