Cuốn sách “Sân khấu - Nghệ sĩ và một góc nhìn cuộc sống” (NXB Sân khấu, 2021) của NSND, họa sĩ, nhà thơ Lê Huy Quang chứa nhiều cảm nhận, cảm xúc qua nhiều năm tháng làm nghệ thuật của tác giả. Qua ba phần - Sân khấu, Nghệ sĩ và Góc nhìn cuộc sống, thêm phần Phụ lục, tác giả, người đọc nhận ra cách mà nhiều nghệ sĩ đã cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.
Diện mạo sân khấu được tác giả thể hiện trên nhiều khía cạnh, trên nhiều chặng thời gian. Từ lịch sử tới hiện tại, từ sân khấu trong nước đến quá trình giao lưu ở các nước trên thế giới. Đặc biệt, tác giả nhắc nhiều đến hình ảnh Bác Hồ trong những vở diễn tái hiện lịch sử chiến tranh, nhấn mạnh hóa thân vào hình tượng Bác Hồ là thử thách đầy khó khăn cho tài năng và sáng tạo, qua đó liên hệ đến vấn đề mà Bác đã định hướng: văn hóa nghệ thuật là yếu tố quan trọng trong việc hình thành tư tưởng cho nhân dân.
NSND Lê Huy Quang còn thể hiện niềm yêu mến, cảm phục đối với những các văn nghệ sĩ - những người làm nghệ thuật. Kể đến nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ, tác giả dành tất cả niềm quý trọng trước một cuộc đời làm nghệ thuật, từ những ngày tuổi trẻ với nhiều ước mơ hoài bão. Đời người sáng tác không ít nỗi buồn nhưng đó là nỗi buồn vô tư về nghệ thuật, là nỗi buồn của tâm hồn nghệ thuật khi nhìn về cuộc sống. Với nhiều trăn trở, Lưu Quang Vũ đã để lại cho nền văn học, nghệ thuật Việt Nam một khối tài sản to lớn với những vở kịch xuất sắc như “Người cộng sản trẻ tuổi”, “Cô gái đội mũ nồi xám”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”… Trong cuốn sách, tác giả còn nhắc đến nhiều văn nghệ sĩ khác như NSND Trọng Khôi, kịch sĩ Lê Đại Thanh, NSND Bạch Trà, nhà thơ Hoàng Cầm… Đó đều là những nhân tài nghệ thuật, cống hiến cả đời cho nền văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng. Viết về sân khấu và những con người của sân khấu, tác giả hòa quyện góc nhìn cuộc sống và góc nhìn nghệ thuật của bản thân mình. Ông chia sẻ nhiều chiêm nghiệm qua những năm tháng hoạt động nghệ thuật, về những điều đã qua, những vấn đề mới mẻ.
Qua cuốn sách “Sân khấu - Nghệ sĩ và một góc nhìn cuộc sống”, chặng đường nghệ thuật sân khấu qua các thời kỳ với nhiều giá trị nghệ thuật đã được tác giả nhìn lại, từ đó thấy được sự đã - đang thay đổi và phát triển. Và cùng với dòng chảy nghệ thuật, tấm lòng của tác giả với sân khấu, với các nghệ sĩ sân khấu cũng được thể hiện chân thành. Từ những góc trải nghiệm và lắng đọng đó của một người trong cuộc, chúng ta thấy được sự thú vị của văn học nghệ thuật, bởi “văn học, nghệ thuật là một dòng chảy không ngừng giữa hiện thực phong phú, đa dạng của cuộc sống và không thể nào tách rời khỏi cuộc sống”.
Theo Hồng Trang - Thời Nay