Với 17 truyện ngắn gọn gàng, tập truyện ngắn “Gió thổi trước hiên nhà” vừa được NXB Văn học ấn hành, mở ra một thế giới ngổn ngang, đa tạp của cuộc sống đời thường từ miền quê đến phố thị với đủ mọi cung bậc cảm xúc, những cảnh đời buồn vui, đặc biệt là những thân phận đàn bà nhọc nhằn, cay đắng.
Trong tập truyện của Mai Thị Hồng Quế, nhân vật chính đa phần là phụ nữ, những người phụ nữ có vẻ đẹp từ sâu trong tâm hồn phía sau vẻ bề ngoài mộc mạc hương đồng gió nội và lấm lem bùn đất ruộng vườn, những người phụ nữ vừa giàu trắc ẩn, đa mang vừa kiên cường, bền bỉ. Đâu đó cuộc đời họ có bóng dáng của những nhân vật nữ trong văn học, là nàng Kiều ba chìm bảy nổi, thị Nở dở hơi bất hạnh, chị Dậu nghèo khổ mà khí chất ngời ngời hay cô Mị lùi lũi như con rùa trong xó cửa,… Đó là những mảnh đời bé nhỏ, những kiếp người lo toan, nhọc nhằn, bị số phận dồn đẩy, quăng quật như của Thắm, Phong, Loan… Cái nhìn của người phụ nữ Mai Thị Hồng Quế về phụ nữ xuyên qua lớp vỏ bề ngoài có khi chao chát, đáo để, có khi lỡ lầm, yếu đuối để soi thấu từng ý nghĩ thầm kín, ước vọng thẳm sâu của chính họ. Đồng cảm, sẻ chia với thân phận của phụ nữ, tác giả luôn tạo cho nhân vật nữ của mình một vẻ riêng: vật lộn, lam lũ trong cuộc mưu sinh hằng ngày, vẫn chắt chiu những khoảnh khắc lắng lại để nghĩ ngợi, để vấn vương.
Trải qua nỗi cay đắng, tủi nhục, người phụ nữ dần ý thức về chính mình, biết sống cho bản thân mình. Đây có lẽ là trăn trở nhiều nhất trong tập truyện, khi trong cuộc sống, có bao nhiêu cơn “gió thổi trước hiên nhà”, buộc mỗi người phụ nữ sẽ tự tìm cho mình một cách ứng xử, một câu trả lời không giống nhau.
Trong truyện “Bóng chiều”, đằng sau câu chuyện cuộc tình gá tạm ngắn ngủi cay đắng, bẽ bàng của lão và thị là nỗi buồn thấm thía về phận người, là những ẩn ức không thể hóa giải của người đàn bà lỡ làng cô độc. Truyện “Chạy trốn” là một ca rối loạn tâm lý điển hình của thời hiện đại, trong bi kịch hôn nhân gia đình, nhận biết tất cả nhưng vô phương giải quyết, nhân vật rơi vào cuộc chạy trốn trong tâm tưởng để cho tiếng nói độc thoại nội tâm và những dồn nén chất chứa từ sâu thẳm tự cất lên. Tác giả có ý thức làm mới lối kể chuyện khi sử dụng mô-típ giấc mơ, ở đó bản năng và khát khao làm mẹ của người phụ nữ được hiện hình, chuyển hóa thành những giấc mơ về đứa con đã mất và tiếng gọi mẹ trong mơ ấy khiến người phụ nữ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, có thể dám vượt qua tất cả và đánh đổi mọi thứ để được làm mẹ (Đi qua những giấc mơ).
Truyện của Mai Thị Hồng Quế không quá dữ dội, phức tạp nhưng cũng không dễ dàng, đơn giản, mỗi truyện đều luôn dùng dằng, day dứt giữa những trạng thái và những chất vấn. Cần sống cho mình và biết tự yêu thương mình như thế nào? Những ranh giới nào giữa tình yêu và lầm lạc, nhu cầu thể xác và tâm hồn, cái bản năng và lý trí? Lỗi lầm và lạc lối hay là hành trình đi tìm chính mình?