Thời sự Văn chương
Mở thêm những cách đọc hay
14:23 | 29/01/2021

Nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà nghiên cứu lý luận văn học Việt Nam trong nhiều thập niên qua là giới thiệu, nghiên cứu, tổng thuật các hệ thống lý thuyết để vận dụng vào nghiên cứu thực tiễn văn học.

Mở thêm những cách đọc hay

Công việc đó âm thầm, mẫn cán, trách nhiệm, đòi hỏi một sự sẻ chia và  “hy sinh” từ những nhà lý luận nghiên cứu chuyên sâu.

Kế thừa và phát triển những thành tựu nghiên cứu về tự sự học, Ma thuật của truyện kể (NXB Khoa học xã hội) của TS Cao Kim Lan là chuyên luận hấp dẫn người đọc. Cuốn sách từng nhận tặng thưởng loại A cho tác phẩm lý luận, phê bình của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT T.Ư.

Tác giả đã dẫn người đọc tìm hiểu chiều sâu lý thuyết tự sự học qua diễn ngôn của W. Booth. Theo đó, nói một cách hình tượng “ma thuật của truyện kể” là năng lực của người cầm bút tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm thông qua cách thức, thủ pháp kỹ thuật  trong truyện kể. Chuyên luận gồm hai phần. Phần 1, tác giả tập trung vào “những lát cắt của tự sự học” khái quát nội dung nghiên cứu lý thuyết về tự sự học. Tác giả tìm tòi, tiếp thu nhuần nhuyễn lý thuyết tự sự học để vận dụng và nghiên cứu, diễn giải các hiện tượng văn học một cách thuyết phục, mang đến cho công chúng một cách thức đọc, phương thức đọc, “kỹ thuật kể chuyện các thủ pháp” nhằm dẫn người đọc hướng đến nhiều cách đọc, cách khám phá khác nhau về tác giả, tác phẩm văn học. Trong phần 2, Cao Kim Lan đã thực hiện trọn vẹn và khéo léo các phương thức đọc, thủ pháp kỹ thuật khi diễn giải một số tác phẩm, tác giả văn học Việt Nam, soi chiếu trên nhiều phương diện nghệ thuật, qua phương thức đọc, cách đọc khác nhau xuất phát từ góc độ người kể chuyện.

Với Ma thuật của truyện kể của Cao Kim Lan, người đọc “tình nguyện” đọc trong một tâm thế đi giải mã, tìm kiếm những vẻ đẹp khác lạ của văn chương nghệ thuật từ những điều tưởng như bình dị, xưa cũ. Tác giả buộc người đọc phải trầm tĩnh xem xét, suy ngẫm, đưa ra lựa chọn hình thức đọc; buộc người đọc phải đối sánh, tìm hiểu ngọn nguồn của một tác phẩm văn chương. Bởi lẽ, năng lực của người cầm bút làm nên nội lực cho tác phẩm văn học. Một tác giả nổi tiếng, một tác phẩm hay được soi chiếu dưới góc độ của người kể chuyện theo lý thuyết tự sự học, tự thân nó đã sản sinh ra một thứ ma lực hấp dẫn người đọc.

Trước những vấn đề lý luận vẫn được coi là khó, là khô khan - chuyên luận này vừa đủ sự sắc bén để diễn ngôn thành công các vấn đề lý thuyết, vừa đủ độ mềm mại thuyết phục, hấp dẫn người đọc/công chúng trước vấn đề thực tiễn của đời sống văn chương. Cuốn hút và say mê, độc đáo và khác lạ chính là sự tiếp nhận của những độc giả lý tưởng (giới nghiên cứu lý luận phê bình, học sinh - sinh viên), giới sáng tác, các nhà hoạt động báo chí nghệ thuật khi tiếp nhận tác phẩm văn chương. Đó là điều mà tác giả hướng tới qua cuốn sách. Cũng là điểm độc đáo của chuyên luận, ẩn chứa trong trái tim nhiệt huyết của một nhà nghiên cứu.


Theo Song Mua - Thời Nay

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng