Tác phẩm hay
Kẻ dự phần
09:12 | 25/03/2014

Nhà văn Phong Điệp sinh ngày 6.6.1976 tại Nam Ðịnh.
Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.
Giải thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ Trẻ.
Hiện làm việc tại báo Văn Nghệ Trẻ - Hội nhà văn Việt Nam.
Đã in hàng chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết.

Kẻ dự phần
Nhà văn Phong Điệp - Ảnh: TTVH

PHONG ĐIỆP

Kẻ dự phần

              Truyện ngắn


Bắt đầu là tiếng hồng hộc hỗn loạn của kẻ bị truy đuổi. Chạy. Thở. Cuống cuồng. Gấp gáp. Vãi cả phân ra trong lúc tìm lối thóat. Rồi cái đống bị thải ra trong cơn vô thức ấy cũng nhanh chóng bị day nát trong cơn tháo chạy bấn loạn và tuyệt vọng của lũ lợn.

Tiếp đó là tiếng thét chói gắt khi những lưỡi dao sắc lẻm đâm ngập vào cổ họng. Máu ồng ộc chảy đầy vào các xô nhựa. Mắt lợn lồi ra, chỉ chực trượt khỏi con ngươi, lăn lông lốc xuống sàn. Những tiếng kêu – rất nhanh – tắt lịm ngay sau đó. Nhường chỗ cho tiếng dao cạo sồn sột. Hai chục con? Ba chục con? Hay hơn nữa? Cô không biết. Những tiếng kêu hỗn loạn, va vào nhau chói lói khiến cho chúng có vẻ nhiều hơn thế. Tất cả đều được giải quyết chóng vánh bởi một tốp thợ lành nghề mãi tận Thái Bình lên.
Rồi tiếng xe máy rú ga. Những phản thịt trắng nhễu, ròng ròng máu và nước, vắt ngang trên những đuôi xe tróc lở, tanh tanh mùi tiết. Mõm lợn vêu vao, quét sát mặt đường. Rồi đòan xe cồng kềnh ấy sẽ luồn lách trong ánh sáng nhờ nhợ của ngày chưa rạng, tiến vào các chợ trong phố cho kịp giờ làm hàng buổi sáng.

*

Ngày nào cũng vậy, cô sẽ bị đánh thức vào đúng giờ ấy, trước mắt hình dung rõ ràng những cảnh tượng ấy. Cứ như cô là người buộc phải dự phần vào cuộc sát sinh. Dù muốn hay không.

Đầu tiên, những bắp tay thợ cuồn cuộn, xăm trổ chi chít, vật đám lợn ra sàn như người ta ném những quân bài lên chiếu bạc. Sau đó những lưỡi dao lướt sồn sột, lóc đi cả tảng lông cứng trên mình lũ lợn đang mở mắt hoang hoác. Con sau nhìn cái chết của con trước và chờ đến phiên mình. Một đường rạch thẳng tắp. Súc ruột đổ tràn ra sàn như những vòi bạch tuộc tìm đường di chuyển. Những quả tim bị giật phăng ra khỏi lồng ngực ... Cả khoang bụng bị moi móc sục sạo một cách không thương tiếc.
Trong cơn bấn loạn, lũ lợn đồng loạt giương mắt về phía cô, khẩn cầu. Những quả tim vẫn thoi thóp đập. Dạ dầy co bóp yếu ớt. Như thể chúng chưa chết. Chúng chờ đợi cô làm một việc gì đó. Những đôi mắt lợn trắng dã lẵng nhẵng bám theo cô. Máu của chúng hình như bắn phọt cả vào ngực cô, nóng rẫy. Nhưng cô thì làm được gì cho chúng?

Sự mỏi mệt hằn trên mặt cô. Chắc thế. Bà cụ cô gặp ngoài đầu ngõ vào mỗi sáng đi làm, nhìn cô ái ngại. Và ôm ngực ho. Hình như bà không dừng được những cơn ho như xé họng ấy. Cả người cúi gập xuống. Cổ họng muốn rách toang. Đờm khạc ra nhờ nhờ đỏ. Nửa chừng những cơn ho, bà cụ đưa đôi mắt quăn queo lên nhìn cô. Như muốn hỏi : “Có sao không cháu?”. Trong đầu cô không hiểu sao luôn vang lên câu hỏi ấy. Dù giữa họ, chẳng ai nói một lời nào. Chỉ là những cái nhìn. Rồi họ cùng đi thật nhanh khỏi khu lò mổ vẫn còn gây gây mùi nước dãi lợn.

Cảm giác sợ hãi và nỗi mặc cảm về sự bất lực ám ảnh cô mọi lúc, mọi nơi. Bởi vậy, trái với sự phấn chấn của người chồng sau khi mua được cái nhà với “giá hời” ở ngay sát lò mổ lợn, cô chỉ thấy bất an.

“Yên tâm đi em, trước hay sau lò mổ cũng sẽ bị bán xới thôi. Ai cho nó tồn tại mãi ở giữa khu dân cư thế này. Anh nghe nói tổ dân phố người ta đang làm đơn lên phường.”

Cô không biết những gì được viết trong lá đơn ấy. Nhưng hình như đơn được gửi đi không dưới mười lần.

Tổ dân phố kiên nhẫn gửi đơn, kiên nhẫn chờ đợi. Trong khi đó lũ trẻ trong khu cứ nheo nhóc theo nhau ốm cả năm trong tiếng lợn gào ông ổng. Không tháng nào khu dân phố vắng tiếng kèn đám ma. Một con lợn từ lò mổ sẽ được xuất sang nhà có đám ngay tắp lự. Một năm trung bình 12 con lợn phục vụ cho 12 cuộc tang lễ.

Đôi lúc cô thấy sờ sợ...

*
Ngoảnh đi ngoảnh lại, họ đã sống cạnh lò mổ hơn năm trời. Đơn kêu ca của tổ dân phố hình như chả có ai buồn đọc. Chính xác là lá đơn thứ 16. Không lấn chiếm đất đai. Không giết người cướp của. Mấy con lợn thì chết ai. Đơn từ rách chuyện!

Anh có tài hòa nhập rất nhanh. Sáng có thể ngủ ngon lành trong tiếng náo loạn của lũ lợn chờ đến phiên chọc tiết. Rồi có hôm, không hiểu nghe ai xui, anh còn chạy sang, đặt mua quả tim còn nóng hôi hổi về tần thuốc bắc cho cô ăn. Lần ấy, nể chồng, cô chỉ ăn chiếu lệ. Nhưng vừa nuốt được một miếng, cô đã phải chạy vội vào nhà tắm, nôn thốc nôn tháo. Nhìn những miếng tim lợn trôi từ bụng mình ra tím bầm, giãy đành đạch trên sàn khiến cho cô rơi vào trạng thái trầm uất mất cả tuần liền.

Cô biết không bao giờ mình mới có thể quen được. Chưa đến giờ hành hình lũ lợn, cô đã chòang tỉnh. Rồi cứ thế, ép mình trên giường,cô nín thở nghe tiếng chúng phì phò trong bóng tối. Nhưng sự bình yên trôi qua một cách chóng vánh. Đèn bật sáng choang.Cánh thợ vừa súc miệng òng ọc vừa chửi bậy. Dao gại xoen xoét vào nền xi măng. Và bắt đầu cuộc dồn đuổi. Tiếng lợn gào thét lẫn trong tiếng người chửi đổng…

Tim cô nghẹt lại, tưởng không thể chờ được cho tới lúc cuộc hành hình kết thúc. Mồ hôi đổ lạnh cứng sống lưng.

Phải mất chừng một tiếng.

Đến khi có tiếng vòi nước xoe xóe, xói xuống nền xi măng nhơm nhớp máu lẫn lông lợn. Một cuộc tẩy rửa hối hả. Cánh thợ trở ra trước sân, toang toác nói cười, lót dạ sáng bằng bát tiết canh đỏ hôi hổi . Tiết dắt đầy kẽ răng . Tiết văng cả ra ngoài trong những câu chuyện tiếu lâm tục tĩu.
Khi ấy cô mới dám trở mình trên giường và thở mạnh trở lại.
Cô thấy mình giống như kẻ vừa thoát ra khỏi một cuộc hành hình. Chỉ trong gang tấc...

*

Thường hai vợ chồng không ăn sáng ở nhà. Trên đường đi làm, anh sẽ đưa cô ghé vào một quán hàng nào đó. Thực sự nếu có ăn ở nhà, cô cũng không nuốt nổi. Cảm giác ghê rợn của một cuộc tàn sát vừa diễn ra ngay sát nách, và mùi máu vẫn còn tươi khiến ruột gan cô chỉ muốn lộn lên tận cổ. Ngay cả đến những bộ quần áo mặc hàng ngày của hai vợ chồng cũng ám mùi lờm lợm ấy, dù cô đã ngâm đẫm nước xả cả tiếng đồng hồ.
Cô không thể chia sẻ những cảm xúc của mình với chồng. Cô sẽ nói thế nào đây? Nào là lũ lợn nhìn cô cầu cứu. Nào là những quả tim vẫn thoi thóp. Nào là những đám ma đều đặn diễn ra vào hàng tháng. Những đứa trẻ còi cọc và bệnh tật. Những con lợn làm “vật hiến tế” cho các cuộc cúng giỗ… Anh sẽ mắng cô là cả nghĩ và quá nhậy cảm. Tòan chuyện vớ vẩn,chẳng đâu vào đâu lại đâm quàng đâm xiên vào nhau. Cái lũ lợn ấy rốt cuộc sinh ra để cho người ta làm thịt chứ tích sự gì. Còn chuyện người chết thì lại càng huyên thuyên hơn. Người ta đến số thì đi chứ liên quan gì đến chuyện lợn gà nào ở đây. Ừ thì ông ấy đang khoẻ. Nhưng người ta có thể chết đột tử vì đủ thứ lý do chứ. Đám trẻ con long nhong bêu nắng suốt ngày chả ốm mới là lạ.
“Em quên khẩn trương những suy nghĩ vớ vẩn ấy đi cho anh nhờ!”
Vả lại, vừa vay mượn vừa tích cóp tiền, mua được cái nhà này đã là quá may mắn đối với họ. Số tiền ấy, họ sẽ khó có thể kiếm được chỗ nào ra hồn giữa thành phố đất chật người đông, giá cả leo thang theo tốc độ của tên lửa này. Những đứa bạn cô vẫn phải giam mình trong những căn nhà trọ chật hẹp, bóp mồm bóp miệng, cóp nhặt tiền nong, mơ một ngôi nhà nho nhỏ. Nhưng giỏi lắm, một năm dư được chục triệu, bao giờ cánh viên chức nghèo như cô mới đủ tiền để mua được căn nhà?

*

“Nhà cửa ổn định rồi, bao giờ anh chị mới cho tôi bế cháu đây?”
Bà mẹ chồng sấp ngửa bắt xe khách lên thăm con. Tay xách nách mang, quăng chật cả nhà với đủ thứ quà quê: gạo nếp, gà, trứng, đỗ,lạc…
“Quê mấy thức này chả thiếu, nhưng tôi biết trên này đụng đến là tiền. Có khi xót lại không dám mua ấy chứ”.

“Mà chị độ này có vẻ hơi xanh. Lông mày dựng. Hay là có gì rồi hả con?”

Chồng khấp khởi nhìn tận mặt vợ:

“Ừ nhỉ. Mẹ nhỉ”

Cô lắc đầu

“Không phải đâu mẹ ạ. Con mới hết kinh tuần trước”.

“Chán chuyện”.

“Thôi thì cố đi. Năm nay được đấy”

“Vâng”

Mẹ về. Hai vợ chồng hì hụi đến gần sáng. Nhưng làm sao cô cứ trơ trơ.

“Em mệt à”

Cô không biết trả lời sao. Chẳng hiểu sao từ lúc dọn về đây, chưa bao giờ cô hào hứng với chuyện ấy. Cô không sao xóa được khỏi đầu mình hình ảnh những con lợn trắng nhễ nhại, ròng ròng máu, phanh bụng , xếp chồng đống lên nhau. Chỉ cần anh tì người trên ngực cô hay một tư thế nào đại loại như thế, lập tức những hình ảnh ấy lại hiện lên. Sợ chồng nghĩ ngợi và suy diễn này nọ, cô vẫn cố tỏ ra nhiệt tình. Nhưng điều ấy chỉ khiến tình trạng của cô ngày càng tệ hơn . Đường đi trong cô chật chội và khô khan khiến cho anh nhanh chóng bị kiệt sức. Họ thường im lặng, nằm dài bên nhau sau khi kết thúc những lần gặp gỡ chật vật.

*

“Gần hai năm trời, vợ chồng gần gũi thường xuyên, không bệnh tật, cũng không thể có con, thế là nghĩa làm sao?”

Lời qua tiếng lại. Ì xèo đến đau cả đầu.

Hàng tháng, cô phấp phỏng nhìn lịch, tính ngày. Rồi cứ như một sự giễu cợt, đúng ngày ấy, giờ ấy,sẽ xuất hiện. Kèm theo những cơn co giật nơi bụng dưới khiến cô luôn có xu hướng co người lại như một con tôm vừa bị quăng ra chảo nóng.thì hả hê nhảy múa trong bụng cô, ngoạm vào thành tử cung, đá thốc xuống bụng dưới.Và rồi một mớ hỗn độn, thẫm đỏ ồng ộc chảy ra. Ròng rã cả tuần lễ. Người cô trở nên rỗng ruễnh.
Cô thèm khát những đứa con đến độ mang bầu trong các giấc mơ. Và vì thế, cô chỉ muốn đặt lưng xuống, nuôi cho những giấc mơ đủ chín tháng mười ngày, để cho những đứa trẻ yên ổn chào đời. Cô sợ khi tỉnh giấc, phải đối diện với tử cung trống rỗng, đối diện với sự bất lực của chính mình.

*

Một kế hoạch trăng mật được anh sắp xếp.

Họ sẽ đổi gió ở một nơi thật yên tĩnh. Chỉ dành cho những đôi uyên ương. Dường như, anh cảm nhận được những sự bấn loạn, bất an trong cô. Anh muốn tạo cho cô một không gian mới để cô có thể thư giãn. Cô cảm động đến ứa nước mắt.

Trong khi sắp hành lý cho chuyến đi, không hiểu sao cô hình dung như họ đang âm mưu cho một cuộc chạy trốn. Tại sao lại chạy trốn kia chứ? Đây là nhà của họ. Họ đang hạnh phúc – ai cũng thấy thế. Chẳng ai lại chạy trốn trong khi đang hạnh phúc. Nhưng cảm giác chạy trốn mỗi lúc một lớn trong cô, khiến cô phấn chấn khôn xiết.

Nơi họ đến thật lý tưởng để yêu nhau. Những ngôi nhà khiêm nhường nép bên những vạt đồi xanh um tùm. Mây giăng chập chùng. Thi thỏang trời đổ những cơn mưa bụi, và họ vẫn có thể thoái mái đi tản bộ trên những con dốc ngoằn ngòeo, không cần cả che ô. Ban đêm trời khá lạnh. Sương đọng trĩu các tán lá. Khi nói chuyện, họ thở ra những làn hơi trắng, giống như người đang hút thuốc.

Có một điều mà cô thấy lạ, đó là người ở đây như trốn biệt đi đâu hết. Cả ngày đi lang thang, hầu như họ không gặp một ai. Có việc cần mua bán hay giao dịch, họ phải ra khu trung tâm. Nơi đây cũng chỉ có vài ba tòa nhà văn phòng trang trí sơ sài với những nhân viên có khuôn mặt lúc nào cũng như buồn ngủ. Tuy nhiên điều ấy chẳng làm phiền gì đến du khách, thậm chí chỉ càng tạo cho họ cảm giác thỏai mái hơn mà thôi.

Ngay ngày đầu tiên, họ đã không bỏ phí những giờ phút quý giá bên nhau. Đã lâu lắm họ mới lại tìm lại đươc cho mình sự hưng phấn, say mê như thuở ban đầu. Họ đi vào nhau mê mải, cuồng nhiệt. Giống như ngọn lửa đã nhen sẵn, chỉ chực chờ được khơi ra là sẽ bùng lên, không gì có thể ngăn trở được.

*

Kết thúc tuần trăng mật , họ trở về trong trạng thái phấn chấn. Cô phấp phỏng về một phôi thai được hình thành, không chút hòai nghi. Cô cảm nhận rõ sự gặp gỡ của chúng trong tử cung của mình.

Nhưng - như một sự trớ trêu – vào đúng hôm rằm, cùng với tiếng lợn gào thét trong cơn truy sát, cô thấy chúng vỡ toang, không phương cứu chữa. Đầu tiên là những cú va đập, vật lộn vào thành bụng. Sau đó chúng phình lên như một quả bóng bị dồn quá nhiều hơi, khiến cho sức đàn hồi không chịu nổi. Và thế là bục! Máu trào ra đẫm ướt. Những thành, những mảnh mới đây còn dự phần vào một cơ thể sống, nay trở thành những thứ bị đào thải một cách không thương tiếc ra khỏi cơ thể mẹ. Khác mọi lần, cô trân trối nhìn chúng đang giẫy đạp một cách tuyệt vọng trong lúc bị cuốn trôi đi cùng dòng thác màu đỏ nhức nhối. Cô ngồi cả tiếng đồng hồ trong nhà vệ sinh, lưng dựa vào tường, hai chân dang rộng. Và lặng lẽ nhìn hành trình của dòng thác . Chẳng cách nào cứu vãn.

May sao, anh kịp trở mình thức giấc và không thấy cô nằm bên. Linh tính của người chồng lôi anh đứng dậy, dò dẫm trong bóng tối của ngôi nhà để rồi phát hiện ra cô đang ngất xỉu trong nhà vệ sinh.

“Sảy thai rồi”.

Bà bác sĩ thông báo gọn lỏn. Anh chết điếng người. Cô thì không cần phải đợi đến lúc ấy mới biết kết cục.

“Không sao, đang tuổi sinh đẻ. Về bồi dưỡng ít ngày cho lại sức rồi lại đâu vào đấy thôi mà. Đến lúc ấy khéo hãm không kịp ấy chứ”
Mấy cô bác sĩ thực tập che miệng cười khúc khích. Nhưng tự cô biết, mọi việc không dễ dàng như vậy đâu. Nó đã từ chối cô; ném trả cô về những cơn mơ chín tháng mười ngày rỗng ruễnh, vô duyên.

*

Đó là một cuộc đào tẩu bất thành.

Lũ lợn vượt qua được cánh cửa của khu chuồng không mấy khó khăn. Ai đó đã quên chốt cửa. Một sai lầm chết người. Lũ lợn chộp ngay lấy cơ hội trời cho. Đợi cho đêm xuống làm kẻ đồng loã, chúng nhanh chóng túa đi khắp khu lò mổ, khụt khịt tìm đường. Một con nào đó đi vào bếp và sơ sẩy va vào đám nồi niêu. Nó tranh thủ táp mồm vào chỗ thức ăn vừa bị đổ ra ngoài. Một con khác loay hoay rúc vào lỗ trống trên hàng rào dây thép gai tìm cách vượt thoát ra ngoài đường. Càng cố rúc những đầu nhọn trên dây thép gai càng xoáy sâu vào da thịt. Nó rít lên vì đau. Tiếng rít đã góp phần tố cáo cuộc tháo chạy của đồng bọn.

Những con khác vẫn đang loay hoay dò dẫm quanh khu lò mổ tối om, nghe thấy tiếng rít thì nhất loạn hộc lên đầy phẫn nộ. Đêm tối không nuốt được những âm thanh dại dột ấy.

Lập tức cánh thợ bật dậy. Đèn sáng choang. Gậy cầm sẵn. Vun vút. Vun vút. Những con nào đang bám quanh hàng rào thì ăn đủ. Những con còn loanh quanh ở khu chuồng nhanh chóng quay lại chỗ cũ thì thoát khỏi “trận mưa gậy”. Cuộc dồn đuổi diễn ra chóng vánh. Lũ lợn bị lùa lại vào chuồng nhanh hơn chúng tưởng.

Nhưng sao thế này? Chuồng lợn đã chật kín trâu bò lợn gà. Lũ lợn phân vân dừng lại. Không còn chỗ cho chúng. Những con gà phải đứng vắt vẻo trên mình lũ trâu bò mới đủ chỗ. Tất cả chúng đều đã bị lột sạch da. Con nào con nấy tím tái. Những giẻ xương sườn chồi hẳn ra ngoài, trắng hếu. Mắt chúng nhưng nhức nước. Bất lực.

Quá khiếp hãi trước cảnh tượng ấy, lũ lợn cuống cuồng quay trở ra. Xô cả vào nhau. Đâm cả vào chân đám thợ. Gây lại vung lên. Lần này quyết liệt hơn. Những đầu lợn vỡ toác. Lũ gà ngã lăn ra đất, cổ gẫy ngoẹo sang bên. Đám trâu bò gục đầu xuống, nước mắt nhỏ tong tỏng.

“Cháu có sao không?”

Bà già vỗ vào vai cô, hai mắt quăn queo nhướn lên như dò hỏi. Cô chưa kịp định thần về sự xuất hiện đột ngột ấy thì bà đã xổ ra những tràng ho rũ rượi. Đờm văng đầy trên sàn lò mổ, thẫm đỏ. Bàn tay bà thoắt trổ những cái móng dài nghêu, bấu chặt vào da cô đến bật máu.

“Không! Không...!”

“Em sao thế?”

Cô choàng tỉnh. Mồ hôi đầm đìa.

Bên khu lò mổ , đèn vẫn bật sáng choang. Cánh thợ hùng hục lao vào cuộc đuổi bắt. Lợn hồng hộc chạy quanh sân. Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng cô tưởng chừng cũng rung lên bần bật trong cuộc dồn đuổi sống còn từ phía lò mổ.

Trong xóm rộ lên những tiếng khóc ai oán. Hình như vừa thêm một người nữa lìa đời...

Ngực cô đau thắt.

Đâu là thật, đâu là mơ?

*

Cô suy tính về một cuôc chạy trốn thực sự. Chạy trốn khỏi những cuộc truy sát lúc rạng sáng. Chạy trốn khỏi sự bất lực của chính mình.
Tất nhiên, cô không thể bỏ chạy một mình. Cô cần anh. Trong mọi cuộc hành trình cô đều cần có anh. Nhưng làm sao để anh hiểu rằng: họ phải chạy trốn?

Và tại sao lại là cô chứ không phải ai khác buộc phải dự phần vào tất cả những điều này? Cô phẫn nộ và oán trách một cái gì đó. Cái gì đó bắt cô phải gánh chịu những điều khủng khiếp, quá sức chịu đựng của cô.

*

Cô âm thầm đợi thời cơ.

Cái gì đó mỗi ngày một lộng hành trong cơ thể, trong tâm trí cô bằng sự ngạo nghễ và tự mãn đến phi lí.

Nhưng cô không tin là mình không có cách để thóat khỏi tình trạng này.

*

“Họ đột nhiên biến mất”

“Chúng tôi không hay biết gì cả”

“Chỉ có hai vợ chồng trẻ, chưa con cái gì. Mà họ cũng dọn đến đây đầu năm kia chứ mấy”

“Tuần trước tôi còn thấy họ mà. Có phải tuần trước không nhỉ?”

Những người hàng xóm ngỡ ngàng nhìn ngôi nhà như đã bị bỏ hoang từ lâu lắm rồi. Vị cán bộ điều tra dân số băn khoăn nhìn cánh cổng sắt hoen rỉ dắt đầy những tờ quảng cáo hãy còn mới nguyên.

Tổ dân phố 31,khu phố X. bớt đi một hộ gia đình. Hàng xóm tốn công thắc mắc một thời gian, rồi ai lại vào việc nấy. Mấy tay cò đất thi thoảng lượn qua, kiếm thông tin nhưng cũng chẳng được gì hay ho.

*

Một bản tin chiều gây xôn xao dư luận:

“Một căn bệnh lạ?

Tại tổ dân phố 31, khu phố X. đột ngột xuất hiện một căn bệnh lạ. Căn bệnh này xuất phát từ khu lò mổ của gia đình ông H. Cả ông chủ lò mổ và cánh thợ đều mắc một chứng bệnh kì lạ:

Thay vì nói thì họ luôn rống lên những tiếng kêu như lợn bị chọc tiết, hai mắt trợn ngược.

Các nhân viên y tế đã đưa họ đi cấp cứu. Các nhà khoa học cũng đang bắt tay vào nghiên cứu căn bệnh lạ này”.


Kèm theo bản tin là bức ảnh khu lò mổ tiêu điều.

Phóng viên các báo lao vào cuộc săn tin. Đâu đâu người ta cũng truyền tai nhau về một “căn bệnh lạ”.

Giá thịt lợn tại các chợ đột ngột giảm. Hình như người ta bắt đầu e sợ một điều gì đó…

P.Đ
Nguồn: newvietart.com








 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Nguyệt thực (17/03/2014)
Mẹ điên (06/03/2014)