Thời sự Văn chương
Xa xăm vẻ đẹp núi rừng
10:13 | 11/05/2021

“Nghiệp rừng” (NXB Văn học, 2021) là tập truyện ngắn gồm 16 tác phẩm của tác giả người dân tộc Dao Triệu Hoàng Giang.

Xa xăm vẻ đẹp núi rừng

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Phiêng Lằm (Chợ Đồn, Bắc Kạn), Triệu Hoàng Giang sáng tác từ khi còn là học sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Khi trở thành sinh viên khoa Viết văn - Báo chí (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội), anh từng tạo ấn tượng với tập sách đầu tay mang tựa đề “Chim đón dâu” do NXB Kim Đồng ấn hành.

Trong sáng, lặng lẽ mà bền bỉ, sáng tác của Triệu Hoàng Giang đi sâu vào khắc họa vẻ đẹp của núi rừng và văn hóa, con người bản địa. Ở đó, chất chứa niềm yêu thương mãnh liệt cũng như nỗi ám ảnh về những khu rừng chẳng có nổi tiếng chim kêu, suối không còn róc rách và tiếng gọi đầy khắc khoải: “Vía ơi, về đi!”. Từ những công việc giản đơn như người dân lên rừng đào củ măng, củ mài… cho đến từng mùa săn nay chỉ còn trong ký ức, tất cả luôn được Triệu Hoàng Giang miêu tả đầy sinh động, tình cảm. Sinh ra ở Phiêng Lằm nên tên đất, tên rừng trong tác phẩm cũng mang dấu ấn ấy qua những: Phiêng Luông, Phiêng An, Phiêng Liềng, Phiêng Kham… 

Hầu hết tác phẩm trong tập truyện ngắn “Nghiệp rừng” đều tập trung vào vẻ đẹp bí ẩn, tinh thần che chở của núi rừng và cái “nghiệp” con người phải gánh chịu sau những hành động thô bạo, vô tâm. Lung linh từ cuốn sách “Nghiệp rừng” còn có mầu hoa lửa bừng bừng như váy áo đàn bà Dao đỏ trong màn đêm. Rồi “puột pu”, cây chuối có nhiều bông hoa đỏ được người Dao gọi là “cây bạc”. Người đọc bị cuốn vào câu chuyện đầy huyền tích, vào những ngày rằm khi ánh trăng sáng nhất, sẽ có khoảnh khắc toàn thân “puột pu” phát sáng, ai gặp dịp đó, nhanh tay chặt gốc để cây không chạy xuống đất, chặt ngọn để cây không chạy lên trời, thì khúc giữa sẽ là cả khúc bạc trắng, con người sung túc cả đời. Người đàn ông mải mê tìm “puột pu”, cuối cùng nhận ra chín bông hoa ấy như những chùm hoa đỏ trên bộ váy cô dâu. Phong tục tín ngưỡng độc đáo của đồng bào dân tộc Dao đỏ cũng được khắc họa độc đáo qua nét chấm phá về dáng vẻ một người say trong lễ “quá tăng” (cấp sắc). Người đàn ông dựa cả vào gốc cây vải mà ngủ, chung quanh toàn tiếng kèn pí lè, tiếng chũm chọe, tiếng trống nêm, ánh đèn đốt bằng nhựa trám…

Khắc họa tâm lý nhân vật chỉ thông qua vài câu thoại ngắn là điểm mạnh của tác giả. Lấp lánh phía sau lối kể chuyện mạch lạc, sâu sắc, là nét trong sáng, nhân văn để người đọc luôn cảm nhận được tình đất, tình người hiện hữu. Ngay cả những nhân vật phản diện vẫn có đường lui thông qua nỗi ăn năn. Mỗi tác phẩm như một hoài niệm tha thiết và xa xăm về núi rừng với những rung động gần gũi mà sâu thẳm.

 
Theo Thụy Phương - Thời Nay
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng