Nhiều hiện tượng văn học miền Nam trước 1975 thực ra đã đến với độc giả miền Bắc từ rất sớm, bằng những cách thức và con đường khác nhau...
Cùng với lĩnh vực nghiên cứu - phê bình, sự trở lại của văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 ở lĩnh vực xuất bản trong những năm gần đây là một tất yếu sau gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất. Những cái tên như: Bùi Giáng, Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Trang Thế Hy, Sơn Nam, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Võ Phiến, Nguyễn Thị NgH, Nguyễn Thị Thụy Vũ… và gần đây nhất là trường hợp Nguyễn Thị Hoàng đã/đang dần trở nên quen thuộc hơn với độc giả ở những không gian tiếp nhận khác, nhờ sự tái xuất bản và xuất hiện của các tác phẩm, cũng như sự đề cập hoặc gợi nhắc ở nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về bộ phận văn học này, trong đó có cả những công trình văn học sử. Đây là một tín hiệu tích cực và đáng mừng, bởi nó dự báo một tương lai không xa, bức tranh văn học Việt Nam thế kỷ XX, nhờ thế, sẽ trở nên đa dạng, đủ đầy hơn trong một tinh thần học thuật, sáng tạo thuần khiết và mong muốn hướng tới một nền văn chương đa dạng, giàu giá trị nhân văn, nhân bản và dân chủ của dân tộc.
Theo TS Mai Anh Tuấn, việc đọc, thẩm định tác phẩm của nhiều gương mặt quan trọng làm nên diện mạo văn học đô thị miền Nam trong vòng 20 năm qua như: Bùi Giáng, Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Tràng Thiên, Trần Thị NgH, Nguyễn Thị Thụy Vũ… đang dần đi vào bài bản, trong đó các công bố chính thức dưới dạng chuyên khảo hay tiểu luận của Trần Hoài Anh, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Mạnh Tiến, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Bá Thành... đóng vai trò như là chỉ dẫn bước đầu. Bên cạnh đó, sự xuất hiện một khối lượng phong phú báo chí văn chương miền Nam và các tác phẩm khảo cứu, dịch thuật của Nguyễn Hiến Lê, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Vũ Đình Lưu, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Duy Cần, Phan Khoang, Kim Định, Nguyễn Thế Anh, Tạ Chí Đại Trường… cũng là tín hiệu khả quan về một tương lai đủ đầy của bức tranh văn học Việt Nam thế kỷ XX đặt trong tổng thể văn hóa và giá trị dân tộc hài hòa. Tuy nhiên, thực tế và những động thái tái dựng văn học đô thị miền Nam như trên chưa thể coi là đầy đủ và có tính hệ thống, đòi hỏi tiếp tục cần có nhiều tiếng nói cộng hưởng cùng nghiên cứu dài hơi, quy mô, bài bản hơn…
Là một trong những người quan tâm và sớm có nghiên cứu về văn học miền Nam 1954 - 1975 từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: việc tái phục dựng, trở lại của văn học miền Nam 1954 - 1975 là một tất yếu khách quan, đáp ứng đòi hỏi của khoa học và cả câu chuyện của lương tâm, đạo đức, bất chấp rào cản và ngăn trở của định kiến xã hội. Trên thực tế, cách nhìn nhận, đánh giá về một số hiện tượng văn học này gần đây đã trở nên rộng mở, khách quan hơn.
Đánh giá về một số hiện tượng văn học xuất hiện trong không gian đô thị miền Nam nhìn từ tương quan xã hội, trong đó có nhà văn Nguyễn Thị Hoàng và tiểu thuyết “Vòng tay học trò”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân gợi dẫn khái niệm về “nền văn học tồn tại trong một xã hội dân sự” dựa trên tiêu chí: sự gắn bó, tương tác công khai, tự nguyện giữa tác giả và độc giả, giữa hoạt động sáng tạo và hoạt động tiếp nhận mà không chịu bất kỳ sự áp đặt hay mệnh lệnh hành chính nào. Đối với các hiện tượng văn học miền Nam 1954 - 1975, ông cho rằng cần có cái nhìn, cách đánh giá cởi mở hơn để bộ phận văn học này có thể trở lại một cách bình thường trong tiếp nhận của công chúng.
PGS.TS La Khắc Hòa khẳng định: nhiệm vụ của các nhà xuất bản là làm thế nào để đưa những tác phẩm/hiện tượng văn học từng bị lãng quên trở lại với độc giả; còn nhiệm vụ của giới nghiên cứu, phê bình là phải đánh giá đúng vị trí của các hiện tượng văn học đó trong dòng chảy của lịch sử văn học. Ông cũng cảnh báo về nguy cơ “ngôn ngữ thao túng ý thức”, dẫn tới những khuyết thiếu, thậm chí cách hiểu sai lệch về các hiện tượng văn học từ chính cách gọi tên/định danh theo vùng miền hoặc theo ý thức hệ. Vì vậy, muốn viết đúng, viết đủ về văn học sử, cần/nên tìm cách phân chia văn học theo loại hình.
Trong quan sát rộng dài từ góc nhìn tiếp nhận, TS Trần Ngọc Hiếu cho rằng: nhiều hiện tượng văn học miền Nam trước 1975 thực ra đã đến với độc giả miền Bắc từ rất sớm, bằng những cách thức và con đường khác nhau.
Từ trường hợp Nguyễn Thị Hoàng, nhà phê bình Ngô Thảo khái quát hành trình “trở về” của văn học miền Nam từ 1975 tới nay theo “quy luật của lòng nhân ái”, ở đó thời gian đã đủ dài và chúng ta đã đủ bình tâm để hàn gắn vết thương, những chia rẽ hay hiểu nhầm của quá khứ. Đối với văn chương hay nhìn rộng hơn là với đời sống tinh thần xã hội, đó đều là việc đáng mừng.
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, khi viết, bà luôn trong tâm thế/tư thế “đứng riêng lẻ”, “không thuộc về ai hay về một phe phái nào” mà là ở giữa “mênh mông trời đất”, với tất cả sự đơn độc cùng ước vọng xóa nhòa ranh giới của những rào cản, sự bất thông, chia rẽ, hiểu lầm giữa con người với con người. Chỉ có như vậy mới có thể tồn tại, vượt qua tất cả mọi ngăn chia, cách biệt, để cùng nhau làm được một điều gì đó thật ý nghĩa cho cuộc đời, cho các thế hệ mai sau. Việc chọn cách im lặng hay tiếp tục xuất hiện trong đời sống cũng như trong sáng tác với bà, vì thế, hoàn toàn là lựa chọn cá nhân, là những trải nghiệm cần thiết và quý giá với một người viết...
Trong một chia sẻ của mình về “Sự trở lại của những nhà văn nữ vang bóng”, nhà thơ Từ Kế Tường từng khẳng định: “Dòng chảy văn học cũng như con sông lớn có bản sắc vùng miền, mặn, ngọt của vị phù sa châu thổ nơi ấy. Chúng đều có ngóc ngách và hứng chịu nắng mưa giông bão… để rồi đổ ra biển cả. Một nền văn hóa giống như đại dương phải biết dung nạp, tổng hòa những đặc trưng làm thành nguồn nước. Văn chương mang sắc thái riêng thì mới có màu sắc lấp lánh. Vì vậy không lý gì chúng ta không hội nhập với chính chúng ta…”.
Khách quan mà nói, có thể thấy độ lùi thời gian đã khiến những rào cản tâm thế và những cách ngăn của quá khứ với hiện tại dần được dỡ bỏ...