Tác phẩm hay
Những đổi thay trên đất Phật
09:26 | 14/05/2014


HỒ ANH THÁI

Những đổi thay trên đất Phật
Năm 1992 ở Lumbini, tác giả đứng giữa bạt ngàn lau trắng

Về lại nơi cây bồ đề

Tôi đến Boddhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) lần đầu năm 1990. Đầu năm 2006 trở lại là sau mười sáu năm. Bao nhiêu đổi thay trong suốt bằng ấy năm trời. Trở lại vùng đất thánh, lại là nơi lưu giữ những kỷ niệm của chính mình, mỗi bước đi là một bước ngỡ ngàng.

Lần đầu đến đất Phật, tôi chưa biết có chùa Việt Nam trong quần thể chùa chiền Phật giáo các nước. Đi như mọi người du lịch bụi. Giữa mùa hè đổ lửa, Boddhgaya quả là một chốn bình yên. Lượng khách thăm viếng vừa đủ làm sinh động cho di tích. Bóng mát cây bồ đề giác ngộ vừa đủ làm cho du khách muốn nán lại nương náu, tựa lưng vào hàng rào đá có từ thời hoàng đế Ashoka, để cho cái mát lạnh 2.200 năm truyền sang mình. Bình yên, sạch sẽ, đủ mát trong bóng râm để chống chọi cái nắng hè gay gắt xứ Ấn.

Một năm sau, 1991, tôi trở lại. Vẫn là anh du lịch ba lô, không phải là Phật tử hành hương. Thế thì điều gì thôi thúc tôi trở lại, cả tiểu lục địa Ấn Độ mênh mông còn bao nhiêu điều cần khám phá? Có lẽ vì yêu thích quá cái không khí thanh bình an lạc của đất Phật. Cũng là nhân đó đi một vệt thánh địa Phật giáo ở vùng đông bắc Ấn: đến thăm Nalanda, nơi vẫn còn dấu tích trường đại học Phật giáo đầu tiên mà thầy Đường Tăng đã theo học và lưu lại giảng dạy trong một chuyến đi những mười sáu năm trời; thăm Rajgir mà trong kinh Phật gọi là thành Vương Xá, nơi Phật và tăng đoàn lưu trú trong khu rừng trúc vào mùa mưa, nơi có núi Linh Thứu, Phật đã ngồi thiền ở chân núi và Devadatta muốn sát hại Người bằng cách lăn một hòn đá từ trên cao xuống... Bao nhiêu dấu tích còn đó. Những chứng tích lịch sử của nhiều truyền thuyết bi hùng. Chuyến đi này càng đặc biệt khi tôi gặp một nhà sư Ấn Độ, được ông cho biết ở Boddhgaya cũng có chùa Việt Nam. Thực sự là một phát hiện. Ngôi chùa tách hẳn ra một phía khác, không co cụm vào cùng quần thể với chùa Nhật, chùa Thái, chùa Tây Tạng, Miến Điện, Trung Quốc... chính vì thế năm trước tôi đã đến Boddhgaya hẳn hoi mà không biết có chùa Việt Nam.

Lối vào VN Phật Quốc tự ở Lumbini


Ngay buổi chiều hôm ấy, tôi tìm đến chùa Việt Nam. Mới chỉ là một tòa nhà ba tầng hơn hai chục căn phòng, thiết kế cho một học viện Phật giáo trong tương lai. Tòa nhà bề thế nổi bật lên giữa một khuôn viên khoảng 4 hecta, một vườn cây và những ruộng nước bát ngát. Một nhà sư mang chiếc áo cà sa màu nâu quen thuộc. Nhìn thì quen quen nhưng giữa một nơi xa lạ, tôi không dám lên tiếng bằng tiếng Việt. Tôi đoán đấy có thể là một nhà sư vùng Đông Á. Thầy Huyền Diệu khi đó thì đoán tôi là du khách Nhật. Phải qua mấy câu đối đáp tiếng Anh thì người Việt mới nhận ra người Việt, thầy trò khi ấy mới nhận ra mình cùng chung ngôn ngữ.

Đã mười lăm năm sau lần gặp ấy. Bây giờ là ngày mùng 4 Tết Bính Tuất, tức ngày 1-2-2006, ngồi ôn lại chuyện cũ, thầy Huyền Diệu vẫn nói rằng tôi là người đầu tiên "phát hiện" ra chùa Việt Nam ở đất Phật. Không đâu thầy ơi, châu Mỹ vẫn tồn tại ở đó, nếu không có ông Colombus thì cũng sẽ có người khác phát hiện ra. Tôi đùa lại. Quả là sau chuyến gặp thầy ở Việt Nam Phật Quốc Tự năm 1991, tôi có viết bài bút ký Đất Phật ở Ấn Độ, in trên báo Giác Ngộ, rồi in ở Văn Nghệ. Bài viết nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước, dẫn đến việc rất nhiều đoàn Phật tử hành hương và du khách đến với chùa Việt Nam trong suốt mười lăm năm qua. Thầy Huyền Diệu là người cầu toàn, dự định chỉ khi nào xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ quần thể chùa chiền thì mới thông báo cho mọi người đến chiêm bái. Nếu không bị tôi "phát hiện" ra, chắc rằng thầy vẫn im lặng nhiều năm nữa.

Thầy Huyền Diệu xa nước từ năm 1969, bởi vì thầy tham gia phong trào chống kỳ thị đàn áp tôn giáo của chính quyền Sài Gòn thời đó, tình hình căng thẳng đến mức đe dọa tính mạng. Sang Pháp du học, đỗ tiến sĩ sử học ở Đại học Sorbonne danh tiếng, thầy lại tìm đường đến đất Phật Ấn Độ, tâm nguyện một ngày sẽ làm cho Phật giáo Việt Nam hiện diện tại chốn linh thiêng này. Thì đây, ngôi chùa Việt Nam mười mấy năm trước tôi thấy mới bắt đầu khởi công, giờ đây là cả một quy mô rộng lớn.

Vườn cây lưu niên năm nào mới cao ngang đầu người, bây giờ đã vươn cao um tùm như rừng. Cây lên cao đến mức che khuất cả ngôi chùa cao ngất, che cả tòa nhà bề thế mấy chục căn phòng. Con kênh và ruộng lúa nước thầy tự tạo nay cũng đã được san lấp, trở thành rừng cây. Nơi ruộng nước tôi từng lội xuống hái rau muống bị đỉa bám chân, nay đã mọc lên mấy chục loại cây cỏ đất Việt, hoặc những cây liên quan đến đời Phật. Bước vào đến lãnh địa chùa Việt Nam, lập tức ta được một không gian thanh tịnh yên bình bao bọc. Một thế giới khác hẳn quần thể chùa chiền các nước ở bên ngoài kia.

Khu vực chùa chính, chùa Đại Giác Ngộ (Maha Boddhi), nơi có cây bồ đề của Đức Phật, có pho tượng Phật đúng tư thế ngồi hướng về phía đông khi Người giác ngộ, có những dấu tích Người lưu lại bảy tuần đầu tiên sau khi hoàn chỉnh hệ thống tư tưởng của mình... Đầu tháng hai, trong chùa và cả trong trấn, hàng nghìn người Tây Tạng hành hương theo mùa, sắc áo cà sa làm đỏ rực không gian. Đố ai tìm ra một chỗ rất nhỏ để được tĩnh tọa thiền định một mình. Vài chục ngôi chùa mang kiến trúc độc đáo của vài chục nước đã và đang trở thành khách sạn thành nhà trọ. Đoàn đoàn lũ lũ du khách Âu Á đang phá tan cảnh thanh bình mà tôi được thụ hưởng ở Boddhgaya từ mười mấy năm trước. Không còn là chốn bình yên nữa, du khách đến và ném lại lon nước chai nước, ném lại túi ny lông và mọi thứ rác rưởi. Những cái ao và ruộng nước đen ngòm bốc mùi vì rác. Chỉ còn có Việt Nam Phật Quốc Tự là ngôi chùa hiếm hoi giữ được môi trường, hơn thế lại là một cánh rừng um tùm không khí thanh sạch. Vì sao ư? Phải đánh đổi, hoặc là chùa sạch đẹp, hoặc là cho du khách đến thuê ở, chùa có tiền, nhưng bài học của hai chục ngôi chùa khác luôn luôn trước mắt. 

Mừng cho chùa ta, thầy Huyền Diệu có ý thức về không gian Phật giáo thanh bình bất khả xâm phạm. Nhưng ai đã chứng kiến một xứ Phật giác ngộ dưới gốc bồ đề chỉ hơn mười năm trước còn đơn sơ trong lành, nay ô nhiễm mà không khỏi hoài niệm? Buồn là buồn cho cả một thánh địa, nhưng một khi rút hẳn về trong quần thể chùa Việt Nam, thì ai cũng được thụ hưởng không khí an lành và cảm thấy rõ ràng được lánh hẳn nơi trần tục.


Giấc mơ không tưởng đã thành sự thật

Xứ Boddhgaya bây giờ đã có sân bay - lại thêm một điều mới mẻ so với trước. Từ Hà Nội hoặc Sài Gòn, du khách có thể đi máy sang Băng Cốc, từ đó bay thẳng sang Gaya (cách Boddhgaya có 8 km) bằng máy bay của Indian Airlines. Nhưng ở Hà Nội, hàng không Thái vẫn nói với khách là không có chuyến bay thẳng sang Gaya, nếu như vậy ta buộc phải bay sang Kolkata, một chặng đi vòng, vừa tốn tiền vừa tốn sức tốn thời gian hơn nhiều.

Dành một ngày thăm Boddhgaya, chúng tôi được thầy Huyền Diệu thuê xe ô tô đưa đến ga Hajipur, đoạn đường hơn 100 km, rồi lên tàu đi khoảng hơn năm tiếng đồng hồ thì đến Gorakhpur, một địa danh mà bất cứ ai muốn đi thăm viếng nơi Phật nhập niết bàn đều phải quá cảnh. Từ đây, lúc một giờ sáng, lại thuê một chiếc xe ô tô kiểu Land Cruiser đi xuyên qua biển mây mù về phía biên giới với Nepal. Làm thủ tục xuất cảnh ở đồn biên phòng cửa khẩu Sonauli lúc bốn giờ, chúng tôi về đến chùa Việt Nam ở xứ Lumbini (Lâm Tì Ni) lúc năm giờ sáng.

Trong bóng đêm thâm u của vùng núi Nepal, nhiệt độ xuống dưới 10°C, không ai không xúc động khi nhìn thấy cổng chùa Việt Nam, nhìn thấy những tượng hình uy nghi của chính điện, của các tòa nhà văn phòng và cư xá trong một dinh cơ lớn. Ban mai ửng hồng, rồi một ngày nắng đẹp, toàn bộ khuôn viên Việt Nam Phật Quốc Tự sáng bừng lên. Nhìn sang bên tả bên hữu, chùa Thiếu Lâm Trung Quốc, chùa Tây Tạng do người tha hương ở Đức sang xây, chùa Hàn Quốc gần đó, chùa Thái Lan, Miến Điện, Nhật Bản xa xa... Trong cả cộng đồng những ngôi chùa phô phang kiến trúc đặc trưng các dân tộc, chùa Việt Nam vẫn nổi lên tính hài hòa quần thể và bản sắc riêng.
 

Từ trên cao nhìn xuống chiếc cầu hình bản đồ Việt Nam trong khuôn viên VN Phật Quốc tự

Giống như ở chùa Việt Nam bên xứ Bồ Đề Đạo Tràng, chính điện chùa ở đây cũng có ba pho tượng Phật bằng gỗ mít, tượng hình Phật ở hiện tại, quá khứ, và vị lai. Ở gian trong có bàn thờ những bậc chân tu qua các thời đại, đối diện với bàn thờ anh hùng liệt sĩ qua mọi thời đã hy sinh vì Tổ quốc. Từ chính điện ở trên cao nhìn xuống sẽ thấy ngay chính giữa khuôn viên chùa là một cây cầu bắc trên một hồ nước hoa sen hoa súng. Cây cầu này đặc sắc ở chỗ nó uốn lượn mang hình bản đồ Việt Nam, nếu bước chân lên đấy, ta có thể tìm thấy địa phận tỉnh thành quê hương mình. Cũng từ chính điện nhìn xuống sẽ thấy ở góc trái là ngôi chùa Một Cột bề thế, kích cỡ có lẽ phải gấp đôi chùa Một Cột nguyên bản ở Hà Nội. Gấp đôi, cho nên chùa Một Cột ở đây dáng vẻ uy nghi bề thế.

Ta có thể đã đọc cuốn sách của thầy Huyền Diệu viết về việc xây một chiếc cầu Việt Nam cho người dân Nepal ở vùng Lâm Tì Ni, từ nay mùa lũ người địa phương qua suối mà không lo bị cuốn trôi như dạo trước. Ta có thể đã biết thầy Huyền Diệu là người hoạt động không mệt mỏi vì môi trường, đã bảo vệ đàn chim hồng hạc trong cả vùng, nhưng phải tận mắt nhìn thấy những con chim hồng hạc trong vườn chùa mới cảm hết những nỗ lực. Con hồng hạc nhỏ, cha mẹ đã bị rắn cắn chết, ngày ngày cặm cụi kiếm ăn trong lạch nước góc chùa, tối tối nghe tiếng chó sói tru lên quanh chùa thì tự chui vào chuồng bảo vệ, trông như một tấm màn chống muỗi rộng khoảng mười mét vuông. Con hồng hạc lớn thì chó sói cũng phải sợ, mỗi khi thấy bóng thầy Huyền Diệu đi về am cỏ tranh ở góc chùa là hồng hạc đi theo, lảng vảng quanh am cỏ, thậm chí chui vào trong am, tinh nghịch dùng mỏ gỡ kính mắt của nhà sư đang nằm nghỉ trên võng.

Là chủ tịch Hội đồng Phật giáo Thế giới ở xứ Lumbini (di sản văn hóa thế giới của UNESCO), thầy Huyền Diệu dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục ban quản lý toàn xứ dời những hộ dân ra xa quần thể chùa chiền, dời khu chợ và hàng quán cách xa khu chùa 4 km. Như vậy Lumbini tránh được nguy cơ ô nhiễm môi trường mà xứ Boddhgaya đang phải gánh chịu.

Ngôi chùa thờ bà Maya ở khu di tích Lumbini


Phải đi dạo khắp vùng Lumbini mới thấy hết những nỗ lực của nhà sư người Việt. Chiều muộn, ta đến thăm quần thể di tích nơi Đức Phật ra đời, thăm hồ nước mà bà Maya Devi, thân mẫu của Phật đã tắm trước khi sinh, thăm cột đá hoàng đế Ashoka ghi lại rành rành dấu tích Phật đản... Rồi bước chân ra khỏi khu di tích, dạo bước giữa vùng hồ rộng lớn và những rừng cây trải ra xa tít, đấy là lúc cảm nhận sâu sắc cái ý nghĩa thiên đường. Thanh bình nữa. An lạc nữa. Dường như ở nơi tận cùng thế giới, nơi góc khuất của dãy Himalaya, ta được nếm trải giây phút thanh sạch hiếm hoi mà khó nơi nào trên thế gian này có thể cho ta được.

Tôi đã viếng thăm Boddhgaya cả thảy năm lần. Lumbini thì đây mới là lần thứ hai. Năm 1992, toàn bộ vùng Lumbini xung quanh di tích Phật ra đời chỉ là một cánh đồng hoang vu, cỏ lau trắng toát trải ra bất tận. Có chỗ đầm lầy phải đi vào bằng thuyền. Tôi đứng giữa ngàn lau, có chút hoài cổ, nơi linh thiêng từng có những thiền viện Phật giáo buổi hoàng kim giờ trắng bạc lau sậy thế này đây. Lúc đó làm sao tưởng tượng ra mười bốn năm sau mình được đứng giữa một vùng đất thiêng hồi sinh, lồng lộng hai chục ngôi chùa cao vút. Cả xứ Lumbini, đến cả nhà vua Nepal giờ vẫn nhắc công thầy Huyền Diệu, người đầu tiên đến dựng chùa Việt Nam cho các nước khác tiếp bước mà đến mở mang theo. Không chỉ là giáo xứ, nơi đây bây giờ thực sự là một Liên Hiệp Quốc Phật tự. "Tôi muốn tri ân nơi đã sinh cho thế giới một vĩ nhân", thầy nói với nhà vua Nepal. Rồi thầy Huyền Diệu, vị tiến sĩ sử học Sorbonne, được phép thuyết trình trước nghị viện Nepal, bậc tu hành không lánh đời biết lựa lời trước một đối tượng thực tế: "Xin hãy hình dung, mỗi năm chỉ riêng xứ Lumbini có một triệu người ngoại quốc đến hành hương, mỗi người tiêu ít nhất 100 đô la, chỉ một quận nhỏ vậy thôi đã thu về cho đất nước 100 triệu đô la".

Bạt ngàn lau trắng đã phải lùi bước trước nhà sư Việt Nam. Người tiên phong đi mở đất ở Lumbini, phát quang cánh đồng, rắn hổ mang to như bắp chân bỏ chạy hàng đàn. Hàng đàn sói bỏ chạy vào rừng, đêm đêm mò ra tru lên nhớ vùng đất cũ. Dựng lều bạt đốt lửa xua thú. Đào móng, xây nền. Một ngôi chùa dựng lên. Những ngôi chùa dựng lên. Cả một xứ Lumbini được tái thiết. Một phép lạ. Một sự màu nhiệm.

Năm 1994, chia tay thầy ở Bồ Đề Đạo Tràng, chùa ở xứ Ấn khi ấy còn ngổn ngang, chính điện chưa xây được, rừng cây mới cao ngang đầu người, thầy lại bảo đang có kế hoạch xây một chùa nữa ở Nepal. Nhiều người từng bảo thầy là Mr. Utopia (ngài Không Tưởng). Lúc ấy tôi cũng đùa gọi thầy là ngài Không Tưởng. Trời ơi, xây cái chùa xứ Ấn còn chưa xong, thầy đã lo chuyện xa xôi, vươn sang tận Nepal làm gì. Mười hai năm sau trở lại, cả hai ngôi chùa đều đã thành hình, giấc mơ không tưởng đã thành sự thật. Nhưng tôi vẫn mang tặng thầy bản dịch cuốn sách của Thomas More, nhà văn Anh từ thế kỷ XVI, tên tiếng Anh là Utopia, tên tiếng Việt là Địa đàng trần gian. Cả hai khái niệm đều đúng với thầy Huyền Diệu và những gì thầy đã làm trên hai thánh địa Phật giáo.

Thầy Huyền Diệu mời các nhà văn Việt Nam lúc nào thu xếp được thì đến hai nơi này ngồi mà viết. Như một hình thức trại sáng tác mà các nhà văn ta hay tổ chức. Một thứ Writer-in-Residence mà các nhà văn nước ngoài hay làm. Cá nhân tôi mong sẽ có những tháng ngồi viết như vậy. Tôi đã chứng kiến chùa Boddhgaya khi còn là một sinh linh trứng nước, giờ đã lớn cao vạm vỡ trưởng thành. Tôi đã biết Lumbini khi chùa Việt Nam còn chưa có dấu hiệu ra đời, giờ lại cũng đã kịp bề thế trưởng thành. Nhờ sự màu nhiệm.

Thầy Huyền Diệu bảo: Nhờ hồn thiêng sông núi.

H.A.T






 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Người lau kính (28/04/2014)
Bến yên (24/04/2014)
Gió heo may (27/03/2014)