Tác phẩm hay
Bến yên
14:42 | 24/04/2014

LGT: Từng đạt giải Ba trong cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Non Nước (Hội Nhà văn TP Đà Nẵng) năm 2007 - 2008 với truyện ngắn Lời nguyền sa mạc, những năm qua, Hạo Nguyên lặng lẽ viết và đều đặn công bố những sáng tác mới của mình trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Tập truyện ngắn đầu tay Lời nguyền bẫy đêm của cây bút trẻ Hạo Nguyên (Lê Trung Kiên) vừa được Nxb Trẻ ấn hành tháng 9-2013 đã đánh dấu một bước ngoặt trên con đường nghệ thuật của tác giả và góp phần làm phong phú thêm cho diện mạo văn xuôi Đà Nẵng... (Nguyễn Thị Anh Đào).

Bến yên

HẠO NGUYÊN


Bến yên
      Truyện ngắn

1

Mùa hè năm thứ hai đại học, tôi ở lại Huế, không về quê. Một người quen dẫn tôi đi phụ hồ. Trên đàn Nam Giao. Hồi đó tôi đang đọc Hermann Hesse. Sáng đi làm, đem theo. Tôi nhớ không lầm là “Sói đồng hoang”.

Đó cũng là thời gian tôi quen với thầy Lưu. Gọi thầy, vì thầy là tu sĩ. Tôi quen gọi thầy bằng tục danh. Thầy Lưu khoảng ngoài ba mươi tuổi. Không biết theo hệ phái nào mà chỉ một mình thầy trong một căn nhà cổ kiểu Huế. Đến mùa an cư thì thầy về chùa. Xong mùa an cư lại đến tu tập trong ngôi nhà nhỏ lặng lẽ này. Thầy phát nguyện là khi nào chưa tụng kinh Hoa Nghiêm đủ một trăm ngàn lần thì chưa rời ngôi nhà.

Mỗi trưa, sau buổi phụ hồ, tôi ra quán cơm bụi trên đường Điện Biên Phủ. Ăn xong thì lên đàn Nam Giao. Đọc sách dưới tán thông. Và ngủ.

Đến buổi trưa thứ ba thì tôi gặp cô gái.

Trưa đó quá mệt, tôi không đọc sách nổi. Vừa đặt lưng xuống bãi cỏ là ngủ ngay. Đang ngủ rất say thì giật mình. Vô cớ giật mình. Không có tiếng động bất thường nào. Không ai lay đập. Không gặp ác mộng. Vô cớ giật mình. Tỉnh như sáo.

Vừa  mở mắt ra đã thấy cô đứng đó. Nhìn tôi. Cười.


2

Cô gái và tôi đạp xe lên dốc. Rồi đổ dốc. Rẽ phải. Gặp đồi thông. Vào một con đường nhỏ len dưới những tán thông xanh rì. Qua ba bốn khúc ngoặt gì đó, hiện ra một ngõ trúc um tùm.

Tôi ngỡ ngàng trước ngôi nhà cô gái ở. Một biệt phủ. Bề thế, sang trọng, kiêu kỳ và tịch lặng. Chung quanh là muôn vàn cây lâu năm. Và trúc. Những giò phong lan tỏa hương dịu nhẹ. Tiếng chim gì thánh thót, như tiếng chuông bạc rụng giữa chiều hè. Sau lưng nhà, dưới chân ngọn đồi, là sông Hương. Dòng lặng lờ trôi, soi vào đáy mình cả một bí ẩn.

Cô gái đưa tôi gặp ông ngoại cô. Khoảng sáu chục tuổi. Mặc bộ đồ lụa trắng.

- Hằng ngày cậu lên đây. Sáng từ tám giờ. Ở lại trưa. Chiều năm giờ thì về. Mỗi tháng tôi gửi cậu một triệu. Bồi dưỡng đạp xe từ Đập Đá lên đây mỗi ngày mười ngàn. Được không?

Tôi gật đầu không cần suy nghĩ. Tính xem. Một cử nhân mới ra trường, vào biên chế nhà nước lúc đó, lương chưa đến sáu trăm ngàn. Còn nếu phụ hồ thì mỗi ngày tôi chỉ nhận mười bảy ngàn. Ở đây xa, nhưng công việc nhẹ nhàng, thù lao cao thế, không đồng ý có mà điên.


3

Công việc của tôi hằng ngày là giúp ông Vụ chép gia phả (tôi biết tên ông qua con triện mà ông đóng trên các cuốn sách của mình). Người ta thuê ông chép lại gia phả. Những cuốn gia phả cũ nát, không thể đem ra photocopy.

Ông chép chữ Hán. Tôi ghi tiếng Việt. Nghĩa là làm nên những cuốn gia phả song ngữ Hán - Việt. Cổ kim kết hợp.

- Sao bác không đánh vi tính? Máy vi tính vẫn có phần mềm tiếng Hán mà.

Tôi hỏi như thế khi bắt tay vào chép cuốn đầu tiên.

- Một cuốn gia phả đánh máy là một cuốn gia phả không có linh hồn. Khi người ta cầm cuốn gia phả chép tay này, với những chữ Hán viết tay này, người ta có thể cảm nhận được linh hồn tổ tiên, hơi thở của lịch sử dòng tộc trong đó.

Tôi không để tâm nhiều đến quan niệm của ông. Nó không cần thiết với tôi, cũng như mỹ học Hegel hay triết học Heidegger. Vả lại, nếu ông dùng vi tính, thì tôi làm gì có cơ hội để thoát khỏi những buổi phụ hồ.

- Cậu cũng thế. Khi ghi tiếng Việt dưới chữ Hán, cậu phải chú tâm. Làm việc gì cũng phải để tâm hồn vào thì công việc mới thực sự mỹ mãn.

Tôi cũng mặc kệ cái quan niệm này. Xét cho cùng, vô tâm hay có tâm cũng chỉ một triệu.

Những cuốn gia phả được chép theo lối viết chữ Hán, nghĩa là từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Tôi ghi phần tiếng Việt trước. Từng trang một. Xong, ông Vụ viết chữ Hán phía trên. Ngược đời vậy là vì ông sợ tôi chưa quen, sẽ làm hỏng các trang mà ông đã chép. Mấy ngày đầu, ông cứ bắt tôi viết đi viết lại.

- Chữ cậu đẹp. Nhưng cậu chưa chú tâm. Chép lại mấy trang này đi.

Ban đầu tôi ngậm bồ hòn làm ngọt, chép lại gần cả chục trang. Cổ tay mỏi đơ. Đến ngày thứ ba, tôi nổi cáu:

- Cháu thấy chép thế là được rồi. Đâu có vấn đề gì.

Ông bỏ bút, tháo kính, nhìn lên trời như tìm kiếm cái gì.

- Cậu sẽ chẳng đi tới bất kỳ đâu nếu còn suy nghĩ như thế.

Ông chỉ ra bờ rào:

- Nhìn bông hoa râm bụt kia. Sao nó đỏ thắm như vậy? Sao không phải là đỏ nhạt, hay hồng, hay tệ hơn là trắng bệch? Sao mỗi bông hoa râm bụt khi nở đều đỏ thắm?

- Vì hoa râm bụt thì đỏ, cũng như hoa lài thì trắng.

Tôi cù nhầy. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Không phải. Chúng chỉ có cơ hội nở một lần. Vì thế mà chúng luôn hết mình. Chúng luôn để tâm vào việc nở. Thế thôi. Nếu mỗi bông hoa có hai cơ hội để nở, thì chắc chắn lần đầu tiên bao giờ cũng rất tệ.

Ông lấy một tờ giấy thấm mỏng che lên trang gia phả đang chép, sau đó đặt cây thước chặn lên, rồi bảo:

- Nghỉ thôi. Ra ngoài hiên uống trà.


4

Hầu như trong suốt thời gian tôi và ông Vụ ngồi chép gia phả, cô gái biến đâu mất. Chỉ khi ông và tôi nghỉ tay thì mới thấy cô xuất hiện để pha trà. Hoặc buổi trưa ăn cơm thì cô ra dọn cơm. Cô cứ lẩn khuất như làn khói.

Sau một tuần thì tôi không còn bị ông thường xuyên bắt chép lại nữa. Không có nghĩa là tôi đã để hết tâm hồn vào đó. Thì tôi đã nói rồi, cũng không hơn một triệu. Nhưng tôi làm nghiêm túc hơn, ít nghĩ ngợi lan man, cố tập trung vào từng con chữ. Cũng vì thương cái tay. Mấy hôm trước, phải chép lại cả chục trang, cánh tay mỏi nhừ chả khác gì trộn một lúc tám bao xi măng để đổ bê tông.

Hôm đó, sau bữa cơm trưa, ông bảo:

- Chiều nay tôi đi có việc. Khoảng ba giờ thì về. Cậu cứ làm, nhé.

Tôi vâng. Rồi đi ngủ. Không gì sướng bằng mắc võng nằm dưới hai gốc xoài trong vườn. Nghe chim ríu rít. Gió đưa mùi nhựa thông hăng hắc. Tâm trí miên man theo những đám mây trôi vô tư lự. Và chìm vào giấc ngủ nhẹ bẫng.

Tôi dậy. Đánh răng rửa mặt. Ra bàn trà trước hiên, châm một bình trà. Cô gái đã để sẵn một phích nước sôi ở đó. Xong một tách trà, tôi vào phòng làm việc. Đây là cuốn thứ hai. Bên ngoài, trời bắt đầu chuyển giông. Có tiếng sấm ì ầm phía thượng nguồn sông Hương. Trời âm u. Tôi bật công tắc. Mất điện.

Đúng lúc đó thì cô gái xuất hiện. Như một làn khói.


5

Trong vườn có ao sen. Trên ao sen có thủy tạ. Đó là nơi ông Vụ uống trà mỗi sớm, hoặc đêm trăng. Ngồi đây có thể nhìn xuống sông Hương, thấy được những chiếc thuyền đi thả lưới. Tiếng gõ ván thuyền đuổi cá vang lên giữa không gian tĩnh lặng, xa vắng và lạ lẫm một cách đáng ngờ. Tôi e đó không phải là tiếng gõ ván thuyền, mà là âm thanh vọng đến từ thế giới khác.

Cô gái chỉ xuống dưới chân đồi, nơi những chiếc thuyền đánh cá ghé vào:

- Dưới đó là bến Yên.

Rồi cô ngồi lên chiếc đôn sứ bên bàn cờ tướng, nhìn tôi.

- Anh tên gì?

- Danh. Còn em?

- Em là Yên.

Tôi gật đầu. Yên. Bến Yên.

Chúng tôi hỏi chuyện dăm ba câu về tuổi, nơi học hành. Yên mới mười sáu.

- Em học trường nào?

Yên lắc đầu.

- Ông ngoại không cho đi học.

- Sao thế? Mà ba mẹ em đâu?

- Ba mẹ em đi từ rất lâu rồi. Ông ngoại nuôi em. Ông dạy em học. Ông bảo đến trường chỉ tốn thời gian, làm hại trí tuệ.

Yên cười. Nụ cười có lúm đồng tiền.

- Ông đúng là con người lạ lùng. Toàn những suy nghĩ lạ lùng.

Yên không nói gì, mải nhìn những giọt nước mưa bắt đầu rơi trên lá sen.

- Vậy em đã học những gì?

- Học cách thấy mình. Và thấy chữ.

- Học cách thấy mình?

Tôi trố mắt.

- Lạ thật đấy.

Yên nhìn tôi, cười bí ẩn.


6

Xong cuốn gia phả thứ hai thì ông Vụ cơ bản hài lòng. Chỉ thi thoảng tôi mới phải chép lại một tờ, do sơ suất đôi chỗ.

- Một sai sót rất nhỏ cũng có thể làm hỏng cả một cái gì đó lớn hơn rất nhiều.

Ông nghiêm khắc nhìn khi tôi bảo chỉ hỏng một chữ thì đâu cần chép lại cả một trang. Ông lắc đầu:

- Khoảng cách giữa ánh sáng và bóng tối không phải là mười hai tiếng đồng hồ, cũng không phải là nửa vòng trái đất, mà là một cái chớp mắt. Nhắm mắt, là bóng tối. Và chìm trong mê muội. Mở mắt. Là ánh sáng.

Tôi ngẩn người ra. Rồi cắm cúi chép lại cả trang gần một trăm chữ chỉ do dấu ngã của chữ “Nguyễn” chưa đạt yêu cầu.


7

- Sáng nay nghỉ.

Đó là buổi sáng chúng tôi chuẩn bị chép cuốn thứ ba. Nắng xuyên qua những tán lá, rọi lên mặt đất thứ ánh sáng thủy tinh huyền hoặc. Đâu đó trong vòm cây, một tiếng sơn ca cất lên, ngọt lịm như màu râm bụt.

- Cậu uống trà đi. Lát nữa tôi quay lại.

Tôi khẽ gật đầu chào ông, rồi ngồi xuống bên bàn trà trước hiên.

- Ông bảo anh sáng nay nghỉ à?

Yên từ trong nhà đi ra, nhìn theo ông Vụ, rồi nhìn tôi. Khuôn mặt Yên như vầng trăng vừa ló khỏi đường chân trời, rạng rỡ và thanh sạch.

Yên ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, châm nước sôi vào bình. Mùi trà ướp sen len vào khứu giác, thấm khắp châu thân. Tôi nhắm mắt tận hưởng hương vị dịu dàng ấy.

Nhấp ngụm đầu tiên, tôi hỏi:

- À, anh thắc mắc vì sao trưa hôm đó em lại tìm đến anh. Sao không phải ai khác?

Yên cười:

- Không phải ngẫu nhiên đâu.

- Là sao?

- Ông bảo đấy.

Tôi trợn mắt nhìn Yên.

- Ông bảo?

- Ông bảo trưa em đến đó, tìm một sinh viên đang ngủ. Anh ta che mặt bằng một cuốn sách của Hermann Hesse.


8

Tôi và Yên vừa hết một tuần trà thì ông Vụ quay lại.

- Xong rồi. Đi thôi.

Tôi ngơ ngác nhìn ông, rồi nhìn Yên. Yên gật đầu, mắt long lanh kỳ lạ.

Ông đi trước, tôi theo sau, Yên đi chót. Chúng tôi băng qua khu vườn. Đi một lát, quay lại đã chẳng thấy ngôi nhà đâu nữa, cây cối che khuất hết. Tưởng chừng khu vườn này không có giới hạn. Xung quanh yên tĩnh tuyệt đối, chỉ còn tiếng bước chân chúng tôi lạo xạo trên đám lá khô.

Gần đến cuối vườn thì có căn nhà nhỏ, tựa nhà kho, nhưng không phải, vì vẫn kiểu kiến trúc cổ tinh xảo và sang trọng. Ông tra chìa khóa. Tôi và Yên vào theo.

Căn nhà khá nhỏ, chỉ có một phòng duy nhất. Giữa phòng có một vật to được phủ bởi tấm vải trắng tinh. Tôi đoán là một bức tranh.

- Cậu ngồi xuống đây.

Ông chỉ cho tôi một cái ghế nhỏ. Tôi ngơ ngác nhìn Yên. Cô cười dịu dàng, mắt vẫn long lanh kỳ lạ. Tôi linh cảm mình sắp phải chứng kiến một sự tình chưa từng có. Yên cũng ngồi xuống, phía sau tôi. Cả ba đều im lặng.

Ông Vụ giở tấm vải trắng ra. Không như tôi đoán, không phải tranh, mà là một tấm gương lớn. Tấm gương có vẻ rất cũ, lớp thủy ngân đã bị oxy hóa, mờ đục. Tôi chỉ thấy loáng thoáng hình ảnh phản chiếu của ba người, trông mờ nhạt và kỳ dị vô cùng.

- Cậu có thấy gì trong gương không?

Ông quay lại. Tôi gật đầu:

- Có. Nhưng mờ quá.

- Thấy gì?

Gần như cả ông và Yên đồng thanh.

- Thì ba người. Nhưng rất mờ.

Tôi ngơ ngác. Lạ nhỉ. Sao họ lại háo hức muốn biết tôi thấy gì? Mà tôi có thể thấy gì ngoài hình ảnh phản chiếu của ba người, và bức tường phía sau?

- Được rồi.

Ông lấy tấm vải phủ lên tấm gương, và ra hiệu đi ra ngoài.

Trên đường quay lại ngôi nhà chính, cả hai người không nói gì. Còn tôi thì vẫn đang lùng nhùng trong những câu hỏi sau vụ việc kỳ cục vừa qua với tấm gương.


9

Từ sau hôm đó, ông Vụ bảo tôi chuyển hẳn vào trong phòng có tấm gương để làm việc. Buổi sáng, sau khi uống trà, tôi đem những tờ giấy mà ông đã chép từ chiều hôm trước vào trong phòng tấm gương, ngồi ghi tiếng Việt vào. Vậy là quy trình đã đảo ngược: ông chép chữ Hán trước, tôi ghi tiếng Việt sau. Ba ngày đầu của quy trình mới này, tôi chép lại rã cả tay. Và cả ông cũng vậy. Khi tôi làm hỏng một trang thì ông cũng phải viết lại một trang.

- Không sao. Dần sẽ quen thôi. Trong đó tốt cho cậu hơn.

Ông giải thích như thế. Tôi không hiểu tốt cái gì. Chẳng lẽ ông sợ tôi tán tỉnh cô cháu gái của ông. Tôi hoàn toàn không có tâm ý đó, và cũng chưa có biểu hiện gì bất nhã. Mà nếu sợ thì ông hoàn toàn có thể không thuê tôi nữa, đâu cần hình thức cách ly phiền toái đó. Tôi nghĩ mãi mà đoán không ra. Đành chặc lưỡi. Kệ. Ông ấy nói tốt cho mình thì chắc là không đến nỗi xấu. Dẫu sao không vì thế mà bị đuổi học hay bị ba mẹ cắt trợ cấp hằng tháng. Đó mới là hai việc đáng sợ nhất. Mà vào phòng tấm gương thì có vẻ không liên quan gì đến hai việc ấy. Vậy là tôi im lặng nghe theo.

- Nhớ thi thoảng nhìn tấm gương. Có gì mới thì báo cho tôi.

Ông Vụ căn dặn. Tôi vâng.

Sáng vào. Trưa ra. Ăn. Nghỉ. Rồi đem những tờ ông chép khi sáng vào. Năm giờ chiều ra. Về.

Nói gì thì nói, vào phòng tấm gương vẫn yên tĩnh và dễ tập trung hơn.

Thi thoảng tôi lại giở tấm vải lên để soi vào gương. Tấm gương dường như ít mờ hơn hôm mới vào đây.

Buổi chiều ba ngày sau, tôi nói với ông như thế, về tấm gương. Ông gật đầu:

- Nhưng đã thấy rõ hình cậu chưa?

- Chưa. Vẫn còn mờ lắm.

- Tôi biết rồi. Cứ tiếp tục nhé.


10

Mỗi đêm về nhà, tôi đọc sách khoảng một tiếng đồng hồ. Từ bảy giờ đến tám giờ. Khi tivi chủ nhà báo hết thời sự là tôi đạp xe qua chỗ thầy Lưu. Đến, lặng lẽ pha trà, ngồi uống một mình. Thầy Lưu có thể đang tụng kinh, hoặc cặm cụi chú thích cho một cuốn sách Phật học. Đôi khi thầy dừng việc ghi chép, hỏi han vài câu. Rồi ai lại việc nấy. Thường đến chín giờ thì tôi về.

Sáng lên, tôi lại vào phòng tấm gương. Vào đây, chỉ cần khép cửa lại là mọi âm thanh bên ngoài tắt hẳn. Không còn nghe tiếng gõ ván thuyền, tiếng chim hót, tiếng gió thông reo. Chỉ còn tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy. Và hơi thở chính mình.

Chữ của ông Vụ phải nói là đẹp. Quen thầy Lâm, tôi có được nghe thầy nói về thư pháp. Vì thế, khi nhìn những nét chữ của ông Vụ, tôi cứ lặng người. Những nét bút dường như không gắng sức. Nhẹ nhàng. Tựa mây.

Đến buổi sáng thứ bảy kể từ khi vào phòng tấm gương thì tôi hiểu. Việc của tôi là đừng làm hỏng những nét chữ ấy. Thế thôi. Ông Vụ đảo ngược quy trình là nhằm mục đích ấy.

Tôi nhắm mắt. Nghĩ về bầu trời xanh.

Nhắm mắt. Tôi nghĩ. Về những đám mây.

Vẫn nhắm mắt. Và tôi nghĩ. Về gió.

Suy nghĩ của tôi dừng lại ở những ngọn gió.

Hơn mười hai giờ trưa tôi mới hoàn thành ba trang.

Khi đặt trước mặt ông Vụ, ông nhìn tôi.

Gật đầu.


11

Đã giữa tháng bảy. Ông Vụ bảo tôi hết tháng phải hoàn thành cuốn này.

Mọi việc đã trở nên suôn sẻ. Chỉ có hai lần tôi và ông buộc phải chép lại do tôi vừa chép vừa nhìn vào tấm gương. Sự tình cũng không nghiêm trọng lắm.

Hình như nhờ có hơi người mà tấm gương trở nên sáng hơn, trong hơn. Ngày qua ngày, ngồi đối diện tấm gương để chép những trang gia phả, tôi đã có thể nhìn rõ hơn hình ảnh mình phản chiếu trong đó. Tuần đầu tiên vẫn mờ. Sang tuần thứ hai thì thấy rõ dáng người, tuy nhiên những chi tiết trên cơ thể vẫn còn nhập nhòe. Sang tuần thứ ba đã thấy rõ những ngón tay, chiếc cúc áo, mấy sợi tóc lòa xòa trước trán.

Cuốn gia phả cũng đã được hơn hai phần.

Những ngày cuối tháng bảy, tôi hầu như không có thời gian để nhìn vào tấm gương thường xuyên nữa. Còn gần cả trăm trang. Mỗi ngày tôi và ông phải chạy đua cho kịp hẹn với người ta.

Hai ngày cuối tháng bảy, còn hơn mười trang. Chúng tôi giảm tốc độ. Thi thoảng tôi vẫn có thể nhìn vào tấm gương. Bây giờ đã thấy rõ khuôn mặt tôi, với đôi mắt dài lúc nào cũng như lim dim, cái mũi thấp, cái miệng mím buồn bã, và nốt ruồi dưới cằm.

Lúc bốn giờ chiều ngày cuối tháng bảy, hoàn thành trang cuối. Tôi thả bút, ngả người ra ghế tựa, vung tay cho đỡ mỏi. Và nhìn vào tấm gương.

Trong gương phản chiếu rõ mồn một cả hình dáng và khuôn mặt tôi. Tấm gương đã sáng trong trở lại. Gần như là một tấm gương mới. Tôi đứng lên, lại gần. Soi mặt vào. Thậm chí tôi có thể thấy rõ trong đôi mắt tôi trong tấm gương phản chiếu rõ hình ảnh tôi đang đứng ở trước gương.

Tôi cười, gật đầu chào. Tôi trong tấm gương cũng cười và gật đầu. Và tôi trong đôi mắt tôi trong tấm gương cũng thế.


12

Buổi sáng đầu tháng tám, trong khi uống trà, ông Vụ khen:

- Cậu đã làm rất tốt. Thật sự là tôi ngạc nhiên. Mặc dù đã chủ ý tìm cậu nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi thấy cậu làm tốt, mà làm nhanh như thế.

- Anh ấy còn nhìn vào được trong gương nữa chứ.

- Đúng vậy. Đó là một kỳ tích.

Tôi hoàn toàn không hiểu hai ông cháu họ đang nói gì. Nhìn thấy mình trong gương thì có gì là kỳ tích?

Yên cười. Lúm đồng tiền.

- Anh không biết đó thôi. Rất ít người có thể nhìn thấy mình trong tấm gương đó. Không chỉ là không nhìn thấy mình, mà họ còn không thể nhìn thấy gì hết.

Ông Vụ gật đầu. Tôi vẫn hoàn toàn ngơ ngác.

- Có lẽ cậu còn chưa hiểu hết điều gì đã xảy ra với cậu trong gần hai tháng qua. Nhưng thôi. Cái gì đến sẽ đến.

Ông Vụ ra dấu cho Yên. Cô vào trong nhà, đem ra một cuốn sách và một phong bì.

- Tôi gửi tiền tháng bảy cho cậu. Và một cuốn gia phả nữa, cậu đem về xem trước. Tôi và cháu Yên phải đi xa có việc. Chừng một tháng nữa mới về. Trong thời gian đó, cậu cứ xem trước cuốn này. Khi nào thấy được thì lên tìm tôi.

Yên đi theo tôi ra đầu ngõ. Ráng trời nhuộm tím vạt đồi. Nhuộm tím cả một khúc sông. Người đánh cá nằm ngủ mơ màng trong bóng chiều, mái chèo thõng vào dòng nước. Đâu đó, những quả thông rơi lộp độp.

- Anh cố gắng nghe. Kẻo trễ.

Yên cười. Vẫn lúm đồng tiền. Tôi gật đầu rồi lên xe. Vẫn chưa hiểu hết lời Yên. Trễ? Sao lại trễ?


13

Thầy Lưu hỏi con xong việc trên ấy rồi à. Tôi đáp chưa. Thầy thế à, rồi im lặng ghi chép. Tôi nhấp ngụm trà, bâng quơ nhìn bức tranh vẽ Tổ Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc dép. Tôi muốn hỏi thầy đó là chiếc dép trái hay chiếc dép phải. Nhưng thầy chăm chú quá, tôi lại thôi. Tôi nhấp một ngụm trà. Tiếp tục nhìn bức tranh. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đang đi. Tôi cố suy đoán nhưng không biết Ngài đi về hướng nào, đông - tây - nam - bắc. Theo lời thầy Lưu thì sau khi gieo hạt giống Thiền trên đất Trung Hoa, Tổ quảy một chiếc dép đi về hướng tây. Nhưng nhìn bức tranh này sao biết? Hay đông - tây - nam - bắc cũng chỉ là một? Hay thực ra không có đông - tây - nam - bắc, mà chỉ có một con đường? Hay thực ra không có con đường nào cả, Tổ chỉ làm việc đơn giản là quảy một chiếc dép mà đi? Hay thực ra Tổ không đi, mà chỉ là đứng đó, với cây gậy và chiếc dép bất hủ trên vai?

Mấy đêm rày, đêm nào tôi cũng đến thầy Lưu. Không phải vì tôi rảnh rỗi. Năm học mới đã bắt đầu. Lại sách vở, giáo trình, thảo luận, bài tập lớn bài tập bé bài tập choai choai… Năm học mới lúc nào cũng xôn xao như đám cưới ngoài ngõ. Cho dù không liên can chi tới ai mà ai cũng vội vội vàng vàng. Nói thế nghĩa là tôi không rảnh rỗi. Nhưng đêm nào tôi cũng đến thầy Lưu. Pha trà, ngồi nhìn thầy, rồi nhìn chiếc dép trứ danh của Tổ Đạt Ma, hoặc nghe thầy Lưu tụng kinh Hoa Nghiêm. Rồi về.

Tôi hoàn toàn không rảnh rỗi. Mà thực ra tôi đang bối rối. Bối rối kinh khủng. Thậm chí là bế tắc.

Cuốn gia phả mà ông Vụ đưa cho tôi hồi đầu tháng tám và bảo tôi khi nào thấy được thì lên gặp ông, cuốn gia phả ấy không hề có một chữ nào.

Chỉ toàn giấy trắng.


14

Suốt nửa tháng trời tôi quay quắt với cuốn gia phả. Ban đầu tôi nghĩ ông Vụ hoặc Yên nhầm. Nhưng rồi tôi nhớ lại lời ông Vụ: “Khi nào thấy được thì lên tìm tôi”. Tôi lại nhớ buổi chiều mưa giông nói chuyện với Yên. Học cách thấy mình. Và thấy chữ. Đến lúc đó thì tôi chắc chắn ông Vụ và Yên không nhầm. Hẳn cuốn gia phả trắng này có một bí ẩn.

Tôi nhờ mấy đứa bạn bên khoa Hóa tìm một số hóa chất để có thể khiến giấy trắng hiện ra chữ. Tôi đoán ông Vụ chơi khăm bằng cách viết một thứ mực đặc biệt nào đó, phải đọc dưới ánh sáng như thế nào đó, hoặc dùng hóa chất hoặc hơ lửa hoặc nhúng nước, nhúng dấm thì mới hiện lên chữ.

Nhưng tôi thử mọi cách đều không được.

Rõ ràng là giấy trắng. Không có gì khác trên đó.

Khi nào thấy được. Khi nào thấy được. Là sao?


15

Thầy Lưu đi vắng hơn một tuần. Tối nào tôi cũng đến tìm nhưng không gặp. Không hiểu sao tôi nghĩ thầy có thể cắt nghĩa tất cả những chuyện xảy ra từ khi Yên tìm tôi trên đàn Nam Giao đến cuốn gia phả không chữ này.

Tối chủ nhật, mưa tầm tã, tôi ướt sũng đứng đợi trước ngõ. Lúc đó khoảng hơn mười giờ đêm. Tôi cảm thấy rất mệt. Nhưng vẫn gắng đợi. Đêm nay thầy sẽ về. Tôi tin thế. Người tôi nhún lạnh nhưng da thịt nóng phừng, môi khô rốc. Mắt mờ dần. Tai ù đi. Rồi tôi thấy thầy Lưu về. Thầy vỗ vai tôi:

- Đứng mãi dưới mưa, thể nào cũng ướt.

Tôi theo thầy vào nhà. Thầy đưa khăn cho tôi lau. Pha trà. Rồi lặng lẽ nghe tôi kể. Khi tôi dứt lời, thầy Lưu vẫn im lặng. Tôi cũng im lặng. Mất điện. Thầy thắp nến. Tôi ngồi nhìn ngọn nến nhảy nhót. Thầy nhìn ra cửa sổ. Ngoài kia mưa.

Một lúc lâu sau, thầy khẽ khàng:

- Đó là việc chỉ của riêng con. Thầy không can dự vào được. Mà cũng không ai can dự vào được.

- Ngay cả một lời khuyên?

Thầy im lặng nhìn tôi.

- Hoặc một lời giải thích?

Thầy cười độ lượng, và lắc đầu:

- Cũng không.

Im lặng một lát, thầy Lưu nhìn tôi, bảo:

- Từ mai con đừng đến tìm thầy nữa, nghe.

- Sao thầy?

Tôi giật mình. Nhìn sững.

- Đúng ra thầy đã đi. Nhưng vì con tìm nên thầy quay lại.

Tôi há hốc mồm. Làm sao thầy đã đi mà vẫn biết tôi tìm thầy?

- Thầy biết.

Thầy Lưu nhìn tôi dịu dàng.

- Thầy không giúp gì được con. Nhưng thầy vẫn về. Để bảo con là không thể đứng dưới mưa mãi được. Sẽ ướt. Muốn khô thì phải về nhà. Nghe con.

Tôi nhìn thầy, chưa kịp hiểu hết những lời ấy, thì thầy bảo:

- Có cái này cho con.

Thầy chìa tay ra. Tôi đưa tay đón lấy. Nhưng quái, sao tôi với mãi mà vẫn không chạm được tay thầy. Tôi nhoài người qua bàn, cố rướn về phía thầy, mắt ngước lên cầu cứu. Nhưng khi tôi nhìn lên thì không thấy thầy đâu cả. Chỉ thấy chính hình ảnh của tôi trong tấm gương. Hình ảnh trong gương nhìn tôi, cười và gật đầu chào. Tôi ngã sấp mặt xuống bàn uống trà.

Khi tôi giật mình tỉnh dậy thì trời đã tang tảng sáng. Cả cơ thể tôi lùng nhùng trong tấm áo mưa. Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Cái cổng này, những vũng nước này… Bần thần đứng dậy, đầu óc nặng trĩu, tôi cố nhớ lại đêm qua. Rõ ràng tôi đã vào trong ngôi nhà của thầy Lưu. Sao bây giờ lại tỉnh giấc trước cổng nhà thầy?

Chẳng lẽ đêm qua tôi đã ngủ gục trước cổng và mơ?


16

Tôi sốt miên man suốt hai ngày sau khi tỉnh giấc trước cổng nhà thầy Lưu.

Khi cắt cơn sốt, tỉnh dậy đã thấy đồng hồ điện tử trên tay chỉ ngày ba tháng chín. Tròn một tháng kể từ khi nhận cuốn gia phả. Có lẽ họ đã về.

Tôi nhét cuốn gia phả vào túi xách, khoác lên vai rồi cắm đầu đạp xe đi. Tôi muốn tìm họ để nghe giải thích mọi chuyện. Trò đùa này phải kết thúc. Dù hơi muộn.

Qua đàn Nam Giao. Lên dốc. Rồi đổ dốc. Rẽ phải. Gặp đồi thông. Vào một con đường nhỏ len dưới những tán thông xanh rì. Qua ba bốn khúc ngoặt gì đó, hiện ra một ngõ trúc um tùm. Tôi thở phào. Nhìn.

Trước mắt tôi không có ngôi nhà nào cả, mà là một khuôn đất toàn trúc. Xanh nghít. Không một dấu tích cho thấy nơi đây đã từng có một ngôi nhà. Những lùm trúc này chí ít cũng đã được vài ba năm.

Tôi thả chiếc xe ngã kềnh ra đất. Trợn tròn mắt. Mồ hôi lạnh chảy dọc xương sống.

Sau mấy phút đứng sững sờ, tôi giật mình lấy túi xách ra khỏi vai. Ít nhất còn cuốn gia phả để chứng minh tất cả những chuyện này không phải là một giấc mơ.

Tôi run run lật từng trang gia phả, hy vọng thấy được gì trong đó. Biết đâu, một phép lạ sẽ xảy ra. Khi tôi thấy chữ trên những trang giấy trắng, ông Vụ và Yên sẽ từ trong vườn trúc bước ra, bảo tôi hoa mắt hay sao mà không thấy ngôi nhà, không thấy họ.

Lật tới lật lui tập giấy gọi là gia phả đó vẫn không thấy được gì. Toàn giấy trắng.

Tôi ngước nhìn bầu trời Huế xanh rợn. Cảm giác trống hoác trong người.

Ông Vụ ơi, Yên ơi! Cuốn gia phả không chữ này là của dòng họ nào?

Dòng họ ông?

Dòng họ tôi?

Hay là gia phả của những đám mây từ thời tiền sử?


17

Tôi chơ vơ giữa buổi sáng đầy gió. Bầu trời trên kia vẫn xanh rợn.

Toàn thân run rẩy, tôi khuỵu xuống.

Đúng lúc đó thì tập giấy trở nên nhẹ bẫng.

Như không. Như không.

Tôi nhìn.

Trên bàn tay, một sợi khói xanh lam buồn bã bay lên.

Tôi thẫn thờ dõi theo.

Cuốn gia phả không chữ trong tay tôi đã biến thành một sợi khói xanh lam. Từ từ bay lên. Buồn bã bay lên. Bỏ lại tôi chơ vơ giữa đất trời mông quạnh.

Sợi khói xanh lam cứ bay cao dần, cao dần. Rồi tan trong nắng sớm.

Như không. Như không.

H.N
Nguồn: Báo Văn Nghệ







 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Gió heo may (27/03/2014)
Kẻ dự phần (25/03/2014)
Nguyệt thực (17/03/2014)