Tác phẩm hay
Người lau kính
14:07 | 28/04/2014

DẠ NGÂN
    Truyện ngắn

Khách sạn ba sao xinh nhỏ, từ khung cửa lưng chừng, Thiêm nhận ra một góc Sài Gòn ở Washington D.C. Nắng đầu tháng Năm dịu dàng, những ngày hội hoa anh đào rộn ràng ở đâu đó bên bờ Potomak và những nóc phố đặc trưng kiến trúc Mỹ.

Người lau kính
Nhà văn Dạ Ngân

Transit ở Bắc Kinh, bước vào chiếc Boeing hai tầng, xuyên đêm qua Thái Bình Dương rồi lại xuyên đêm từ bờ Tây sang bờ Đông, nhưng chị không muốn nằm xuống để chợp mắt. Không có bồi hồi – thủ đô nước người xa lạ và oai vệ. Không lâng lâng vui như khi đến Paris vì nước Mỹ trong lòng Thiêm khác với nước Pháp. Khi được hỏi cảm giác của một nhà báo cựu binh về cuộc chiến hai mươi mốt năm ấy, Thiêm thường trả lời: “Cảm giác là người Mỹ giàu quá và nhiều vũ khí tối tân quá”. Không phải lời khen mà là nỗi ám ảnh ngày một xuyên suốt. Chiến tranh là trò chơi quái gở nhất của con người với nhau và một nước quá nghèo đối đầu một nước quá giàu, cuộc vật lộn ấy biến thành trò chơi dưới địa ngục.

Chính vì vậy mà Thiêm chưa định nghĩa được cảm xúc của mình khi một sớm mai, ngồi ở đất nước cựu thù ngắm nhìn một góc thủ đô của họ và bỗng nhận ra một chút Sài Gòn.

Đã biết cà phê Đức không có điểm chung với cà phê Việt vẫn còn pha theo kiểu Pháp, nhưng cà phê sẵn ở khách sạn của Mỹ thì tệ thật. Bữa sáng tự túc qua loa, Thiêm bước ra cầu thang. Loáng thoáng những người đàn ông đàn bà Mỹ đen sậm ở góc này góc kia, với những công việc bé mọn. Những ông bạn Việt kiều từng là người “bên kia chiến tuyến” với Thiêm căn dặn: “Đừng hỏi tuổi phụ nữ dù là đàn bà với nhau và đừng có nhìn chằm chằm nếu thấy người ta đen quá. Tổn thương họ đấy”. Thiêm nghĩ, một quốc gia phải có luật về phân biệt chủng tộc thì cũng chứng tỏ rằng họ đã từng phân biệt chủng tộc đến mức nào.

Vé nghỉ không có bữa sáng, không thể ngồi chờ trong phòng bar kia được, Thiêm sãi bước ra ngoài, máy ảnh lăm lăm trong tay. Những thành viên khác trong đoàn chưa ai ra khỏi phòng như Thiêm. Đường phố khi trực diện với nó lại không giống như lúc ngồi bên cửa sổ khách sạn. Ngăn nắp, đường bệ và tuyệt đối xa lạ. Gió hun hút dài như Hà Nội áp Tết. Một lần Thiêm ngắm Washington D.C từ trên bản đồ và thấy những khối phố như những đội quân, cây lá còn không được phép cao hơn chúng. Nó làm nên sự vững chãi và uy lực của một trung tâm thực sự có tên là sức mạnh Mỹ.

Quay lại sảnh chờ, Thiêm nhận ra sau lớp kính trong veo có một người đàn ông da vàng đang dõi theo chị. Không gì khiến ngạc nhiên và vui mừng hơn. Rõ ràng một người Việt không lẫn với người Nhật hay người Tàu hay người Hàn được. Nhất là người đó đang làm cái việc lau kính. Những con dân của những nước Thiêm vừa kể ít khi chọn công việc bấp bênh này. Đơn giản vì Nhật và Hàn thì giàu có và người Tàu lại không sống lẻ và đậm máu con buôn.

“Dạ, cô mới ở bên nước qua?” – giọng miền Tây đồng hương với Thiêm cùng với vẻ lễ phép mực thước và có phần thái quá.

“Ông anh sang khi nào, làm việc này lâu chưa? Nhà cửa của anh có gần đây không?”

Người đàn ông giới thiệu mình là P, sang Mỹ muộn, vì con đông và có tuổi nên phải đi làm việc này thay vì học lại hoặc học lên. Thiêm để ý đến ánh mắt, sao chúng thường trực láo liên, như thể thói quen và như thể đối phó. Cuối cùng, người đàn ông  kéo Thiêm ra xa chiếc cửa đang lau, nói vội:

“Xin lỗi cô, giờ làm không được phép dừng lại nói chuyện riêng. Với lại xin cô đừng chụp ảnh tôi, đừng in báo gì cả. Tôi biết vừa có đoàn nhà báo bên nước sang và sẽ lưu lại đây ba ngày mà”.

Miệng thì nói vậy nhưng khi quay lại với công việc, P vẫn khiến cho Thiêm muốn trò chuyện thêm nữa với ông ta. Không phải để cho một bài báo nào. Như giữa hai người đã có một sợi dây, không dứt ra được. Hẳn ở đây không như ở Cali, nơi ra đường là có thể chạm người Việt. ở đây bao la và nghiêm cẩn, có lẽ là một thủ đô ít nụ cười nhất thế giới. Paris trau chuốt mà vẫn đời thường hơn. Tay P thoăn thoắt một cách chuyên nghiệp, như một cỗ máy, nhưng vẻ mặt long lanh của ông ta không rời khỏi Thiêm càng xác nhận với chị nhận định trên. Chị chủ động quay lại với P.

“Tôi có thể dùng thẻ đeo trên cổ đây xin phép sếp anh cho chúng ta nói chuyện một lát, há?”

P xua tay quầy quầy:

“Cảm ơn cô nhưng đừng làm vậy. Tôi không chỉ sợ sếp bắt gặp đâu. Nói chung rất phức tạp. Tôi đứng từ xa nhìn cô như vầy cũng vui rồi. Cô đi với đoàn của cô đi, tôi thấy có mấy người họ xuống rồi kìa”.

Ngập ngừng vui, ngập ngừng buồn, P cho thấy như vậy và Thiêm cũng thấy không ra làm sao cả. Mấy nhà báo trẻ trong đoàn thấy một người Việt trong sân khách sạn cũng lao tới và chụp ảnh. Nhưng P đã giơ tay cáo lỗi rồi đi vào bên hông khu nhà và khuất hẳn. 

*

Làm việc thông tầm, tham quan và tham quan, ở đâu cũng lồ lộ một xã hội kỷ cương, chuyên nghiệp. Tối đó, Thiêm đưa mắt tìm P ngay khi xe vừa đổ đoàn xuống cổng khách sạn. Một phụ nữ da đen đã thay vào chỗ của P. Chị nghĩ, họ làm theo ca. Chị thấy buồn như vừa thoáng gặp một người bà con thì bỗng dưng người đó đã lại mất hút, chưa biết phải tìm sao đây.

Sáng sớm, lại món cà phê không khen nổi, Thiêm lao xuống tầng dưới ngay. Vẫn không thấy P. Người phụ nữ da đen cho biết, P làm ca chiều, tối có thể nhìn thấy nếu muốn, còn gặp để trò chuyện thì không được đâu, bị đuổi việc đấy. Thiêm bần thần, nghiêm với nhau đến mức đó thì ở Việt Nam sẽ không hiểu nổi. Cũng phải thôi, xứ lạ quê người, mình không biết phận thứ dân để lo giữ mình thì sao người ta tôn trọng mình được. May sao vừa chạm đất Mỹ, chị đã nhìn thấy một người Việt với một công việc tầm thường cụ thể để có thể hình dung và khái quát về những đồng bào xa xứ của mình.

Lại một ngày kín lịch. Không có thời gian để đi dạo lẻ hay đi nhóm tìm một chỗ ăn vừa với túi tiền nữa. Bắt đầu thấy thấm thía cường độ công việc ở một xã hội công nghiệp triệt để. Tối đó, với bữa ăn trưa của riêng mình còn phân nửa trong túi xách, Thiêm bước ngay vào thang máy, chỉ muốn ngã vật ra trong lúc chờ nước trong bồn. Một xấp báo free ngoài cửa, ảnh hai ứng viên tổng thống đang hồi nước rút choán gần hết những trang bìa. Tivi la liệt những tin tức về họ. Cung cách bầu bán ở họ giống như những ban nhạc, lôi cuốn và hơi diễn. Thu hút nhưng vẫn rõ rệt cảm giác xa lạ dù ai ngồi vào Nhà Trắng thì cũng gây ảnh hưởng cho thế giới, chị nghĩ đi nghĩ mãi như vậy và cứ bất giác thở dài.

Bây giờ, nếu được phỏng vấn nhanh về nước Mỹ, Thiêm sẽ trả lời ngay: cà phê chết tiệt nhưng rest room thì ở đâu cũng tuyệt vời. Có tiếng gõ cửa bất ngờ. Ban đầu rụt rè, sau khá dồn dập. Đinh ninh là ai đó trong đoàn ở những tầng khác, nhưng Thiêm đã vô cùng kinh ngạc khi P lách vào. Ông ta có cách lách vào một cách hết sức chuyên nghiệp và chuyên nghiệp một cách khả nghi. Đầu hói, người thấp nhỏ, bước chân của mèo và bộ dạng hay mắt trước mắt sau, nếu đang ở bên nhà chắc Thiêm sẽ nghiêm mặt cảnh giác. P hạ giọng lào thào:

“Cô thông cảm, tôi vào với khách mà sếp bắt được sẽ rất phiền. Nhưng mai là ngày tôi nghỉ làm và chiều cô cũng rời đây rồi. Tôi muốn ngồi một lát với cô, cô có phiền không?”

Chao ơi, ngữ điệu và lời lẽ sao mà khác với bộ dạng của ông ấy như vậy. Thiêm cảm động không nói nên lời. Hình như trong đoàn chỉ có mình chị là có vinh dự này. Vinh dự được tiếp riêng một người đồng hương mà bên ngoài cánh cửa này, đứng lại bên nhau một lát còn khó. Chị ấn nhẹ người đàn ông tội nghiệp xuống ghế, ân cần:

“Không sao đâu, không ai biết chúng ta đang trò chuyện đâu. Bạn bè tôi cũng sẽ không viết bài không in ảnh của anh đâu. Nhưng tôi phải biết, trước khi di tản anh làm gì, còn trước đó nữa, anh có tham gia gì trong chế độ cũ không?”

Không thể không hỏi ra những điều đó, thái độ của Thiêm vừa như van nài, vừa như khuyến khích. P ngồi thu tay vào hai đầu gối trong salon, gượng gạo:

“Thấy cô có tuổi trong đoàn, tôi nghĩ cô có vị thế trong giới của cô. Vì vậy tôi cũng không muốn giấu. Hồi trước tôi làm mật thám, tôi cải tạo về nhưng sau đó lại không muốn đi hắt-ô. Cha yếu mẹ già vợ dại con nhỏ. Lần chần hoài mới đi, qua đây cái gì cũng muộn. Công việc này là mấy đức cha bên Hội thánh tìm cho đó chớ”.

Thì ra là vậy. Bước chân của mèo, cách đi lách kín và giọng nói thì thào này có phải là do thời kỳ làm mật thám hay là do cải tạo lâu và cuộc sống lên bờ xuống ruộng mà nên? Thiêm không kể về mình, chị sợ P thấy ngại và thêm mất tự tin. Ba chị bị tù do mật thám chỉ điểm rồi chết trong nhà tù Côn Đảo, một bầy chị em chị mồ côi bỗng dưng thành đối phương của những người như P. Bên này và bên kia có khi thuần túy chỉ vì đường ranh địa lý hay chuyện thù nhà. Trong gia tộc chị cho đến giờ vẫn không có tiếng hát và nụ cười. Ngày chiến thắng ai được chứ nhà chị được gì, chồng chị gái chết, chồng của em gái chết, nếu kể ba của chị nữa thì cả thảy ba người đàn ông trên bàn thờ, những người sống sót sao còn muốn cười muốn hát. Nhưng chị đang ngồi đây, nói theo ngôn ngữ báo chí quê nhà là “ngồi giữa lòng nước Mỹ” và đang nghe một gã cựu mật thám bày tỏ về mình. Có trái khoáy nào hay hơn nữa không? Hay cuộc đời là những cái chớp mắt, không nhanh tâm hóa giải để hận thù nó gặm nhấm mình thì rồi cũng sẽ gặp nhau ở dưới hỏa ngục, lúc ấy làm lành với nhau có cần nữa không?

Chị nói thật lòng:

“Dù anh và tôi đã từng như thế nào thì tôi và anh đã vui mừng xiết bao khi gặp mà chưa biết gì về nhau cả. Tôi mừng cho anh chị và các cháu. Tương lai của các cháu sẽ được đảm bảo ở đây. Muộn còn hơn không anh à.”

P đã có vẻ cởi mở hơn:

“Tôi có tới bảy đứa con, còn hai đứa có công việc bên đó nên tụi nó không chịu qua. Tôi tính năm năm dành dụm rồi về quê một lần. Nhớ con nhớ đủ thứ cô ơi.”

Chúng tôi nhìn nhau trong im lặng. Người Việt mình hay cười và cũng hay khóc. Khóc thầm, khóc riêng và khóc cùng nhau. Cười để vượt biển dâu mà khóc cũng vì biển dâu. Hết cuộc này đến cuộc khác, hết tự chia cắt thì lại bị các nước lớn ngồi lại bàn chuyện cắt chia. Và mỗi dòng họ lại phải chia cắt, do trăm nghìn lý do hiểu được và không hiểu được.

P nhìn đồng hồ trên tay và dợm đứng lên với một cái gói lấy ra từ sau lưng. Ông ta đem theo một cái gói gì mà nãy giờ Thiêm không phát hiện ra? Kỹ năng kín đáo của P thật đáng khâm phục. P đưa cái gói ấy bằng cả hai tay cho Thiêm, giọng run run như một đứa trẻ:

“Có một chút quà Mỹ để cô mang về. Sô cô la thôi mà. Cô đừng từ chối, tôi thấy quý cô, không vì cái gì cả. Cô phải nhận cô à”.

Thiêm xiết lấy người đàn ông cựu thù và thấy lòng mình tràn ngập hân hoan, ngậm ngùi. Chị nói nói nhanh:

“Mong anh chị khỏe mạnh, làm được nhiều tiền để thi thoảng về nước”.

“Tôi về chớ nhưng chắc là không bao giờ gặp được cô. Cô biết vì sao tôi không muốn cô chụp ảnh và viết báo không? Là vì tôi còn muốn đi về, bên này nhiều người Việt không thích báo chí bên nhà, tôi mà chường lên thì có về sẽ khó có trở lại đó cô”.

Thiêm không nói gì thêm. Chị kéo người đàn ông đứng lên, ra hiệu đi phía sau để chị mở cửa “trinh sát” đã. Nếu đang ở giữa sân làng bên nhà và đang trong một ngày hội nào đó thì kiểu dắt tay này sẽ bắt đầu một trò chơi xưa cũ hay một điệu nhảy dân gian ngẫu hứng. Chắc là rất vui, vui tràn, tưng bừng, hể hả. Nhưng đây là xứ người, với những lề luật nghiêm ngặt. Chị thò đầu ra cửa quan sát, khẽ reo an toàn rồi. P lách ra, ngập ngừng, đi bằng bàn chân như nhón gót. Chị bước ra hẳn ngoài hành lang vắng để nhìn theo người đàn ông ấy. Đầu hói, thấp nhỏ, vai trĩu và già nua, một người muộn vậy thì nhập cư khó nhọc thế nào và lau kính bao lâu thì phải giải nghệ? Sống được còn khó nói chi đủ tiền đưa vợ đưa con về thăm quê nhà.

Chuyến đi mới có hai ngày mà đã trĩu nặng tâm tư, Thiêm thở dài bước trở vào và gieo mình xuống ghế. Bao giờ thì chính người Việt của mình mới thực sự từ bi hỉ xả với nhau, bao giờ?

D.N
Nguồn: Báo Văn Nghệ







 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Bến yên (24/04/2014)
Gió heo may (27/03/2014)
Kẻ dự phần (25/03/2014)
Nguyệt thực (17/03/2014)